Thứ Tư, Tháng 4 16, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Sơn Trà, vùng đất cuối sông Hàn, gối đầu thềm lục địa vịnh Đà Nẵng, cực phát triển bên bờ biển Đông



ĐNA -

(Đà Nẵng). Như Tạp chí Đông Nam Á đã có bài viết về hoạt động.Chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (28/3/1930 – 28/3/2025) và 50 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 – 29/3/2025), trong những ngày tháng 3 này, Trung tâm Văn Hóa Thông Tin và Thể Thao Sơn Trà đã mở cửa không gian trưng bày chuyên đề “Sơn Trà, Xưa và Nay” tại Nhà Trưng bày Tác phẩm nghệ thuật Quận Sơn Trà (Số 2 Vũ Văn Dũng, phường An Hải Nam, quận Sơn Trà).

Tìm hiểu về lịch sử vùng đất, con người Sơn Trà, trả lời câu hỏi: Sơn Trà có tự bao giờ ? hay cái tên Sơn Trà xuất hiện trong các ghi chép, trong sử sách từ khi nào ? ; những tên gọi (địa danh) của vùng đất này ? từ khi nào, chỉ gọi là Quận III mà không gọi là Sơn Trà ? …. Luôn luôn bật lên trong suy nghĩ của những ai quan tâm đến vùng đất “bên tê sông” nói riêng, của Đà Nằng, nói chung.

Vịnh Mân Quang – Sơn Trà ngày nay. Ảnh: T.Ngọc

Quận Sơn Trà ngày nay, là địa bàn của Khu Đông – Sông Đà và Quận III trước đây. Nằm ở phía Đông của thành phố Đà Nẵng, Sơn Trà trải dài theo hạ lưu hữu ngạn sông Hàn. Toạ độ địa lý từ 16o4’51” đến 16o9’13” vĩ độ Bắc, 108o5’34” đến 108o18’42” kinh độ Đông. Quận có 3 mặt giáp sông, biển. Phía Bắc và Đông giáp Biển Đông, phía Tây giáp Vũng Thùng (vịnh Đà Nẵng) và sông Hàn, phía Nam giáp phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn).

Lịch sử về vùng đất nằm cuối sông Hàn, gối đầu lên thềm lục địa của Vũng Thùng (tức vịnh Đà Nẵng), nơi từ thế kỷ XVI-XVI, đã được giới thương nhân châu Âu biết đến, trên hải trình vận chuyển hàng hóa. Sử chép vào năm 1633, triều đinh nhà Nguyễn cho phép các chủ hàng Bồ Đào Nha (như Ngài Abraham Duijker), được lập “thương điếm buôn bán”.

Tàu buôn của Pháp vào trong vịnh Đà Nẵng (En rade de Tourane) tránh gió. Ảnh  chụp năm 1911, trong bộ sưu tập của các nhà hàng hải Pháp.

Thế kỷ sau, vào năm 1749, doanh nhân Pièrre Poivre sau khi đến vũng Thùng tìm hiểu khả năng giao thương, trao đổi hàng hóa (với xứ Đàng Trong), cũng mong muốn lập một kho chứa hàng trên bờ, mở rộng kinh doanh sang vùng Đông Nam Á. Những ghi chép đã trở thành “chính sử” này khẳng định rằng, vùng đất mà ngày nay có tên gọi là Sơn Trà, đã có quá trình hình thành, bồi đắp và phát triển hàng trăm năm rồi.

Tập lịch sử đảng bộ quận Sơn Trà (1930-2015), sau nhiều lần hiệu chỉnh, lấy ý kiến, vừa được Ban chấp hành Đảng bộ quận Sơn Trà chính thức thông qua năm 2024,  cho biết:

  Những tiên dân “Nam tiến” của Đại Việt, thế hệ tiền nhân khai phá các vùng đất đầu tiên, ở phía Nam, thực tế, đã có mặt ở vùng đất Sơn Trà (sau này khi có địa danh chính thức, thì gọi là vùng Đông Giang thuộc huyện Diên Phước), từ thời nhà Trần. Nhưng nhiều hơn, đông hơn nhất, vẫn là từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn đất Quảng Nam năm 1558. Năm 1602, chúa Nguyễn đặt ra dinh Quảng Nam, năm 1604 thăng huyện Điện Bàn thành phủ Điện Bàn và huyện Diên Phước (một huyện thuộc phủ Điện Bàn), vùng Đông Giang (Sơn Trà sau này) thuộc huyện Diên Phước.

Cũng kể từ khi chúa Nguyễn vào xứ Đàng Trong cho đến năm 1945,  vùng Đông Giang có đến 8 làng lớn. Trong đó, Làng Cổ Mân do các vị tiên tổ họ Phan và họ Trương khai canh. Làng Mân Quang giáp với chân núi Sơn Trà, được hình thành từ khá sớm từ các xứ Vĩnh Yên và Bà Chờ vào thế kỷ XV đời vua Lê Thánh Tông, do tiền hiền của các tộc Lê, Trần, Võ, Thái, Nguyễn, Đinh khai canh khai cư, đến năm 1868 mới thành lập xã hiệu Mân Quang.

Tranh vẽ Đà Nẵng 1860. Đây là phiên chợ tạm của người Pháp và Tây ban Nha ở vùng tạm chiếm trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Chợ tạm được hình thành chỉ trong vòng hơn một năm, khi liên quânPháp –Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng vào năm 1858… Bức tranh cho thấy những người buôn bán ở chợ này là người châu Âu và một vài người Trung Hoa. Hàng hóa rất ít dường như là khoáng sản, lâm sản quý, ngọc trai…. Dòng chữ (chú thích) cho biết: Chợ giữa cồn cát ở Tourane, theo bản phác thảo của M.Co…, sĩ quan hải quân. Nguồn: https://hinhanhvietnam.com/.

Thế kỷ XX, cư dân các xã Đông Giang lần lượt được bổ sung từ các tỉnh phía Bắc vào năm 1954, theo chính sách di dân của Ngô Đình Diệm, theo đó có nhiều khu định cư được hình thành như Nại Nghĩa, (Nại Hiên Đông), Thọ Vinh, Thọ Thành (Thọ Quang), An Cư (An Hải Đông) và một số bà con ngư dân thuộc tỉnh Quảng Nam tản cư ra.

Tài liệu lịch sử (nhất là ghi chép của các Giáo sĩ đến Đà Nẵng, các thủy thủ đoàn, hải quân Anh, Liên Xô (cũ) cho thấy, sự hiện diện của vị thế vùng đất (sau này là Sơn Trà) đã có từ thập niên những năm 1610. Năm 1793, Macartney – một người Anh, đã đến Đà Nẵng và chỉ rõ hơn về Vịnh và – Hải cảng Đà Nẵng. Đến lượt người Nga (đi trên chiếc tàu Rạng Đông) chạm cửa ngõ Đà Nẵng (năm 1909), trong tâm trạng lo âu vì “Chúng tôi bị sóng tròng trành mạnh”. Nhưng cũng vì thế “chúng tôi rất vui mừng khi được nghỉ ngơi trong vịnh được che chắn 4 bề bằng núi. Con tàu chúng tôi dừng gần hòn đảo Tiên Chà (tức Sơn Trà)”.

Những dẫn liệu trên cho thấy vị trí chiến lược của cảng Đà Nẵng, cũng như vùng đất Khu Đông – Sông Đà, nay là Sơn Trà trong lịch sử Việt Nam. Khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Sơn Trà là 1 trong 7 quận, huyện của thành phố.

Vị trí chiến lược của Vũng Thùng (tức Vịnh Đà Nẵng) và núi Sơn Trà được các vua chúa Việt Nam và các nhà quân sự của phương Tây đặc biệt chú trọng. Vua Minh Mạng luôn quan tâm phòng bị đất nước và nhấn mạnh đến vị trí chiến lược của Vũng Thùng: “Nay trẫm chế tạo tàu đồng là muốn giữ những chỗ yếu hại ven biển, làm xưởng chứa sẵn đấy, để lúc có việc dùng đến. Vả lại chỗ yếu lại không đâu bằng vụng Trà Sơn”. Sau này, một viên tướng của Pháp cũng cho rằng: “Trong dải đất nhỏ hẹp đó (miền Trung), thì “Touranne” (Đà Nẵng) rất đáng giá về quân sự. Đà Nẵng là hải cảng và là căn cứ hải quân và không quân quan trọng. Vì thế, Đà Nẵng là điểm giữa, điểm phòng thủ chiến lược, kiểm soát đường biển, đường bộ và đường hàng không của toàn miền Trung Đông Dương. Bản thân của “Touranne nhỏ” rất dễ bảo vệ và rất khó bị tấn công hoặc bị đánh chiếm, vì một phía là biển, hai phía là núi. Đèo Hải Vân và núi Sơn Trà là những cao điểm thiên nhiên quý giá bảo vệ cho Đà Nẵng”.

Vị trí tiền tiêu của Sơn Trà qua không ảnh Xưa. Ảnh bên trái, Sơn Trà nằm ở phía hữu ngạn.

Do vị trí quan trọng về quân sự, các vua đầu nhà Nguyễn từ Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức luôn tăng cường hệ thống phòng thủ tại Sơn Trà. Tuyến phòng thủ tại Đà Nẵng được xây dựng từ thời vua Gia Long đến Tự Đức với nhiều sức người sức của, thường xuyên tăng cường quân đội và vũ khí bố phòng mới tạo nên hệ thống phòng thủ “liên hoàn” cho Đà Nẵng mà Vũng Thùng và núi Sơn Trà là những điểm chiến lược tiêu biểu. Các điểm phòng thủ tại Đà Nẵng thời các vua Nguyễn gồm: tấn Đà Nẵng, tấn Cu Đê, thành Điện Hải, thành An Hải (thuộc địa phận quận Sơn Trà hiện nay, điểm chế ngự lối vào cửa sông Hàn). Bên cạnh đó có đài phong hỏa, pháo đài Định Hải, pháo đài Phòng Hải, 7 bảo Trấn Dương trên núi Sơn Trà.

Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng đã xây dựng nhiều cơ sở quân sự, đồn trú tại Quận III và núi Sơn Trà: Khu đồn trú của liên quân Pháp – Tây Ban Nha (1858-1860), quân đội Mỹ xây dựng hệ thống rada hiện đại trên núi Sơn Trà nhằm phục vụ trong việc đánh phá của không quân, hải quân đối với miền Bắc Việt Nam, Lào và khu vực Biển Đông. Ngày 6-5-1965, Mỹ thành lập Bộ Tư lệnh lực lượng lính thủy đánh bộ số 3 (III.MAF) với sở chỉ huy đóng tại Sơn Trà. Hiện nay, trên đỉnh núi Sơn Trà vẫn đặt hệ thống rada, phục vụ nhu cầu quân sự và dân sự của thành phố Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.

Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, mặc dù bị địch kiểm soát gắt gao, nhưng Sơn Trà vẫn là hậu cứ quan trọng của phong trào cách mạng Khu Đông và Đà Nẵng nói chung, như: căn cứ Mom Nở của Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng từ năm 1954 đến năm 1958; Lực lượng vũ trang, cán bộ, nhân dân Quận III và Thành ủy Đà Nẵng đều trú ẩn tại núi này để đi lại hoạt động.

Cây Đa Sơn Trà – Di sản Việt Nam (trên đỉnh Sơn Trà). Nơi đây là căn cứ địa của nhiều lực lượng, từ biệt động, dân quân tự vệ, du kích quân trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Ảnh: T.Ngọc.

Đầu thế kỷ 20, chính quyền thuộc địa Pháp đã xây dựng một tuyến đường sắt từ cảng Tiên Sa chở hàng thẳng vào Hội An dọc theo bờ biển. Con đường sắt này bị phế bỏ sau cơn bão năm Bính Thìn (1916). Dấu tích con đường này trên địa bàn quận Sơn Trà đến nay vẫn còn khá rõ.

 Năm 1952, thực dân Pháp làm chiếc cầu mang tên Thống chế (Maréchal) De Lattre De Tassigny (Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh kiêm Cao ủy Pháp ở Đông Dương), tên gọi quen thuộc (âm Việt) là  Đờ-lát (De Lattre). Cầu Đờ-lát là cầu đường sắt nhưng có lỗi 2 bên cho bộ hành và phương tiện thô sơ; sau 1975, cầu này tiếp tục được cải tạo, gia cố rồi được nâng cấp dần thành cầu đường bộ và mang tên mới là cầu Trần Thị Lý.

Cầu De Lattre nối hai bờ sông Hàn ở khu vực An Trung qua phường Hòa Thuận cùng với một con đường trải đá từ đảo Sơn Trà vào đến cây cầu trên. Thời chống Mỹ, để phục vụ cho nhu cầu cuộc chiến tranh, đế quốc Mỹ làm thêm một chiếc cầu song song với chiếc cầu Đờ-lát, lấy tên là cầu Trịnh Minh Thế (sau 1975 là cầu Nguyễn Văn Trỗi). Cùng với việc làm cầu, họ làm một con đường bê tông nhựa lòng đường rộng 10 mét từ cảng nước sâu vào đến xã Điện Ngọc của huyện Điện Bàn (theo con đường xe lửa cũ).

Cầu De Lattre De Tassigny (được khởi công xây dựng năm 1951) trở thành cây cầu đầu tiên nối bờ đông và bờ tây sông Hàn. Ảnh tư liệu.

Quốc Sử quán triều Nguyễn đã đề cập đến núi Sơn Trà trong sách Đại Nam nhất thống chí như sau: “Ở cách huyện Diên Phước 32 dặm về phía Đông, hình thế chót vót cao chục tầng mây, mây mù tự đấy mà ra, cây cối um tùm, … nếu mây đặc phủ trên đỉnh núi thì mưa, người địa phương thường trông thấy mà chiêm nghiệm. Phía đông liền biển, phía đông nam có một hòn núi tiếp liền trông xa như hình sư tử, tục gọi là Hòn Nghê. Phía tây có hòn Mỏ Diều, có pháo đài Phòng Hải ở đây, phía bắc là núi Cổ Ngựa, đối nhau với hòn Ngự Hải đứng sững ở cửa biển. Phía tây cửa biển là vũng Trà Sơn, là chỗ trú ẩn cho tàu thuyền.

Từ xưa, nhiều nhà hàng hải khi đến Đà Nẵng đều chú ý đến núi Sơn Trà và họ gọi đây là “Núi Khỉ”. Năm 1825, Bá tước Bougainville cùng thủy thủ đoàn của chiếc Thétis ghé Đà Nẵng, ông không bỏ qua cơ hội để chiêm ngưỡng một loài khỉ đẹp, có bộ lông xám, chân đỏ tại đây (tức loài voọc ngũ sắc). Núi Sơn Trà còn có loại mật ong tốt, một bộ phân nhân dân tại đây đã hành nghề lấy mật qua nhiều đời.

Núi Sơn Trà án ngữ phía đông bắc thành phố Đà Nẵng, nhìn ra Biển Đông, rất thuận lợi cho việc ngăn, chắn gió, bão đổ vào Đà Nẵng và bảo vệ thuyền bè ra vào an toàn. Thế núi là điểm tựa làm tiền tiêu chống giặc ngoại xâm, là vọng gác cả trên bộ và trên không, là vị trí chiến lược về quân sự không chỉ cho Đà Nẵng mà cho cả vùng đất xứ Quảng.

Núi Sơn Trà án ngữ phía đông bắc thành phố Đà Nẵng, ngay cả khi thời tiết xấu, thuyền bè vẫn ra vào an toàn. Ảnh: T.Ngọc.

Quận III – bên tê sông
Nhiều độc giả quan tâm rằng, chính xác từ khi nào, Quận Sơn Trà (hiện nay) được gọi là Quận III ? Câu trả lời là vào tháng 10-1955, khi chính quyền Sài Gòn thành lập Thị xã Đà Nẵng, với 3 quận với 18 khu phố. Quận III gồm 9 khu phố: An Hải, Mân Quang, Cổ Mân, Nam Thọ, Mỹ Khê, Phước Trường, Nại Hiên Đông, Tân Thái và Nhượng Nghĩa), đến tháng 10/1962, theo Thông báo số 106-HC của Tòa Thị chính Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng có 26 khu phố, trong đó 8 khu phố thuộc quận III (An Hải, Mân Quang, Nam Thọ, Mỹ Khê, Phước Trường, Nại Hiên Đông, Tân Thái, Ngượng Nghĩa). Đến ngày 6/1/1973, theo Nghị định số 06/CHDP/NĐ, thị xã Đà Nẵng có 19 phường, trong đó quận III có 7 phường: Nam Thọ, Mân Quang, Nại Nghĩa, Mân Thái, Phước Mỹ, An Hải Bắc, An Hải Nam.

Sau ngày miền Nam giải phóng, theo chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 30-8-1977, Chính phủ ra Nghị quyết số 228/TTg, về việc sáp nhập Quận I, Quận II và Quận III thành lập thành phố Đà Nẵng trực thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Ngày 10-2-1978, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng ra quyết định sáp nhập các Quận I, II, III thành thành phố Đà Nẵng, với 28 phường. Khu vực III (quận Sơn Trà hiện nay) gồm 8 phường: An Hải Tây, An Hải Bắc, Nại Hiên Đông, Mân Thái, Phước Mỹ, Thọ Quang, Bắc Mỹ An và An Hải Đông.

Ngày 6/11/1996, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó có quyết định thành lập thành phố Đà Nẵng, trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương kể từ ngày 1-1-1997. Ngày 23-1-1997, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 7/1997/NĐ-CP, về thành lập đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Đà Nẵng.

Diện mạo Sơn Trà đổi thay ngay từ những năm đầu thập niên 2010. Ảnh: T.Ngọc

Thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương gồm có 7 đơn vị hành chính: Các quận Hải Châu, Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn; huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa; với 47 phường, xã. Quận Sơn Trà được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 7 phường An Hải Tây, An Hải Bắc, An Hải Đông, Nại Hiên Đông, Mân Thái, Phước Mỹ, Thọ Quang (thuộc Khu vực III, thành phố Đà Nẵng cũ – cắt phường Bắc Mỹ An về quận Ngũ Hành Sơn). Quận Sơn Trà có 63,39 km² diện tích tự nhiên và 96.756 nhân khẩu, gồm 7 phường. Địa giới hành chính quận Sơn Trà: Đông và Bắc giáp biển Đông; Tây giáp quận Hải Châu; Nam giáp quận Ngũ Hành Sơn.

Đây là thời kỳ mở đầu cho việc xây dựng Đà Nẵng thành một trung tâm kinh tế trọng điểm miền Trung, quận Sơn Trà là một trong những trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ vào ra của ven biển miền Trung, có vị trí quan trọng về kinh tế, quốc phòng – an ninh.

Từ vùng đất nghèo, lạc hậu, giao thông cách trở (trước năm 2000, từ quận I (Hải Châu) và quận II (Thanh Khê, Liên Chiểu) sang quận III (Sơn Trà) và ngược lại, chỉ duy nhất bằng phương tiện đò ngang, hay đi Phà (Phà ngang sông Hàn). Về đường bộ, chỉ dựa vào 2 cây cầu nhỏ là Trần Thị Lý và Nguyễn Văn Trỗi. Năm 2000, cầu sông Hàn – cây cầu đầu tiên của phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm trên địa bàn Đà Nẵng, nối liền Hải Châu với Sơn Trà. 9 năm sau, Đà Nẵng có thêm cầu bắt qua vịnh Đà Nẵng, cầu Thuận Phước. Sơn Trà đạt được những chỉ số phát triển ngoạn mục, nhất là hạ tầng đô thị và du lịch kể từ năm 2010.

Sơn Trà xứng đáng là cực phát triển động lực, nằm ở vị trí cửa ngõ biển Đông, không chỉ riêng Đà Nẵng. Trong hình, ảnh trái chụp năm 2014, ảnh phải, chụp năm 2024.Tốc độ đô thị hóa (trong 10 năm) ở vùng đất “bên tê sông Hàn”, thật đáng kinh ngạc. Ảnh: T.Ngọc. 

Đến nay, nối hai bờ đông tây sông Hàn, nối quận trung tâm Hải Châu với quận Sơn Trà có đến 4 cây cầu: cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý (chưa tính cầu Tuyên Sơn nối Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn với Hải Châu – Cẩm Lệ), tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn, đặt những nền móng phát triển mới cho Sơn Trà.

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 – 29/3/2025), nhìn chặng đường kể từ khi thành phố Đà Nẵng, trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương kể từ ngày (1/1/1997), tạp chí Đông Nam Á trân trọng chia sẻ cùng độc giả, lịch sử một vùng đất nằm cuối sông Hàn, gối đầu lên thềm lục địa của Vũng Thùng, vùng đất từng được gắn với “định kiến” chậm phát triển, lạc hậu. Ở Đà Nẵng, có thời, người dân nói lái rằng “dân bông tê sên”, hàm ý nói “dân bên tê sông”, dân quận III, nhà quê, không biết chi …

Ngày nay, sự phát triển của Sơn Trà là đáng kinh ngạc./.

Và nhiều thế hệ đã tìm đến với không gian trưng bày chuyên đề “Sơn Trà, Xưa và Nay” để hiểu hơn về sự đổi thay trên quê hương Sơn Trà. Ảnh: Nguyễn Hiền.

Trần Ngọc