Một vệt nước nhỏ từ hệ thống điều hòa bị tắc trên toa tàu metro Cát Linh – Hà Đông đã trở thành cái cớ để một số người thổi phồng sự cố kỹ thuật thành khủng hoảng chính trị, công kích chính quyền và gieo rắc tâm lý bài Trung. Khi hoang tưởng được ngụy trang dưới vỏ bọc “phản biện xã hội”, những lời góp ý cần thiết dần bị lấn át bởi định kiến và thù hằn, đẩy lòng tin công cộng đến bờ rạn nứt.

Những bàn phím được vung lên như lệnh khởi binh, và một sự cố kỹ thuật đơn lẻ nhanh chóng bị thổi phồng thành “bằng chứng sống động” để một số người thi nhau tẩy chay cả hệ thống giao thông công cộng hiện đại đầu tiên của Thủ đô. Không dừng lại ở đó, họ tiện tay quy chụp, công kích chính quyền, và như một thói quen cũ kỹ, lại lôi “mối quan hệ với Trung Quốc” ra làm cái cớ để khơi dậy tâm lý bài Trung.
Tàu có sự cố là điều không ai phủ nhận. Một vệt nước nhỏ giữa mùa hè không phải chuyện nên xem nhẹ. Nhưng từ một vết nước mà suy diễn thành “biểu tượng của thất bại quốc gia”, thì đấy không còn là phản biện mà là hoang tưởng. Hoang tưởng rằng mình đang “giác ngộ chân lý”, rằng chỉ mình thấy được sự thật ẩn giấu sau những nỗ lực xây dựng hạ tầng, rằng cả xã hội đang bị “lừa dối” và chỉ nhờ mình “vạch mặt” mới tìm ra chân tướng. Và như thế, người ta tự phong cho mình vai trò người hùng, trong khi lại đang vô tình hay cố ý khoét sâu vào lòng tin cộng đồng.
Phản biện xã hội là cần thiết. Nhưng khi phản biện biến thành tấn công có chủ đích, bôi đen tất cả chỉ từ một giọt nước, thì đó là dấu hiệu của định kiến, không phải ý thức công dân. Bởi lẽ, bất kỳ hệ thống giao thông công cộng nào trên thế giới, từ Tokyo, Paris đến London cũng từng xảy ra sự cố. Tàu điện ở Tokyo từng trễ giờ do động đất, hệ thống tàu ở London từng phải dừng hoạt động vì cháy toa, nhưng người dân không vì thế mà đòi phá bỏ cả hệ thống, càng không vin vào đó để kết luận “thất bại toàn diện”.
Có người nói: “Tàu của Trung Quốc làm, không tin được.” Câu nói ấy không sai ở mặt cảm xúc, nhưng sai ở chỗ đánh đồng xuất xứ với chất lượng. Trong khi cùng một lúc đó, điện thoại, quần áo, đồ gia dụng của hàng triệu người lại đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Sự lựa chọn hợp tác là kết quả của đàm phán, của chiến lược phát triển. Và quan trọng hơn, chất lượng cuối cùng được quyết định bởi vận hành, kiểm định, chứ không phải bởi sự phán xét cảm tính trên mạng xã hội.
Cũng thật trớ trêu khi sự cố lại diễn ra vào đúng ngày 19/5, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, người suốt đời đấu tranh vì độc lập dân tộc và văn minh xã hội. Vậy mà có người lại chọn ngày ấy để phát tán luận điệu xuyên tạc, mỉa mai công trình mang ý nghĩa cải thiện cuộc sống người dân. Có phải vì họ muốn biến sự cố kỹ thuật thành sự kiện chính trị? Hay chỉ đơn giản là một cơ hội để trút ra những bất mãn cá nhân, bất chấp hậu quả cộng đồng?
Tuyến metro Cát Linh – Hà Đông không hoàn hảo. Nhưng hãy nhìn nhận nó với sự công bằng cần thiết. Từ khi đi vào hoạt động, nó đã giúp giảm ùn tắc, rút ngắn thời gian di chuyển, giảm phát thải khí độc hại, những điều mà hàng chục năm qua chúng ta vẫn trăn trở tìm giải pháp. Một hệ thống vận hành hàng trăm chuyến mỗi ngày, phục vụ hàng ngàn người, thì việc thỉnh thoảng có sự cố nhỏ là điều không thể tránh khỏi. Điều đáng ghi nhận là đơn vị vận hành đã ngay lập tức lên tiếng, kiểm tra, sửa chữa và tiếp tục phục vụ người dân, đó mới là tinh thần trách nhiệm.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà tiếng nói cá nhân được khuếch đại nhờ công nghệ. Nhưng điều đó cũng đi kèm với một trách nhiệm lớn hơn: trách nhiệm phân biệt giữa phản biện và phá hoại, giữa xây dựng và kích động. Một người công dân trưởng thành không phán xét toàn bộ bức tranh chỉ từ một vệt mực nhỏ, càng không lấy một giọt nước để phủ định cả con đường dài hàng chục năm nỗ lực.
Bởi lẽ, nếu chỉ chăm chăm soi mói vào những điểm chưa hoàn thiện, ta sẽ mãi mãi bỏ lỡ tiến trình của sự phát triển. Và nếu cứ nhìn mọi nỗ lực qua lăng kính nghi kỵ và thù hằn, thì cái “dột” không còn là ở toa tàu, mà là trong chính tư duy của một bộ phận công chúng.
Hãy bình tĩnh. Hãy góp ý nếu thấy sai sót. Nhưng đừng để sự hoang tưởng dẫn dắt, ngụy trang dưới cái tên “phản biện xã hội”, để rồi tự tay phá vỡ những giá trị mình đang thụ hưởng. Giọt nước có thể nhỏ, nhưng lòng tin bị đánh rơi thì khó mà tìm lại. Và điều đáng tiếc nhất, không phải là sự cố trên toa tàu, mà là sự cố trong chính lòng người.
Minh Anh/nguồn MXH