Di sản Hán Nôm được hình thành và lưu giữ trên vùng đất Thừa Thiên Huế, là nguồn di sản đặc trưng của mảnh đất Cố đô, trải qua nhiều biến thiên của thời cuộc, do những biến động của lịch sử, và do cả phương pháp bảo quản chưa đúng cách và thời tiết khắc nghiệt, loại tài liệu quý giá này đã và đang đứng trước nguy cơ mất mát, hư hỏng nghiêm trọng. Vì vậy, việc đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Hán Nôm là hết sức cần thiết.
Trước thực trạng và nhu cầu cấp thiết đó, từ năm 2009, dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị để thực hiện việc sưu tầm, số hóa và phát huy giá trị tư liệu Hán – Nôm trên địa bàn toàn tỉnh. Qua công tác điền dã, khảo sát, có thể nhận thấy vẫn còn nhiều tư liệu Hán – Nôm nằm rải rác trong các gia đình, dòng họ, đình thờ, cơ sở tôn giáo… được người dân hết sức coi trọng, xem đó như là bảo vật tinh thần linh thiêng, được bảo quản, thờ phụng tôn nghiêm, cẩn trọng. Ngoài một số thất lạc, hư hỏng do chiến tranh, thiên tai, đã có không ít tư liệu Hán – Nôm quý bị mối mọt, hủy hoại đáng tiếc vì không có điều kiện và phương pháp bảo quản đúng cách. Trước tình hình đó, Thư viện đã tham mưu cho các cơ quan cấp trên xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện.
Ngày 21/2/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 508/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt kế hoạch sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán – Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020 – 2024”.
Quá trình thực hiện, sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị di sản tư liệu Hán – Nôm trong suốt 15 năm qua đã bổ sung được một số lượng rất lớn tài liệu Hán – Nôm quý, đây là nguồn dữ liệu quan trọng phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế… của địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Đồng thời dưới sự phối hợp với các đơn vị liên quan, các chủ sở hữu tư liệu Hán – Nôm trong quá trình thực hiện Kế hoạch, công tác tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa, giá trị của nguồn tư liệu Hán – Nôm đã được đẩy mạnh, tạo ra hiệu ứng về mặt xã hội, nâng cao ý thức giữ gìn di sản Hán – Nôm của người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện
Để có cơ sở triển khai các hoạt động, giai đoạn 2020 – 2024, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã ban hành hàng loạt kế hoạch, văn bản liên quan để thực hiện (1).
Ngoài việc ban hành các Kế hoạch triển khai công việc cụ thể hàng năm, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã chủ động có các văn bản phối hợp với các đơn vị, địa phương cũng như đề xuất Sở Văn hóa và Thể thao xem xét điều chỉnh một số nhiệm vụ trong kế hoạch sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán – Nôm giai đoạn 2020 – 2024 để phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo cho quá trình triển khai thực hiện.
Công tác khảo sát, điền dã
Để thực hiện có hiệu quả công tác số hóa tư liệu Hán – Nôm, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã chủ động tham mưu Sở Văn hóa và Thể thao ban hành các văn bản phối hợp với chính quyền địa phương như Phòng Văn hóa và Thông tin; Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao; UBND các xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế để thực hiện công tác khảo sát, điền dã và tìm kiếm nguồn tư liệu Hán – Nôm trên địa bàn.
Trong quá trình triển khai, các địa phương đã quan tâm và tạo điều kiện để đơn vị tổ chức các buổi làm việc nhằm phổ biến chủ trương, chính sách của tỉnh, ngành về mục đích, ý nghĩa của Kế hoạch sưu tầm, số hóa và phát huy giá trị tư liệu Hán – Nôm trên địa bàn đến các tư gia, dòng họ, làng, chủ sở hữu tài liệu Hán – Nôm trên địa bàn; phối hợp và thực hiện các nghi lễ truyền thống trước khi tiến hành công tác số hóa tư liệu Hán – Nôm, tiêu biểu là tổ chức tại các làng: làng Phù Bài, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy; làng Nguyệt Biều, phường Thủy Biều, thành phố Huế; làng An Dương, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang; làng Thủy Yên, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc; Làng Phú Ốc, phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà.
Công tác số hóa tư liệu Hán – Nôm
Sau khi thực hiện công tác khảo sát, điền dã nguồn tư liệu Hán – Nôm trên địa bàn, đơn vị đã triển khai công tác số hóa tài liệu Hán – Nôm với những kết quả cụ thể như sau:
Năm 2020, thực hiện khảo sát, số hóa tư liệu Hán – Nôm tại 18 làng của 4 xã với 116 họ tộc thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế với 22.224 trang tương ứng 666 đầu tư liệu, gồm các loại Sắc phong, chế phong, gia phả, văn tế, bằng cấp, địa bạ, văn bản hành chính, hương ước, văn cúng và các loại tài liệu khác.
Năm 2021, tiến hành khảo sát tư liệu Hán – Nôm tại 98 làng tại 15 xã, thị trấn thuộc các huyện: Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua đó, đã tiến hành số hóa tư liệu tại 26 làng với 187 họ tộc ở 4 huyện và 2 tư gia ở thành phố Huế với 53.316 trang tương ứng với 1.181 đầu tư liệu, gồm các loại: Sắc phong, gia phả, văn tế, bằng cấp, địa bạ, văn bản hành chính, hương ước, văn cúng.
Năm 2022, tiến hành số hóa tư liệu Hán – Nôm tại 18 làng của 03 phường thuộc thành phố Huế, 02 xã thuộc huyện Phú Vang được 17.967 trang tương ứng 321 đầu tư liệu của 71 họ tộc.
Năm 2023, triển khai công tác khảo sát, điền dã tư liệu Hán – Nôm tại 03 làng và một phủ đệ của 04 phường thuộc thành phố Huế, qua đó đã thực hiện số hóa tại 03 làng với 12 họ tộc với 11.230 trang tương ứng với 176 đầu tư liệu, gồm các loại: Sắc phong, gia phả, văn tế, bằng cấp, địa bạ, văn bản hành chính, hương ước, văn cúng và các loại tài liệu khác.
Năm 2024, đã triển khai công tác khảo sát, điền dã và sưu tầm tư liệu Hán – Nôm tại 02 huyện Phong Điền và Quảng Điền với 08 xã (Phong An, Phong Chương, Phong Hiền, Phong Mỹ, Phong Sơn, Quảng Lợi, Quảng Thái, Quảng Vinh). Thực hiện số hóa tư liệu được 25.610 trang tư liệu tương ứng 584 đầu tư liệu.
Như vậy, trong giai đoạn 2020 – 2024, Thư viện đã số hóa được 130.845 trang tư liệu tương ứng 2.866 đầu tư liệu. Nâng tổng số trang tư liệu Hán – Nôm thực hiện số hóa từ năm 2009 đến nay là hơn 452.108 trang tư liệu tương ứng với 5.971 đầu tư liệu ở 222 làng, 1.058 họ tộc và 22 phủ đệ, 04 tư gia.
Tư liệu Hán – Nôm được số hóa đều là văn bản gốc và đa dạng với nhiều chất liệu, loại hình tài liệu khác nhau với nội dung phong phú, có giá trị ở nhiều lĩnh vực như: văn bản học, lịch sử – văn hóa, phong tục, tập quán…
Công tác hướng dẫn, tập huấn bảo quản, tu bổ tư liệu Hán – Nôm
Trên cơ sở kết quả số hóa tư liệu Hán – Nôm giai đoạn 2020 – 2024, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin; Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao; UBND các xã tổ chức các lớp tập huấn cho các chủ sở hữu tài liệu Hán – Nôm trên địa bàn về phương pháp bảo quản, tu bổ, phục chế tài liệu, cụ thể là:
Năm 2021, tổ chức tập huấn bảo quản cho các chủ sở hữu tại 4 xã thuộc 02 huyện Quảng Điền và huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế với số lượng hơn 100 học viên là đại diện các chủ sở hữu tài liệu Hán Nôm ở các địa phương.
Năm 2022, tổ chức tập huấn, bảo quản cho các chủ sở hữu tại các huyện Phong Điền, huyện Phú Vang, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế với gần 200 học viên tham gia.
Năm 2023, tổ chức tập huấn, hướng dẫn phương pháp bảo quản, tu bổ, phục chế tài liệu tại thành phố Huế cho các chủ sở hữu với gần 70 học viên tham gia.
Ngoài ra, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã tổ chức 03 lớp tập huấn cho đội ngũ viên chức, người lao động làm công tác thư viện trong hệ thống các thư viện công cộng, thư viện các trường đại học, cao đẳng, thư viện trường học, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện, thị xã, thành phố… các tủ sách cơ sở, hệ thống bảo tàng trên địa bàn tỉnh về công tác bảo quản, tu bổ, phục chế tài liệu Hán – Nôm; cử một số viên chức của đơn vị tham gia tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực về công tác bảo quản, tu bổ, phục chế tài liệu nhằm đáp ứng các nhiệm vụ trong hoạt động bảo quản, phục chế tư liệu Hán – Nôm.
Công tác phân loại và biên mục tư liệu
Từ kết quả sưu tầm, số hóa tư liệu Hán – Nôm, Thư viện đã thực hiện phân loại các loại hình tư liệu, biên mục lên hệ thống phần mềm Emiclib nhằm đáp ứng nhu cầu tìm kiếm và khai khác cho người sử dụng với kết quả như sau:
Ứng dụng công nghệ thông tin
Căn cứ nội dung của Kế hoạch, Thư viện Tổng hợp tỉnh tiến hành trang bị phần mềm Quản lý Thư viện điện tử tích hợp Emiclib dựa trên những nền tảng công nghệ mới và phù hợp với xu thế phát triển chung của ngành Thư viện; đảm bảo các tiêu chuẩn nghiệp vụ cũng như đáp ứng hầu hết nhu cầu khởi tạo và khai thác các dữ liệu của thư viện. Các tư liệu Hán – Nôm mà đơn vị đã tiến hành số hóa đã được phân loại, nhập dữ liệu, biên mục trên hệ thống phần mềm, đáp ứng yêu cầu về quản lý, tra cứu và khai thác dữ liệu phục vụ bạn đọc.
Việc lựa chọn các thiết bị, công nghệ trong công tác số hóa đóng vai trò quan trọng nhằm khởi tạo các nguồn tài nguyên thông tin điện tử đảm bảo hiệu quả, chất lượng. Đơn vị đã tiến hành bổ sung, trang bị một số thiết bị phù hợp, đáp ứng công tác số hóa, xử lý và lưu trữ tài liệu như: hệ thống thiết bị lưu trữ dữ liệu, 02 bộ máy ảnh, 03 máy tính xách tay; 01 máy scan khổ lớn độ phân giải cao; các hệ thống giá đỡ và các vật tư phục vụ cho công tác số hóa, bảo quản và phát huy giá trị tư liệu Hán – Nôm.
Tu bổ, phục chế tài liệu Hán – Nôm
Nhằm thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị tư liệu Hán – Nôm, Thư viện đã triển khai công tác phục chế tài liệu trên bản gốc tại các tư gia, dòng họ trên địa bàn các huyện Phú Vang và Phú Lộc. Trong quá trình thực hiện công tác phục chế, đơn vị đã thực hiện theo các quy trình, tổ chức phân loại, đánh giá mức độ hư hỏng của tư liệu để đưa ra hướng xử lý phù hợp. Đồng thời tiến hành đánh giá, lựa chọn các tài liệu có giá trị để tiến hành in, phục chế phục vụ công tác trưng bày, triển lãm, quảng bá giá trị tài liệu Hán – Nôm, mà cụ thể là:
Năm 2021, tuyển chọn, in phục chế nguyên gốc (bản số hóa) được 30 sắc phong quý hiếm của 02 huyện Phú Lộc, Phú Vang.
Năm 2022, tuyển chọn, in phục chế nguyên gốc (bản số hóa) được 30 sắc phong của 02 huyện Phong Điền và Quảng Điền và 273 bằng cấp.
Năm 2023, tuyển chọn, in phục chế nguyên gốc (bản số hóa) được 30 sắc phong của thị xã Hương Thủy và Hương Trà, 1.548 trang sách Hán -Nôm.
Năm 2024, xây dựng kế hoạch tuyển chọn, in phục chế nguyên gốc (bản số hóa) được 60 sắc phong Hán – Nôm của thành phố Huế và huyện Quảng Điền, Phong Điền.
Công tác quảng bá và phát huy giá trị
Để phát huy giá trị nguồn tư liệu Hán Nôm mà đơn vị đã tiến hành sưu tầm, số hóa trong thời gian vừa qua, bên cạnh việc tổ chức các hoạt động xử lý, biên mục tài liệu quản lý trên phần mềm, tổ chức hoạt động trưng bày, triển lãm sau khi phục chế; tổ chức hội thảo khoa học…, Thư viện còn chú trọng đến việc lựa chọn tài liệu có giá trị, biên dịch và xuất bản các ấn phẩm nhằm quảng bá, phát huy giá trị tài liệu Hán – Nôm và kết quả đã xuất bản được một số ấn phẩm có giá trị cao.
Trong năm 2021, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán – Nôm ở Thừa Thiên Huế”. Tại Hội thảo đơn vị đã nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham gia. Nhiều bài tham luận đã nêu và làm rõ vai trò, giá trị của các loại hình tư liệu; đánh giá những thực trạng khó khăn cũng như những đề xuất để tiếp tục thực hiện tốt công tác sưu tầm, bảo quản và phát huy nguồn tư liệu này trong thời gian tới. Trong năm 2021, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh biên soạn ấn phẩm“Bằng cấp quan chức triều Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế” giới thiệu 270 văn bản công của bộ Binh, bộ Lại và các quan Tổng đốc, Tuần Phủ…
Năm 2022, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành tuyển dịch, biên soạn, in ấn và phát hành ấn phẩm “Văn thư – Đơn từ Hán Nôm các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế”. Ấn phẩm gồm 205 các loại văn bản hành chính về văn thư – đơn từ của làng, xã, người dân đệ trình lên các cấp chính quyền, cũng như các họ tộc, cá nhân làng xã gửi lên triều đình…
Năm 2023, Thư viện tiếp tục tiến hành tuyển dịch, biên soạn, in ấn và phát hành ấn phẩm “Hương ước các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế” được lựa chọn gồm 67 bản hương ước tiêu biểu, có giá trị phục vụ cho việc nghiên cứu về làng xã, là nguồn tài liệu hữu ích để kế thừa, phát huy giá trị di sản Hán – Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Công tác nghiệm thu, phân tích đánh giá, khảo nghiệm kết quả
Nhằm đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch Sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tài liệu Hán – Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020 – 2024, hàng năm đơn vị đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu nhằm phân tích đánh giá, khảo nghiệm kết quả thực hiện để ghi nhận ý kiến phản hồi của Hội đồng và các chuyên gia về kết quả thực hiện. Qua đó, giúp đơn vị điều chỉnh, triển khai phù hợp, góp phần thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đề ra.
Một số thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai kế hoạch
Về thuận lợi:
Có thể nói, trong quá trình triển khai Quyết định số 508/QĐ-UBND ngày 21/02/2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc “Phê duyệt kế hoạch sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán – Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020 – 2024”, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, của lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, lãnh đạo các đơn vị liên quan; sự quan tâm, phối hợp của các địa phương trên địa bàn tỉnh tạo nên sự đồng thuận, thống nhất cho quá trình thực hiện Kế hoạch. Bên cạnh đó, nhờ có sự phối hợp của các đơn vị địa phương nên công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến chủ trương của UBND tỉnh, sở, ngành liên quan về công tác sưu tầm, số hóa, bảo tồn và phát huy giá trị tư liệu Hán – Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến các chủ sở hữu tài liệu Hán Nôm diễn ra thuận lợi, giúp đơn vị triển khai có hiệu quả công tác sưu tầm, số hóa tài liệu Hán Nôm. Vai trò của cộng đồng cũng hết sức quan trọng, đa phần các chủ sở hữu tài liệu Hán – Nôm ở các dòng họ, tư gia trên địa bàn đã phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị tổ chức các nghi lễ truyền thống, tiếp cận tài liệu phục vụ công tác số hóa nguồn tài liệu Hán – Nôm.
Về Khó khăn, hạn chế và nguyên nhân
Trong 2 năm đầu (2020-2021) triển khai công tác điền dã, sưu tầm, số hóa tài liệu Hán Nôm, do sự tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và thời tiết trên địa bàn diễn biến phức tạp gây khó khăn trong việc khảo sát, số hóa tài liệu. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, đơn vị đã khắc phục những khó khăn để triển khai các hoạt động, đảm bảo yêu cầu của Kế hoạch đề ra.
Trong quá trình khảo sát, sưu tầm và số hóa tư liệu Hán – Nôm tại các dòng họ, tư gia, phủ đệ… một số tài liệu Hán Nôm quý bị xuống cấp nghiêm trọng như: sắc, chế, chiếu, dụ, gia phả, các loại văn bản hành chính… gây khó khăn trong việc xác định những thông tin cơ bản về tài liệu; nội dung, hình ảnh sao chụp không còn nguyên vẹn, nhiều tài liệu hư hỏng nặng không thể phục hồi. Nguyên nhân của tình trạng trên do thiếu phương pháp bảo quản, người dân còn mang nặng tính tâm linh, việc lưu giữ các tài liệu chưa đúng cách nên gây khó khăn trong công tác kiểm tra tình trạng tài liệu, không phát hiện kịp thời những hư hỏng; một số chủ sở hữu lo ngại sợ mất mát và chưa hiểu được tầm quan trọng của công tác bảo quản, lưu giữ tài liệu; một số tài liệu hư hỏng, xuống cấp một phần, khi phát hiện cũng phải mất nhiều thời gian để đưa ra các quy trình xử lý kỹ thuật tối ưu trước khi thực hiện công tác số hóa, dẫn đến nhiều bất cập và khó khăn trong công tác này.
Bên cạnh đó, một số làng có sự thay đổi trưởng làng, các ban chức sắc ở địa phương trong quá trình khảo sát và triển khai số hóa nên đôi lúc các quy trình thực hiện công việc này gặp khó khăn và gián đoạn. Ở một số nơi còn xảy ra tình trạng ngôi thứ, vị thế giữa các họ tộc nên việc triển khai việc số hóa còn gặp nhiều khó khăn.
Nhân lực trực tiếp phục vụ công tác sưu tầm, điền dã đòi hỏi phải có kinh nghiệm thực tiễn tại địa phương, nhất là đối với công tác vận động, tuyên truyền để các chủ sở hữu hiểu ý nghĩa của công tác bảo tồn giá trị di sản Hán – Nôm và đồng ý cho việc tiếp cận, số hóa; công tác dịch thuật các nguồn tư liệu đòi hỏi phải có chuyên gia, người phải am hiểu về ngôn ngữ Hán – Nôm cũng như hiểu biết về lịch sử, văn hóa, địa chí của từng địa phương nên công việc đôi lúc còn bị động. Bên cạnh đó, nhân lực của đơn vị tham gia công tác sưu tầm, số hóa tài liệu còn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên khác tại đơn vị nên cũng gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp.
Một số kiến nghị và đề xuất
Qua 05 năm thực hiện Quyết định số 508/QĐ-UBND ngày 21/02/2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi tài liệu Hán – Nôm giai đoạn 2020 – 2024, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã thực hiện số hóa tài liệu ở nhiều địa phương, tuy nhiên ở một số địa phương, cơ sở vẫn còn tư liệu Hán – Nôm chưa được khảo sát, sưu tầm, số hóa như ở huyện Phong Điền, huyện Phú Vang… Vì vậy, Thư viện Tổng hợp tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu Kế hoạch trình cơ quan cấp trên về việc triển khai sưu tầm, số hóa tư liệu và phát huy giá trị nguồn tư liệu Hán – Nôm tại một số địa phương còn lại. Đồng thời, lựa chọn, tuyển dịch các thể loại tư liệu Hán – Nôm đã số hóa để in ấn phẩm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập và phát huy giá trị nguồn di sản Hán – Nôm.
Rất cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cho người dân về ý nghĩa, giá trị văn hóa, lịch sử, xã hội… của nguồn tư liệu Hán – Nôm; huy động người dân, cộng đồng tham gia công tác lưu giữ, bảo tồn và phát huy di sản tư liệu Hán – Nôm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cần tiếp tục triển khai công tác hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục chế cho các chủ sở hữu tư liệu Hán – Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; tổ chức tập huấn nâng cao về công tác bảo quản, tu bổ, phục chế tư liệu cho viên chức đang công tác trong lĩnh vực thư viện, bảo tàng, đơn vị quản lý tại các cơ quan, đơn vị.
Về lâu dài, nguồn nhân lực chất lương cao là hết sức quan trọng. Cần đầu tư để tiếp tục đào tạo chuyên sâu cho bộ phận làm công tác số hóa, tu bổ, phục chế, dịch thuật nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nguồn tư liệu Hán – Nôm, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo quản, xử lý, phục chế tư liệu; liên kết, hợp tác với các tổ chức, cá nhân nhằm trau dồi, học hỏi kinh nghiệm; tiếp cận và ứng dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại trong quản lý, lưu trữ và khai thác sử dụng để dần hình thành bộ sưu tập tài liệu số và phát huy giá trị của kho tài liệu Hán – Nôm.
ThS. Hoàng Thị Kim Oanh/Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế
Chú thích
1.Kế hoạch số 09/KH-TVTH ngày 23/3/2020 của Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế về việc sưu tầm, bảo quản, phục hồi, số hóa tài liệu Hán – Nôm làng xã và tư gia tại tỉnh T.T.Huế giai đoạn 2019 – 2024; Kế hoạch số 109/KH-TVTH ngày 25/8/2020 của Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế về việc sưu tầm, số hóa tài liệu Hán – Nôm tại một số làng, xã, tư gia tại huyện Phú Lộc năm 2020; Kế hoạch số 147/KH-TVTH ngày 26/10/2020 của Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế về việc sưu tầm, số hóa tài liệu Hán – Nôm tại một số làng, xã, tư gia tại huyện Phú Lộc năm 2020. Kế hoạch số 102/KH-TVTH ngày 17/8/2021 về triển khai công tác sưu tầm, số hóa tư liệu Hán – Nôm đợt 1, năm 2021; Kế hoạch số 138/KH-TVTH ngày 08/10/2021 về triển khai công tác tập huấn kỹ năng bảo quản tại nguồn cho các chủ sở hữu tư liệu Hán – Nôm năm 2021; Kế hoạch số 143/KH-TVTH ngày 13/10/2021 về việc xây dựng cơ sở dữ liệu Hán – Nôm đã số hóa giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2018 vào phần mềm Quản lý thư viện điện tử tích hợp; Kế hoạch số 165/KH-TVTH ngày 03/11/2021 về việc tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán – Nôm ở Thừa Thiên Huế”; Kế hoạch 191/KH-TVTH ngày 08/12/2021 về việc in ấn phẩm “Bằng cấp quan chức triều Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế”. Kế hoạch số 64/KH-TVTH ngày 13/4/2022 về việc tiếp tục sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán – Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Kế hoạch số 108/KH-TVTH ngày 10/6/2022 về việc tiếp tục triển khai công tác tập huấn kỹ năng bảo quản tại nguồn cho các chủ sở hữu tư liệu Hán – Nôm; Kế hoạch số 163/KH-TVTH ngày 29/9/2022 về việc in ấn phẩm “Văn thư – Đơn từ Hán Nôm các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế”; Kế hoạch số 169/KH-TVTH ngày 04/10/2022 về việc phục chế, sắc phong, chế phong chiếu nguyên gốc trên chất liệu giấy dó tại các địa phương; Kế hoạch số 196/KH-TVTH ngày 08/11/2022 về việc tập huấn kỹ năng bảo quản tu bổ phục chế tư liệu Hán – Nôm tại Thư viện Tổng hợp tỉnh năm 2022; Kế hoạch số 216/KH-TVTH ngày 28/11/2022 về việc tổ chức hội nghị, triển lãm sơ kết 02 năm sưu tầm, số hóa tư liệu Hán – Nôm và trao giấy chứng nhận cho các chủ sở hữu. Kế hoạch số 29/KH-TVTH ngày 21/3/2023 về sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tài liệu Hán – Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023; Kế hoạch số 81/KH-TVTH ngày 28/6/2023 về tập huấn công tác bảo quản, tu bổ phục chế tài liệu Hán Nôm năm 2023; Kế hoạch số 94/KH-TVTH ngày 02/8/2023 về phục chế sắc phong, chế phong, chiếu nguyên gốc trên giấy dó; Kế hoạch số 133/KH-TVTH, ngày 22/9/2023 về in ấn phẩm “Hương ước các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế”; Kế hoạch số 158/KH-TVTH ngày 03/11/2023 về tập huấn kỹ năng bảo quản, tu bổ, phục chế tư liệu Hán Nôm tại Thư viện Tổng hợp tỉnh; Kế hoạch số 205/KH-TVTH ngày 11/12/2023 về phục chế tư liệu sách Hán – Nôm nguyên gốc trên chất liệu giấy dó; Kế hoạch số 216/KH-TVTH ngày 18/12/2023 về triển khai công tác tập huấn kỹ năng bảo quản, tu bổ, phục chế tại nguồn cho các chủ sở hữu tư liệu Hán – Nôm. Kế hoạch số 50/KH-TVTH ngày 14/3/2024 về sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tài liệu Hán – Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024; Kế hoạch số 141/KH-TVTH ngày 16/9/2024 của Thư viện Tổng hợp tỉnh về phục chế sắc phong, chế phong nguyên gốc trên chất liệu giấy dó năm 2024; Kế hoạch số 185/KH – TVTH ngày 25/11/2024 của Thư viện Tổng hợp tỉnh tổ chức hội đồng nghiệm thu, phân tích đánh giá, khảo nghiệm kết quả năm 2024 về sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán – Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020 – 2024; Công văn số 183/TVTH-NVCN ngày 21/11/2024 của Thư viện Tổng hợp tỉnh về việc đề nghị ban hành Kế hoạch tổng kết sưu tầm, số hoá, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán – Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020 – 2024.