Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Suy ngẫm về “Nói và Làm” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

ĐNA -

Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, người viết nhớ không lầm là khoảng năm 1987, trên báo Nhân dân có chuyên mục “Những việc cần làm ngay” của tác giả N.V.L, viết tắt tên của vị cố Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng CSVN, Nguyễn Văn Linh, người đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc thiết kế đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước ta. N.V.L gắn liền những việc Đảng cần làm ngay nhưng cũng làm cho ta liên tưởng đến chữ viết tắt của cụm từ “Nói và Làm” mà vị cố Tổng Bí thư đáng kính của chúng ta là người luôn gương mẫu trong việc nói đi đôi với làm, một tính cách cần thiết, đáng quý của người cộng sản chân chính. Trong cuộc sống, có một chân lý mà ai cũng dễ thấy là sống trên đời này để lời nói đi đôi với việc làm thật không dễ, nhưng đối với những ai, đặc biệt là người Đảng viên cộng sản, làm được “điều không dễ” này, sẽ nâng cao uy tín và sức sống của Đảng.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1 tháng 7 năm 1915 – 27 tháng 4 năm 1998)

Hiện nay, khi mà các phương tiện thông tin đại chúng có mặt mọi lúc mọi nơi, mà chúng ta rất dễ bắt gặp, được thấy, được nghe những khẩu hiệu, những lời nói, những hình ảnh mỗi ngày. Những sự việc người thật, việc thật cũng không thoát ra ngoài sự nhận biết của chúng ta. Và thế là, dù muốn hay không muốn, chúng ta cũng buộc lòng phải thấy sự khập khiễng, độ vênh giữa lời nói và việc làm đang diễn ra quanh mình.

Đơn cử chuyện hàng ngày, chúng ta luôn nghe nói đến quyết tâm bài trừ vấn nạn tham nhũng. Thế nhưng, tham nhũng vẫn cứ tồn tại một cách “dai dẳng”, nó “có mặt” trên mọi lĩnh vực, mọi cấp, mọi nơi. Cấp sai phạm không dừng lại ở cán bộ thường thường bậc trung mà cả cấp trung ương. Đi ra đường phố thấy xe cộ chạy lộn xộn không theo luật lệ nào cả, lề đường, vỉa hè bị lấn chiếm, hàng hóa bày ra choán hết vỉa hè…, chúng ta hoang mang tự hỏi Nghị định về lập lại trật tự giao thông đâu rồi? Mật độ dày đặc của cảnh sát giao thông trên đường cũng không làm giảm bớt bao nhiêu những ách tắc sau những “tháng hành động”, “tuần lễ ra quân…. Nạn đua xe của một bộ phận thanh thiếu niên gây nhức nhối bao năm nay, sau rất nhiều lời hứa hẹn “kiên quyết chấm dứt” vẫn diễn ra như trêu ngươi; các loại thư tay, điện thoại riêng “đề nghị chiếu cố, nương nhẹ” vẫn tồn tại sau mỗi lần bị công an bắt giữ người, xe vẫn cứ diễn ra ngày này qua tháng nọ.

Chúng ta vẫn nghe câu khẩu hiệu khá phổ biến: “Chính quyền của dân, do dân, vì dân”, câu nói hay đó bị sao nhãng khi những kiểu hẹn lần lữa không có hồi kết thúc như thử thách lòng kiên nhẫn khi người dân đến nơi công quyền, gặp phải những bộ mặt lạnh tanh, những câu trả lời nhát gừng và những kiểu đùn đẩy hồ sơ của người dân hết phòng này, ban nọ sang phòng ban khác. Kết quả là đơn thư khiếu nại tăng lên, năm này qua năm khác, rồi dẫn đến tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài…

“Lương y như từ mẫu”, câu khẩu hiệu gặp ở mọi bệnh viện, trên thực tế liệu đã làm yên lòng bệnh nhân chưa? Chắc chắn là chưa. Thế nên không ít người bệnh, khi chẳng may phải lên bàn mổ, hay gặp bệnh hiểm nghèo, đều phải cố gắng bằng mọi cách để kín đáo bỏ vào phong bì, rồi tìm kiếm cơ hội tiếp cận vị “lương y như từ mẫu” kia để mà nài nỉ, khẩn khoản họ nhận cho “tấm lòng thành” với mặc cảm của người có lỗi.

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã từng căn dặn: “Giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình…”. Và trên thực tế, rất nhiều nơi “quán triệt” nhiều về câu khẩu hiệu nay nhưng tình trạng mất đoàn kết, đấu đá nội bộ, tố cáo nặc danh vẫn xảy ra ở đây đó. Thế nhưng, trong báo cáo tổng kết cuối năm, chi bộ, Đảng bộ nào cũng đều nói tốt cả, đoàn kết, dân chủ và thực hiện tốt việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Trên cương vị là cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vẫn luôn đóng góp hết mình cho sự phát triển chung của đất nước. (Nguồn: Gia đình cung cấp)

Có thể liệt kê dài dài những khập khiễng giữa lời nói và việc làm. Nào “Sống và làm việc theo pháp luật”, nào là “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” v.v… Nhưng thực tế là vẫn phổ biến là lời nói không đi đôi với việc làm (hay rất khó đi đôi với làm). Nó đã trở thành một căn bệnh mãn tính, ăn sâu vào xương cốt. Vì vậy, một khi đã biết được căn bệnh đó, những người có trách nhiệm phải biết cùng nhau đi tìm ra phương thuốc hữu hiệu hơn nữa để trị tận gốc căn bệnh đó, không để “di căn”. Nhưng chắc chắn là không thể dùng lời nói, khẩu hiệu suông mà có thể chữa khỏi được.

Thực tế là, các Nghị quyết của Trung ương đã không ít lần chỉ ra rất rõ những khuyết điểm trong Đảng mang tính nguy cơ, cần phải “cần làm ngay” trong khắc phục và chỉnh đốn, trong đó liên quan không ít đến chuyện nói chưa đi đôi với làm của một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên. Những người mà dân gian thường nói vui là “những người họ Hứa” vì họ chỉ giỏi hứa mà ít làm, hoặc những người “theo đạo Hồi” chỉ chỉ giỏi khất hẹn để trốn tránh trách nhiệm.

Hơn lúc nào hết, những Đảng viên chân chính và đông đảo quần chúng nhân dân dân vẫn hy vọng và đặt niềm tin vào Đảng nhất là nhưng chuyển biến tích cực làm nức lòng dân của Đảng về chống tham nhũng tiêu cực trong thời gian qua. Hy vọng, bộ máy của Đảng cầm quyền sẽ vững mạnh, trong sạch hơn từ Trung ương đến cơ sở, qua đó sẽ có thêm nhiều cán bộ Đảng viên nói đi đôi với, nói để dân tin, làm để dân phục, đất nước sẽ vững mạnh sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu sinh thời từng mong ước.

Diệp Dân Hùng

Tài liệu tham khảo: