Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh, không ít người cho rằng việc viết chữ đẹp hay xấu không còn quan trọng. Thế nhưng đối với nhiều người, luyện chữ đẹp không chỉ để viết đẹp mà còn góp phần rèn cho người viết tính cẩn thận, kiên nhẫn, chăm chỉ và khéo léo…
Hơn thế nữa, luyện nét chữ còn góp phần rèn tính cách mỗi con người đúng như người xưa nói “Nét chữ – Nết người”. Chữ viết có nguồn gốc lịch sử, có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội hàng ngày. Để chữ viết hình thành và phát triển như ngày hôm nay, đòi hỏi phải có nhiều người nghiên cứu, nhiều sáng tạo.
Nhận thấy tầm quan trọng của chữ viết, chữ viết đẹp, chữ thư pháp và nhằm tôn vinh, phát huy , bảo tồn các giá trị văn hoá của chữ viết. Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam đã quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chữ viết theo quyết định thành lập số 34/QĐ-TWH ngày 12/3/2021, và được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận hoạt động Khoa học Công nghệ số A – 2362 ngày 19/ 03 /2021 với nhiệm vụ sau đây:
Nghiên cứu, xây dựng các mẫu chữ viết, phương pháp viết chữ đẹp, chữ thư pháp nhằm ứng dụng vào các làng nghề vẽ, thêu tranh dân gian, các làng nghề thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm mỹ thuật có liên quan đến chữ viết. Nghiên cứu và sáng tạo các sản phẩm văn hoá và thiết bị giáo dục liên quan đến chữ viết. Tư vấn, đào tạo, phổ biến kiến thức, tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học; biên soạn tài liệu và các chương trình đào tạo trong lĩnh vực viết chữ đẹp.
Trung tâm hướng tới là một đơn vị tiên phong nghiên cứu, biên soạn và phát hành các ấn phẩm văn hoá liên quan đến chữ viết nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của chữ viết Việt.
Ngày 25 tháng 6 năm 2022 Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chữ viết đã tổ chức Lễ ra mắt, đồng thời tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề: “Ý nghĩa, tầm quan trọng của chữ viết đẹp trong xã hội đương đại”.
Đến tham dự buổi Lễ ra mắt và Toạ đàm có: Đại diện Trung ương Hội Nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á; Nhà nghiên cứu sử học Lê Văn Lan – Chủ tịch hội đồng khoa học – Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long; Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức – Nguyên lãnh đạo Sở văn hóa Thông tin Hà Nội – Chủ tịch Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long, bà Hoàng Thị Minh Hương – Phòng giáo dục tiểu học – Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và cùng các đại biểu khách mời: Đại diện các trường tiểu học, nhà xuất bản, các phóng viên các báo đài và các cộng tác viên…
Trong bài phát biểu tại Hội nghị ông Nguyễn Đức Đồng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chữ viết khẳng định: “chữ viết gắn liền với một thứ tiếng nói không thể tách rời, mà cần phải được gìn giữ bảo tồn và phát triển”. Vì vậy, đến nay Trung tâm đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu và bồi dưỡng các kỹ năng viết chữ đẹp cho các đối tượng khác nhau như: giáo viên, học sinh – sinh viên và người lao động với các hình thức trực tiếp và Online. Cụ thể, đã có hàng nghìn học viên được cải thiện tiến bộ hơn: chữ viết xấu thành đẹp, chậm thành nhanh đúng chính tả, sạch, đẹp, rõ ràng, không chỉ giúp dễ hiểu mà còn tạo thiện cảm với người đọc và trình bày một cách khoa học, nghệ thuật.
“rèn chữ là luyện tâm” nét bút là thể hiện tính cách.
Chữ viết cũng là biểu hiện của nết người. Dạy học sinh viết đúng, viết đẹp là góp phần rèn luyện cho các em tính cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ và lòng tự trọng. Ngoài ý nghĩa đó viết chữ đẹp còn nhằm tôn vinh vẻ đẹp của chữ Việt và thể hiện sự gìn giữ giá trị văn hóa Việt.
Việc rèn chữ đẹp cho các em học sinh – sinh viên đặc biệt là các em học sinh cấp Tiểu học – nơi ươm mầm cho những nét chữ đầu đời để giúp cho các em biết trân trọng mỗi chữ mình viết ra. Đó là một trong những nhân tố quan trọng làm nên thành công trong học tập và rèn luyện của học sinh. Mỗi chúng ta đều biết, chữ viết là một công cụ để giao tiếp và trao đổi thông tin, là phương tiện để ghi chép và tiếp nhận những tri thức văn hóa khoa học và đời sống. Ngày nay mặc dù có nhiều phương tiện in ấn hiện đại song chữ viết vẫn có vai trò vô cùng quan trọng đối với xã hội nhất là đối với công tác giáo dục. Vì vậy, rèn chữ viết là một việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhất là đối với học sinh tiểu học.
Minh Hòa – Gia Bảo