Thứ Hai, Tháng Năm 20, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Tản mạn về lòng yêu nước

ĐNA -

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước đã minh chứng hùng hồn cho truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc ta.

Nói như vậy không phải lòng yêu nước chỉ trỗi dậy mạnh mẽ khi vận mệnh đất nước bị đe dọa, khi quân thù ngấp nghé bờ cõi mà lòng yêu nước luôn “thường trực” trong dòng máu của mỗi con người Việt Nam. Nó thể hiện trong lao động, học tập, chiến đấu hàng ngày trên mọi lĩnh vực, từ biên cương đến hải đảo, từ thành thị đến nông thôn, miền núi đến đồng bằng. Để thể hiện lòng yêu nước không chỉ là lời nói suông, hô khẩu hiệu hoặc “chiến đấu trên bàn phím” mà là những công việc thiết thực, cụ thể từ những điều tưởng chừng là đơn giản nhất như ưu tiên dùng hàng nội, là thi đua lao động sản xuất ra nhiều của cải vật chất cho xã hội…. Có thể nêu những hành động yêu nước cụ thể để minh chứng cho điều đó.

Thứ nhất là trên lĩnh vực kinh tế, sát sườn nhất là cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hay cũng có thể là sự khẳng định mạnh mẽ bằng câu slogan: “Dùng hàng Việt Nam là yêu nước”. Đã là người Việt Nam thì phải thể hiện lòng yêu nước bằng cách ưu tiên dùng hàng Việt Nam nhiều hơn nữa. Trong những năm qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một cuộc vận động mang tính xã hội rộng lớn, mọi người, mọi nhà, mọi tổ chức, cơ quan đều tham gia như là một nhiệm vụ của tổ chức, của công dân trong xã hội thể hiện tấm lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Bác Hồ chúng ta trong thư gửi giới doanh nhân năm 1945, đã căn dặn giới doanh nhân phải sản xuất nhiều hàng hoá phục vụ nhân dân là tham gia phong trào thi đua ái quốc của toàn dân, Người cũng nói, thi đua là yêu nước, trong lúc này người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt chính là thể hiện nghĩa vụ công dân và lòng yêu nước của mình.

 Phải nhìn nhận hiện nay, dù người Việt dùng hàng Việt nhiều hơn,  chất lượng hàng Việt ngày càng được nâng cao và có uy tín cả trên trường quốc tế nhưng hiện tượng sính ngoại, ham hàng hiệu, ưa hình thức vẫn diễn ra khá phổ biến. Nó xảy ra không chỉ trong giới “nhiều tiền lắm của” như đại gia, một số người trong giới văn nghệ sỹ mà còn có cả trong tầng lớp cán bộ đảng viên. Nhiều người miệng thì nói yêu nước nhưng toàn “ưu tiên” dùng hàng ngoại để chứng tỏ mình sành điệu, đẳng cấp, trong khi có những mặt hàng do trong nước sản xuất chất lượng cũng không thua kém là bao. Như vậy quả là mâu thuẫn, là yêu nước nửa vời. Tất nhiên chúng ta không tẩy chay, bài xích hàng ngoại nhưng dù sao cũng phải ưu tiên dùng hàng nội để thể hiện lòng yêu nước một cách thiết thực.

Nói đi cũng phải nói lại, chúng ta vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thì trước hết phải tập trung sản xuất, cái tiến kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó để người Việt Nam yên tâm sử dụng hàng nội. Không nên chỉ lo tập trung nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm phục vụ xuất khẩu để vượt qua các rào cản về kiểm định, kiểm tra chất lượng của nước họ mà quên đi yếu tố phục vụ cho hàng chục triệu người dân nước mình. Nhìn ra các nước, chẳng hạn như Hàn Quốc, họ có chiến lược dùng hàng nội rất rõ ràng, người dân nước này luôn ưu tiên dùng hàng Made in Korea vì họ có niềm tin vào chất lượng sản phẩm của nước họ, có lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Trên nền tảng đó các thương hiệu nổi tiếng được sản xuất ở Hàn Quốc giờ đây đã có mặt khắp các châu lục, đủ sức cạnh tranh với các cường quốc về kinh tế như Mỹ, Nhật v.v… Hay như các nước đang phát triển  như Ấn Độ, I Ran…, họ luôn ưu tiên dùng hàng nội địa, điển hình như những chiếc xe hơi chạy trên đường, đa số là xe sản xuất trong nước…

Quay trở lại chuyện ở Việt Nam, vẫn đang có tính trạng phụ thuộc vào hàng ngoại mà không tập trung cho sản xuất trong nước. Đơn cử, nước ta là một nước nông nghiệp mà bắp còn phải nhập để sản xuất thức ăn gia súc; đường, thậm chí là muối cũng phải nhập. Thật là vô lý nhưng thực trạng đó vẫn tồn tại nhiều năm nay. Tại sao không ưu tiên đổi mới công nghệ, đầu tư kỹ thuật để người nông dân, công nhân trong nước sản xuất ra những mặt hàng chất lượng, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại mà cứ phải nhập khẩu cho dù hàng nhập, có khi giá thành còn rẻ hơn hàng nội nhưng về lâu dài là không bền vững, dẫn đến lệ thuộc về kinh tế, mà không tự chủ tự lực thì khó mà tự cường. Và tất nhiên như vậy cũng khó để “nước mạnh, dân giàu”. Người yêu nước thực sự không thể khoanh tay để lệ thuộc mãi vào bên ngoài như vậy được!

Cũng không thể gọi là yêu nước khi tiếp tay cho thương lái nước ngoài tận thu các loại nông lâm sản quý, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất độc hại trong trông trọt v.v… Vì nói một cách dân dã những người đó vô hình trung như kẻ “nối giáo cho giặc”. Do chạy theo đồng tiền mà phá hoại đất nước từ bên trong, làm cho đồng bào mình “chết dần chết mòn”,  làm lũng đoạn thị trường trong nước cũng như làm suy yếu nên kinh tế một cách âm thầm.

Cuối cùng, việc thể hiện yêu nước là không làm suy yếu đi sức mạnh của chế độ. Ai cũng biết nguy hiểm nhất hiện nay là “giặc nội xâm” mang tên “tham nhũng”. Vì vậy nên chăng có cuộc vận động “Yêu nước là không tham nhũng” vì rõ ràng, đất nước sẽ suy yếu, lòng dân sẽ không yên khi nạn tham nhũng còn “đất sống”. Nó giống như một cơ thể có sức đề kháng kém, không đủ sức để kháng lại những căn bệnh xâm nhập từ bên ngoài.  Hiện nay, giặc nội xâm tham nhũng nằm trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, như trong  Nghị quyết Đại hội Đảng XI cũng nói “một bộ phận không nhỏ Đảng viên lạm dụng chức quyền tham nhũng”, nếu không đấu tranh bảo vệ được uy tín và sự trong sạch của Đảng thì mất lòng tin của nhân dân, ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng đất nước đi lên văn mình hiện đại mà biết bao thế hệ tiền bối đã đổ xương máu gìn giữ, bảo vệ và xây dựng. Phải dũng cảm tuyên chiến mạnh mẽ, triệt để với “giặc tham nhũng”, đó mới là thể hiện lòng yêu nước một cách thiết thực nhất.

Thiết nghĩ cuộc chiến đấu này khó mấy cũng phải làm vì không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn vong của chế độ, sự trường tồn của đất nước Nói như nguyên UVTƯ Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực UBKT T.Ư Vũ Quốc Hùng thì “ Lúc này, hơn lúc nào hết, chúng ta phải đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng – kiên quyết đánh tan “giặc nội xâm”. Làm được điều này, lực ta mạnh hơn, lòng dân đoàn kết hơn.

Yêu nước là truyền thống của dân tộc Việt Nam. Để đất nước hùng cường, cần lắm hành động yêu nước thiết thực và cụ thể của mỗi công dân không phân biệt giai cấp, thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo. Sức mạnh của dân tộc có bền vững hay không phụ thuộc rất nhiều vào những hành động yêu nước cụ thể chứ không phải chỉ là nhưng lời nói “đao to búa lớn” hay là những câu khẩu hiệu đơn thuần.

Dân Hùng