(Đà Nẵng). Ngày 15/10/2024, đã diễn ra hội thảo “Thông tin du học, học bổng – đẩy mạnh hợp tác giáo dục Việt Nam – Italia” do Đại học Đà Nẵng, Tổng Lãnh sự Italia tại thành phố Hồ Chí Minh, Đại sứ quán Italia tại Hà Nội và Văn phòng Uni-Italia Việt Nam tổ chức.
Gắn kết đào tạo với thị trường giáo dục khu vực và quốc tế
“Đây là chuyến thăm và làm việc chính thức đầu tiên, của Ngài Enrico Padula – Tổng Lãnh sự Italia tại TP.Hồ Chí Minh, với Đại học Đà Nẵng, phù hợp với mong muốn của lãnh đạo Đại học Đà Nẵng là “tăng cường nắm bắt thông tin đối với lãnh đạo, cán bộ công tác mảng đào tạo, hợp tác quốc tế của Đại học Đà Nẵng; đẩy mạnh các trao đổi, nâng tầm hiểu biết lẫn nhau để triển khai các chương trình liên kết, trao đổi ngắn hạn (ví dụ học trao đổi trong 1 học kì…) giữa Đại học Đà Nẵng với các Đại học Italia.
PGS.TS Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng và Ngài Enrico Padula – Tổng Lãnh sự Italia tại TP. Hồ Chí Minh tặng quà lưu niệm, nhân chuyến thăm và làm việc chính thức đầu tiên, của Ngài Tổng Lãnh sự tại Đại học Đà Nẵng, Ảnh: T.Ngọc.
Tại các sự kiện tăng cường hợp tác và quảng bá trước đây, phía Tổng Lãnh sự Italia tại TP. Hồ Chí Minh có nhìn nhận và trao đổi rằng, với Việt Nam, khu vực phía Bắc, Nam đã có nhiều sinh viên theo học tại Italia; trong khi đó, ở miền Trung còn quá ít, có thể do việc tiếp cận thông tin. Nay thành phố Đà Nẵng nói chung, Đại học Đà Nẵng nói riêng đã và đang từng bước tăng cường, đẩy mạnh hợp tác, với ưu tiên hàng đầu là lĩnh vực giáo dục, đào tạo, trao đổi sinh viên và hợp tác trong nghiên cứu, hiện thực những mong đợi từ hai phía”, Thạc sỹ Hồ Lộng Ngọc – Phó Trưởng ban, Ban Hợp tác quốc tế, Đại học Đà Nẵng, chia sẻ.
Được biết mới đây, tại hội nghị tăng cường công tác trao đổi sinh viên quốc tế (diễn ra hôm 24/9/2024), Giám đốc Đại học Đà Nẵng, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ cũng đã chỉ đạo triển khai công tác trao đổi sinh viên quốc tế, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phát triển song hành theo hai chiều: Thu hút sinh viên quốc tế đến học tập/thực tập, trải nghiệm tại các cơ sở giáo dục thành viên Đại học Đà Nẵng; Tạo điều kiện, đưa sinh viên của Đại học Đà Nẵng ra nước ngoài để học tập/thực tập, trao đổi, qua đó gắn kết đào tạo với thị trường giáo dục khu vực và quốc tế, nâng cao uy tín của Đại học Đà Nẵng, cũng như các trường, đơn vị thành viên.
Với các đối tác Italia, đến nay, Đại học Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hợp tác với Trường Đại học Bách Khoa Milan (Polimi), Trường Đại học Brescia, Trường Đại học Bergamo, Trường Đại học Genoa. Nội dung hợp tác mang tính toàn diện, vừa trao đổi giảng viên, sinh viên, vừa đặc biệt trong phối hợp triển khai các chương trình dự án quốc tế trong khuôn khổ dự án Erasmus KA2, Erasmus KA171.
“Quan hệ hợp tác với các đối tác đại học Italia đã góp phần nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu của Đại học Đà Nẵng, chuyển thành nguồn lực quan trọng thông qua các hoạt động giáo dục, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Đại học Đà Nẵng có định hướng phát triển thành một trong ba trường Đại học Quốc gia Việt Nam, một trong ba trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học uy tín của Việt Nam có thể vươn tới tầm khu vực và quốc tế. Trong quá trình này, hợp tác quốc tế – đặc biệt là hợp tác với các trường đại học nghiên cứu đẳng cấp thế giới có vai trò then chốt. Đại học Đà Nẵng hiện đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 200 trường đại học, viện nghiên cứu trên khắp các quốc gia thành viên EU, Hoa Kỳ, Anh và Châu Á.
tín của Việt Nam có thể vươn tới tầm khu vực và quốc tế. Trong quá trình này, hợp tác quốc tế – đặc biệt là hợp tác với các trường đại học nghiên cứu đẳng cấp thế giới có vai trò then chốt. Đại học Đà Nẵng hiện đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 200 trường đại học, viện nghiên cứu trên khắp các quốc gia thành viên EU, Hoa Kỳ, Anh và Châu Á.
Đại học Đà Nẵng cũng đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Liên minh Đại học Châu Âu Ulysseus vào tháng 6 năm ngoái, và trở thành đối tác chiến lược ngoài châu Âu đầu tiên của Liên minh Ulysseus. Quan hệ đối tác này nhấn mạnh cam kết của Đại học Châu Âu Ulysseus trong thúc đẩy sự hợp tác và đổi mới toàn cầu trong giáo dục đại học.
Những nỗ lực này, góp phần xây dựng hình ảnh của Đại học Đà Nẵng như một nơi hội tụ tri thức thế giới, một điểm đến cho quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học”- PGS.TS Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, nhấn mạnh.
Italia: Quốc gia nổi tiếng với nền giáo dục bậc cao
Hội thảo chia sẻ thông tin du học, học bổng – Đẩy mạnh hợp tác giáo dục Việt Nam-Italia, là cơ hội để các bạn học sinh, sinh viên và phụ huynh tìm hiểu, thông qua gặp gỡ trực tiếp các trường Đại học hàng đầu của Italia (gồm: Đại học Milan, Đại học Padua, Đại học Modena Reggio Emilia, Đại học Bergamo) thuộc các khối ngành Kinh tế, Kiến trúc, Thiết kế, Kỹ thuật, Nghệ thuật … cũng như các cán bộ đến từ Đại sứ quán Italia. Các bạn đã nắm bắt được khá nhiều thông tin bổ ích.
Theo Bà Trần Hồng Hạnh – Giám đốc Uni-Italia, danh tiếng của các trường đại học Italia, được xây dựng trên sự kết hợp của nhiều yếu tố: truyền thống học thuật lâu đời, chú trọng vào nghiên cứu, đa dạng chuyên ngành, giảng viên giàu kinh nghiệm và tích cực hợp tác quốc tế. Italia luôn nổi tiếng là quốc gia có nền giáo dục bậc cao.
Các trường đại học ở Italia cung cấp các chương trình học tập thuộc nhiều lĩnh vực: Nghệ thuật; Thiết kế; Thời trang; Kỹ thuật; Công nghệ thông tin; Kinh doanh; Tài chính… Trong khi đó, các học viện AFAM, chuyên về lĩnh vực âm nhạc, hội hoạ và múa, nổi tiếng với tiêu chuẩn giáo dục nghệ thuật bậc cao, đóng góp đáng kể vào bối cảnh văn hóa của toàn cầu. Có 41 trên 1.300 trường đại học tại Italia, được công nhận ở châu Âu và trên toàn thế giới là những trung tâm xuất sắc trong nghiên cứu và đào tạo.
Học phí các trường đại học Italia ở mức vừa phải hơn so với các điểm đến du học khác như Anh, Úc, Mỹ hay Canada. chi phí sinh hoạt vừa phải, phù hợp với khả năng tài chính của gia đình sinh viên. Italia còn có nhiều chương trình học bổng như MAECI, Invest Your Talent, DSU và học bổng của mỗi trường, …”, Giám đốc Uni-Italia, bà Trần Hồng Hạnh, nhấn mạnh.
Với mục đích thúc đẩy hợp tác giữa Italia và Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục ; đặc biệt hỗ trợ học sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam du học Italia; từ năm 2014, Văn phòng Uni-Italia được mở ngay tại Đại sứ quán Ý (số 9 đường Lê Phụng Hiểu, Hoàn Kiếm, Hà Nội) dựa trên thỏa thuận liên bộ giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục Đại học và Nghiên cứu, Bộ Nội vụ Italia.
Các bạn học sinh, sinh viên thu họach được nhiều thông tin bổ ích. Ảnh: T.Ngọc.
Việt Nam và Italia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/3/1973. Ngày 21/1/2013, Việt Nam và Italia đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược”, nhân chuyến thăm Italia cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Italia là một trong những nước Tây Âu đầu tiên nối lại và phát triển các quan hệ hợp tác với Việt Nam sau thời kỳ ngưng đọng (những năm 1979 – 1989). Năm 2023, hai nước đã có nhiều hoạt động, kỷ niệm “50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Italia”.
Về giáo dục và đào tạo, Chính phủ Việt Nam và Italy đã ký kết chương trình hành động về hợp tác giáo dục giai đoạn 2019-2022, trong đó có khuyến khích và hỗ trợ hợp tác giữa các trường đại học và cơ sở giáo dục đại học hai nước (bao gồm cả giáo dục đại học về nghệ thuật và âm nhạc).
Ngày 24/11/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp Đại sứ Italy Marco Della Seta khi ông vừa nhận nhiệm vụ tại Việt Nam. Thủ tướng đề nghị hai nước tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, Italy tiếp tục hỗ trợ ODA cho Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, phát triển công nghiệp văn hóa, kết nối, giao lưu văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc, thời trang, du lịch…; nghiên cứu thiết lập các đường bay thẳng giữa hai nước.
Nhìn lại lịch sử, có thời điểm, số lượng sinh viên Việt Nam sang học tại Italia tăng khá nhanh. Đã từng có khoảng 1.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam học tập, nghiên cứu tại Italia.
Hội thảo “Thông tin du học, học bổng – đẩy mạnh hợp tác giáo dục Việt Nam – Italia” tại Đại học Đà Nẵng góp phần rút ngắn những khoảng cách trong tiếp cận thông tin của các bạn trẻ. Ảnh: T.Ngọc.
Việt Nam và Italia cũng đã ký kết và thực hiện 72 dự án hợp tác giáo dục, đào tạo. Hằng năm, Bộ Ngoại giao Italia dành cho Việt Nam một số học bổng (các khoá học tiếng Italia và Cao học, mở các khoá học tiếng Italia tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh). Hai nước cũng đã triển khai 5 chương trình hợp tác về khoa học – công nghệ theo giai đoạn, với 80 dự án hợp tác nghiên cứu chung trong các lĩnh vực: bảo tồn, phục chế di tích cổ, công nghệ sinh học và nông nghiệp, nghiên cứu cơ bản và công nghệ thông tin.
Đại sứ Italia tại Việt Nam, Ngài Marco Della Seta cũng đề xuất tổ chức diễn đàn hợp tác giáo dục đại học Việt Nam – Italia lần thứ 3, với sự tham dự của khoảng hơn 20 trường đại học hai bên trong năm 2024 này./.
Trần Ngọc