Thứ hai, Tháng mười hai 23, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Tăng cường hợp tác tài chính giữa Việt Nam và Australia



ĐNA -

Ngày 28/6, tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Ngân khố Australia tổ chức Hội thảo “Hợp tác tài chính Việt Nam – Australia lần thứ hai”. Tại Hội thảo này, hoạt động cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính và tăng cường hiệu quả hợp tác tài chính Việt Nam – Australia trong khuôn khổ triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác tài chính cấp Bộ giai đoạn 2021-2023.

Đồng chủ trì Hội thảo có ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính và ông Hagan James Russell, Cố vấn trưởng, Ban Kinh tế và An ninh quốc tế, Bộ Ngân khố Australia.

Sức ép lạm phát đối với Australia

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, hội thảo tập trung về tình hình kinh tế vĩ mô, kinh nghiệm của 2 nước về tầm nhìn về xu hướng phát triển và các thách thức kinh tế vĩ mô; tác động đối với nền kinh tế và chính sách của Việt Nam, Australia và toàn khu vực. Cập nhật chính sách kinh tế vĩ mô của Australia giai đoạn 2022-2025; xây dựng mô hình dự báo kinh tế vĩ mô – kinh nghiệm của Australia trong việc xây dựng các công cụ phục vụ dự báo tăng trưởng kinh tế.

Tại Hội thảo, ông David Lancaster, Kho bạc Australia (Bộ Ngân khố Australia) đã có bài trình bày về các thách thức kinh tế vĩ mô và phản ứng chính sách của Australia.

Theo đại diện Bộ Ngân khố Australia, việc lạm phát đang chịu tác động của cả cú sốc cung và cầu, đang gia tăng ở nhiều quốc gia trong đó có cả Australia trong bối cảnh dịch COVID-19; xung đột Nga – Ukraina; việc phong tỏa do COVID-19 ở Trung Quốc; sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau dịch đã và đang gây ra những thách thức nhất định cho các nhà hoạch định chính sách.

Để ứng phó, Chính phủ Australia đã phải đưa ra các gói hỗ trợ kinh tế chưa từng có khiến ngân sách nhà nước (NSNN) bị thâm hụt lớn và dự kiến sẽ được cải thiện hơn sau khi kết thúc các gói hỗ trợ. Chính phủ nước này cũng đã thông qua chiến lược tài khóa hai giai đoạn. Giai đoạn 1, đảm bảo sự phục hồi và đẩy tỷ lệ thất nghiệp xuống mức trước khủng hoảng hoặc thấp hơn. Giai đoạn 2, tăng trưởng nền kinh tế để ổn định và sau đó giảm nợ như một tỷ trọng của GDP, tái thiết không gian tài khóa để áp dụng cho thời gian tới. Về dài hạn, các nhà hoạch định chính sách tại Australia cũng gặp phải các thách thức dài hạn: chi tiêu của Chính phủ tăng cao trong những năm gần đây; tăng trưởng năng suất bị sụt giảm;… Phía Chính phủ Australia cho rằng, tăng trưởng năng suất sẽ là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ này.

Đề cập đến vấn đề chi tiêu và vay nợ của Chính phủ Australia sẽ ảnh hưởng cạnh tranh đến nguồn lực của khu vực tư nhân, Chính phủ Australia làm thế nào để hạn chế tác động này, ông Hagan James Russell, Cố vấn trưởng, Ban Kinh tế và An ninh quốc tế chia sẻ, chi tiêu của Chính phủ Australia tập trung vào các khu vực ảnh hưởng đến tăng trưởng một cách tích cực nhất. Australia có tỷ lệ nợ công thấp, điều này cho phép nâng tỷ lệ nợ để chi tiêu cho các tình huống khẩn cấp mà không tạo ra hiệu ứng tiêu cực. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ Australia vẫn là duy trì tỷ lệ nợ thấp.
Kinh tế vĩ mô Việt Nam tăng trưởng tích cực

Chia sẻ về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam giai đoạn 2021-2022 và tầm nhìn chiến lược đến năm 2025, 2030, đại diện Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, giai đoạn 2021-2022, chính sách tài khóa của Việt Nam được thực hiện chủ động, linh hoạt, tập trung hỗ trợ phục hồi kinh tế. Kết quả đạt nhiều tích cực, 5 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 806,4 nghìn tỷ đồng; bằng 57,1% dự toán, tăng 18,7% so với cùng kỳ 2021. Chi NSNN đạt 589,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được đảm bảo. Trong 5 tháng đầu năm 2022, chính sách tài khóa được tập trung cho việc kích hoạt để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Bộ Tài chính đã hoàn thành cơ bản việc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách về miễn, giảm, gia hạn thu ngân sách. Trong 5 tháng đầu năm 2022 đã miễn, giảm khoảng 22,6 nghìn tỷ đồng trên 64 nghìn tỷ đồng dự kiến khi xây dựng chương trình, đạt tỷ lệ 35%. Ngân hàng chính sách xã hội đã phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh tạo nguồn cho vay là 2,7 nghìn tỷ đồng, và cho vay với dư nợ vay là 4,586 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 bùng phát từ giữa năm 2021 nhưng tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam đã thể hiện sự tăng trưởng rõ nét, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

“Triển vọng kinh tế Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế dự báo ở mức tích cực. GDP năm 2022 được dự báo dao động trong khoảng 5,3-6,9% (mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 khoảng 6-6,5%), lạm phát trong khoảng 3,5-4,2% (mục tiêu là bình quân khoảng 4%).”- Đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính thông tin.

Mặc dù có nhiều dấu hiệu tích cực nhưng kinh tế Việt Nam cũng được dự báo sẽ có khả năng chịu nhiều thách thức trong thời gian tới do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga – Ukraina; rủi ro tiềm ẩn từ dịch COVID-19; triển khai đầu tư công còn chậm trong khi nền kinh tế đang rất cần nguồn lực để hồi phục và tăng trưởng; áp lực từ điều hành chính sách tiền tệ;.… Vì vậy, Chiến lược kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2023 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao. Để phục vụ tích cực cho mục tiêu này, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược tài chính đến năm 2030, trong đó đưa ra 04 quan điểm, 03 mục tiêu, 11 giải pháp cụ thể.

Ưu tiên kiểm soát lạm phát và các chính sách phục hồi, phát triển kinh tế

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam ra sao; các yếu tố cung cầu có phải là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát cao hơn ở Việt Nam; các chính sách tài khóa và tiền tệ ở Việt Nam đang phản ứng như thế nào?..

Chia sẻ về vấn đề này ông Lê Quang Thuận, Trưởng Ban Tài chính quốc tế và chính sách hội nhập, Viện Chiến lược và chính sách tài chính khẳng định, để phát triển phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19 thì chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ rất quan trọng, trong đó quan trọng nhất vẫn là chính sách tài khóa. Để kiểm soát lạm phát, Chính phủ Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp như: giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế liên quan đến năng lượng… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khuyến nghị biện pháp thuế chỉ mang tính ngắn hạn và không phải là biện pháp căn bản để kiểm soát lạm phát. Vì vậy, cần có biện pháp khác nữa kể cả từ phía người tiêu dùng, doanh nghiệp để tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí sản xuất.

Đối với chi ngân sách Nhà nước (NSNN), ngay từ khi xảy ra dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã chú trọng cắt giảm chi tiêu NSNN đối với những khoản chi không cần thiết, tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung hơn cho công tác phòng chống đại dịch và hỗ trợ người yếu thế, người bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19. Biện pháp này tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới kể cả tiết kiệm chi NSNN. “Những bất ổn của kinh tế vĩ mô giai đoạn 2020-2021 và cộng hưởng các vấn đề về lạm phát, gia tăng giá lương thực, ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng và gián tiếp tác động đến tính bền vững của chính sách tài khóa quốc gia. Cho nên đây là vấn đề vừa ngắn hạn vừa dài hạn cần phải quan tâm”, ông Thuận chia sẻ.

Xu hướng tăng trưởng và chính sách thời gian tới của Việt Nam, ông Thuận cho biết, Việt Nam đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm, 5 năm. Đây là định hướng lớn cơ bản và Việt Nam vẫn tiếp tục kiên trì mục tiêu này. Trong những bối cảnh cụ thể thì sẽ có điều chỉnh. Tuy nhiên căn bản vẫn là vừa dựa vào chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt. Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu lại nền kinh tế đảm bảo tính bền vững trong dài hạn. Điều này có điểm tương đồng với Australia, vì vậy có thể học hỏi lẫn nhau.

Hình ảnh tại Hội thảo

Những định hướng lớn như tăng trưởng xanh, kinh tế số… vẫn tiếp tục được Việt Nam theo đuổi. Trong ngắn hạn và năm 2023, Việt Nam chủ yếu ưu tiên kiểm soát lạm phát đồng thời tiếp tục thực hiện biện pháp phục hồi phát triển kinh tế sau khi chịu tác động mạnh bởi dịch COVID-19 trong 2020-2021. Để phục hồi và phát triển kinh tế ngoài kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng thông qua đầu tư công; đảm bảo an sinh xã hội… sẽ là những ưu tiên mà Việt Nam vẫn phải thực hiện. “Đây là vấn đề khó cho người làm chính sách, làm sao cân bằng được mục tiêu và biện pháp thúc đẩy phát triển mà không gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô và xã hội.”- Ông Thuận nhận định.

Tại Hội thảo, nhiều vấn đề đã được hai bên gợi ý bàn thảo: vấn đề chuyển đổi số, đầu tư xanh, tăng năng suất lao động, tăng năng suất cho nền kinh tế; gợi mở việc phân tích tính bền vững của nợ và mô hình quản lý nợ của Văn phòng quản lý nợ của Australia đang sử dụng. Công cụ để quản lý rủi ro trong danh mục quản lý nợ của Chính phủ; mô hình nào để tối ưu hóa hoạt động tài chính của Chính phủ…

Theo VPCP