Ngày 23/5/2025, báo điện tử NachDenkSeiten (Đức) đăng tải bài viết của nhà báo Albrecht Müller với tiêu đề gây chú ý: “Tăng cường sườn phía Đông – Lời lẽ lý phi lịch sử và quân phiệt!”. Đây là một lời cảnh báo về xu hướng quân phiệt hóa và những lập luận phi lịch sử đang trỗi dậy tại châu Âu. Bài viết chỉ ra mối nguy cảnh rõ rệt về việc đẩy cao chi tiêu quốc phòng, lồi kéo NATO vào vòng xoáy đối đầu quân sự, đặt ra câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của phương Tây trong việc duy trì hòa bình khu vực.
Nhà báo Albrecht Müller sinh ngày 16/5/1938 tại Heidelberg, là nhà kinh tế, nhà công luận và cựu chính trị gia Đức thuộc đảng SPD. Ông từng giữ chức Trưởng ban Kế hoạch tại Văn phòng Thủ tướng Liên bang đưới thời Thủ tướng Willy Brandt và Helmut Schmidt, đồng thời là nghị sĩ Quốc hội Liên bang Đức giai đoạn 1987–1994. Từ năm 2003, ông là người sáng lập, tác giả và đồng biên tập của báo điện tử uy tín NachDenkSeiten.
Trong bài viết mới nhất, Müller chỉ trích sự ngôn cuồng có tổ chức của truyền thông chính thống. Ông dẫn chứng: hôm 23/5/2025, tờ báo khu vực Die Rheinpfalz dẫn nguồn tin của hãng dpa với dòng tiêu đề: “Ông Merz hứa sẽ giúp chống lại mối đe dọa từ Nga”. Bài báo ngay phần mở đầu đã khẳng định về một “mối đe dọa gia tăng từ Nga”, kèm bức ảnh Thủ tướng Liên bang Đức, Bộ trưởng Quốc phòng và các binh sĩ Đức có mặt tại Litva dưới lá cờ Đức. Văn bản nhấn mạnh: “Răn đe và phòng thủ là ưu tiên hàng đầu của Đức”. Việc tăng chi quân sự lên 3,5% GDP, cùng thêm 1,5% cho cơ sở hạ tầng quân sự. Một con số gây choáng váng. Tác giả cảnh báo: đây không chỉ là biểu hiện của sự mất kiểm soát trong lập luận chính sách, mà còn là dấu hiệu của một xu hướng nguy hiểm – khi báo chí, chính phủ và giới quân sự cùng hòa giọng trong một bản hợp xướng mang màu sắc quân phiệt.
Tự do của chúng ta giờ đây không còn được “bảo vệ ở Hindu Kush”, mà là ở vùng Baltic – một sự hoán đổi đầy ẩn ý trong lập luận về an ninh quốc gia. Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chính sách và truyền thông, tôi nhận thấy những luận điệu hiện nay gợi nhớ đến thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi những tuyên truyền cứng nhắc chi phối dư luận. Hồi đó, đảng CDU dưới thời Thủ tướng Adenauer từng tuyên truyền: “Mọi con đường của chủ nghĩa Marx đều dẫn tới Mátxcơva.”
Sau khi Bức tường Berlin được dựng lên vào năm 1961, một số chính trị gia Đức đã bắt đầu thay đổi cách nhìn. Mùa hè năm 1963, tại hội nghị của Học viện Tin lành ở Tutzing, Chủ tịch SPD khi đó là Willy Brandt cùng cộng sự Egon Bahr đã giới thiệu một đường lối mới mang tên “Thay đổi thông qua sự xích lại gần”.
Chiến lược này đặt nền tảng cho một cách tiếp cận hoàn toàn khác: thay vì đối đầu, là đối thoại; thay vì cô lập, là hợp tác. Mục tiêu là từng bước thúc đẩy sự thay đổi nội tại trong các quốc gia Đông Âu thông qua quá trình tiếp xúc và xây dựng lòng tin – không chỉ với Nga, mà còn với Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary và nhiều nước khác.
Chiến lược “Thay đổi thông qua sự xích lại gần” không chỉ là một khẩu hiệu – nó đã chứng minh được hiệu quả rõ rệt. Ngày 28/10/1969, Thủ tướng Liên bang Đức mới đắc cử, ông Willy Brandt, khẳng định: “Chúng ta muốn trở thành một quốc gia có những người hàng xóm tốt.” Từ tuyên bố mang tính biểu tượng ấy, những bước tiến cụ thể nhanh chóng được triển khai – trao đổi đại sứ, ký kết hàng loạt hiệp ước song phương với Moscow, Warsaw và Praha. Cốt lõi của những hiệp ước này là nguyên tắc: từ bỏ bạo lực trong quan hệ quốc tế.
Vậy câu hỏi đặt ra là: Tại sao điều từng khả thi cách đây hơn nửa thế kỷ – giữa bối cảnh căng thẳng cực độ của Chiến tranh Lạnh – lại bị xem là bất khả thi trong hiện tại?
Tiếp nối tinh thần ấy, Hội nghị về An ninh và Hợp tác châu Âu (CSCE) ra đời, đặt nền móng cho Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) – một cơ chế đối thoại và gìn giữ hòa bình mang tính toàn diện cho cả phương Đông lẫn phương Tây. Đây là minh chứng rõ ràng rằng an ninh thực sự chỉ bền vững khi được xây dựng trên nền tảng của hợp tác, chứ không phải đe dọa hay đối đầu quân sự.
Ngày nay, nhiều chính trị gia đang đặt cược vận mệnh chính trị của mình vào làn sóng tái vũ trang – một xu hướng có thể gọi thẳng tên: quân sự hóa chính trị. Đây không chỉ là một bước thụt lùi trong tư duy chiến lược, mà còn là biểu hiện của sự hoang tưởng nguy hiểm. Điều đáng tiếc hơn nữa là phần lớn các phương tiện truyền thông lại theo sau xu hướng này một cách vô điều kiện – như những chú cừu ngoan ngoãn, thiếu phản biện và nhận thức.
Trong trường hợp cụ thể hiện nay, câu chuyện càng trở nên đáng lo ngại khi Thủ tướng Friedrich Merz và Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius lựa chọn Litva – một quốc gia từng chịu tổn thất nặng nề bởi chính quân đội Đức Quốc xã và sau đó là Hồng quân Liên Xô – làm nơi để lặp lại những tuyên bố mang tính chất hiếu chiến. Với lịch sử từng là nạn nhân của các thế lực đối đầu trong Thế chiến thứ hai, việc các quốc gia vùng Baltic bị biến thành sân khấu biểu dương sức mạnh quân sự ngày nay là điều không thể không khiến người ta rùng mình.
Sự tham gia của hai chính trị gia cấp cao vào “màn trình diễn” này không chỉ đáng thất vọng, mà còn cho thấy họ, giống như phần lớn truyền thông phương Tây hiện nay, đã rơi vào vòng xoáy của tuyên truyền. Và điều nguy hiểm nhất: sự mù quáng ấy đang dần được hợp thức hóa thành chính sách.
Sự thụt lùi đang diễn ra – từ chính trị đến truyền thông, từ lý trí đến bầu không khí đối đầu – là một thực tế đáng lo ngại. Nhưng chính từ thực tế ấy, hy vọng vẫn có thể nảy sinh. Lịch sử từng chứng minh: ngay cả trong những thời khắc căng thẳng nhất, lý trí và đối thoại vẫn có thể giành lại vị thế. Giai đoạn từ những năm 1950 đến cuối thập kỷ 1960 là minh chứng rõ ràng – khi những người dũng cảm, tỉnh táo đã đặt nền móng cho một trật tự an ninh dựa trên hợp tác thay vì đối đầu.
Ngày nay, một bước ngoặt tương tự là điều hoàn toàn có thể – nếu chúng ta đủ tỉnh táo để nhận ra đâu là ngõ cụt của vũ lực, đâu là lối mở của hòa bình. Trước hết, điều đó đòi hỏi phải chặn đứng đà leo thang đối đầu hiện nay, trước khi nó vượt khỏi tầm kiểm soát. Chỉ khi ấy, châu Âu – và thế giới – mới có thể hy vọng quay trở lại với những giá trị đã từng giúp chúng ta vượt qua những giai đoạn đen tối nhất của lịch sử.
Hồ Ngọc Thắng/nguồn: https://www.nachdenkseiten.de/?p=133431