Thứ Hai, Tháng Năm 20, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Tăng trưởng kinh tế Thành phố biển đối mặt nhiều thách thức

ĐNA -

Ngày 30/6/2023, Cục Thống kê Đà Nẵng đã chính thức công bố tình hình kinh tế – xã hội thành phố đà nẵng quý II và 6 tháng đầu năm 2023.

“Xét về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng qua, Đà Nẵng xếp thứ 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương, thứ 6/8 tỉnh, thành phố thuộc vùng Duyên hải miền Trung và xếp vị trí 46/63 địa phương trên cả nước. Xét về quy mô GRDP, Đà Nẵng xếp thứ 17 cả nước, đứng đầu các tỉnh, thành phố thuộc vùng Duyên hải miền Trung, tăng 1 bậc so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2022, quy mô GRDP 6 tháng đầu năm của Đà Nẵng xếp thứ 18 cả nước; xếp thứ 2 trong vùng duyên hải miền Trung, sau Quảng Ngãi. Và với quy mô GRDP 6 tháng qua, Đà Nẵng (duy trì) vị trí thứ 4 trong khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương”, ông Trần Văn Vũ – Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết.

Ông Trần Văn Vũ – Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng, chia sẻ một số giải pháp phát triển kinh tế, xã hội Đà Nẵng 6 tháng còn lại của năm 2023. Ảnh trong bài: T.Ngọc

Quy mô kinh tế thành phố Đà Nẵng trong 6 tháng (đầu năm 2023), theo giá hiện hành, ước đạt hơn 64.784 tỷ đồng, mở rộng hơn 5.318 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, quy mô VA khu vực dịch vụ mở rộng nhiều nhất với gần 4.810 tỷ đồng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mở rộng hơn 122 tỷ đồng; khu vực công nghiệp – xây dựng mở rộng gần 17 tỷ đồng (trong đó, riêng lĩnh vực công nghiệp tăng 363 tỷ đồng, lĩnh vực xây dựng giảm 346 tỷ đồng).

Cơ cấu trong quy mô nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 của Đà Nẵng, cũng tiếp tục có sự dịch chuyển nhẹ giữa 3 khu vực (so với cùng kỳ năm 2022): khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 2,15%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 18,73%; khu vực dịch vụ chiếm 69,19%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,93%. (Cùng kỳ năm 2022, cơ cấu của các khu vực tương ứng là: 2,14%; 20,37%; 67,29% và 10,20%).

Những thách thức “thử sức chống chịu” của kinh tế địa phương duyên hải
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, GRDP (toàn nền kinh tế Đà Nẵng) ước tăng 3,74% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng thấp hơn mức tăng 7,23% của 6 tháng đầu năm 2022. Trong mức tăng 3,74% toàn nền kinh tế trong 6 tháng qua, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,22% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 0,02 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,15%, đóng góp 4,18 điểm và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,40%, đóng góp 0,04 điểm; riêng khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 2,60%, làm giảm 0,51 điểm phần trăm của mức tăng GRDP chung.

Xét về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II năm 2023, Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, ước tăng 0,21% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị tăng thêm (VA) khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,82%; khu vực dịch vụ tăng 0,95%. Công nghiệp – xây dựng vẫn là khu vực giảm (2,36%), và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm cũng giảm (0,26%). Do vậy, giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp và xây dựng 6 tháng đầu năm 2023 ước giảm 2,60% so với cùng kỳ năm 2022 (trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,06%; sản xuất và phân phối điện giảm 1,88% so với cùng kỳ năm 2022); và VA hoạt động xây dựng giảm 12,98% (quý I giảm 13,42%, quý II giảm 12,62%).

”Đơn hàng xuất khẩu giảm, đầu ra sản phẩm không thuận lợi là nguyên nhân làm cho chỉ số sản xuất một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm sâu, ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng liên tiếp đối mặt với khó khăn, bão giá nguyên vật liệu, thị trường bất động sản đóng băng, lãi suất tăng cao… khiến lợi nhuận doanh nghiệp trong ngành xây dựng giảm sút”, lãnh đạo Cục Thống kê Đà Nẵng giải thích.

Tính chung 6 đầu năm 2023, IIP toàn ngành công nghiệp giảm 1,9% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,7%; sản xuất và phân phối điện giảm 0,5%; Một số ngành chế biến, chế tạo vốn đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế nhưng hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng cũng như nguyên liệu sản xuất, điển hình: Ngành dệt (-11,5%); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (-24,9%); sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (-17,5%)… Trong 6 tháng đầu năm qua, một số mặt hàng chủ lực có sự sụt giảm khá sâu, làm ảnh hưởng đến chỉ số IIP chung của toàn ngành công nghiệp, cụ thể như: clanhke xi măng (-50,%); thịt cá đông lạnh (-43,9%); bộ quần áo cho người lớn dệt kim hoặc đan móc (-21,4%); bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) giảm 21,8%;  lốp hơi mới bằng cao su, loại dùng cho xe buýt, xe tải hoặc máy bay giảm 17,5%…

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tính tháng 6 năm 2023 giảm lần lượt 9,5% so với tháng trước và 7,5% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm gần 5,5% so với cùng kỳ. Trong đó, một số nhóm ngành có chỉ số tiêu thụ bình quân 6 tháng sụt giảm khá sâu: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (-45,6%); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (-35,4%); sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (-20,4%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 24,0%… Chính vì vậy, chỉ số tồn kho ngành chế biến, chế tạo dự kiến đến cuối tháng 6 năm 2023 ước tăng lần lượt 7,1% so với tháng trước và 5,4% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng, ông Trần Văn Vũ nhấn mạnh: Kinh tế phục hồi chậm làm cho cầu tiêu dùng giảm mạnh; tình hình bất ổn chính trị thế giới vẫn đang tiếp diễn; mặt bằng lãi suất ngân hàng biến động thất thường; đơn hàng tiêu thụ sản phẩm không ổn định; tiêu chuẩn, quy định mặt hàng xuất khẩu ngày càng khắt khe… là một trong những nguyên nhân khiến lượng hàng hoá tồn kho tăng. Tính đến cuối tháng 6 năm 2023, các nhóm ngành có lượng hàng tồn kho khá cao phải kể đến: sản xuất chế biến thực phẩm (+158,6%); sản phẩm dệt (+35,9%); sản xuất trang phục (+72,8%); sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (+151,1%); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (+47,4%)…

Ông Trần Văn Vũ – Cục trưởng và bà Nguyễn Thị Kiều Liên – Trưởng phòng Thống kê tổng hợp (Cục Thống kê Đà Nẵng), chủ trì phiên họp báo công bố số liệu thông kê kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2023.

Tình hình này, kéo theo chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp (trong 6 tháng đầu năm 2023) giảm 5,2% so với cùng kỳ (riêng trong tháng 6/2023, giảm 8,2% so với cùng thời điểm năm trước). Trong đó, ngành chủ lực công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,3%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 2,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 5,8%. Xét theo loại hình kinh tế, lao động khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm mạnh (-17,6%); tiếp đến là khu vực nhà nước (-1,2%).

Ở lĩnh vực xây dựng, nhu cầu xây dựng dân dụng ghi nhận xu hướng sụt giảm mạnh, hoạt động triển khai các dự án nhà ở và khối lượng thi công của các doanh nghiệp xây dựng dân dụng đạt thấp; giá nguyên liệu tăng cao, tín dụng bất động sản bị siết chặt khiến số thu liên quan đến hợp đồng xây dựng giảm và thời gian thu hồi công nợ của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng gia tăng.

Giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá hiện hành quý II ước đạt 5.927 tỷ đồng, giảm hơn 770 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá trị xây dựng ước đạt hơn 10.825 tỷ đồng, giảm 1.190 tỷ đồng so với cùng kỳ. VA toàn ngành xây dựng 6 tháng ước giảm 12,98% so với cùng kỳ, làm giảm 0,72 điểm phần trăm trong mức tăng GRDP chung. Trong đó, VA hoạt động xây dựng nhà và xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng giảm khá sâu với mức giảm lần lượt 18,94% và 16,17% so với cùng kỳ.

Thương mại và dịch vụ: một số ngành chiếm tỷ trọng lớn giảm khá sâu
Khu vực thương mại và dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của Đà Nẵng. Tuy nhiên, tăng trưởng của một số ngành có xu hướng chậm lại trong quý II, đặc biệt một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế có mức giảm khá sâu, ảnh hưởng đến tốc độ tăng chung, bao gồm: hoạt động kinh doanh bất động sản giảm gần 25,0%; bán buôn, bán lẻ và sửa chữ ô tô, xe máy giảm hơn 8,0%. Trong mức tăng 0,21% toàn nền kinh tế quý II năm 2022, khu vực dịch vụ chỉ đạt mức tăng 0,95%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 12,13% của quý I.

Các khó khăn và thách thức cũng tác động và phản ảnh qua doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023. Thống kê ngành chức năng cho thấy, ngoài những nhóm ngành tăng, có 3 nhóm ngành giảm so với quý II/2022. Đó là hàng may mặc giảm 8,6%. Nguyên nhân do tình hình kinh tế khó khăn, người dân cắt giảm những chi tiêu không thiết yếu. 2 nhóm ngành giảm nhiều nhất là phương tiện đi lại (giảm 24,9%), ô tô giảm (35,7%). Nguyên nhân khiến 2 nhóm này sụt giảm mạnh là do tình hình kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, đơn hàng sản xuất giảm, bất động sản bị đóng băng, lãi suất cao cũng như tiếp cận nguồn vốn khó khăn làm cho hoạt động kinh doanh đình trệ, thu nhập của người lao động giảm, nên việc chi tiêu cho những mặt hàng có giá trị lớn (như ô tô, xe máy,…) hẳn nhiên sụt giảm mạnh…

Xét riêng hoạt động bất động sản nói chung và dịch vụ bất động sản tính cho tiêu dùng nói riêng, ngành chức cũng chỉ ra đà sụt giảm khá sâu. Tình hình kinh tế khó khăn, cùng với việc siết chặt cho vay của các ngân hàng, việc thanh tra đồng loạt các dự án tại Đà Nẵng và vùng phụ cận đã làm cho nhiều dự án bị tạm ngừng triển khai. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung và thanh khoản thị trường trong thời gian qua. Dự ước quý II doanh thu kinh doanh bất động sản tính cho tiêu dùng đạt 468,7 tỷ đồng, bằng 28,9% quý trước và bằng 22,6% so với quý cùng kỳ năm 2022. Cộng dồn 6 tháng hoạt động này đạt 2.088,6 tỷ đồng giảm 38,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Lãnh đạo Cục Thống kê Đà Nẵng cũng phân tích thêm về hoạt động bất động sản và dịch vụ bất động sản. Theo dó, nếu xét theo mục đích đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2023 hầu hết các ngành kinh tế đều có sự sụt giảm nguồn vốn đầu tư. Một số ngành giảm sâu, có thể kể đến như: ngành Hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 53,0%; ngành hoạt động xây dựng giảm 75,39%. Ngoài những khó khăn như tiền nhân công, sắt thép… tăng giá, các chủ đầu tư tại thành phố Đà Nẵng còn đối mặt với vấn đề không có cát để xây dựng, không chỉ những dự án tư nhân, một số dự án công trên địa bàn cũng bị chậm tiến độ vì thiết hụt nguồn nguyên vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó là tình trạng đóng băng dài hạn của ngành bất động sản do nợ xấu tăng, chính sách tiền tệ bị siết chặt, các vấn đề về chính sách mới liên quan đến thị trường bất động sản…cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư của ngành này.

Lễ hội trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) được tổ chức trở lại (sau 3 năm tạm dừng) đã thu hút thêm nhiều du khách đến với Đà Nẵng.

Dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát trên toàn cầu, hoạt động du lịch mặc dù đã được phục hồi. Đà Nẵng vẫn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong, ngoài nước. 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lượt khách (có sử dụng dịch vụ và được cơ sở lưu trú phục vụ) ước đạt 3.508 nghìn lượt, tăng 116,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế 930.000 lượt, cao gấp 11,3 lần cùng kỳ; khách trong nước 2.578 nghìn lượt, tăng 67,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu của du khách; số ngày lưu trú bình quân tính trên lượt khách và lượng khách trong nước đang có xu hướng giảm dần. Một thống kê, phân tích cho thấy, số ngày lưu trú bình quân của khách ngủ qua đêm tính chung 6 tháng (đầu năm năm 2023) là 1,71 ngày/lượt, trong đó khách quốc tế là 2,21 ngày/lượt; khách trong nước là 1,42 ngày/lượt (cùng kỳ của năm 2022: 2,57 ngày/lượt đối với khách chung; 1,96 ngày/lượt đối với quốc tế và 2,61 ngày/lượt đối với khách trong nước).

Giải pháp nào khơi thông nguồn lực, tạo bền vững trong tăng trưởng
Chủ đề năm 2023 được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng chọn và trở thành chương trình hành động xuyên suốt năm là tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư; giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Trong quý I năm 2023, kinh tế Đà Nẵng đã giữ được nhịp độ tăng trưởng (mức tăng ước tính sơ bộ, so với cùng kỳ, là 7,81%, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố về tốc độ tăng). Tuy nhiên, bước sang quý II, trên nền kết quả tăng cao của cùng kỳ năm 2021-2022 (cụ thể: GRDP quý II/2021 tăng 10,29% so với cùng kỳ năm 2020; quý II/2022 tăng 12,59% so với cùng kỳ năm 2021); một số lĩnh vực kinh tế lại có xu hướng sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của cả 6 tháng đầu năm 2023.

Và không riêng Đà Nẵng, nhiều địa phương có quy mô lớn hơn nhiều (như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh…), tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 2023, cũng có những lĩnh vực kinh tế sụt giảm sâu, kéo chỉ số tăng trưởng xuống mức thấp. Nhìn nhận “Kinh tế Đà Nẵng, còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm. Thị trường xuất khẩu không thuận lợi. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều cản ngại; số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm so với cùng kỳ; lực lượng lao động cũng đang có xu hướng giảm qua từng quý”, cũng ”là nỗi lo, nỗi trăn trở lớn” của nhiều địa phương trên cả nước.

Báo cáo chi tiết về tình hình kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng quý II và 6 tháng đầu năm 2023 của Cục Thống kê Đà Nẵng, cũng nhấn mạnh những điểm sáng, tín hiệu lạc quan. Đơn cử như với việc Chính quyền, ngành hữu quan thành phố nỗ lực đẩy mạnh các dự án xây dựng hạ tầng, đầu tư công, tích cực giải ngân và tháo gỡ các điểm nghẽn trong lĩnh vực đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.

Hội thảo hợp tác hàng không – du lịch, kết nối điểm đến toàn cầu (diễn ra tại Đà Nẵng tháng 12/2022) được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội, tạo môi trường cho doanh nghiệp dịch vụ, du lịch, chủ động xúc tiến thị trường mới, thu hút thêm du khách đến với thành phố.

Tính đến 15/6/2023, thành phố cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 36.756,6 tỷ đồng, tuy giảm 7,7% số dự án nhưng lại gấp 9,1 lần tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm so với cùng kỳ năm 2022. ( có 6 dự án đầu tư vào Khu Công nghiệp, Khu Công nghệ cao, với tổng vốn đăng ký 1.166 tỷ đồng). Có 62 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 9,5 triệu USD (so với cùng kỳ tăng 45 dự án và tăng 37,5% về số vốn đăng ký) nhận được Chứng nhận đầu tư của thành phố. Bên cạnh đó, 18 lượt nhà đầu tư nước ngoài đã góp vốn mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn 2,77 triệu USD; có 20 dự án điều chỉnh tăng, giảm vốn với phần vốn tăng thêm 13,94 triệu USD. Tổng số vốn đăng ký mới và tăng thêm trong 6 tháng đầu năm 2023 là 26,21 triệu USD, bằng 58,6% so với cùng kỳ năm 2022.

”Chúng tôi cho rằng, để nền kinh tế thành phố tăng trưởng tốt hơn, thì không gì hơn là sớm có giải pháp đồng bộ, thiết thực, tập trung hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp (đã và đang) thiếu vốn, chịu ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ kịp thời một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm (như sản xuất da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ, chế biến thủy sản, sản phẩm nhựa, điện tử và linh kiện điện tử…). Phát triển sản xuất, song song với tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Đặc biệt, thực hiện mạnh mẽ hơn chuyển đổi số trong các ngành chế biến, chế tạo nhằm tạo sự bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu.

Cần tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại năm 2023, đa dạng hóa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; có giải pháp hiệu quả thúc đẩy tiêu dùng.

Các chương trình kích cầu du lịch năm 2023, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước cần tiếp tục được tổ chức, kể cả duy trì chính sách ưu tiên trong hỗ trợ và chào đón những đoàn khách du lịch MICE, như vừa qua đã làm. Du lịch Đà Nẵng sắp đến, phải chú trọng hơn đến yêu cầu xây dựng nhiều thương hiệu, nhiều sản phẩm đạt đẳng cấp quốc tế, tạo điểm nhấn quan trọng của ngành du lịch thành phố; phải gắn kết việc phát triển sản phẩm du lịch với các yếu tố về văn hóa, lịch sử để tạo nên sức hấp dẫn, thu hút du khách đến với thành phố”, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng, ông Trần Văn Vũ chia sẻ./.

T.Ngọc