Thứ ba, Tháng chín 17, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Tạo cơ hội, động lực cho sự phát triển vùng Tây Nguyên trong giai đoạn mới

ĐNA -

Chiều 15/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 – 2010 và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW.

Tỉnh ủy Đắk Lắk: Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 – 2010 và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh đã có những chuyển biến quan trọng. Nền kinh tế chuyển biến tích cực, giai đoạn 2002 – 2020 tăng trưởng kinh tế bình quân 13,8%/năm, bình quân đầu người năm 2020 đạt 53,98 triệu đồng/người, gấp 18,4 lần năm 2002. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng đều qua các năm, năm 2002 đạt 442 tỷ đồng, năm 2020 đạt 8.294 tỷ đồng. Tình hình chính trị – xã hội, quốc phòng – an ninh được tăng cường, giữ vững.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà báo cáo tại Hội nghị

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại như: Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, phát triển còn thiếu tính ổn định, bền vững; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội còn hạn chế, nhất là giao thông kết nối vùng. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững; phát triển văn hóa – xã hội còn nhiều bất cập; an ninh chính trị, trật tự an xã hội còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định…

Hội nghị cũng đề ra những biện pháp nhằm phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên trong giai đoạn mới. Trong đó, hoàn thiện việc lập, trình phê duyệt và triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng Tây Nguyên nhằm phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế đặc thù của tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của địa phương, đặc biệt là đồng bộ hạ tầng giao thông, kết nối với khu vực, quốc tế bằng đường bộ, hàng không và đường sắt; thực hiện các biện pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, chú trọng thực hiện tốt chính sách về dân tộc, tôn giáo trên địa bàn…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã phân tích những tồn tại, hạn chế, đề cập giải pháp để phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Đắk Lắk và vùng Tây Nguyên trong thời gian tới.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên, một trong những giải pháp quan trọng là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương. Trong đó, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phải gắn với nhu cầu về nhân lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của cả tỉnh và đảm bảo quốc phòng – an ninh quốc gia, phù hợp với đặc điểm phong tục, tập quán và lối sống của dân cư. Ngoài ra, tỉnh cần kết hợp hài hòa giữa phát triển nguồn nhân lực tại chỗ và có chính sách phù hợp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các đơn vị đào tạo theo chiến lược phát triển kinh tế – xã hội.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc cho rằng, cần chuyển đổi từ đào tạo theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động và yêu cầu của thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động. Tỉnh cũng cần xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và bổ sung hoàn thiện các chính sách, chế độ đãi ngộ. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu xây dựng các chính sách, chế độ làm việc hợp lý, những đãi ngộ phi vật chất cũng hết sức quan trọng trong việc thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Tập trung đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng cho người lao động, hình thành nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực mà vùng có lợi thế cạnh tranh để tiếp nhận chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng năng suất, hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, đảm bảo tăng trưởng xanh, bền vững”, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc cho hay.

Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 – 2010 và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW

Các đại biểu đã kiến nghị, đề xuất Trung ương nhiều nội dung, như: Đề nghị Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư, tạo điều kiện cho các tỉnh Tây Nguyên thúc đẩy liên kết vùng về kết nối kinh tế. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm tham mưu thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng cho 5 vùng kinh tế – xã hội để làm cơ sở nâng cao hiệu quả liên kết vùng, tạo không gian phát triển mới, góp phần tích cực vào tái cơ cấu nền kinh tế.

Các đại biểu kiến nghị Chính phủ quan tâm, sớm trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi, tháo gỡ những tồn tại, hạn chế để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; có chính sách phù hợp nhằm giải quyết vấn đề thiếu đất, thiếu việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên…

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW cũng như việc xây dựng nội dung báo cáo. Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đề nghị, sau Hội nghị, các đại biểu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, trí tuệ để tiếp tục đóng góp ý kiến, nhất là phân tích các “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng; từ đó đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm hoàn chỉnh báo cáo trình Trung ương để có cơ sở ban hành nghị quyết mới, tạo cơ hội, động lực cho sự phát triển vùng Tây Nguyên trong thời gian tới.

PV (nguồn VPCP)