Thứ Tư, Tháng 2 5, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Tạo lập những ngữ cảnh xanh cho kiến trúc đương đại Việt



ĐNA -

Kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Kiến trúc trường Đại học bách khoa – Đại học Đà Nẵng, 25 năm đào tạo Kiến trúc sư của Nhà trường, ngày 16/9/2022, đã diễn ra hội thảo “Kiến trúc và Đô thị trước các thách thức mới của phát triển bền vững”.

PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng tặng hoa và quà tri ân các diễn giả có tham luận, báo cáo khoa học được chọn trình bày tại hội thảo. Ảnh trong bài: Trung Đức – Asean News.

“Nhà trường với nòng cốt là cán bộ viên chức Khoa Kiến trúc (phối hợp cùng Hội Kiến trúc sư thành phố Đà Nẵng) đã đầu tư và nỗ lực tổ chức thành công hội thảo, tạo thêm một dấu mốc trong quá trình trưởng thành và phát triển về mặt Khoa học của đơn vị.

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng nói chung và Khoa Kiến trúc nói riêng, cán bộ giảng viên đều rất quan tâm và tích cực, trách nhiệm trong tham gia, không chỉ ở cấp Trường, mà đã có những đề tài liên kết hợp tác nghiên cứu với các các Bộ, các tỉnh thành. Đặc biệt đã tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ…”, PGS.TS.KTS Nguyễn AnhTuấn – Trưởng Khoa, chia sẻ.

Tốc độ phát triển và thách thức đồng hành
Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng (trung bình trên 6% hằng năm); thời gian qua, thế giới đã biết đến Việt Nam như một quốc gia vừa đạt tốc độ tăng trưởng cao, vừa đạt thành tích giảm nghèo nhanh chóng chỉ trong gần hai thập kỷ qua.

Tuy nhiên bên cạnh những tác động tích cực từ quá trình hội nhập kinh tế và phán đấu đạt mục tiêu phát triển, Việt Nam cũng đang đối diện với những thách thức rất đáng quan ngại. Trong đó, có các thách thức trong xây dựng kiến trúc và yếu tố phát triển bền vững của các đô thị trên cả nước.

Tại diễn đàn “Phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh” (diễn ra ngày 17/06/2022), các nhà quản lý đô thị đồng chỉ ra rằng, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu cần được xem là “Mục tiêu ưu tiên trong giai đoạn tới, góp phần thực hiện toàn diện định hướng giảm nghèo, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nâng cao năng lực để giảm phát thải, đóng góp thiết thực vào những nỗ lực của cộng đồng quốc tế để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu”.

Để thực hiện những ưu tiên này, các nhà hoạch định, nhà quản lý, các Kiên trúc sư cần có những kiến thức, lý luận cũng như những công cụ quản lý mới nhằm thực hiện thành công các mục tiêu nói trên. Chủ đề của hội thảo hôm nay “Kiến trúc & Đô thị trước các thách thức mới của phát triển bền vững” nhằm hướng tới các mục tiêu nêu trên và đưa ra những đề xuất, tham vấn góp phần giải quyết các vấn đề lý luận lẫn thực tiễn của kiến trúc và đô thị Việt Nam.

Việt Nam hiện có 869 đô thị các loại, phân bố tương đối đồng đều trong cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 40,5% năm 2021.

Đô thị hóa và phát triển đô thị của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế và nảy sinh nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị còn nhiều bất cập. Tỷ lệ đô thị còn thấp, phát triển chủ yếu theo chiều rộng. Các mô hình đô thị phát triển bền vững, văn minh, hiện đại còn chưa nhiều. Tình trạng chung của các đô thị lớn trên toàn quốc là tắc nghẽn giao thông, ngập úng khi có mưa lớn và ô nhiễm môi trường, tỷ lệ đất giao thông, đất cây xanh còn thấp, chưa bảo đảm theo yêu cầu. (Phát biểu của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại diễn đàn “Phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh”, diễn ra ngày 17/06/2022).

Ngữ cảnh Xanh cho Kiến trúc đương đại
GS. TS. KTS. Doãn Minh Khôi (Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị), ThS. KTS. Doãn Minh Thu (Đại học Xây dựng Hà Nội) trong tham luận Kiến trúc đương đại trong ngữ cảnh xanh (tham luận được chọn mở đầu cho hội thảo), chia sẻ:

Kiến trúc đương đại (thuật ngữ chuyên môn) chứa đựng cả yếu tố không gian và thời gian. Khi nghiên cứu mối quan hệ giữa kiến trúc đương đại với các yêu cầu của thời đại, liên quan tới môi trường thiên nhiên và văn hóa, cả hai yếu tố quan trọng (được xem như) cấu thành Ngữ cảnh xanh. Và trong thực tế , kiến trúc đương đại (đa và đang) phải đối mặt với những thách thức của thời đại từ những tác động của môi trường thiên nhiên và văn hóa, xã hội.

Rõ ràng rằng, sự tác động của môi trường thiên nhiên và không gian văn hóa, xã hội đã ngày càng trở nên phức tạp hơn, (và điều đó), đã chất tải lên nội dung cũng như hình thức của kiến trúc, những vấn đề mang tính thời đại.

Ngày nay, các tòa nhà phải đối mặt với nhiều thách thức hơn các công trình tiền thân của nó, liên quan tới sử dụng năng lượng hiệu quả, đáp ứng thích ứng biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường. Yêu cầu thiết kế đã ngày một phức tạp hơn.

GS. TS. KTS. Doãn Minh Khôi (Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị): Kiến trúc đương đại thức tỉnh con người trong mối quan hệ với môi trường thiên nhiên và ngữ cảnh văn hoá xã hội.

Kiến trúc đương đại (buộc phải) thức tỉnh con người trong mối quan hệ với môi trường thiên nhiên và ngữ cảnh văn hoá xã hội. Đây là một cái gốc đảm bảo sự bền vững cho con người trước những thách thức ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu và những rủi ro từ những nhận thức khác biệt về văn hoá và nhân học.

Bởi xã hội thay đổi, ngữ cảnh không gian đời sống và vật chất thay đổi thì kiến trúc không bao giờ đứng yên một chỗ. Những biến đổi của kiến trúc được thể hiện qua các xu hướng, phong cách, chủ nghĩa; và chúng được biểu hiện một cách từ từ theo cả hai trục không gian và thời gian.

Và dù muốn hay không, kiến trúc đương đại hẳn nhiên phải đáp ứng các yêu cầu của đời sống con người, đó là một môi trường (sống, làm việc, nghỉ ngơi) thân thiện, an toàn, có thể được, thì chung sống và gần gũi với thiên nhiên. Chính điều đó đặt ra vấn đề cần phân tích rõ hơn về mối quan hệ của kiến trúc đương đại với các yếu tố bao quanh cần thiết. Đây chính là Ngữ cảnh xanh.

Trong chiến lược phát triển Xanh Đô thị, ngữ cảnh xanh hình thành từ việc xây dựng và tái tạo các không gian xanh nhằm bù đắp các không gian thiên nhiên đã và đang bị các không gian xây dựng thay thế trong quá trình phát triển (phát triển Rừng trong đô thị, phát triển Đô thị sinh thái,…).

Còn trong chiến lược phát triển Xanh kiến trúc, có rất nhiều lời giải cho các lựa chọn của giải pháp kiến trúc liên quan đến bảo vệ môi trường thiên nhiên. Đó là vấn đề tiết kiệm và sử dụng năng lượng có hiệu quả – được xem như mục tiêu hàng đầu cho các giải pháp kiến trúc thông minh. Rất nhiều ngôi nhà đã được tạo ra theo nguyên tắc sinh khí hậu. Nó được xem như một phần của hệ sinh thái tự nhiên, tạo hình theo cấu trúc của thiên nhiên. Nó thông minh trong cách khai thác và sử dụng năng lượng có hiệu quả.

Yếu tố Xanh môi trường trong kiến trúc đương đại, liên quan tới việc tái tạo không gian xanh thực sự (cây xanh) trong môi trường sống. Sử dụng công nghệ làm giảm hoặc tiết kiệm năng lượng tiêu hao của toà nhà (như đã nói ở trên) cũng chính là Xanh môi trường.

Ngoài ra còn có, Xanh văn hóa trong kiến trúc đương đại (liên quan tới yếu tố nhân văn). Theo đó kiến trúc không chỉ tạo môi trường thiên nhiên cho con người mà còn tạo nên một hệ sinh thái nhân văn kết nối con người trong các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội. Tích hợp Xanh Môi trường và Xanh Văn hóa trong kiến trúc đương đại là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật và kỹ thuật. Kiến trúc đương đại – vì thế, cho dù có thể tạo xúc cảm thẩm mỹ bởi sự không lặp lại, bởi sự bất ngờ và ấn tượng… – chúng vẫn luôn phải đối thoại với thiên nhiên và văn hóa của từng khu vực khác nhau.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật trong thời đại ngày nay từng bước làm thay đổi mọi khía cạnh của đô thị, ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực và đời sống con người. Thêm vào đó, đại dịch Covid -19 vừa qua cũng ảnh hưởng to lớn đến xã hội, ảnh hưởng nhiều tới nhận thức và thói quen sinh hoạt của người dân.

Trong bối cảnh có nhiều sự thay đổi phức tạp, việc giữ cân bằng các yếu tố trong xã hội là một điều vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định tới tương lai của đô thị đó. Các tiêu chí môi trường sống đô thị có thể sẽ thay đổi hoặc bổ sung cho phù hợp với hoàn cảnh mới, tuy nhiên giá trị cốt lõi là “con người” vẫn phải luôn đặt làm trung tâm trong mọi chính sách phát triển của đô thị.

 Thành phố Đà Nẵng.

Điều này sẽ rất khó khăn khi công nghệ phát triển dần thay thế sự hiện diện của con người trong cách thức vận hành của xã hội, môi trường trái đất ngày càng xấu đi, ngoài ra nỗi lo về dịch bệnh cũng sẽ làm giảm sự tương tác cộng đồng, ảnh hưởng nhiều đến các thói quen cuộc sống của người dân.
Trong hoàn cảnh đó, mỗi đô thị cần nhìn nhận chính xác các vấn đề, lựa chọn các giải pháp và hướng đi phù hợp nhằm đảm bảo sự cân bằng môi trường sống của người dân, hài hòa và thích nghi với nhiều sự thay đổi. Chỉ có sự cân bằng các yếu tố trong đô thị mới giúp đô thị có đủ nội lực vượt qua các khó khăn và duy trì khả năng phát triển trong thời đại mới.
Một đô thị hài hòa – tầm nhìn của nhà quy hoạch cho một đô thị tương lai giàu bản sắc (TS. Lê Phong Nguyên; KTS. Nguyễn Thị Khánh Vy và KTS. Phạm Ngọc Hoài Dương- Khoa Kiến trúc, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng).

Công nghệ – Kỹ thuật 4.0 giải quyết những vấn đề đặt ra …
Trong nghiên cứu của mình, GS. TS. KTS. Doãn Minh Khôi và ThS. KTS. Doãn Minh Thu (Đại học Xây dựng Hà Nội) còn nhắc đến một sự hỗ trợ đắc lực của kiến trúc đương đại, để giải quyết những vấn đề “Xanh Môi trường và Xanh Văn hóa”, đó là sự hỗ trợ của các phần mềm thiết kế công nghệ từ hiện đại đến rất thông minh. Hai yếu tố công nghệ và thông minh, cũng như (các tính năng) ứng dụng của nhiều loại vật liệu tiên tiến nhất, có thể tạo nên nhừng giải pháp kiến trúc độc đáo từ những ý tưởng phi thường.
Từ góc nhìn công nghệ thông minh này, PGS. TS. KTS. Nguyễn Anh Tuấn (Trưởng Khoa, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng) đã đặt vấn đề Liệu công nghệ Blockchain có tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực kiến trúc – xây dựng?

PGS. TS. KTS. Nguyễn Anh Tuấn tặng hoa tri ân và trao Chứng nhận cho Nhà tài trợ sự kiện.

“Công nghệ blockchain còn mới mẻ và chắc chắn có một số thách thức và tranh cãi ban đầu cần giải quyết, tác động của blockchain với thế giới hiện tại là không thể phủ nhận, nhưng chúng ta cần một khoảng thời gian nữa để thấy blockchain quan trọng như thế nào trong kiến trúc và xây dựng, dù khó có ai có thể dự đoán mức độ ảnh hưởng của nó. Blcokchain được dự báo sẽ tác động mạnh mẽ vào 7 nhóm lĩnh vực liên quan đến ngành, gồm: BIM (Building Information Modeling – Quá trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong các giai đoạn thiết kế, thi công và vận hành công trình) và CAD (Computer Aided Design, – Thiết kế với sự trợ giúp của máy tính); Quản lý hợp đồng thông minh, đô thị thông minh – toà nhà thông minh; Quản lý dự án, chuỗi cung ứng, bất động sản, tác quyền sản phẩm kiến trúc xây dựng.

Tác giả đã chứng minh, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của ngành công nghiệp kiến trúc xây dựng sẽ không tách rời khỏi công nghệ, và chính Blockchain đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi đó nhanh hơn, hiệu quả hơn… Hẳn nhiên,
Nếu xem xét Metaverse như là một mảnh đất mới của kiến trúc và xây dựng thì theo PGS. TS. KTS. Nguyễn Anh Tuấn, công nghệ chuỗi khối có thể giải quyết các vấn đề của lĩnh vực này theo nhiều cách.

Đơn cử như, bằng cách cung cấp giải pháp lưu trữ và quản lý quyền dữ liệu đáng tin cậy, tăng cường an ninh mạng và đảm bảo quyền sở hữu dữ liệu và theo dõi thay đổi, Blockchain có thể giúp hoàn thiện môi trường BIM và quản lý BIM. Sử dụng công nghệ blockchain, hệ thống BIM có thể theo dõi, xác thực và ngăn chặn sự giả mạo dữ liệu lịch sử liên quan đến các quá trình BIM…

Trích dẫn một nghiên cứu của Shojaei và cộng sự (2021), tác giả phân tích thêm: Với đặc trưng chống giả mạo và tính minh bạch thông tin, công nghệ blockchain có thể cung cấp đầy đủ khả năng truy xuất nguồn gốc vật liệu và năng lượng, cho phép người dùng đưa ra dự đoán về việc tái chế và tái sử dụng vật liệu và hàng hóa được sử dụng trong môi trường xây dựng.

Do đó, blockchain được cho là một cách tiếp cận khả thi và mới mẻ để phát triển khái niệm kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực môi trường kiến trúc và xây dựng.

“Kiến trúc & Đô thị trước các thách thức mới của phát triển bền vững”
Trong nghiên cứu “Tư duy sáng tạo – Chất xúc tác để thúc đẩy đổi mới kiến trúc hướng tới một tương lai bền vững”, KTS. Hồ Khuê (ALPES Green Design & Build), cho rằng thuật ngữ “Bền vững không mới, nhưng gần đây con người mới quan tâm đến sự phát triển bền vững cho mọi mặt của cuộc sống.

Hội thảo Kiến trúc và Đô thị trước các thách thức mới của phát triển bền vững, diễn ra tại Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng.

Theo Chiến lược bảo tồn Thế giới (công bố bởi Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế – IUCN), thì phát triển bền vững là “Sự phát triển của nhân loại không chỉ chú trọng tới phát triển mọi mặt của đời sống mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học”.

Thế nhưng trước sự biến động của thời gian, loài người vì sự tiện nghi, đủ đầy, đã dần dần đánh mất đi sự cân bằng đáng quý ấy, gây ảnh hưởng ngày một xấu đến môi trường sống cũng như sức khỏe của chính họ.

Thực trạng này được phản ánh rõ nét qua mật độ xây dựng dày đặc, kẹt xe khói bụi, ô nhiễm sông hồ, thiếu mảng Xanh.. ở các thành phố lớn. Ở thành phố trẻ Đà Nẵng, với nền du lịch ngày càng phát triển nhanh chóng, nếu không được quan tâm kịp thời các vấn đề đô thị ở nơi đây cũng đang dần đi vào lối mòn của những thành phố lớn trong nước.

Việc quan tâm đến những hệ lụy cũng như đảm bảo cho sự phát triển bền vững tương lai trong ngành kiến trúc cần sự chung tay góp sức của nhiều bên liên quan… Bàn về “vấn đề bền vững” trong kiến trúc, Người Kiến trúc sư có thể xem tính bền vững như một cơ hội quý báu cho việc sắp xếp thứ tự ưu tiên trong sáng tác kiến trúc, để thúc đẩy công nghệ xanh, sử dụng các vật liệu thân thiện hiệu quả và mở rộng quan hệ đối tác với các nhà khoa học môi trường. Với mong muốn các sản phẩm của mình là cầu nối giữa con người và thiên nhiên, tạo nên sự cân bằng giữa các yếu tố môi trường và phát triển, tư duy sáng tạo sẽ là một chất xúc tác cần thiết trong quá trình hiện thực hóa những mong muốn này”.

Được biết, hội thảo “Kiến trúc và Đô thị trước các thách thức mới của phát triển bền vững” cũng diễn ra đúng vào dịp Câu lạc bộ KTS trẻ toàn quốc tổ chức sự kiện chính thức ra mắt Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ vùng Nam Trung Bộ – Tây Nguyên (vào ngày mai (17/9 tại Đà Nẵng). Trong dịp này, Thành phố biển trở thành nơi hạnh ngộ của gần 500 Kiến trúc sư trẻ đến từ mọi miền đất nước. Sau dịp ra mắt, Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ vùng Nam Trung Bộ – Tây Nguyên dự kiến sẽ tổ chức hai hội thảo (cấp vùng và cấp quốc gia)./.

18 báo cáo khoa học, tham luận đã được BTC chọn in vào Kỷ yếu chính thức của hội thảo “Kiến trúc và Đô thị trước các thách thức mới của phát triển bền vững”; đã góp phần nâng tầm vị trí và trách nhiệm, đồng thời kêu gọi “Với sự sáng tạo, Người Kiến trúc sư có thể mở ra được những nét nghệ thuật cho công trình, đồng thời cân bằng các yếu tố cần thiết để tạo nên tính bền vững cho tác phẩm, mang lại giá trị cho người dùng”, đúng như một nội dung chia sẻ của KTS. Hồ Khuê trong tham luận của mình./.
Trung Đức