Theo hãng tin AP, ngày 20/5/2024, Bộ Thương mại Trung Quốc vừa công bố biện pháp trừng phạt Boeing và hai công ty quốc phòng khác sau khi chính phủ Trung Quốc cáo buộc tập đoàn này bán vũ khí cho Đài Loan – vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc, vào ngày ông Lại Thanh Đức nhậm chức người đứng đầu đảo này.
Đây là động thái mới nhất trong loạt lệnh trừng phạt mà Bắc Kinh công bố những năm gần đây, nhắm vào các công ty quốc phòng bán vũ khí cho Đài Loan.
Bộ Thương mại Trung Quốc đưa đơn vị Quốc phòng, Không gian và An ninh của Boeing, General Atomics Aeronautical Systems và General Dynamics Land Systems vào danh sách “các thực thể không đáng tin cậy”, đồng thời cấm họ đầu tư thêm vào Trung Quốc, cấm đi lại đối với quản lý cấp cao.
Vào tháng 4/2024, Trung Quốc đóng băng tài sản của General Atomics Aeronautical Systems và General Dynamics Land Systems tại Trung Quốc.
Hồ sơ doanh nghiệp cho thấy General Dynamics vận hành một số hoạt động dịch vụ hàng không vùng Vịnh và máy bay phản lực ở Trung Quốc. Hiện, Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào công nghệ hàng không vũ trụ nước ngoài, ngay cả khi chính quyền Bắc Kinh cố gắng tạo dựng tên tuổi trong lĩnh vực này.
General Dynamics cũng tham gia chế tạo Abrams, xe tăng đang được Đài Loan đặt mua từ Mỹ. Công ty cũng là đơn vị sản xuất máy bay không người lái (UAV) được quân đội Mỹ sử dụng là Predator và Reaper.
Năm 2022, Trung Quốc áp lệnh trừng phạt Ted Colbert – lãnh đạo đơn vị Quốc phòng, Không gian và An ninh của Boeing vì ký hợp đồng trị giá 355 triệu USD để cung cấp tên lửa Harpoon cho Đài Loan.
Tác động của lệnh trừng phạt của chính quyền Bắc Kinh đối với các doanh nghiệp như Boeing là không rõ ràng. Mỹ từng cấm việc bán công nghệ liên quan vũ khí cho Trung Quốc, nhưng một số nhà thầu quân sự cũng có hoạt động kinh doanh dân sự trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và các ngành công nghiệp khác.
Huy Nguyễn