Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Doanh nghiệp Việt phải bản lĩnh nắm rõ và chấp hành nghiêm quy luật thị trường

ĐNA -

(Đà Nẵng). “Bên cạnh những tác động như suy thoái, lạm phát gia tăng trên bình diện rộng, chiến tranh do xung đột địa chính trị, người tiêu dùng Âu – Mỹ cũng vừa thắt chặt chi tiêu, vừa khó tính hơn khi sử dụng hàng hóa, sản phẩm tiêu dùng.

Ngoài ra, bản thân các Hiệp định thương mại mà Việt Nam chúng ta tham gia, sẽ lần lượt có hiệu lực trong thời gian đến. Doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu cần chú ý hơn để có được những lợi thế”, ông Nguyễn Việt San, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu, góp mặt trong chuỗi cung ứng toàn cầu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương, khẳng định.

Ông Nguyễn Việt San, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu, góp mặt trong chuỗi cung ứng toàn cầu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương. Ảnh: T.Ngọc.

Chiều ngày 2/8/2024, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức “Hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu – Đà Nẵng 2024” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tại sự kiện, cộng doanh nghiệp đã nghe nhiều chuyên đề rất “thời sự thị trường”, đầy bổ ích: “Thông tin thị trường châu Âu – châu Mỹ và khuyến nghị cho doanh nghiệp, do ông Nguyễn Việt San, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương, trình bày; Tiềm năng thị trường nông thủy sản, thực phẩm tại Trung Quốc, do ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, chia sẻ qua cầu truyền hình từ Bắc Kinh kết nối với Đà Nẵng.

Chuyên đề “Thuận lợi, khó khăn và triển vọng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Nga”, do ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga trình bày. “Các khía cạnh của việc khởi nghiệp kinh doanh ở Nga” – bài nói chuyện của  Phó Giám đốc Trung tâm phát triển kinh doanh quốc tế, Hiệp hội các nhà sản xuất và doanh nhân Nga hợp tác với châu Á (RASPP), ông Georgij Ryabtsev.

Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản, bà  Quyền Thị Thúy Hà chia sẻ về “Cơ hội tiềm năng và một số lưu ý khi xuất khẩu sang Nhật Bản” và Chủ tịch Ủy ban hợp tác với Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia, ông Edwin Setiawan Tjie tham gia diễn đàn với lời mời “Thị trường Indonesia và cơ hội hợp tác kinh doanh.

Hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu – Đà Nẵng 2024 là một trong những sự kiện trong khuôn khổ Hội chợ Quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây – Đà Nẵng 2024 (diễn ra từ ngày 2 đến 7/8/2024).

Một trong những điểm nhấn của sự kiện là tạo môi trường hỗ trợ kết nối giao thương, do vậy, 90 doanh nghiệp đã tham gia trưng bày, triển lãm giới thiệu sản phẩm sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu ngay tại nơi diễn ra Hội nghị. Hình ảnh, thông tin hàng hóa trưng bày của doanh nghiệp được livestream đồng thời tại link trực tuyến của Hội nghị.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, thăm và trò chuyện với đại diện doanh nghiệp tại gian trưng bày.Ảnh: T.Ngọc.

Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cũng đã tổ chức khảo sát nhu cầu kết nối doanh nghiệp, tổng hợp gửi thông tin đến các Thương vụ, nhà phân phối trong và ngoài nước, văn phòng đại diện Sở Công Thương tại các tỉnh bạn Lào, các cơ quan lãnh sự, các tổ chức quốc tế và nhóm các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh để tạo điều kiện xúc tiến hợp tác. Trong đó, có 9 cặp doanh nghiệp qua trao đổi đã đồng ý ký kết hợp đồng nguyên tắc/ Biên bản ghi nhớ liên quan đến cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngay tại hội nghị; 1 cặp doanh nghiệp khác cam kết duy trì các xúc tiến hỗ trợ trao đổi, đàm phán qua trực tuyến.

“Trước tình hình kinh tế trên thế giới còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đối tác, đơn hàng. Chính vì vậy, việc tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng, đối tác là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm hiện nay”, ông Trần Chí Cường – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhìn nhận.

“Hội nghị lần này là dịp giúp doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng và doanh nghiệp một số địa phương trên cả nước nắm bắt thêm thông tin về dự báo tình hình, định hướng nhu cầu thị trường xuất khẩu; cập nhật tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường, tiềm năng, dư địa xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Về phía các doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ tiếp cận, đánh giá được năng lực sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp xuất khẩu Đà Nẵng cũng như tình hình phát triển logistics tại địa phương, từ đó giúp thị trường xuất khẩu mở rộng và có thêm nhiều chuỗi cung ứng mới được hình thành, góp phần đưa các sản phẩm thế mạnh của Đà Nẵng nói riêng và của Việt Nam nói chung đi xa hơn, bền vững hơn”, Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, cho biết.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, ông Vũ Bá Phú. Ảnh: T.Ngọc.

Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Doanh nghiệp Việt phải bản lĩnh nắm rõ “luật chơi”
Theo ông Nguyễn Việt San, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương, gần đây, tại một số nước như Hoa Kỳ, Bắc Âu,Italia, Pháp, Hà Lan, Nga… xuất hiện tình trạng mạo danh các công ty nhập khẩu uy tín để lừa đảo các doanh nghiệp nước ngoài (trong đó đã có doanh nghiệp Việt Nam bị lừa).

Các đối tượng lừa đảo (thường từ các khu vực Trung Đông hoặc châu Phi) lợi dụng tâm lý cho rằng “Các nước châu Âu là các nước phát triển, hệ thống luật pháp chặt chẽ, các công ty làm ăn (ở châu Âu) luôn đảm bảo uy tín, nên đã lập các website giả danh các công ty có thật (ở châu Âu). Nhằm tăng sự tin tưởng, độ tin cậy của các doanh, đối tượng lừa đảo cũng sử dụng địa chỉ văn phòng giả tại các nước phát triển ở châu Âu, kết hợp sử dụng nhiều phương thức lừa đảo tinh vi, đa dạng và khó xác minh. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý, thận trọng và tìm hiểu kỹ đối tác trước khi ký kết, thực hiện hợp đồng mua bán

Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, ông Nguyễn Việt San, cũng phổ biến thị hiếu tiêu dùng, những ràng buột từ các điều khoản trong nhiều hiệp định thương mại mà Việt Nam chúng ta tham gia, sẽ lần lượt có hiệu lực trong thời gian đến. Doanh nghiệp Việt Nam phải đặc biệt lưu ý.

  Ông San nhấn mạnh: Tại khu vực Âu Mỹ, sở thích và thói quen tiêu dùng tương đối khác nhau giữa các thị trường. Tuy nhiên, người dân ngày càng chú trọng tiêu thụ các sản phẩm nhập khẩu an toàn, thậm chí các sản phẩm thực phẩm an toàn (có chứng nhận) đã trở thành khía cạnh hàng đầu trong thương mại sản phẩm tại khu vực, đặc biệt là tại EU, Hoa Kỳ, với yêu cầu cao là xuyên suốt chuỗi cung ứng. Ví dụ điển hình nhất là tiêu chuẩn “Từ trang trại đến bàn ăn”.

Thị trường âu mỹ đòi hỏi rất khắt khe về các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm. Các sản phẩm phải thực sự có lợi cho sức khỏe, bảo đảm giá trị dinh dưỡng cao, ít béo, ít đường, chứa nhiều vitamin, tăng đạm thực vật, giảm đạm động vật, giảm phụ gia nhân tạo.

Từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, các phân khúc (sản phẩm) tầm trung, tính tiện lợi đã lên ngôi ở châu Âu-Mỹ. Sản phẩm có trị giá cao có xu hướng giảm, trong khi sản phẩm có mức giá trung bình và các sản phẩm sơ chế, đông lạnh, dễ chế biến tại nhà và đóng hộp có nhu cầu tăng do tính tiện dụng, phù hợp với cắt giảm chi tiêu hậu COVID-19 của người dân Âu – Mỹ. Một ví dụ là từ thói quen chỉ sử dụng tôm hùm, người tiêu dùng nay chỉ dùng tôm thẻ, tôm sú là được.

Tính bền vững và bình đẳng của tất cả các quốc gia, trong thương mại nói riêng, trong quan hệ quốc tế nói chung, được quy định trong thương mại công bằng (Fair Trade) cũng là một trong những xu hướng chính trên thị trường phổ thông. Nghĩa là người tiêu dùng xem trọng các quy định (về các giá trị mà cam kết Fair Trade mang lại). Kế đến là tính bền vững vừa tiện lợi (trong sử dụng), tốt cho sức khỏe, nhưng cũng phải bảo vệ tốt môi trường sinh thái.

Điều đó giải thích sự tăng lên của xu hướng tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, quản lý ô nhiễm, truy xuất quá trình sản xuất, sản phẩm có phải chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, và không là nhóm sản phẩm (được tạo ra từ) quy trình biến đổi gen (nguồn cung phải bền vững đúng nghĩa).

“Người tiêu dùng một khó tính hơn rất nhiều, khi quan tâm cả về thương mại công bằng, trách nhiệm cộng đồng của nhà sản xuất – nhà phân phối liên quan đến cải thiện sinh kế, điều kiện làm việc cho người lao động (Ví dụ: SCDDA của CHLB Đức; CS3D của Liên minh châu Âu. Các tuyên bố (về Fair Trade) và chứng nhận về tính bền vững được yêu cầu phải công bố ngay trên nhãn mác (chứng minh được) thương mại công bằng, nguồn cung bền vững… Ngay cả bao bì đóng gói giờ đây, nếu không chú ý cũng là “rào cản kỹ thuật” khi đưa sản phẩm vào một thị trường, thậm chí có khi bị cấm phân phối” –  Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương, ông Nguyễn Việt San đặc biệt lưu ý.

Ngoài ra yêu cầu giảm “Dấu chân Carbon/ Carbon Footprint” trong quy trình sản xuất cũng là một yếu tố, người tiêu dùng Âu-Mỹ không bỏ qua. Họ chỉ ưu tiên lựa chọn sản phẩm theo thông tin nhãn mác có đủ các yếu tố của tính bền vững, thương mại công bằng.

Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (viết tắt của carbon dioxide) mà EU đưa ra (gọi tắt là CBAM), cùng các cơ chế tương tự, khi được triển khai tại US, UK sẽ áp giá Carbon cho hàng nhập khẩu, dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính của quy trình sản xuất. Và chính cơ chế này sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh (của doanh nghiệp cùng sản phẩm xuất khẩu), cũng như quyết định (có hay không) sự lựa chọn sản phẩm nhập khẩu của người tiêu dùng.

Từ Bắc Kinh, ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, chia sẻ qua cầu truyền hình chuyên đề “Tiềm năng thị trường nông thủy sản, thực phẩm tại Trung Quốc”. Ảnh: T.Ngọc.

Thiết thực góp phần tháo gỡ khó khăn, “sát cánh” cùng nhà sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu, khi tình hình còn khó nhiều hơn thuận

Theo ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, trong 6 tháng cuối năm 2024, bối cảnh quốc tế và trong nước có những yếu tố thuận lợi nhưng phát triển sản xuất và thương mại cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm; Rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, giá cước vận tải tăng cao tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu và nền kinh tế có độ mở lớn của Việt Nam.

 Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương nói chung , thành phố Đà Nẵng nói riêng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho các nhà sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh thị trường tiêu thụ nội địa và thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Qua đó, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của thành phố cả ở thị trường trong nước và thị trường quốc tế.

Với chủ trương đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, chú trọng khai thác các kênh trực tuyến, thương mại điện tử cho hàng Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tích cực duy trì thúc đẩy và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho sản phẩm Việt Nam với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam tại tất cả các khu vực trên thế giới”.

Bạch Hổ hoạt lạc cao – sản phẩm nổi tiếng, có tuổi đời khá lâu của Công ty TNHH Đông Nam Dược Bảo Linh (Đà Nẵng) được xuất khẩu qua thị trường châu Âu, châu Á và Australia. Ảnh: T.Ngọc.

Về phía thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, ông Trần Chí Cường cho hay, chính quyền và các ngành chức năng đã, đang và sẽ nỗ lực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển dịch vụ logistics; tạo nền tảng thuận lợi để thu hút nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu luân chuyển trên địa bàn thành phố; thúc đẩy tiêu dùng trong và ngoài nước; kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường.

Đà Nẵng chúng tôi còn nhiều tiềm năng và thế mạnh trong thu hút đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất xuất khẩu nhiều loại sản 2 phẩm như: cơ khí – điện – điện tử, thủy sản, dệt may, thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ, vật liệu xây dựng – cao su – nhựa, dược phẩm – thiết bị y tế; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành hàng không vũ trụ, chế biến chế tạo, hóa dược phẩm, nông sản thực phẩm… Nhóm sản phẩm đặc trưng địa phương từ các làng nghề như làng đá mỹ nghệ Non Nước, làng nước mắm Nam Ô, bánh khô mè, bánh tráng Tuý Loan… và nhiều sản phẩm OCOP với đa dạng chủng loại từ thực phẩm chế biến, rượu, bánh kẹo đến dược phẩm, quà tặng lưu niệm, nến, mỹ phẩm./.

Trần Ngọc