Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Thành cổ Sơn Tây có lịch sử hơn 200 năm, sở hữu kiến trúc quân sự bề thế bậc nhất Việt Nam

ĐNA -

Nằm cách sông Hồng khoảng 2km, Thành cổ Sơn Tây được xây dựng vào đời vua Minh Mạng lần thứ 3 (năm 1822), là một công trình kiến trúc quân sự cổ độc đáo bậc nhất Việt Nam. Đây cũng là chứng tích lịch sử đầu tiên và duy nhất được xây bằng đá ong với tổng diện tích 16ha rộng lớn. Thành cổ Sơn Tây không chỉ mang trong mình dấu ấn lịch sử, mà còn có vẻ đẹp khác biệt của một của công trình kiến trúc phòng thủ độc đáo và tinh tế.

Thành cổ Sơn Tây có lịch sử hơn 200 năm, sở hữu kiến trúc quân sự bề thế bậc nhất Việt Nam

Thành được thiết kế kiểu hình vuông cạnh 500m, gạch đắp cao lên đến 5m. Xung quanh thành được bao phủ bởi hào nước rộng khoảng 20m, với con đường làm bằng gạch đá ngăn cách giữa hào nước và tường thành.

Thành cổ Sơn Tây có những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi tỏa bóng mát quanh năm. Những bộ rễ sần sùi vươn dài ôm trọn lấy những bờ tường rêu phong, những cổng thành đổ nát tạo một nét đẹp cổ kính.

Theo sử sách ghi lại, thành cổ Sơn Tây có chu vi 326 trượng 7 thước, tương ứng với 1306,8m. Chu vi mặt nước rộng lớn bao quanh thành với 448 trượng (1792m), rộng 26,8m và sâu 4m. Tường thành được xây dựng cao 1 trượng 1 thước (4,4m). Mới chỉ nhìn từ xa thôi, khách du lịch đã bị choáng ngợp bởi không gian rộng lớn mà thành cổ bao phủ, nổi bật giữa cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.

Thành có bốn cổng chính: chính Nam gọi là cổng Tiền, chính Bắc là cổng Hậu và hai cổng Tả và Hữu. Cổng Tiền và Hậu đều có cầu bắc qua hào nước dẫn vào cổng thành. Cổng Tiền nhìn ra phố Quang Trung, cổng hậu hướng ra phố Lê Lợi thẳng tới bờ sông Hồng; cổng Tả nhìn ra chợ Nghệ, cổng Hữu hướng ra phố Trần Hưng Đạo.

Đây là chứng tích lịch sử đầu tiên và duy nhất được xây bằng đá ong với tổng diện tích 16ha rộng lớn.

Mỗi cổng thành có hình tứ giác, có mặt cắt hình thang. Phía trên mỗi cổng đều có lầu canh (vọng lâu) và chỉ có duy nhất một lối ra vào. Phía ngoài có đắp Dương Mã thành (mang cá) hình chóp nón chắn phía ngoài của thành. Bề mặt thành có nhiều lỗ phía trên để quân lính nấp từ trong bắn súng ra ngoài.

Trong thành, các công trình được xây dựng theo kiểu đối xứng trên trục trung tâm Nam – Bắc. Chính giữa là vọng Cung Nữ là nơi nghỉ của vua mỗi khi đi tuần và là nơi để các quan trong trấn hằng năm tới tế lễ hoặc bái vọng mỗi khi có chiếu chỉ.

Phía Tây là Võ Miếu, nơi thờ các tướng sĩ đã anh dũng hi sinh khi chiến đấu bảo vệ thành. Ở bốn góc thành xưa kia có bốn giếng nước hình vuông to, xây bậc đá ong xuống tận đáy để cung cấp nước cho quân lính sinh hoạt.

Thành cổ Sơn Tây được triều đình xây dựng để quản trị cả một vùng rộng lớn gồm một nửa tỉnh Hà Tây cũ, toàn bộ tỉnh Vĩnh Phúc và gần như toàn bộ tỉnh Phú Thọ. Không những thế, thành còn trấn trị toàn vùng Tây Bắc, vùng thượng lưu sông Hồng, vùng lưu vực sông Lô, sông Chảy.

Năm 1884, quân Pháp đánh chiếm thành. Đến năm 1924, Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Martial Henri Merlin đã ra nghị định xếp hạng di tích thành cổ này. Đặc biệt, vào tháng 12/1946, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tổ chức một cuộc họp quan trọng tại đây.

Hào nước trong khuôn viên thành cổ tạo cảnh quan xanh mát, điều hòa không khí.

Qua hơn 200 năm, sau nhiều cuộc chiến tranh và thời gian, thành cổ Sơn Tây đã bị phá hủy phần lớn. Hiện chỉ còn lại dấu tích một số đoạn tường thành, cổng thành và một vài công trình sót lại trong khu vực thành cổ như vọng lâu, nền điện Kính Thiên, giếng nước, hai khẩu súng thần công…

Với những giá trị đặc biệt như trên, năm 1994, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã công nhận thành cổ Sơn Tây là Di tích lịch sử kiến trúc Quốc gia.

Năm 2009, UBND TP. Hà Nội đã ra quyết định cải tạo, chỉnh trang và phục dựng lại một số di tích trong Khu thành cổ này để phục vụ cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Hiện nay, thành cổ đá ong Sơn Tây đã trở thành một di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc quân sự độc đáo thu hút khách tham quan.

Hoàng Hạnh