Thanh niên là tài sản, là nguồn lực để thành phố Huế có thể đạt được những mục tiêu đặt ra, xứng danh là thành phố trực thuộc trung ương thứ 6 của Việt Nam”. Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương trong buổi đối thoại với thanh niên tỉnh sáng 24/12 khi nói về vị trí, vai trò của thế hệ trẻ, các đoàn viên thanh niên trong công cuộc xây dựng thành phố Huế trực thuộc trung ương.
Ngày 24/12/2024, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức buổi đối thoại giữa chủ tịch tỉnh và thanh niên về Phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị. Định hướng, tầm quan trọng, tâm tư nguyện vọng của thế hệ trẻ trước thời khắc lịch sử, thành phố Huế trực thuộc trung ương kể từ ngày 1/1/2025.
Mở đầu cuộc đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nói: “Tôi biết cuộc đối thoại này đã được lên kịch bản câu hỏi từ trước. Tuy nhiên tôi muốn đây sẽ là cuộc nói chuyện, trao đổi thẳng thắn, không có kịch bản. Các bạn trẻ hãy đặt câu hỏi, chúng tôi sẽ trả lời hết sức có thể”.
Sau lời phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh, đã có 15 câu hỏi được các bạn đoàn viên, thanh niên gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương và lãnh đạo các Sở, ban, ngành các vấn đề liên quan xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị như phát triển dịch vụ đô thị thông minh; xây dựng, thực hiện hương ước, gắn hương ước với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; kế hoạch triển khai rộng rãi mô hình tuyến đường “văn hóa, văn minh đô thị”…
Mở đầu, Đỗ Nguyễn Nhật Trường (đoàn viên phường Phước Vĩnh, TP Huế) với câu hỏi, Huế là một trong những địa phương triển khai khá tốt ứng dụng “Đô thị thông minh” với nền tảng phần mềm Hue-S và được người dân hưởng ứng tích cực. Sau 5 năm triển khai, Đỗ Nguyễn Nhật Trường muốn ứng dụng này được tăng thêm nhiều thông tin các phong trào do thanh niên phát động như Chủ nhật xanh, dọn rác sông Hương… và làm sao để người dân Huế tiếp cận thông tin tốt hơn.
“Sau 5 năm triển khai ứng dụng “Đô thị thông minh”, điều ấn tượng nhất đối với ông là gì và làm thế nào để mọi người ai cũng có thể được sử dụng những tiện ích mà phần mềm mang lại?”, anh Trường đặt câu hỏi.
“Bạn Trường có từng sử dụng phần mềm Hue-S chưa và ấn tượng của bạn là gì? Bạn mong mỏi điều gì hơn ở ứng dụng này?”, Chủ tịch Nguyễn Văn Phương đã trả lời bằng một câu hỏi.
“Ứng dụng này hay nhất ở phần phản ánh hiện trường và cập nhật thông tin mưa lũ, thiên tai. Từ đây, tôi và người dân có thể nắm được tình trạng thời tiết, phản ánh những vi phạm giao thông, vi phạm hành chính… trong cuộc sống. Tuy nhiên phần mềm còn thiếu nhiều thông tin về phong trào Chủ nhật xanh, dọn rác sông Hương… Nếu trong tương lai phần mềm cập nhật thêm những thông tin này thì hay biết mấy”, anh Trường trả lời.
Chủ tịch tỉnh đã chỉ ra nguyên nhân khách quan vì lượng người dân sử dụng điện thoại thông minh ở vùng kinh tế khó khăn còn hạn chế. Không riêng Thừa Thiên Huế, cả nước cũng đang cố gắng tăng số người dùng điện thoại thông minh ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
“Đó cũng là điều mà lãnh đạo tỉnh đang mong mỏi và sẽ đầu tư, hoàn thiện ứng dụng này trong thời gian tới. Tỉnh cũng sẽ cố gắng vận dụng tối đa nguồn lực nhằm phổ cập điện thoại thông minh đến toàn bộ người dân, giúp người dân có thể sử dụng mọi tiện ích dịch vụ công trực tuyến”, ông Phương trả lời.
Về vấn đề hỗ trợ ký túc xá cho sinh viên đến học ở Huế, Bí thư Đoàn Đại học Huế Nguyễn Văn Quang đặt câu hỏi, hiện khu ký túc xá hỗ trợ sinh viên của Đại học Huế chỉ có khoảng 5.000 chỗ ở, trong khi đó số lượng sinh viên của Đại học Huế có nhu cầu ở trọ có thể là 50-60 nghìn sinh viên, như vậy, ký túc xá tại Huế hiện nay chỉ đáp ứng chưa đến 10% nhu cầu.
“Huế sắp trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Vậy tỉnh và thành phố tương lai sẽ có những chính sách gì để hỗ trợ việc ăn ở, học tập của các bạn sinh viên Đại học Huế? Rộng hơn là chính sách thu hút nhân tài về Huế cống hiến, xây dựng quê hương?”, anh Quang đặt câu hỏi.
Chủ tịch tỉnh cho biết, tỉnh đã cùng Đại học Huế bàn bạc để có những chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng phục vụ việc học tập, đào tạo sinh viên ở Huế. Cụ thể, tỉnh đã có quy hoạch cụ thể về việc xây dựng một khu cư xá phục vụ sinh viên ở phường An Cựu, TP Huế thuộc quy hoạch làng đại học Huế.
“Tuy nhiên, đến nay chưa có nhà đầu tư nào có nguồn lực phù hợp để xây dựng, quản lý, vận hành khu cư xá này. Tỉnh cùng Đại học Huế sẽ tiếp tục mời gọi, tìm kiếm nhà đầu tư để thực hiện xây dựng khu cư xá này”, ông Phương nói.
Ông Phương cũng cho biết thêm, sắp tới tỉnh và thành phố Huế tương lai sẽ tiếp tục nghiên cứu, lập các đề án thu hút nhân tài với nhiều đãi ngộ phù hợp để mời gọi, giữ chân người tài đến Huế làm việc, cống hiến.
“Tỉnh đã nghiên cứu ban hành một số chính sách khá tốt để thu hút và giữ chân người tài trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, và sắp tới đây là Văn hóa, di sản. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng, Huế là một trung tâm đào tạo nhân tài, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước nên việc người có tài sau khi được đào tạo rời Huế đi tìm công việc và chỗ đứng phù hợp cũng là chuyện rất bình thường” Ông Phương bình luận.
Liên quan đến nội dung triển khai rộng rãi các tuyến đường “văn hóa, văn minh đô thị”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, lực lượng thanh niên đã sáng tạo, đi đầu trong các phong trào xây dựng đô thị, nông thôn mới và đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận như các tuyến đường được quản lý không rải, đốt vàng mã; nhận thức người dân về vấn đề rác thải được nâng lên; đường phố xanh, sạch, sáng… Thời gian tới, thành phố Huế mong muốn tuổi trẻ Huế tiếp tục có thêm những sáng kiến, đặt ra mục tiêu phấn đấu để tạo nên những không gian đô thị văn minh, nông thôn phát triển thay đổi bộ mặt địa phương.
Đối với những câu hỏi về nếp sống văn hóa, văn minh của thành phố Huế trong thời gian tới, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: Thay đổi nếp sống văn minh là điều hết sức cần thiết để Huế trở thành một trung tâm văn hóa, du lịch lớn của đất nước và khu vực. Bên cạnh việc bảo tồn phát huy các di sản, tiếp thu những tinh hoa văn hóa để lại, người dân Huế cần thay đổi suy nghĩ, nếp sống xưa cũ, không còn thích hợp. Hiện, Sở đang đề xuất các đề án liên quan vấn đề này, đặc biệt là việc triển khai mạnh mẽ đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn, đề án xây dựng và thực hiện hương ước mới; trong đó, thanh niên là lực lượng hạt nhân, xung kích bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan, tuyên truyền và nêu gương trong việc xây dựng nếp sống mới văn minh hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của văn hóa Huế, con người Huế.
Kết thúc buổi đối thoại, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương ghi nhận những đóng góp của lực lượng thanh niên trong tiến trình xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế trong thời gian qua. Đồng thời, mong muốn đội ngũ thanh niên Huế tiếp tục phát huy vai trò tuổi trẻ xây dựng quê hương giàu mạnh. Ông cho rằng, “Thanh niên phải là nhân tố quan trọng nhất trong công cuộc xây dựng, định hình thành phố Huế trực thuộc trung ương sao cho xứng tầm, mang đậm bản sắc văn hóa, di sản”.
Trong khuôn khổ buổi đối thoại, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tặng Bằng khen cho 15 thanh niên tiêu biểu trong tham gia xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị, 9 đoàn viên, thanh niên nhận Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế trao tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen cho nhiều đơn vị, tập thể.
Thế Cương – Anh Khoa
Ảnh: Lê Đình Hoàng