Ngày 8/8 đã diễn ra phiên họp lần thứ ba của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số với diểm cầu chính tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, kết nối với các điểm cầu là trụ sở các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại phiên họp lần thứ ba, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số sẽ dành thời gian sơ kết công tác chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm nay và xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai trong các tháng cuối năm 2022 và thời gian tới.
Tại phiên họp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức công bố “Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số – DTI cấp bộ, tỉnh năm 2021”.
Năm nay là năm thứ 2, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành thẩm định, đánh giá và công bố kết quả về mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.
So với lần đánh giá đầu tiên, bộ tiêu chí đánh giá đã được cập nhật, bám sát hơn với chương trình chuyển đổi số quốc gia và các chiến lược phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
DTI cấp bộ được chia thành 2 nhóm DTI cấp bộ cung cấp dịch vụ công và DTI cấp bộ không cung cấp dịch vụ công, bao gồm 6 chỉ số chính với 70 chỉ số thành phần. DTI cấp tỉnh gồm 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần. 9 chỉ số chính được phân thành nhóm chỉ số nền tảng chung và nhóm chỉ số về hoạt động.
Đây cũng là những nội dung mới trong chỉ số chính – chỉ số thành phần. DTI được quy định tại quyết định mới nhất mà Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành (Quyết định số 922/QĐ-BTTTT, ngày 20 tháng 5 năm 2022; Phê duyệt đề án “Xác định bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và của quốc gia”)
Theo đó, đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; top 5 địa phương dẫn đầu gồm Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh và Lạng Sơn. Năm 2020, top 5 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số là Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.
Như vậy, nếu Đà Nẵng giữ được vị trí dẫn đầu DTI hai năm liên tiếp, thì vị trí thứ nhì, Thừa Thiên-Huế cũng duy trì 2020-2021. Thành phố Hồ Chí Minh (từ vị trí thứ 5 lên vị trí 3) thay chỗ của Bắc Ninh (xếp thứ 4 của DTI 2021). Quảng Ninh (lùi xuống vị trí thứ 7 của DTI 2021), vị trí thứ 5 là Lạng Sơn, được xem như một bất ngờ.
Đáng chú ý, giá trị trung bình DTI 2021 cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 0,4014, tăng tới 32,7% so với năm 2020.
Trong nhóm đối tượng được đánh giá là 17 bộ, ngành cung cấp dịch vụ công, Bộ Tài chính vẫn duy trì vị trí dẫn đầu (tuy nhiên giá trị đạt được tăng 0,13 so với so với năm 2020 là 0,6321); Bộ Kế hoạch và Đầu tư ; Bảo hiểm xã hội Việt Nam mỗi cơ quan đã tăng lên 1 bậc, xếp vị trí thứ 2 và thứ 3. Top 10 của 17 bộ, ngành cung cấp dịch vụ công, xếp thứ tự tiếp theo 3 đơn vị top đầu là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Công Thương; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ.
“Giá trị DTI 2021 của 17 bộ, ngành cung cấp dịch vụ công, là cao nhất, nổi bật nhất của DTI 2021” – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ số trung bình DTI của các bộ, tỉnh còn thấp, do đó đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết liệt dành nguồn lực chuyển đổi số để đạt được những mục tiêu đến năm 2025.
Tháo gỡ ngay cản ngại trên lộ trình Chuyển đổi số
Theo Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai, thành phố Đà Nẵng vẫn còn một số vướng mắc.
“Triển khai chuyển đổi số là để giải quyết các “bài toán” lớn, khó trong thời gian qua không thực hiện được, và để thành công thì cần áp dụng một số mô hình, quy định mới, chưa có quy định và tiền lệ. Do vậy các địa phương cần có những cơ chế, chính sách mang tính kiến tạo, tiên phong để thúc đẩy chuyển đổi số” – ông Chinh nhấn mạnh.
Việc xây dựng chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đã có chủ trương tại Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, do vậy, cần có văn bản quy định cụ thể từ Chính phủ để làm căn cứ, tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới về ứng dụng công nghệ số, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số, quản lý đô thị thông minh.
Cũng theo Chủ tịch Lê Trung Chinh, việc lựa chọn đơn vị tư vấn lập đề cương, hồ sơ thiết kế để triển khai các ứng dụng/phần mềm nội bộ thời gian qua, gặp nhiều khó khăn; không thuê được các đơn vị tư vấn đạt chất lượng, dẫn đến thời gian triển khai các dự án công nghệ số kéo dài, không kịp đưa vào sử dụng theo nhu cầu; thậm chí huỷ chương trình, dự án dù đã phân bổ kinh phí.
Lý do chính là định mức chi phí lập dự án đầu tư (báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế – kỹ thuật); đề cương – dự toán chi tiết; đến thiết kế thi công – dự toán theo định mức quá thấp. Định mức (tỷ lệ) 3,64%; nghĩa là, với dự án 1 tỷ đồng, chi phí lập tư vấn chi hơn 30 triệu đồng. Ngoài ra (một đơn vị) đã tham gia lập hồ sơ tư vấn, thì sẽ không tham gia được đấu thầu thi công.
UBND thành phố Đà Nẵng đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên nâng định mức chi phí lập dự án đầu tư, đề cương – dự toán chi tiết, thiết kế thi công – dự toán để lựa chọn được đơn vị tư vấn phù hợp, đạt chất lượng (em xét thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Quyết định số 1688/QĐ-BTTTT ngày 11/10/2019 và Quyết định số 2378/QĐ-BTTTT ngày 30/12/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông).
Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét ban hành hướng dẫn về phí dịch vụ phát sinh khi thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thủ tục hành chính; theo đó nên miễn phí chuyển tiền để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công (hiện nay phí trả cho ngân hàng, tổ chức thẻ khoản 2,5% giá trị chuyển./.
Trung Đức