Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Thành phố Hồ Chí Minh phải xứng đáng với vai trò là đầu tàu kinh tế, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các địa phương, các bộ, các ngành phấn đấu, phát triển.



ĐNA -

Chiều 27/11/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các công trình trọng điểm năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2023. “Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, bạn bè quốc tế, người dân, doanh nghiệp cùng chia sẻ, bàn bạc xử lý những khó khăn, vướng mắc; chung tay, góp sức vì lợi ích quốc gia, dân tộc; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; tin tưởng Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước tiếp tục đạt nhiều thành tựu trong thời gian tới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các công trình trọng điểm năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2023.

Cùng dự có: Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Dự cuộc làm việc về phía địa phương có Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; lãnh đạo các sở, ban, ngành của Thành phố.

Tại buổi làm việc, UBND Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo, mặc dù gặp nhiều biến động, khó khăn, thách thức song nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, đến nay việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn Thành phố đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực; đặc biệt kinh tế có mức tăng trưởng khá cao.

Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Thành phố ước tăng hơn 9%, vượt kế hoạch đề ra là 6 – 6,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp IIP ước tăng 17,3% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,5 tỷ USD (tăng 10,3%); tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 66,2 tỷ USD (tăng 10%); thu ngân sách đạt kết quả khả quan, ước đạt 457.500 tỷ đồng (đạt 118,35% dự toán được giao và tăng 17,05% so với cùng kỳ).

Các lĩnh vực văn hóa – xã hội đều có nhiều tiến bộ; Thành phố tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19; công tác cải cách hành chính được quan tâm; công tác đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng đạt kết quả tích cực; công tác đối ngoại tiếp tục đẩy mạnh; tình hình quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.

Về giải ngân vốn đầu tư công, năm 2022 tính đến hết ngày 31/10, Thành phố giải ngân được hơn 11.400 tỷ đồng, đạt 30,48% kế hoạch. Các đơn vị chủ đầu tư đăng ký giải ngân vốn đến hết niên độ Kế hoạch đầu tư công năm 2022 là hơn 28.753 tỷ đồng, đạt 76,7% tổng số vốn giao. Thành phố đã triển khai các yêu cầu, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhằm đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tình hình triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố; Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành – Suối Tiên; Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, Bến Thành – Tham Lương; Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên; Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm; Dự án Xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài…

Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian gần đây, Thành phố phát sinh một số tình hình như nhiều doanh nghiệp (nhất là lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ,…) thiếu đơn hàng, sản xuất cầm chừng hoặc giảm việc dẫn đến nhiều công nhân mất việc, giảm thu nhập.

Nhiều doanh nghiệp (nhất là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, bất động sản,…) gặp khó khăn về dòng tiền do siết tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp; Tình hình cung ứng xăng dầu không ổn định làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân, ảnh hưởng lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng quan trọng hơn là tâm lý xã hội thiếu an tâm; tình hình hoạt động của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và vấn đề trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết cơ bản đã ảnh hưởng tâm lý, niềm tin của người dân và xã hội.

Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét ủng hộ Thành phố trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, nhất là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp xăng dầu, bất động sản, đặc biệt là các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, cho phép Thành phố được thí điểm thực hiện cơ chế đặc thù trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; được phép điều chỉnh cục bộ một số quy hoạch, thí điểm gia hạn sử dụng đất đối với một số trường hợp cụ thể; hỗ trợ Thành phố tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trên địa bàn; hỗ trợ Thành phố thúc đẩy giải ngân đầu tư công và một số đề xuất liên quan các dự án cụ thể…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đánh giá những kết quả phát triển kinh tế-xã hội; đặc biệt, làm rõ nguyên nhân của hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các công trình trọng điểm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; giải đáp các đề xuất, kiến nghị của Thành phố.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện tình hình có những khó khăn, thách thức song đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội, dự kiến có 15/19 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch. “Kết quả phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của cả nước. Điều này cũng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá trong chuyến thăm, làm việc với Thành phố vừa qua”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho rằng, thành tựu trên cho thấy Thành phố đã chủ động, tích cực, năng động, linh hoạt, sáng tạo ứng phó với những vấn đề mới nổi thuộc chức năng, nhiệm vụ; đoàn kết, thống nhất, “đúng vai, thuộc bài”, chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành để xử lý các công việc, tháo gỡ khó khăn, nhất là đối với những vướng mắc phát sinh; chủ động huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phục vụ cho sự phát triển.

Thủ tướng cũng chia sẻ với những khó khăn mà Thành phố đã và đang gặp, đặc biệt Thành phố với vai trò là đầu tàu kinh tế, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các địa phương, các bộ, các ngành phấn đấu, phát triển. “Chính phủ luôn luôn sát cánh cùng Thành phố theo trách nhiệm, nghĩa vụ, chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ”, Thủ tướng khẳng định.

Về nhiệm vụ trong thời gian tớiv của thanh phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng phân tích tình hình có nhiều khó khăn, thách thức, đan xen thời cơ, thuận lợi. Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh không chủ quan, song cũng không bi quan để phấn đấu hoàn thành tốt 19 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; đồng thời tổ chức rà soát lại toàn bộ công việc để bước vào năm 2023 với khí thế mới. Trước mắt, Thành phố phải tập trung vào công tác quy hoạch; thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó Thành phố phối hợp với các bộ, ngành xử lý dứt điểm những vướng mắc, thúc đẩy 5 dự án trọng điểm gồm: các dự án đường sắt đô thị; đường Vành đai 3 Thành phố; Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài, Tây Ninh. “Thành lập tổ công tác để xử lý những vấn đề đang vướng mắc”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng đề nghị, Thành phố phối hợp với các bộ, ngành và Chính phủ để tổng kết đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ về cơ chế chính sách thí điểm dành cho Thành phố cả về kinh tế, tổ chức, cán bộ…; trình cấp có thẩm quyền bổ sung phù hợp với tình hình.  Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn; thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động; tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với gia đình chính sách, đối tượng yếu thế, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán. Đáng chú ý, Thành phố phải quan tâm phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, phát triển kinh tế, trong đó có phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Thành phố Hồ Chí Minh không được chủ quan, tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhất là tiêm vaccine phòng dịch để kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế-xã hội; tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng gồm tiêu dùng, đầu tư công, xuất khẩu; khuyến khích phong trào khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ để Thành phố Hồ Chí Minh trở thành hình mẫu cho cả nước noi theo.

Đối với các đề xuất của Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí chủ trương xử lý, giải quyết; đồng thời chỉ đạo trực tiếp các bộ, ngành liên quan xử lý đối với từng vấn đề. Thủ tướng cho biết, nhiều vấn đề mà Thành phố đề xuất đã và đang được Chính phủ, các bộ, ngành xử lý như: vấn đề liên quan trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, hạn mức tín dụng, hộ chiếu du lịch, điều hành thị trường xăng dầu, hợp tác công tư trong đầu tư phát triển. “Các bộ, ngành bám sát tình hình, tích cực, chủ động phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh để xử lý những vướng mắc và cùng Thành phố Hồ Chí Minh phát triển”, Thủ tướng đề nghị.

Ga Tân Cảng thuộc Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành – Suối Tiên đang được Thành phố đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để đưa vào vận hành cuối năm 2023

TP HCM cần bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả
Cũng trong sáng 27/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thị sát các dự án, công trình lớn tại huyện Bình Chánh, TP HCM, gồm: Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng thuộc dự án cải thiện môi trường nước; dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50; công trình nút giao cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Tại Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư bảo đảm tiến độ mở rộng giai đoạn 2 của dự án, tiến tới chuẩn bị giai đoạn 3.

Đối với 2 dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 và tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư và địa phương chú trọng việc bố trí tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi bởi dự án. Khi bố trí khu tái định cư, cần lưu ý bảo đảm các điều kiện về y tế, giáo dục, viễn thông…

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải phóng mặt bằng, xem đây là một trong những vấn đề then chốt bảo đảm tiến độ dự án. Địa phương nào làm tốt việc này cần phải rút ra bài học kinh nghiệm để chia sẻ và nhân rộng cho các địa phương khác.

Thủ tướng cũng yêu cầu TP HCM bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, tranh thủ vừa thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng vừa bảo đảm các thủ tục đầu tư, đưa dự án về đích đúng tiến độ theo quy định.

10 kiến nghị của TP HCM
1. Chính phủ và các bộ, ngành khẩn trương có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất và bất động sản. Cụ thể là xem xét nới room tín dụng thêm 2%…

2. Mở room tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.

3. Có giải pháp cụ thể và hành động quyết liệt ổn định tình hình sau vụ việc của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

4. Cho phép TP HCM thí điểm áp dụng quy định “căn cứ để giao đất, cho thuê đất là văn bản phê duyệt kết quả trúng đấu giá, đấu thầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” đối với những quỹ đất được chấp thuận chủ trương thanh toán cho các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BT) trước ngày 1-1-2021.

5. Ủng hộ chủ trương trình Bộ Chính trị xem xét, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 và Kết luận 21 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2020.

6. Ủng hộ TP HCM các nội dung trong nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54; đồng thời chỉ đạo một cơ quan chủ trì thẩm định trình Chính phủ, Quốc hội dự kiến vào cuối năm 2022.

7. Chấp thuận cho TP HCM triển khai thí điểm mở rộng danh mục thuốc BHYT cho trạm y tế đối với 40 loại thuốc thuộc danh mục thuốc của bệnh viện hạng III, IV theo Thông tư 30/2018 (ban hành danh mục và tỉ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT).

8. Cho phép TP HCM được áp dụng cơ chế đặc thù để thực hiện dự án văn hóa và thể thao theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư.

9. Sớm xem xét, cho chủ trương và báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan các dự án, đất đai trên địa bàn TP HCM.

10. Hỗ trợ, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Cụ thể là tháo gỡ cho Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành – Tham Lương), dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 trên địa bàn TP HCM…
Minh Trung