Thứ ba, Tháng mười hai 10, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Thành phố Vũng Tàu: Giám sát danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ

ĐNA -

ĐNA- Theo Cổng TTĐTTPVT, sáng 22/3/2023, Ban Pháp chế HĐND thành phố Vũng Tàu tiến hành giám sát danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ theo Quyết định 2604/QĐ-UBND ngày 26/9/2016 của UBND tỉnh trên địa bàn phường 12, thành phố Vũng Tàu, Bà Trương Thị Hồng Lĩnh – Trưởng Ban Pháp chế, HĐND thành phố chủ trì buổi giám sát.

Mục đích Quyết định 2604/QĐ-UBND nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên nước; bảo đảm an ninh nguồn nước trước mắt và lâu dài, góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; Bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước; phòng chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước; bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên sống ven nguồn nước; Tạo không gian cho các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí liên quan đến nguồn nước; bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh trước diễn biến của biến đổi khí hậu và sự suy giảm nguồn nước trên địa thành phố.

Ban Pháp chế HĐND thành phố Vũng Tàu tiến hành giám sát danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ theo Quyết định 2604/QĐ-UBND ngày 26/9/2016 của UBND tỉnh trên địa bàn phường 12

Nội dung kế hoạch giám sát của Ban Pháp chế HĐND thành phố bao gồm:

  • Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, việc ban hành các văn bản đối với danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ theo Quyết định 2604/QĐ-UBND ngày 26/9/2016 của UBND tỉnh trên địa bàn thành phố Vũng Tàu của Tỉnh, Thành phố và địa phương.
  • Việc niêm yết công khai Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tại trụ sở UBND các phường, xã nơi cề nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ.
  •  Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ theo Quyết định 2604/QĐ-UBND ngày 26/9/2016 của UBND tỉnh tại địa phương.
  • Công tác quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước;
  • Tình trạng lấn, chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi bảo vệ hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn? Kết quả xử lý? Giải pháp khắc phục (nếu có);
  • Công tác phối hợp thực hiện việc cắm mốc giới trên thực địa sau khi phương án cắm mốc giới đã được duyệt.
  • Khó khăn, vướng mắc và Giải pháp và kiến nghị, đề xuất.
Ông Cao Danh Chánh – Phó Chủ tịch UBND phường 12 báo cáo kết quả với Đoàn giám sát

Theo Báo cáo của UBND phường 12 thì: Phường 12 nằm phía Đông Bắc thành phố Vũng Tàu, có diện tích tự nhiên 3.740 ha (3,74 Km2), địa bàn phường 12 có 03 tuyến Sông thuộc danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ (Sông Dinh, Sông Cỏ May và Sông Chà Và) nhưng thực tế Sông Chà và không thuộc địa bàn phường 12. Tổng chiều dài tuyến sông cần lập hành lang bảo vệ dài hơn 20Km. Hiện nay UBND phường 12 chưa thực hiện cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước tại 2 tuyến sông trên do chưa có chỉ đạo từ UBND thành phố Vũng Tàu, không đủ điều kiện kỹ thuật về cắm mốc địa giới, địa chính.

Về công tác chỉ đạo kiểm tra quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước tại địa phương: UBND phường 12 đã tổ chức cưỡng chế, di dời các bè thủy sản trên Sông Dinh nằm ngoài vùng quy hoạch. UBND phường 12 đã thực hiện vận động di dời và cưỡng chế với tổng số 21 trường hợp nuôi trồng thủy sản, nhà tạm trên Sông Dinh đoạn từ cầu cảng Nam Bình đến Cầu Gò Găng. Tháo dỡ toàn bộ bến, bãi neo đậu tàu, cầu tạm, đăng đáy, bãi nuôi hàu tự phát tại khu vực Sông Cửa Lấp gây ô nhiễm môi trường.

Ông Cao Danh Chánh cho biết: “Hiện nay, phường 12 đang gặp khó khăn, vướng mắc như: Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật còn thiếu, cán bộ, công chức phụ trách chủ yếu là kiêm nhiệm nên kinh nghiệm, việc thực thi nhiệm vụ còn hạn chế. Hành lang bảo vệ các tuyến sông, kênh chưa được bàn giao ranh giới mốc để công tác quản lý, bảo vệ các nguồn nước được thực hiện tốt hơn. Tại các Kênh thoát nước (kênh hở) thường xuyên bị lấn chiếm, xả rác, nước thải và động vật chết gây ô nhiễm môi trường”.

Phường 12 cũng đề xuất, kiến nghị Đoàn giám sát có ý kiến đến UBND thành phố Vũng Tàu chỉ đạo các phòng ban chuyên môn tham mưu Thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch và phương án cắm mốc giới, xác định ranh giới hành lang bảo vệ nguồn nước trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Công tác theo dõi thi hành pháp luật có quy mô rộng và phức tạp, do vậy đòi hỏi phải có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các phòng chuyên môn đặc biệt là Phòng Tài nguyên và Môi trường; phòng Kinh tế thành phố Vũng Tàu để hỗ trợ, hướng dẫn địa phương trong công tác quản lý, xử lý vi phạm liên quan đến nguổn nước trên địa bàn phường; bố trí nguồn vốn, sớm đầu tư xây dựng cống hộp tại các tuyến kênh thoát nước chính nằm trên địa bàn phường 12.

Bà Trương Thị Hồng Lĩnh cho rằng, ngày 07/3/2018, UBND thành phố đã ban hành văn bản số 1114/UBND-TNMT, tuy nhiên, Phường 12 chưa triển khai các văn bản theo chỉ đạo của Tỉnh và thành phố về cắm mốc giới, xác định ranh giới hành lang bảo vệ nguồn nước. Do đó, công tác thông tin tuyên truyền đến nhân dân là chưa có và nhân dân cũng chưa biết về nội dung bảo vệ hành lang nguồn nước. Về nội dung báo cáo, phường 12 chưa bám sát theo Đề cương của Ban Pháp chế. Phường 12 cũng chưa có phương án cắm mốc giới, xác định ranh giới hành lang bảo vệ nguồn nước; phường 12 cần lưu ý về các quy định để xác định ranh giới hành lang đề nghị bảo vệ.

Trưởng Ban Pháp chế, HĐND thành phố cũng cho biết thêm: Ngày 26/3/2019, UBND thành phố đã ban hành văn bản 1258/UBND-TNMT về quản lý xây dựng trong hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn, trong đó đã chỉ đạo rất rõ về trách nhiệm của UBND các phường, xã trong việc cắm mốc giới, xác định ranh giới hành lang bảo vệ nguồn nước. Do đó, đề nghị UBND phường 12 nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của UBND thành phố tại các văn bản trên.

Bà Trương Thị Hồng Lĩnh – Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố kết luận buổi giám sát

Trong văn bản 1258/UBND-TNMT ngày 26/3/2019, UBND thành phố đã chỉ đạo: UBND các phường, xã chủ trì, kiểm tra nghiêm cấm các hành vi trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước như: Hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; sử dụng đất không đúng mục đích đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hành vi xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc, công trình và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước. Hành vi làm suy giảm chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước, gây sạt lở hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của hồ chứa. Thông báo đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý khi thực hiện các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường về ảnh hưởng đến chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước; các dự án, công trình bao gồm: Xây dựng kho bãi, bến, cảng, cầu, đường giao thông, các công trình ngầm và công trình hạ tầng khác. San, lấp, kè bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa nước thủy lợi, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo, trừ trường hợp xây dựng công trình cấp bách phục vụ phòng, chống, khắc phục thiên tai. Khoan, đào phục vụ hoạt động điều tra, khảo sát địa chất, xử lý nền móng công trình.

Sơn Hải