Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Tháo gỡ rào cản kìm hãm phát triển kinh tế biển

ĐNA -

Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260 km với vùng đặc quyền kinh tế trên 1 triệu km2 và hơn 3.000 đảo lớn nhỏ. Biển Đông nằm trên đường giao thương quốc tế về hàng hải, nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, phương Đông với phương Tây, châu Á với phần còn lại của thế giới nhưng nhưng chưa khai thác được hết tiềm năng mà thiên nhiên ban tặng, đa phần do nguyên nhân chủ quan.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nói tại diễn đàn

Tại Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022, sáng 12/6/2022, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho biết sau hơn 10 năm thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam”, dù có nhiều tiềm năng, quy mô kinh tế biển vẫn còn khiêm tốn, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý. Đồng thời, môi trường biển biến đổi theo chiều hướng xấu, đa dạng sinh học và nguồn lợi thuỷ sản đang giảm sút nghiêm trọng.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng những hạn chế trên chủ yếu đến từ nguyên nhân chủ quan như tổ chức bộ máy phát triển kinh tế biển còn nhiều bất cập. “Các phương thức quản lý biển mới còn chậm áp dụng như quản trị theo không gian, quản lý tổng hợp vùng bờ biển, chưa bố trí nguồn lực phát triển phù hợp”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Ông Lê Tấn Hồ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết tỉnh này có đường bờ biển dài gần 200 km, ngư trường rộng, nguồn thuỷ sản phong phú, nhiều đầm vịnh kín gió, thuận lợi cho nuôi trồng thuỷ sản, phát triển du lịch, cảng biển. Ngoài ra, Phú Yên còn có điều kiện để trở thành cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và các tỉnh nam Lào.

Lợi thế là vậy nhưng lãnh đạo Phú Yên cho rằng tỉnh này vẫn chưa khai thác hiệu quả. Ông Hồ chỉ ra một số hạn chế của Phú Yên như du lịch chưa có sản phẩm đặc trưng, quản lý vùng nuôi trồng thuỷ sản chưa tốt dẫn tới ô nhiễm môi trường. Thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế, nhất là các dự án trực tiếp từ nước ngoài.

Các tỉnh ven biển cho rằng việc chưa có Quy hoạch không gian biển quốc gia, thiếu pháp luật về lấn biển khiến các tỉnh chưa thể mở rộng quy mô phát triển kinh tế biển như giao mặt nước phục vụ nuôi trồng thuỷ sản, mở rộng cảng biển do lo ngại không đúng quy hoạch, vi phạm pháp luật về đất đai.

Về hàng hải, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết mặc dù phương thức vận tải container đã trở thành xu thế trên toàn thế giới, thị trường sôi động với mức cước không ngừng tăng cao nhưng nước ta vẫn chưa phát triển được đội tàu container chuyên nghiệp có thể cạnh tranh với các hãng nước ngoài. “Các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam được hưởng lợi không đáng kể do phần lớn hàng xuất nhập khẩu trong nước là do các hãng tàu nước ngoài đảm nhận”, lãnh đạo công ty Hàng hải Việt Nam chia sẻ.

Doanh nghiệp hàng hải này cho rằng một trong số nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của ngành vận tải biển là hệ thống kho bãi mới chậm triển khai do hạn chế quỹ đất tại các vùng kinh tế trọng điểm. Các thủ tục liên quan đến đất đai, thủ tục đầu tư còn mất nhiều thời gian, chồng chéo.

Về du lịch, ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch nhận định du lịch tàu biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng do chưa có hạ tầng phù hợp. Cả nước chỉ có một cảng biển du lịch là Vịnh Hạ Long nên lượng khách ở lĩnh vực này chỉ chiếm khoảng 1% tổng lượng khách quốc tế của cả nước. Ông Việt cho biết để phát triển du lịch biển, những năm tới cơ quan này sẽ đề xuất các chính sách ưu đãi đầu tư phát triển các khu nghỉ dưỡng biển chất lượng cao ở các vùng trọng điểm. “Thời gian tới sẽ phát triển các sản phẩm du lịch đảo tạo ra đột phá cho du lịch biển. Để thực hiện được chính sách này, hệ thống cảng biển du lịch sẽ phải phát triển tương xứng”.

PV