Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Thay đổi phương pháp dạy và học tiếng Nhật ở trường trung học phổ thông Việt Nam

ĐNA -

Trong những năm gần đây, Nhật Bản là quốc gia đầu tư rất nhiều vào Việt Nam với tổng số tiền đầu tư hơn 4 tỷ USD mỗi năm. Tính đến cuối năm 2019, Nhật Bản có 4.190 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 57,9 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Sau tiếng Anh, rất nhiều bạn trẻ đã chọn ngôn ngữ Nhật là ngôn ngữ thứ hai để học tập vì nhận thấy nhu cầu và tiềm năng rất lớn của thị trường. Ngoài những hình thức phổ biến như tự học, học tại các trung tâm tiếng Nhật, các trường cao đẳng và đại học thì hiện nay số lượng người Việt Nam sang Nhật dưới dạng du học sinh, thực tập sinh kỹ năng cũng đang có xu hướng tăng. Vì vậy, việc thay đổi, đổi mới phương thức dạy học cũng là một vấn đề cần quan tâm nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy có hiệu quả hơn; đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại; phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức sẽ giúp việc học tiếng Nhật tại các cơ sở giáo dục tại Việt Nam đạt hiệu quả cao hơn.

Năm 2018, số lượng người học tiếng Nhật tại Việt Nam lên tới gần 175.000 người. Tại Việt Nam có 818 đơn vị đào tạo tiếng Nhật, số giáo viên là 7.030. Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp Nhật Bản cho thấy, đến tháng 6/2022 xấp xỉ 83.000 du học sinh (DHS) Việt Nam tại Nhật Bản. Có nhiều chương trình học bổng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, bao gồm học bổng Ngân sách nhà nước và học bổng của phía Nhật Bản.

Ngoài lý do phát triển theo nhu cầu của xã hội, giáo dục tiếng Nhật tại Việt Nam đạt được nhiều thành quả cũng một phần do quyết tâm của hai chính phủ Việt Nam và Nhật Bản và sự nỗ lực của các nhà quản lý giáo dục cũng như các chuyên gia tiếng Nhật của hai nước. Từ năm 2003, khi tiếng Nhật chưa phát triển nóng như bây giờ, dưới sự chỉ đạo của chính phủ hai nước, Đề án giảng dạy tiếng Nhật tại trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Việt Nam đã được khởi động và thực hiện suốt 10 năm. Từ một lớp thí điểm cho học sinh lớp 6 ở Trường THCS Chu Văn An – Hà Nội (sau đó thí điểm tiếp ở TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế), đến năm 2022, trên toàn quốc đã có 27.000 học sinh THCS và THPT học tiếng Nhật tại trường như ngoại ngữ 1 hoặc ngoại ngữ 2 (theo chương trình 7 năm).

Hiện tại, về cấu trúc giáo án dạy một bài tiếng Nhật, hầu hết các Trường học hiện nay đều sử dụng giáo trình Minna No Nihongo trong suốt quá trình giảng dạy cho học sinh. Tuy nhiên, giáo trình không có nhiều hình ảnh sinh động đẹp mắt, chú trọng vào ngữ pháp rất nhiều và thậm chí có những bài khá nặng về mặt ngữ pháp. Nếu chỉ bám vào giáo trình để dạy thì học sinh sẽ cảm thấy giờ học nhàm chán và kém thú vị.

Giáo trình Minna No Nihongo sử dụng trong dạy tiếng Nhật

Thay đổi phương pháp giảng dạy tiếng Nhật
Song song với việc soạn giáo án thì việc áp dụng các phương pháp giảng dạy vào bài học cũng hết sức quan trọng. Để tăng chất lượng giờ học thì giáo viên cần có những phương pháp giảng dạy độc đáo, dễ hiểu, làm sao cho học sinh không cảm thấy nặng nề và nhàm chán mỗi khi bước vào giờ học.

Phương pháp giảng dạy từ vựng:
Đầu tiên phải luyện cho học sinh thuộc cách phát âm, sau đó bắt chước và luyện nói theo ngữ điệu. Cách phát âm chuẩn sẽ giúp học sinh ghi nhớ chính xác ý nghĩa và cách viết từ vựng một cách hiệu quả. Việc đọc và phát âm từ phải chuẩn ngay từ bước đầu tiên. Nếu phát âm sai, đọc sai thì điều đó sẽ rất khó khăn để sửa chữa. Cũng như việc chúng ta vẽ một nét bút lên trang giấy trắng, dù có sửa chữa nhưng vẫn để lại vết.

Vì vậy, cần phải rèn cho học sinh cách phát âm thật chuẩn ngay từ bước đầu. Có thể cho học sinh vừa đọc và nghe theo cách phát âm trong kim từ điển hoặc đoạn hội thoại của người bản xứ. Giáo viên cần mở âm lượng của đoạn hội thoại ở mức to, cho học sinh nghe đi nghe lại nhiều lần kết hợp với đọc to, rõ ràng các phát âm từ vựng. Đồng thời có thể hướng học sinh liên tưởng đến các hình ảnh thật trong cuộc sống, sự kết hợp của nhiều cơ quan ghi nhớ như tai, mắt, miệng để kích thích não bộ tạo ấn tượng sâu sắc với từ đó. Kho từ vựng tiếng Nhật rất đa dạng và có rất nhiều từ thuộc cùng một chủ đề, việc phân chia những nhóm từ cùng loại sẽ giúp học sinh ghi nhớ một cách hiệu quả hơn.

Việc học xong để đấy sẽ rất nhanh quên, vì vậy cần phải áp dụng ngay vào thực tế. Có thể cho học sinh sử dụng từ vựng vừa mới học để luyện nói với bạn bè và giáo viên, giúp học sinh có thể kết nối và hội thoại với bạn bè một cách nhanh nhất. Đồng thời cần luyện cho học sinh cách học “vừa học vừa dịch”. Khi nhìn thấy một từ tiếng Nhật nào đó có thể suy nghĩ hoặc tra cứu nghĩa của từ đó hoặc ngược lại, khi nhìn thấy một từ nào đó bằng tiếng Việt thì hãy liên tưởng đến tiếng Nhật. Ngoài ra, giáo viên có thể dạy từ vựng qua các hội thoại và đoạn phim ngắn.

Sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại giúp học sinh dễ tiếp nhận kiến thức

Trong các đoạn văn hội thoại chứa rất nhiều từ các từ vựng và mẫu câu ngắn. Điều này có ích rất nhiều đối với việc rèn luyện từ vựng kết hợp với các mẫu ngữ pháp. Hơn nữa, đoạn văn còn giúp học sinh ghi nhớ chính xác ý nghĩa và cách sử dụng các từ vựng đó trong từng hoàn cảnh cụ thể. Đặc biệt hơn là thông qua đoạn văn, học sinh có thể sử dụng từ vựng để giao tiếp rất nhiều câu bằng tiếng Nhật. Những đoạn phim Nhật ngắn có phụ đề tiếng Việt sẽ rèn luyện cho học sinh khả năng nghe và phát âm các từ vựng, cách sử dụng từ vựng và các mẫu câu trong giao tiếp hàng ngày của người Nhật.

Phương pháp giảng dạy ngữ pháp tiếng Nhật:
Giáo viên phát triển kĩ năng sử dụng cấu trúc ngữ pháp của học sinh thông qua hoạt động giao tiếp, trước hết là đọc và viết, gắn với những ngữ cảnh cụ thể. Có thể gợi dẫn bằng các tình huống thực tế để học sinh tự xây dựng và nhớ được cấu trúc.

Tạo cơ hội cho học sinh dùng ngôn ngữ càng nhiều càng tốt, vì tương tác xã hội, đọc và viết để chia sẻ ý tưởng sẽ giúp phát triển kĩ năng sử dụng ngôn ngữ nhiều hơn là học ngữ pháp. Các kiến thức về ngữ pháp chỉ được học trong chừng mực cần thiết cho việc rèn luyện kĩ năng giao tiếp. Hướng dẫn học sinh thảo luận và nghiên cứu về cách dùng, chứ không làm các bài tập trong sách ngữ pháp.

Tương tự, hướng dẫn học sinh khám phá sức mạnh biểu đạt của các mẫu ngữ pháp khác nhau trong giao tiếp và đối chiếu hiệu quả giao tiếp khác nhau của những mẫu ngữ pháp khác nhau trong những bối cảnh khác nhau.

Việc dạy ngữ pháp tiếng Nhật chỉ có thể có kết quả vững chắc khi người học sinh nhận thấy điều mình học bổ ích và thú vị. Do đó, giáo viên cần dạy những nội dung ngữ pháp hữu ích, gắn với cái mà học sinh đang học (viết hay đọc hiểu các cấu trúc câu trong bài hội thoại hay đoạn văn…); nên khuyến khích các thử nghiệm trong khi viết, tuy làm như vậy có thể mắc lỗi, nhưng dám thử nghiệm và mắc lỗi là cần thiết cho quá trình phát triển ngôn ngữ của học sinh; đồng thời cũng khuyến khích học sinh xem xét các khả năng thay thế, tìm sự khác biệt tinh tế giữa các cấu trúc ngữ pháp.

Phương pháp giảng dạy kỹ năng nghe – nói tiếng Nhật:
Giáo viên áp dụng kết hợp phương pháp Shadowing trong giảng dạy kỹ năng nghe và nói cho học sinh. Sở dĩ giáo viên chọn phương pháp dạy này là do nó có khả năng luyện tập đồng thời cả hai kỹ năng nghe và nói. Phương pháp này giúp cải thiện phát âm như tiếng mẹ đẻ; cải thiện hiện tượng âm vị một cách thực tế; cải thiện các vấn đề về phát âm, thái độ, nhịp điệu, âm điệu, trọng âm, cường độ, luật gieo vần…; cải thiện các điểm khó trong kỹ năng nghe…; Lời thoại được lặp lại sẽ còn lưu giữ trong trí nhớ một thời gian ngắn (trí nhớ ngắn hạn), cho dù lời thoại đó cùng lúc biến mất đi thì học sinh vẫn nắm bắt được đầu mối ý nghĩa và có thể thúc đẩy được năng lực hiểu.

Về kỹ năng nghe, giống như luyện tập phát âm, trước tiên cho học sinh nghe (không xem giáo trình) để nắm bắt âm điệu và nói nhẩm theo trong đầu. Khác với từ vựng, mẫu câu là một cấu trúc hoàn chỉnh. Do đó, khi bắt đầu luyện tập sẽ rất khó khăn, để não bộ có thể xử lý âm thanh và hình dung được phải mất một khoảng thời gian. Ban đầu chỉ nên thực hiện nói nhẩm theo để có thể bắt kịp được tốc độ đọc. Ở bước này nên cho học sinh thực hiện ít nhất 3 lần. Quá trình này giúp kích thích thính giác, yêu cầu học sinh phải tập trung nghe để có thể nhẩm theo chính xác. Kỹ năng này giúp nâng cao khả năng nghe khá hiệu quả.

Sau đó cho học sinh xác nhận lại mẫu câu trong giáo trình và thực hiện đọc lại. Việc xác nhận lại sẽ giúp học sinh nhận thức được mẫu câu, từ đó giúp nhận dạng chính xác bản thân đã nghe thấy gì. Đồng thời kết hợp với đọc song song sẽ giúp lưu giữ mẫu câu trong trí nhớ, giúp nhớ mẫu câu một cách dễ dàng và bắt kịp tốc độ nói. Sau khi xác định đúng mẫu câu, bước quan trọng tiếp theo là Shadowing theo nhịp điệu. Kết hợp với việc đọc song song sẽ giúp học sinh điều chỉnh để mô phỏng chính xác ngữ điệu, đồng thời giúp nâng cao kỹ năng nghe và nói qua việc thực hiện đồng thời cả hai hành động nghe và nói cùng lúc.

Sau khi nắm bắt được nhịp điệu và bước đầu có thể nói khá tự nhiên, cho học sinh dịch nghĩa. Điều này giúp học sinh nắm bắt ngữ nghĩa và bối cảnh. Cuối cùng, khi đã nắm bắt được nhịp điệu và tốc độ, Shadowing theo ngữ nghĩa bối cảnh sẽ giúp học sinh hiểu rõ ý nghĩa và cách sử dụng của mẫu câu. Khi đã hoàn tất luyện tập Shadowing, giáo viên sẽ kiểm tra học sinh thực hiện Shadowing lại mẫu câu mà không cần nhìn giáo trình, rồi cho đánh giá và nhận xét.

Đối với kỹ năng nói, học sinh sẽ được luyện tập Shadowing với phần Kaiwa. Đây là một đoạn hội thoại dài với nhiều nhân vật tham gia. Do đó cách thực hiện có thể hơi khác một chút. Tuy nhiên lợi thế ở phần này chính là có video tham khảo. Đây chính là ưu điểm rất lớn. Không những giúp học sinh hình dung ngay thái độ biểu đạt mà còn có thể hiểu được bối cảnh của hội thoại. Các video này rất dễ tìm kiếm và phổ biến trên các trang mạng. Giáo viên có thể tải về cho học sinh luyện tập. Các video khá ngắn cho nên sẽ không gây căng thẳng khi luyện tập. Đặc biệt, hiện nay các video đã có thêm phụ đề cả tiếng Việt và tiếng Nhật nên có thể dễ dàng luyện tập trực tiếp ngay trên video.

Cách thực hiện Shadowing phần Kaiwa gồm các bước sau: Đầu tiên, giáo viên cho học sinh xem qua video 1-2 lần để nắm bắt mẫu câu. Không nên tạm ngừng sau mỗi câu mà hãy để video chạy liên tục để học sinh có thể nắm bắt âm thanh cũng như làm quen với tốc độ nói; Sau khi học sinh đã quen với tốc độ của video, giáo viên tiến hành cho học sinh đọc song song. Với phụ đề tiếng Nhật được thêm vào sẽ giúp học sinh có thể đọc song song và theo kịp với video; Khi đã quen với mẫu câu, cũng như đã quen với cách thực hiện qua quá trình luyện tập ở các phần trước, giáo viên sẽ tập trung cho học sinh Shadowing theo nhịp điệu, đồng thời xác nhận ý nghĩa của hội thoại. Vì là video nên học sinh có thể dễ dàng xác nhận ý nghĩa của hội thoại một cách cụ thể và rõ ràng.

Phương pháp giảng dạy trong kỹ năng viết:
Trước tiên, giáo viên phải cho học sinh tập viết một câu rồi đến một đoạn văn. Học viết chính là ban đầu học từ sau đó tập viết thành câu rồi đến đoạn. Ban đầu chỉ cần viết những câu đơn giản như “Tôi tên là…”, “Sở thích của tôi là…” … Cách này sẽ giúp học sinh làm quen với việc viết dài hơn một từ và đồng thời cũng là để củng cố kiến thức ngữ pháp.

Khi câu đã xuôi thì tiếp đến là đoạn. Có rất nhiều cách viết một đoạn văn bằng tiếng Nhật. Đơn giản nhất là giáo viên hãy luyện cho học sinh thói quen viết nhật ký để ghi lại những thứ hằng ngày, vừa không đòi hỏi nhiều từ khó, vừa để lưu lại làm kỷ niệm. Khi đã viết quen thì học sinh có thể viết được các dạng khó hơn như là viết thư, bản tin, hay kể một câu chuyện nào đó…

Giáo viên cần lưu ý cần phải luyện cho sinh viên viết song song cả Hiragana, Katakana và Kanji trong một câu. Cố gắng dùng Kanji nhiều hơn Hiragana, và áp dụng những mẫu ngữ pháp và từ vựng mới học để viết câu. Nên viết những câu đơn giản trước, và nên hạn chế viết theo kiểu “bay bổng văn thơ”. Với trình độ sơ cấp chỉ nên viết những câu đơn, câu phức cũng chỉ nên nối với nhau bằng những từ nối đơn giản. Có như thế, dần dần khả năng viết của học sinh sẽ tiến bộ một cách đáng kể.

Đối với chữ Kanji, cần lưu ý cho học sinh tuân thủ một số quy tắc sau: 1. Nét trên tới nét dưới, nét trái tới nét phải; 2. Các nét ngang viết trước, các nét dọc viết sau; 3. Các nét sổ thẳng và nét xuyên ngang được viết sau cùng; 4. Nét xiên trái (nét phẩy) viết trước các nét xiên phải (nét mác); 5. Viết phần giữa trước đối với các chữ Kanji đối xứng; 6. Phần bao quanh bên ngoài viết trước, phần bên trong viết sau; 7. Đối với phần bao quanh, viết nét sổ dọc bên trái trước; 8. Đối với phần bao quanh, nét dưới đáy được viết sau cùng; 9. Các nét chấm nhỏ sẽ được viết sau cùng.

VD: Viết nét ngang trước sổ sau: 十、下、丁、正、土 ...

Nét phết (ノ) trước, nét mác ( 乀) sau: 兄、見、文、入、父...

Viết từ trái sang phải: 人、切、外、語、機、性...

Viết từ trên xuống dưới: 二、三、合、意、高...

Viết từ ngoài vào trong: 月、向、風、周、同...

Bộ 辶và 廴được viết sau cùng: 建、迎、返、通、連...

Viết nét ở giữa trước rồi qua trái đến phải: 小、木、水、求、業

Ngoài ra, giáo viên có thể dạy cho học viên cách nhớ chữ Kanji theo bộ có cùng ý nghĩa.

VD: Bộ “nhân”, chỉ người: 人亻 儿

Bộ “hỏa”, chỉ lửa: 火 灬

Bộ “thủy”, chỉ nước: 水氵氺

Bộ “thủ”, chỉ hành động: 手 扌

Bộ “tâm”, tâm can, tấm lòng: 心 忄

Bộ “nhục”, thịt: 肉 月

Để có thể thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học tiếng Nhật ở trường phổ thông Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:
Trường học cần chú trọng hơn vào việc đầu tư nguồn lực tài chính xây dựng cơ sở hạ tầng, điều kiện giảng dạy, học tập, hỗ trợ giảng dạy cho các giáo viên. Trong đó, các phòng học cần có mạng internet để phục vụ cho các buổi trao đổi, thảo luận hoặc thực hành kỹ năng đạt chất lượng, hiệu quả cao, dễ dàng hỗ trợ giáo viên trong việc tìm kiếm các ví dụ minh họa cụ thể, thiết thực trên mạng internet. Hệ thống lớp học, trang thiết bị máy móc, bàn ghế, phương tiện hỗ trợ cho công việc học tập phải đầy đủ, hiện đại tạo cảm giác thoái mái và hứng thú cho học sinh trong giờ học.

Việc bố trí, sắp xếp không gian trong lớp học cũng đóng vai trò quan trọng tạo nên hiệu quả của giờ học. Nên sắp xếp bàn học theo “sơ đồ hình chữ U” với khoảng không gian trống và rộng ở giữa để giáo viên có thể trực tiếp quan sát được hết tất cả các học sinh trong lớp. Và trong khoảng không gian đó thì giáo viên cũng sẽ dễ dàng tiến hành các hoạt động giảng dạy như minh họa bài giảng bằng điệu bộ, cử chỉ hay tạo tình huống cho học sinh thực hành luyện tập.

Các dụng cụ giảng dạy đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ giảng dạy của giáo viên. Vì đó là công cụ hỗ trợ cần thiết cho giáo viên trong quá trình truyền đạt kiến thức. Ví dụ, khi dạy về các động từ, giáo viên sẽ sử dụng tranh ảnh có hình miêu tả động từ đó. Khi giáo viên giảng, học sinh sẽ nhìn vào tranh đồng thời nhìn vào động tác minh họa của giáo viên thì sẽ dễ hiểu hơn là đọc một loạt nghĩa của các động từ đó trong giáo trình.

Để học sinh có thể giao tiếp trôi chảy thì giáo viên nên chia học viên trong lớp thành các nhóm nhỏ từ 4 đến 5 thành viên để luyện nói theo chủ đề có sử dụng từ vựng và các mẫu ngữ pháp đã học. Nhờ đó, học sinh sẽ có cơ hội hoạt động theo nhóm, giao tiếp với bạn bè theo chủ đề có sẵn. Như thế sẽ tạo được cho học sinh sự tự tin khi giao tiếp và kỹ năng làm việc, xử lý tình huống theo nhóm một cách hiệu quả. Ngoài giờ học chính khóa, thỉnh thoảng giáo viên cũng nên tổ chức các hoạt động ngoại khóa như giao lưu với sinh viên người Nhật, các buổi chuyên đề tìm hiểu văn hóa Nhật Bản…để học sinh có được những trải nghiệm thực tế và từ đó có thêm động lực để học tiếng Nhật hơn.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần xây dựng phương pháp học tiếng Nhật cho học sinh. Đầu tiên, giáo viên nên hướng dẫn cho học sinh chính là cách thức học tập, cách thức tiếp cận các nguồn tài liệu trên mạng, trong đó chú trọng xây dựng cho học sinh các cách thức tự học thông qua các ứng dụng trên mạng xã hội vì hiện nay tỷ lệ dùng các thiết bị thông minh và internet của giới trẻ Việt Nam đang ở mức cao.

Dù mỗi học sinh có phương pháp học riêng nhưng giáo viên vẫn nên gợi ý phương pháp học từ vựng, ngữ pháp và các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; Luyện cho học sinh kỹ năng đoán từ trong ngữ cảnh; Xây dựng cách thức thực hành nhiều theo cặp, theo nhóm. Giáo viên phải yêu cầu học sinh trao đổi những suy nghĩ của mình về một câu hỏi hay một chủ đề theo cặp hoặc theo các nhóm nhỏ, sau đó yêu cầu đại diện nhóm chia sẻ ý kiến với thầy cô và các bạn trong lớp. Sau khi lắng nghe các câu trả lời và các suy nghĩ khác nhau, học sinh bầu chọn câu trả lời tốt nhất. Ngoài ra, giáo viên cũng có thể tổ chức hoạt động, trò chơi nhỏ, giúp học sinh chủ động trong việc học tập và trở thành trung tâm của lớp học. Từ đó giáo viên sẽ là người quan sát, điều phối, quản lý các hoạt động, và không khí lớp học nhờ đó sẽ luôn sinh động, hào hứng và thoải mái.

Có thể nói, với xu thế mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, việc giảng dạy tiếng Nhật có nhiều điều kiện thuận lợi hơn do cơ hội giao lưu ngày càng dễ dàng. Việc giảng dạy, đào tạo những kỹ năng cơ bản không còn bị bó hẹp trong khuôn mẫu sư phạm hay trong những giáo trình khô khan mà được mở rộng qua kinh nghiệm thực tiễn lẫn thực tế sinh động từ những biến chuyển, thay đổi của tình hình kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế. Cơ chế tự chủ về tài chính, con người… cũng giúp cho việc đổi mới hoạt động đào tạo ngoại ngữ nói chung và việc đổi mới phương thức giảng dạy tiếng Nhật nói riêng ngày càng thuận lợi.
Ngô Thị Bích Ngọc