Ngày 16/12/2022, phi công chiến đấu MiG-29 Ukraine có biệt danh “Juice” cho biết trong cuộc phỏng vấn được chuyên trang quân sự War Zone “Sau những bài học từ giai đoạn đầu chiến sự, không quân Nga đã có những động thái khôn ngoan hơn nhiều. Họ đã rút được nhiều kinh nghiệm sau nhiều tháng chiến sự và vẫn duy trì ưu thế áp đảo hỏa lực. giờ đây, họ giờ đây liên tục triển khai tiêm kích tuần phòng với sự hỗ trợ của phi cơ chỉ huy A-50 và máy bay trinh sát tín hiệu Il-20” .
Máy bay trinh sát và tình báo điện tử Il-20 được coi là một trong những mối lo ngại lớn nhất của Ukraine vì trang bị dàn cảm biến hiện đại, có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát địa hình bằng radar với độ phân giải cao, trong khi hệ thống thu thập dữ liệu vô tuyến cũng giúp Il-20 nghe trộm liên lạc và định vị nguồn phát sóng radar của đối phương từ khoảng cách xa.
Phiên bản nâng cấp Il-22PP được bổ sung năng lực gây nhiễu chuyên nhằm vào radar phòng không. Đây là một phần trong lực lượng tác chiến điện tử hùng hậu của Nga, bên cạnh tiêm kích bom Su-34 trang bị các tổ hợp gây nhiễu và tình báo điện tử, trinh sát cơ Su-24MR và trực thăng Mi-8 mang tổ hợp Rychag-AV.
“Họ hoạt động gần như 24/7, luôn đặt lực lượng phòng không Ukraine trong tình thế nguy hiểm. Mối đe dọa chính với chúng tôi là tiêm kích hạng nặng Su-35S làm nhiệm vụ tuần phòng. Nó không chỉ mang tên lửa đối không, mà còn có tên lửa diệt radar Kh-31 và hệ thống gây nhiễu Khibiny để chế áp các tổ hợp phòng không”, Juice nói.
Báo cáo của Viện nghiên cứu Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) tại London cho biết không quân Nga (VKS) đang chia không phận tác chiến tại Ukraine thành 8 vùng, trong đó mỗi vùng được bố trí hai tiêm kích MiG-31BM hoặc Su-35S tuần tra liên tục. Các phi đội MiG-31BM và Su-35S giờ đây luôn xuất kích với tên lửa đối không tầm xa R-37M, loại vũ khí mới được triển khai từ giữa năm.
Nhà sản xuất cho biết tên lửa R-37M dài hơn 4 m, đường kính thân gần 0,4 m, nặng 510 kg và có tầm bắn tối đa 200 km. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết R-37M đạt tầm bắn tới 300 km và từng hạ mục tiêu ở khoảng cách 304 km trong thử nghiệm. Tên lửa trang bị đầu dò radar chủ động, có thể tự tìm tới mục tiêu sau khi được khai hỏa mà không cần phi công điều chỉnh.
“Nó cực kỳ nguy hiểm. May mắn là chúng tôi hiểu chiến thuật Nga sử dụng và tự xây dựng phương án tránh đối đầu với loại tên lửa này. Dù vậy, nó hạn chế đáng kể khả năng làm nhiệm vụ của chúng tôi. Tình hình trên không rất khó khăn và mạo hiểm. Nếu không biết tên lửa đang phóng tới, số phận của bạn coi như đã được định đoạt”, Juice thừa nhận.
Ngoài không quân Nga, các phi công Ukraine cũng phải đối mặt với lực lượng của tập đoàn an ninh tư nhân Wagner. “Phi công chính quy thường tuân thủ quy tắc an toàn và tránh xâm nhập sâu vào khu vực phòng không của chúng tôi, nhưng điều đó không áp dụng với phi công Wagner. Họ luôn tham gia các nhiệm vụ mạo hiểm, gần như tự sát”, Juice nhận xét.
Sự xuất hiện của tên lửa diệt radar HARM trong biên chế không quân Ukraine khiến phòng không Nga kiêng dè hơn, nhưng đây vẫn là đối thủ đáng gờm của phi công Ukraine. “Các khẩu đội phòng không thường phải tắt radar, vì mọi máy bay trên không có thể là mối đe dọa với họ. Dù vậy, Nga có rất nhiều hệ thống phòng không và được bố trí thành nhiều tầng lớp. Họ chỉ cần tắt radar ở một hướng và duy trì bám bắt mục tiêu từ những hướng khác. Các tổ hợp như Pantsir cũng có đài quang – điện tử, cho phép chúng chiến đấu mà không cần radar”, phi công Ukraine nói.
Quân đội Nga dường như cũng đang tăng cường lực lượng máy bay tại bán đảo Crimea, dù đợt rút quân khỏi thành phố Kherson khiến Nga mất nhiều trận địa phòng không bảo vệ Crimea từ xa. Dữ liệu nguồn mở được Ukraine thu thập cho thấy Nga đã điều động thêm hai phi đội Su-35S, một phi đội Su-30SM và một đơn vị Su-34 đến khu vực này. “Khả năng phục hồi các đơn vị chịu tổn thất của Nga cũng là mối lo ngại, dù điều này không thể diễn ra trong thời gian ngắn”, Juice thừa nhận.
Chy Le/nguồn Drive