Thứ sáu, Tháng mười hai 27, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Thiện nguyện là cho đi và sẽ nhận lại rất nhiều



ĐNA -

Tại Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, những ngày cuối tháng 3/2024, mạng xã hội Facebook râm ran hình ảnh, câu chuyện của vợ chồng ngư dân ở Hà Tĩnh là D.V.T, và P.T.L.  Trong quá trình đánh bắt hải sản, 2 vợ chồng không may gặp nạn. Nỗi đau mất mát là quá lớn, tuy nhiên hình ảnh 3 con nhỏ đứng co ro, dõi ánh mắt đăm chiêu về phía biển ngóng tin tức của bố mẹ mình luôn còn đấy, điều này khiến nhiều người xót xa, quặn lòng….

Không ai có thể định nghĩa chính xác được hai chữ “yêu thương”, chỉ biết rằng, đó là sự cảm nhận, cảm nhận từ trái tim, từ ánh mắt, từ những sự sẻ chia…

Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo chính quyền địa phương, đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội, các nhóm thiện nguyện đã vào cuộc kêu gọi, vận động các nguồn hỗ trợ khác nhau để giúp đỡ các cháu vượt qua nỗi đau mất mát này, bởi lẽ các cháu còn quá nhỏ để phải chấp nhận sự thật ấy…

Sau 10 ngày từ khi sự việc xảy ra, thi thể của anh D.V.T và chị P.T.L đã được người dân, lực lượng liên quan tìm thấy và bàn giao cho gia đình lo hậu sự. Những nỗi đau ấy ngày càng xát muối hơn khi 3 đứa trẻ sẽ chấp nhận sự thật rằng, bọn chúng từ nay sẽ không còn bố mẹ nữa. Bỗng dưng một gia đình tan vỡ sao mà đau nhói đến thế. Một tương lai đầy rẫy những khó khăn ở phía trước.

Có lẽ ngay lúc này đây, chính sự quan tâm lo lắng của chính quyền địa phương, người dân, những nhóm hoạt động thiện nguyện phần nào giúp đỡ các em vơi đi những mất mát ấy.

10 ngày trôi qua, công cuộc tìm kiếm tạm thời hoàn tất, thực sự họ đã thấm mệt rồi. Có lẽ sẽ chẳng ai quên những ngày tháng vừa rồi, mọi người sẽ luôn hướng về những con người của nơi đây, chẳng bao giờ quên. Bởi, thương các con còn quá nhỏ để đón nhận sự mất mát lớn lao này. Bên cạnh đó, những giấc ngủ vội vàng, những bữa ăn dang dở của các mạnh thường quân, lực lượng chức năng, những người dân… để kịp thời bám biển, ra khơi tìm người khiến ai ai cũng cảm thương vô hạn.

Cổ nhân có câu “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Con người chúng ta sinh ra ai cũng có sẵn tính thiện. Trong cuộc sống chúng ta cũng thế, nếu chúng ta biết phát huy tính thiện ấy để đem lại niềm vui cho người khác thì là điều hạnh phúc cho ta và cả người được nhận. Nhiều năm qua, làm việc thiện luôn luôn là nghĩa cử cao đẹp của người Việt Nam.

Nếu ví mỗi con người là một loại quả thì, “tấm lòng” chính là cái nhân ngọt bùi, đậm đà của thứ quả đó.

Chúng ta có thể khẳng định chắc chắn một điều rằng từ thiện thực sự là một trào lưu tích cực và cần được nhân rộng, phát huy mạnh mẽ trong xã hội bởi tính nhân văn, hướng thiện mà nó mang lại.

Thiết nghĩ, xã hội là tập hợp chuẩn của số lượng lớn những mảnh đời gắn kết, tụ tập với nhau và bởi không gian địa lý rộng lớn cũng như số lượng người đông đúc mà không phải tất cả mọi người đều quen biết với nhau.

Các cụ xưa đã có câu “người dưng nước lã” ý muốn nói rằng những con người không quen biết nhau thì không có mối liên hệ gì với nhau và dù cho có làm gì đi chăng nữa thì cũng không gây ảnh hưởng đến đối phương. Ấy vậy mà những con người xa lạ ấy khi nghe tin ai đó trong xã hội gặp nạn cần giúp đỡ thì không tiếc sức người, sức của mà giúp đỡ những con người ấy, hoàn cảnh ấy, vì một người xa lạ mà chạy đôn chạy đáo, vì một người xa lạ mà không tiếc thời gian, công sức, tiền bạc của bản thân để giúp đỡ, vì một người xa lạ mà rơi nước mắt xót thương, thậm chí bỏ mặc ấn định thời gian hạnh phúc dành cho chính gia đình mình để đi theo “ người dưng nước lã” ấy là sự cao đẹp của từ thiện đến từ trái tim.

Tuy nhiên, cũng không ít người lại lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hoạt động từ thiện nhằm mục đích khác. Họ xem và suy nghĩ rằng việc kêu gọi từ thiện như một cách đánh bóng, tạo tên tuổi cho bản thân, từ thiện nhằm mục đích tạo lợi ích riêng cho bản thân mình.

Mặt khác, một số kẻ còn nhẫn tâm khi lợi dụng những hoàn cảnh thương tâm để thu lợi, chúng copy những dòng kêu gọi của các nhà từ thiện chân chính, đổi số tài khoản của mình rồi sẵn sàng nhận bất kỳ khoản tiền chuyển khoản từ người khác, chúng trục lợi trên lòng thương của con người đầy tàn ác. Một số kẻ khác, trích một phần nhỏ nhận được sau khi kêu gọi từ cộng đồng cho những nạn nhân, những hoàn cảnh khó khăn, phần còn lại giữ cho riêng mình, làm giàu trên sự lừa dối, ích kỉ, cơ hội, vô tri, vô cảm trước những khó khăn, nỗi bất hạnh của người khác. Nhiều người thậm chí còn xem đó như là một “phong trào”cười cợt trên nỗi đau của người khác, điều này thật đáng lên án. Tuy nhiên, không phải tất cả công tác làm từ thiện đều vậy, “con sâu làm rầu nồi canh” chúng ta vẫn còn rất nhiều những tấm gương âm thầm, tốt đẹp khác nữa. Tôi nghĩ rằng, từ thiện là một việc làm đầy nhân văn và cao cả, vì vậy hãy để nó thật tuyệt vời như chính ý nghĩa mà nó mang lại.

Trong cuộc sống thực tại của chúng ta, không có thứ pháp luật nào trên đời buộc người ta phải làm việc thiện. Tôi rất tâm đắc một câu nói rất nổi tiếng: “Có ba cách để làm giàu tâm hồn: mỉm cười, cho đi và tha thứ”. Từ thiện chính là “mỉm cười” và “cho đi”. Và như thế, người làm từ thiện là người giàu nhất – giàu có về mặt tâm hồn. “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách” chính là đạo nghĩa vô cùng đáng quý, đáng tự hào của dân tộc ta. Trong thời chiến, đó là sự chung vai sát cánh, không có nguy nan, không sợ khổ cực nhân dân ta đoàn kết một lòng chiến thắng kẻ thù, trong thời bình, đó là những công tác thiện nguyện mà cả cộng đồng cùng chung tay góp sức vì những hoàn cảnh khó khăn. Để từ đó ta thấy được rằng, cuộc đời này còn rất nhiều những điều tốt đẹp. ”Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

Từ thiện là hành động đẹp, mang một nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Nó thể hiện tình yêu thương, sự sẻ chia đối với mọi người.

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, câu hát nghe sao giản dị mà lại mang đầy dư vị. “Tấm lòng” trong câu hát này, theo tôi nghĩ. Đó là sự yêu thương, là biết thấu hiểu, cảm thông để sẻ chia và chăm sóc người khác với tất cả sự chân tình. Những hành động ấy, luôn có một trái tim biết sẻ chia tình yêu thương, có một tấm lòng bao dung độ lượng để cứu giúp những người bất hạnh một cách vô tư, tự nhiên và chân thành. Và khi ấy, chính bản thân chúng ta cũng đã nhận ra yêu thương, nhận lại vạn tấm lòng từ những người xa lạ.

Quay trở lại tiêu đề của bài báo, Tôi thấy, thực ra tất cả những việc làm từ tâm ấy, họ đã nhận lại rất nhiều đó chứ, đó là nụ cười của đồng bào, các hoàn cảnh khó khăn khi họ đến – khi trao họ món quà, cùng chơi với nhau thân thiết, và lúc chia xa, dường như đã quen từ lâu lắm…

Tăng Anh Thành