Ngân hàng nhà nước (NHNN): Chỉ đạo quyết liệt các ngân hàng thương mại trong việc đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn vay của các Doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (theo danh sách công bố trên Website của Bộ Công Thương).
Trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá cả biến động lớn và thường xuyên, Chính phủ đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung, không để thiếu hụt xăng dầu cho thị trường trong nước.
Từ đầu năm 2022, NHNN đã có nhiều chỉ đạo về công tác tín dụng, ngoại tệ cho lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Thực hiện Công điện 1039/CĐ-TTg ngày 2/11/2022 về quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu. Ngày 8/11/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản số 7881/NHNN-TD gửi Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại (NHTM), yêu cầu các NHTM quyết liệt triển khai các giải pháp tín dụng, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Một là, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đã được Thống đốc NHNN chỉ đạo tại công văn số 1509/NHNN-TD ngày 15/03/2022 về việc cấp tín dụng đối với doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu theo các nguyên tắc tín dụng hiện hành và quy định của pháp luật.
Hai là, chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn vay của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (theo danh sách công bố trên website của Bộ Công thương) phục vụ việc mua xăng dầu trong nước và nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu đã được phân giao, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, không để xảy ra thiếu hụt, không để xảy ra tình trạng trục lợi, vi phạm pháp luật.
Ba là, Chủ tịch Hội đồng quản trị/Tổng giám đốc các NHTM chỉ đạo sát sao trong toàn hệ thống; tăng cường công tác lãnh đạo, kiểm tra, giám sát, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cso đủ điều kiện theo quy định; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, thiếu trách nhiệm gây chậm trễ trong công tác tín dụng.
Bốn là, định kỳ hàng tháng, thực hiện báo cáo tình hình cấp tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu về NHNN. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc trong quá trình, kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN để được xem xét, xử lý.
Cập nhật chi phí phát sinh, tháo gỡ khó khăn cho DN kinh doanh xăng dầu
Trước những khó khăn của các doanh nghiệp xăng dầu cũng như tình hình người dân mua xăng dầu khó khăn tại nhiều tỉnh, thành phố. Ngày 29/10, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có cuộc họp với các Bộ: Công Thương, Tài Chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các vấn đề liên quan đến điều hành xăng dầu. Phó Thủ tướng đã có chỉ đạo, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương điều chỉnh ngay các chi phí liên quan trong công thức giá cơ sở cho phù hợp và sát với tình hình thực tế.
Ngày 2/11, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Công điện số 1039/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu.
Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, nhất là các quy định về thời gian điều hành giá xăng dầu; quỹ bình ổn giá xăng dầu; việc thống nhất đầu mối quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng dầu; các tiêu chuẩn, điều kiện, quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và các quy định không hợp lý khác cần sửa đổi, bổ sung; bảo đảm khoa học, hợp lý, khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Ngày 3/11, Bộ Công Thương tiếp tục có công văn trả lời Bộ Tài chính về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, tập trung vào vấn đề chi phí kinh doanh xăng dầu. Liên quan đến vấn đề chiết khấu, đại diện Bộ Công Thương cho biết, về định mức lợi nhuận, chiều ngày 4/11, Bộ Tài chính đã chính thức có dự kiến phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để lấy ý kiến của Bộ Công Thương. Cũng ngay trong chiều 4/11, Bộ Công Thương đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính. Như vậy, nếu không có gì thay đổi lớn thì trong kỳ điều hành ngày 11/11, những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Minh Trung