Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Tichys Einblick (Đức), hôm 18/8/2022, Thủ tướng Hungary Viktor Orban dự báo Liên minh châu Âu (EU) sẽ trở nên yếu hơn trên trường quốc tế khi chiến sự ở Ukraine kết thúc. Ông cho rằng, cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine có khả năng sẽ chấm dứt thế bá quyền của Mỹ và phương Tây trên toàn cầu.
Thủ tướng Hungary lập luận, phương Tây không có khả năng giành chiến thắng trong cuộc xung đột về mặt quân sự và các biện pháp trừng phạt mà họ áp dụng đối với Moskva đã không thể gây bất ổn cho Nga. Theo Thủ tướng Viktor Orban, vấn đề còn tồi tệ hơn khi các biện pháp trừng phạt đem lại tác dụng ngược đối với châu Âu.
Thủ tướng Viktor Orban lưu ý, “một phần lớn thế giới” rõ ràng không đi theo Mỹ khi nói đến Ukraine. Ông chỉ ra “Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, thế giới Ả Rập, châu Phi” là những nước, khu vực không ủng hộ đường lối của phương Tây trong cuộc xung đột Nga – Ukraine hiện nay.
‘Rất có thể cuộc xung đột này sẽ chấm dứt một cách rõ ràng về thế bá quyền của phương Tây”, Thủ tướng Viktor Orban nhấn mạnh.Ông cũng lập luận, mặt khác, các cường quốc ngoài EU đang được hưởng lợi từ tình hình cuộc xung đột hiện nay khi Nga – nước giàu nguồn năng lượng, sẵn sàng cung cấp cho những quốc gia thân thiện.
Thủ tướng Hungary cũng cho rằng trong khi nhập khẩu năng lượng của EU từ Nga đã giảm mạnh, thì tập đoàn khí đốt nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga lại báo cáo doanh thu tăng vọt. Theo lãnh đạo Hungary, bên hưởng lợi khác trong cuộc xung đột hiện nay là các tập đoàn lớn của Mỹ. Để chứng minh quan điểm của mình, ông Orban chỉ ra lợi nhuận tăng gấp đôi đối với Exxon, gấp bốn lần đối với Chevron và tăng gấp sáu lần đối với ConocoPhillips.
Dù vẫn thực thi các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga, song Hungary duy trì lập trường trung lập của nước này kể từ khi xung đột bùng nổ tại Ukraine với việc không cung cấp vũ khí cho bên nào hoặc đưa ra bất kỳ tuyên bố gay gắt đối với Moskva hoặc Kiev.
Chính phủ Hungary khẳng định, họ không thể mạo hiểm với an ninh của người Hungary, và sẽ không bị lôi kéo vào cuộc xung đột. Hơn nữa, ông Orban và các quan chức hàng đầu Hungary khác nhiều lần chỉ trích một số biện pháp trừng phạt của EU, cho rằng chúng gây hại cho EU nhiều hơn là với Nga.
Hồi tháng 5, Hungary phản ứng mạnh mẽ trước lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga. Hungary chỉ dỡ bỏ quyền phủ quyết sau khi EU đưa ra quyết định miễn trừ đối với nhiên liệu nhập khẩu qua đường ống.
Tờ Politico dẫn nguồn báo cáo của Viện kinh tế thế giới Kiel (Đức) cho biết, trong suốt tháng 7 vừa qua, sáu quốc gia lớn nhất thuộc Liên minh châu Âu không đưa ra cam kết viện trợ quân sự mới nào cho Ukraine. Đây là tháng đầu tiên Ukraine không nhân được sự cam kết nào của EU kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào cuối tháng 2/2022. Giới chuyên gia nhận định, đây là dấu hiệu cho thấy Mũ và EU sẽ chấm dứt sa vào vũng lầy Ukraine.
Chy Lê/tổng hợp.