Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Thủ tướng Hunggary: Lệnh trừng phạt Nga sẽ phá hủy nền kinh tế châu Âu

ĐNA -

Theo TRT World, hiện đang có một cuộc tranh luận rộng hơn trong EU về hậu quả kinh tế lâu dài của các biện pháp trừng phạt nhắm vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Trong buổi phát biểu trên Đài phát thanh Kossuth ngày 15/11/2024, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) cần xem xét lại các lệnh trừng phạt đối với Nga vì biện pháp này không chỉ không đạt được mục tiêu chính trị mà còn gây tổn thương nghiêm trọng đến nền kinh tế EU, cản trở khả năng cạnh tranh kinh tế của khối.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: Getty Images.

“EU đã phạm sai lầm lớn. Giá năng lượng cần phải được hạ xuống bằng mọi giá. Điều này có nghĩa là các lệnh trừng phạt cần được xem xét lại vì theo chính sách trừng phạt hiện tại, giá năng lượng sẽ không giảm xuống”, ông Orban cho biết. Ông cảnh báo chính sách trừng phạt hiện tại không chỉ không đạt được mục tiêu chính trị  mà còn hủy hoại nền kinh tế châu Âu, gia tăng áp lực lên các ngành công nghiệp và doanh nghiệp trong khối.

“Sẽ rất đau đớn cho những người biện hộ cho lệnh trừng phạt. Không phải cho chúng tôi, vì chúng tôi sẽ coi đây là chiến thắng, nhưng phe kia phải thay đổi vì nếu không nó sẽ phá hủy nền kinh tế châu Âu”, ông Orban nói.

Lời chỉ trích của ông Orban đối với các lệnh trừng phạt của EU phản ánh một cuộc tranh luận rộng hơn trong khối 27 quốc gia về hậu quả kinh tế lâu dài của các biện pháp này. Trong khi một số nước châu Âu đang tích cực tìm cách đa dạng hóa các nguồn năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào Nga, an ninh năng lượng của Hungary vẫn gắn chặt với mối quan hệ lịch sử với Moscow.

Nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc của Hungary lập luận, số tiền các công ty Mỹ trả cho năng lượng chỉ bằng 1/4 số tiền mà các đối tác châu Âu chi cho khí đốt và điện, đây là một bất lợi không thể khắc phục bằng các biện pháp khác.

Ông Orban, người được coi là có mối quan hệ thân thiện nhất với Điện Kremlin ở EU, đã bất đồng quan điểm với phần lớn các nhà lãnh đạo châu Âu và lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt như vậy, với lý do chúng gây tổn hại đến nền kinh tế châu Âu nhiều hơn là Nga.

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào đầu năm 2022, ông Orban nằm trong số các lãnh đạo châu Âu chỉ trích mạnh mẽ nhất các lệnh trừng phạt của EU đối với Moscow và sự hỗ trợ tài chính và quân sự của khối này dành cho Kiev.

Kể từ năm 2022, EU đã áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt chưa từng có đối với Nga nhằm làm tê liệt nền kinh tế của nước này và gây sức ép buộc Điện Kremlin chấm dứt chiến sự.

Các lệnh trừng phạt bao gồm các biện pháp nhắm vào ngành năng lượng, các tổ chức tài chính và các ngành công nghiệp chủ chốt của Nga. Tuy nhiên, trong khi các nước Tây Âu đã nỗ lực đáng kể để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga, các lệnh trừng phạt của EU lại có những tác động phức tạp và đa dạng.

Các lệnh trừng phạt đã dẫn đến giá năng lượng tăng vọt trên khắp châu Âu, gây gánh nặng cho cả hộ gia đình và các ngành công nghiệp. Do đó, EU đang phải vật lộn với những thách thức về kinh tế, khi một số quốc gia thành viên đặt câu hỏi về hiệu quả lâu dài của các biện pháp này.

Thế Cương