Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022, diễn ra chiều nay 25/6/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Nhà đầu tư – Doanh nhân – Cộng đồng doanh nghiệp cùng góp phần hoàn thiện thể chế, cùng chung tay xây dựng nền kinh tế Việt Nam tự chủ, bền vững, đủ sức chống chịu với mọi biến động, luôn sẵn sàng hội nhập. Thủ tướng khẳng định dứt khoát: Kinh tế Việt Nam sẽ đi theo con đường kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bởi mục tiêu của nền kinh tế không gì hơn là mang sự hùng cường cho đất nước, mỗi người đều hạnh phúc ấm no, và lợi ích thì phải luôn hài hòa, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tin cậy, chân thành.
Thủ tướng cho biết thêm: Cải cách hành chính vẫn đang là một điểm nghẽn, chúng ta có đẩy mạnh với nhiều quyết tâm cải cách hành chính, song cách tổ chức thực hiện hãy còn rườm rà, sắp đến phải đổi mới ngay trong quy trình đổi mới và cải cách hành chính. Thể chế có lúc, có khi không theo kịp thực tiễn cuộc sống, chúng ta vừa làm, vừa hoàn thiện. Do vậy, Nhà đầu tư – Doanh nhân – Cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay trách nhiệm, đóng góp thêm ý kiến, có thêm đề xuất mới, sát thực tiễn, sát tình hình góp phần hoàn thiện thể chế.
Về ưu tiên lĩnh vực gọi vốn đầu tư, một câu hỏi luôn được nhiều Nhà đầu tư – Doanh nhân quan tâm, Thủ tướng Phạm Chính cho hay, những đầu tư có tính đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ của cuộc cách mạng lần thứ tư, công nghệ cao – công nghệ thông tin – công nghiệp điện tử – công nghiệp dược và thiết bị y tế – công nghiệp chế biến chế tạo – công nguyện vật liệu, …; đầu tư cho hạ tầng chuyển đổi số, cho đổi mới sáng tạo hay đầu tư cho công nghệ nền tảng, cho năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, góp phần đa dạng chuỗi cung ứng mà Việt Nam đã, đang đóng góp cho toàn cầu. Đặc biệt đầu tư phát triển dòng vốn, đầu tư vào lĩnh vực giáo dục- đào tạo nhân lực, luôn được Chính phủ tạo mọi điều kiện, có nhiều cơ chế ưu đãi, chính sách khuyến khích.
“Đối với thành phố Đà Nẵng, nhân sự kiện hôm nay, tôi đề nghị Đà Nẵng tiếp tục phát huy cao độ tinh thần tự lực , tự cường đã làm nên một Đà Nnẵng đổi thay và phát triển rất nhiều, sau 25 chia tách từ tỉnh cũ là Quảng Nam – Đà Nẵng. Trong cảm nhận của tôi, Đà Nẵng là địa phương “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể, thành cái có thể”, hãy phát huy mạnh mẽ hơn điều này” – Thủ tương nhắn gửi riêng với Đà Nẵng.
Đà Nẵng sẽ phá vỡ nhiều “điểm nghẽn”
Một khảo sát cộng đồng doanh nghiệp do Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố thực hiện, cho thấy, Đà Nẵng cũng còn tồn tại một số điểm nghẽn trong môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố, cần được tháo gỡ sớm để có thể khơi thông các nguồn lực phát triển.
“Cụ thể, đó là số lượng và chất lượng nguồn nhân lực Đà Nẵng chưa cân đối, thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao và kỹ năng ngoại ngữ, nhất là đối với các ngành nghề mà Đà Nẵng đang tập trung thu hút đầu tư như công nghệ thông tin, logistics, du lịch… Công tác cải cách thủ tục hành chính mặc dù được cải thiện nhưng có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng không nhất quán trong hướng dẫn, giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.
Một số trường hợp làm kéo dài thời gian giải quyết thủ tục liên quan đến đăng ký đầu tư và giấy phép lao động. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI dự kiến mở rộng quy mô thấp hơn đáng kể so với mức trung bình cả nước; ngoài ra công nghiệp hỗ trợ của thành phố còn kém phát triển, chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp FDI, đặc biệt là doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao, dẫn đến khả năng liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp địa phương còn rời rạc và chưa có tác dụng lan tỏa” – Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh, thẳng thắn chia sẻ.
Để tháo gỡ “nút thắt” nêu trên, Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cho biết, đã và đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư đảm bảo phát triển hiệu quả và thực chất.
Theo đó, Chính quyền thành phố Đà Nẵng đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2022/NĐ-CP ngày 20/6/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.Chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, công nghệ thông tin đón dòng vốn dịch chuyển quốc tế vào Việt Nam. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu công nghệ cao theo hướng đồng bộ, hiện đại. Hoàn thành thủ tục thành lập, lựa chọn nhà đầu tư và hoàn thiện hạ tầng đưa vào sử dụng các cụm công nghiệp (Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam) và 3 khu công nghiệp (Hòa Cầm – giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh); sớm đưa Khu Công viên phần mềm số 2, Khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, Cụm Công nghiệp Cẩm Lệ vào khai thác.
Trước mắt sẽ khởi công, từng bước đưa vào hoạt động đối với các dự án: Tổ hợp Không gian sáng tạo Hòa Xuân, Khu Công nghệ thông tin Danang Bay, Trung tâm phần mềm và công nghệ cao Viettel và tiến tới đầu tư các Khu Công viên Phần mềm số 3.
Chính quyền thành phố cũng chỉ ra rằng, chỉ có tăng cường chuyển đổi số, hoàn thiện mô hình Chính quyền điện tử theo hướng hiện đại; công khai, minh bạch thì thông tin, dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch, đầu tư, đất đai, đăng ký kinh doanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và giải quyết các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, người dân mới trở nên dễ dàng, thuận tiện. Mọi đối tượng đều bình đẳng về quyền tiếp cận thông tin quy hoạch, đầu tư, đất đai.
Các tổ công tác liên ngành do lãnh đạo UBND thành phố là tổ trưởng tiếp tục tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong thủ tục đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, công tác giải tỏa đền bù, bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai một số dự án trọng điểm có quy mô vốn đầu tư lớn…
Song hành với chuyển đổi số, hoàn thiện mô hình Chính quyền điện tử, đó là yêu càu rất trọng tâm: Cải cách thủ tục hành chính thành phố theo hướng hoàn chỉnh hơn, công khai hơn quy trình chuẩn bị đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện ngoài các Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung và Cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, năng động, lấy doanh nghiệp/nhà đầu tư là đối tượng để phục vụ cũng là điểm mấu chốt quan trọng, phá vỡ các điểm nghẽn.
Chính quyền thành phố khẳng định sẽ tăng cường trật tự kỷ cương trong quản lý hành chính; song song, có cơ chế để khuyến khích sự năng động sáng tạo, bảo vệ tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ công chức, đồng thời có những chế tài rõ ràng, xử lý điều chuyển đối với những cán bộ, công chức trì trệ, nhũng nhiễu.
Đà Nẵng sẽ tập trung hơn trong hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông và đô thị.
Trong đó đẩy nhanh khởi công, xây dựng cảng biển Liên Chiểu, mở rộng và nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (mở rộng nhà ga hành khách T1 và xây mới ga hàng hóa) gắn với phát triển dịch vụ logistics và trung chuyển quốc tế, đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông đường bộ kết nối đường cao tốc, đường quốc lộ với ga đường sắt, cảng biển và cảng hàng không quốc tế.
Một trong những “điễm nghẽn” đã được nhận diện, đó là sự bát cập của nguồn nhân lực, theo Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh “Đà Nẵng sẽ phải ưu tiên tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.
Thành phố sẽ xúc tiến nghiên cứu, triển khai xây dựng các cơ sở giáo dục mang đẳng cấp quốc tế; mở rộng nâng cấp các chuyên ngành: du lịch, công nghệ thông tin, logistics, tài chính, công nghệ cao… đạt chất lượng quốc tế; chú trọng kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng quản lý và kỹ năng mềm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Nhân rộng mô hình hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động.
Trên cơ sở Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch phân khu, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2022 làm cơ sở để triển khai các dự án trọng điểm, kêu gọi đầu tư vào thành phố thời gian tới.
Trước mắt, trong khuôn khổ của Diễn đàn Đầu tư 2022, chính quyền thành phố đã công bố công khai thông tin về kế hoạch, tiến độ hoàn thành việc lập qui hoạch các phân khu chức năng theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thông tin quỹ đất kêu gọi đầu tư và các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư trên địa bàn thành phố để các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu và triển khai thực hiện.
Trong phát biểu tại sự kiện chiều nay, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh:
Chúng tôi ý thức rằng, không thể có được những kết quả mới cao hơn, hiệu quả hơn từ những cách làm cũ, theo tư duy cũ. Điều đó đòi hỏi từ lãnh đạo đến từng công chức của thành phố phải đổi mới tư duy, xác định những cách làm mới một cách cụ thể, phù hợp với quy định pháp lý và thực tiễn đặt ra; cũng như đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của mỗi chính sách. Cũng cần ý thức rằng, không phải cái mới nào cũng có thể dễ dàng tạo ra và được chấp nhận, triển khai có hiệu quả trong thời gian ngắn. Do đó, rất cần sự bền bỉ, sáng tạo trong toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố; sự thấu hiểu, đồng thuận từ phía người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư; cũng như sự định hướng, chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ cùng các bộ ngành Trung ương.
Tại Diễn đàn, UBND thành phố Đà Nẵng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; chủ trương nghiên cứu đầu tư; thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư dự án và thỏa thuận hợp tác đầu tư cho 27 dự án trong nước và nước ngoài. Khen thưởng cho 11 doanh nghiệp, tổ chức có đóng góp tích cực cho hoạt động xúc tiến đầu tư của thành phố./.
Thế Cương – Trung Đức CQĐD.TCĐNA.MT-TN