Ngày 14/12/2022 (giờ địa phương) tại Brussels, Vương quốc Bỉ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng lãnh đạo ASEAN và EU dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU). Hai bên khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai tổ chức khu vực hàng đầu thế giới, những “đối tác hội nhập” của nhau. Các lãnh đạo dự hội nghị khẳng định sẽ chú trọng đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, ổn định chuỗi cung ứng, duy trì mục tiêu thiết lập Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN-EU.
Qua 45 năm, quan hệ ASEAN-EU phát triển tích cực, đạt nhiều thành quả. Năm 2021, ASEAN là đối tác thương mại ngoài châu Âu lớn thứ 3 của EU trong khi EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 của ASEAN với tổng giá trị thương mại hai chiều đạt 268,9 tỷ USD, đồng thời EU là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 2 của ASEAN với tổng số vốn đạt 26,5 tỷ USD.
Hướng tới tương lai, hai bên nhất trí cần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược thiết lập năm 2020 trên cơ sở đề cao luật pháp quốc tế, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, thúc đẩy phục hồi, phát triển xanh và bền vững.
Các lãnh đạo khẳng định sẽ chú trọng đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, ổn định chuỗi cung ứng, duy trì mục tiêu thiết lập Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN-EU; tăng cường kết nối thông qua triển khai Tuyên bố chung về kết nối năm 2020 và Hiệp định vận tải hàng không toàn diện ASEAN-EU, thu hẹp khoảng cách phát triển và phát triển tiểu vùng; hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, quản lý thiên tai, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, phòng và chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
EU công bố đóng góp 10 tỷ euro hỗ trợ triển khai chiến lược Cửa ngõ toàn cầu thông qua các dự án hợp tác, khởi động Sáng kiến Nhóm châu Âu về kết nối bền vững tại ASEAN, đồng thời triển khai Chương trình Sáng kiến Xanh trị giá 30 triệu euro hỗ trợ các dự án hợp tác cụ thể với ASEAN.
Về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác đa phương, chia sẻ các giá trị và lợi ích chung, thúc đẩy luật pháp quốc tế, giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu, đóng góp hiệu quả cho hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững.
Các nước khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, ủng hộ đối thoại và xây dựng lòng tin, kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm gia tăng căng thẳng, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), kêu gọi thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
EU ủng hộ nỗ lực của ASEAN thúc đẩy thực hiện Đồng thuận 5 điểm về Myanmar. Trao đổi về xung đột tại Ucraine, các nước nhấn mạnh các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á và luật pháp quốc tế. Theo đó các khác biệt, bất đồng cần được giải quyết hòa bình.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cao ý nghĩa đặc biệt của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm lần này, đánh dấu 45 năm quan hệ giữa hai tổ chức khu vực thành công trên thế giới. Thủ tướng khẳng định những thành quả hợp tác đã tạo nền tảng, và đang tiếp thêm xung lực phát triển quan hệ.
Thủ tướng nhấn mạnh hai bên cần kiên trì với mục tiêu, đổi mới tư duy, hành động kiên quyết, thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược phát triển cân bằng, bình đẳng, hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro; khẳng định Việt Nam luôn đồng hành với doanh nghiệp EU đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời cũng đề nghị EU khẩn trương gỡ bỏ “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam và sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU. Nhấn mạnh cách tiếp cận toàn cầu ứng phó các thách thức toàn cầu, Thủ tướng nhắc lại cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đề nghị EU hỗ trợ tối đa về tài chính và công nghệ trong khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng; trông đợi EU chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, công nghệ mới xanh, sạch và rẻ, và tham gia sâu rộng hợp tác đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…, hợp tác với ASEAN phát triển tiểu vùng và Mê Kông.
Trước những biến chuyển của tình hình, Thủ tướng đề nghị ASEAN và EU lấy hoà bình là mục đích, coi đối thoại, hợp tác là công cụ, đề cao thượng tôn pháp luật, Hiến chương Liên hợp quốc và các giá trị chung. Thủ tướng khẳng định lập trường của ASEAN về Biển Đông, đề nghị ASEAN, EU và các nước cùng phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.
Chia sẻ quan ngại về tình hình xung đột tại Ukraine, Thủ tướng đề nghị cần tôn trọng lợi ích hợp pháp, chính đáng và quan ngại của tất cả các bên, đặc biệt ưu tiên hàng đầu hiện nay là chấm dứt chiến sự, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu, sinh mạng và tài sản của người dân, đồng thời khẳng định quan điểm chung của ASEAN về giải quyết hoà bình các mâu thuẫn, bất đồng trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU đã thông qua Tuyên bố chung phản ánh những kết quả đạt được trong 45 năm qua và đề ra định hướng tương lai.
Chy Le/nguồn VPCP