Ngày 30/8/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 924/QĐ-TTg công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I. Việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tạo ra sự ảnh hưởng và sức bật mới không chỉ cho thành phố Huế phát triển mà còn đóng góp thiết thực cho vùng, cho đất nước; thành phố Huế trở thành động lực phát triển cụm ngành kinh tế biển Trung Trung bộ, đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển mạnh của cả nước, tiến tới thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á.
Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và sắp xếp thành lập các quận, thị xã thuộc thành phố Huế sẽ là cơ sở để Huế trở thành trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học – công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam Á… “trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh” theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Với vị trí đặc biệt nằm ở trung độ của cả nước, Thừa Thiên Huế là vùng đất có bề dày về lịch sử, văn hóa, được hình thành và phát triển qua dòng chảy gần 720 năm của vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế, chứa đựng tinh hoa hồn cốt, giá trị biểu trưng trí tuệ và văn minh của dân tộc Việt Nam; là nơi từng giữ vị thế Thủ phủ của Đàng Trong (1626-1775), rồi kinh đô của triều đại Tây Sơn (1788 – 1801) và gắn bó suốt 143 năm với vương triều Nhà Nguyễn (1802 – 1945).
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Hà Nội – Huế – Sài Gòn, là cây một cội là con một nhà” – Đó không chỉ là một khẩu hiệu chính trị, mà là một thực tế lịch sử. Từ cái nôi đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Nghệ, trong suốt 1.000 năm qua văn minh Việt đã không ngừng được chuyển tải mạnh mẽ về phương Nam thông qua trung tâm Phú Xuân – Huế, để rồi sau đó hình thành một trung tâm khác ở Nam Bộ, là Sài Gòn – Gia Định.
Với vị trí chiến lược đặc biệt đó, ngày nay Thừa Thiên Huế là cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông Tây; là một trong những trung tâm lớn về văn hoá, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu; là một cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung và là nơi có vị trí trọng điểm về quốc phòng – an ninh của cả nước. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cũng là địa phương duy nhất ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á có 08 di sản được UNESCO vinh danh, trong đó có 06 di sản của riêng Huế bao gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc – âm nhạc cung đình Việt Nam, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, và Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế.
Xác định vai trò, vị thế của vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá, Bộ Chính trị đã ban hành các văn bản quan trọng, gồm: Kết luận số 48-KL/TW ngày 25/5/2009 về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế; Thông báo Kết luận số 175-TB/TW ngày 01/8/2014 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị khóa X về xây dựng và phát triển tỉnhThừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020; đặc biệt, ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhấn mạnh đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 25/5/2009 và Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị; tỉnh đã tiến hành xây dựng Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế, gắn với việc sắp xếp, thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã; Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030 và Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 29/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025. Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế nhất quán thực hiện các yêu cầu, quy định của Trung ương khi xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương không làm tăng số lượng đơn vị hành chính các cấp; đồng thời, khuyến khích việc sắp xếp các đơn vị hành chính không thuộc diện sắp xếp để giảm số lượng đơn vị hành chính, tăng quy mô đơn vị hành chính, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước và đời sống của Nhân dân.
Triển khai các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành lập các quy hoạch quan trọng mang tính trọng tâm với mục tiêu định hướng sự phát triển của tỉnh cho các giai đoạn tiếp theo. Trong quá trình triển khai lập quy hoạch, tỉnh đã bám sát các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển của Quy hoạch tổng thể Quốc gia; Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, các quy hoạch ngành; đặc biệt là Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 để lập quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ, xuyên suốt, thống nhất trong các định hướng phát triển với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược dựa trên tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh khác biệt của tỉnh. Theo Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1745/QĐ-TTg ngày 30/12/2023, mục tiêu tổng quát đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.
Theo định hướng, đến năm 2025, thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ có 09 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 02 quận, 03 thị xã và 04 huyện; có 133 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 78 xã, 48 phường và 07 thị trấn (không tăng đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 08 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó: giảm 17 xã và tăng 09 phường). Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2025 gắn liền với việc nâng cấp các đơn vị hành chính cấp xã nông thôn thành đơn vị hành chính cấp xã đô thị thuộc thị xã và các quận của thành phố trực thuộc Trung ương là phù hợp với Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sau khi đánh giá, phân tích các yếu tố lịch sử, văn hóa – xã hội trong quá trình phát triển của Thừa Thiên Huế, tên gọi thành phố Huế vừa gần gũi và quen thuộc không chỉ với đại đa số người dân và du khách trong nước mà còn là địa danh được xác định trên bản đồ du lịch thế giới; là địa danh được du khách trên thế giới nhắc đến khi nói tới Việt Nam. Tên gọi thành phố Huế đã tồn tại lâu đời và bao quát được những đặc trưng về lịch sử chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của một vùng đất Cố đô của đất nước.
Do vậy, kiến nghị tên gọi là: Thành phố Huế trực thuộc Trung ương (tỷ lệ cử tri đồng ý với tên gọi “thành phố Huế” đạt 98,67%).
Về tên gọi các đơn vị hành chính mới
Để có sự thống nhất, đồng thuận cao về tên gọi các đơn vị hành chính mới sau sắp xếp, thành lập, vừa đảm bảo yêu cầu theo quy định hiện hành của pháp luật, vừa phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hoá của địa phương, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức các hội thảo xin ý kiến của các nhà quản lý, nghiên cứu lịch sử, văn hóa Huế, nhà văn, nhà thơ, nhà báo và một số nhà khoa học tiêu biểu của tỉnh, đồng thời lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và thông qua phiếu lấy ý kiến cử tri. Trên cơ sở đó, tỉnh đã lựa chọn tên gọi các đơn vị hành chính mới với những lý do như sau:
Tên gọi thành phố trực thuộc Trung ương – Thành phố Huế
– Về mặt lịch sử, tên gọi “Huế” đã xuất hiện từ rất sớm (có từ thời Lê Sơ, trong thơ của vua Lê Thánh Tông, thế kỷ XV; có tên chính thức trong từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rohdes, biên soạn năm 1651… và tồn tại liên tục đến nay, không bị gián đoạn qua các thời kỳ lịch sử) và đã từng là thành phố trực thuộc Trung ương thời vua Nguyễn với vai trò kinh đô, cùng với Sài Gòn và Hà Nội trở thành 3 trung tâm của đất nước. Thị xã Huế từng ngang cấp với tỉnh Thừa Thiên trong suốt 19 năm dưới thời chế độ Việt Nam Cộng hòa; thành phố Huế cũng là nơi được chọn làm tỉnh lỵ của tỉnh Bình – Trị – Thiên (từ năm 1976 – tháng 6/1989) và tỉnh Thừa Thiên Huế (từ tháng 7/1989 đến nay); là trung tâm chính trị, văn hóa, du lịch, giáo dục, y tế của miền Trung và cả nước.
– Về mặt văn hoá – xã hội, danh xưng “Huế” đã được sử dụng một cách rộng rãi và trở thành biểu tượng văn hóa của một vùng đất, đã khắc sâu trong ký ức của người dân Huế nói riêng, người Việt Nam và bạn bè quốc tế nói chung. “Huế” được sử dụng một cách trang trọng, phổ biến trong mọi mặt của đời sống xã hội, như người Huế, văn hóa Huế, du lịch Huế, di tích Huế, nhã nhạc cung đình Huế, âm sắc Huế, Festival Huế… Đối với bạn bè quốc tế, tên gọi “Huế” từ lâu đã được biết đến qua nhiều sự kiện và được xem như cả một vùng đất, với cách nói quen thuộc là “xứ Huế”. Như vậy, tên gọi “Huế” đã đại diện đầy đủ cho vùng đất Thừa Thiên Huế.
– Về mặt lịch sử, tên gọi “tỉnh Thừa Thiên Huế” chỉ chính thức xuất hiện và được sử dụng ổn định từ năm 1989, sau khi Quốc hội khóa VIII ban hành nghị quyết chia tách tỉnh Bình – Trị – Thiên thành 03 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và Quảng Trị.
– Về mặt văn hoá – xã hội, danh xưng “Thừa Thiên Huế” (cách ghép từ giữa “Thừa Thiên” và “Huế”) vẫn còn mới mẻ, không được sử dụng một cách phổ biến trong đời sống văn hóa – xã hội và cũng ít được mọi người biết đến hơn. Những lĩnh vực văn hóa, du lịch, di tích,…ít khi gắn với danh xưng “Thừa Thiên Huế”.
Tên gọi các quận thuộc thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Với phương án điều chỉnh địa giới hành chính của thành phố Huế hiện hữu thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế để thành lập 02 quận thuộc thành phố trung ương, tỉnh đã nghiên cứu, đề xuất và lấy ý kiến rộng rãi về tên gọi của 02 quận sau khi thành lập như sau:
Quận Phú Xuân:
Nhìn lại lịch sử, hơn 700 năm Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế đã hòa vào dòng chảy lịch sử của dân tộc ta. Năm 1687, chúa Nguyễn Phúc Thái dời dinh đến Phú Xuân, từ đây, Phú Xuân trở thành thủ phủ của chúa Nguyễn – thuộc khu vực Đông Nam của Kinh thành Huế hiện nay, sau đó là kinh đô của triều Nguyễn trong suốt 143 năm (1802-1945). Trong khi đó, Thuận Hoá là địa danh được sử dụng qua nhiều thời kì và từ lâu đã gắn liền với vùng đất Huế. Vì vậy, danh xưng “Thuận Hóa – Phú Xuân” đã tồn tại lâu đời và không thể tách rời với tên gọi “Huế”.
Trên cơ sở lịch sử, văn hoá – xã hội và ý kiến của đa số nhà khoa học, nhà quản lý, Nhân dân trong tỉnh, việc lựa chọn tên gọi của quận phía Bắc sông Hương (nơi có kinh thành nhà Nguyễn đang hiện hữu) là “quận Phú Xuân” là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với tính chất là trung tâm di sản văn hóa thế giới cố đô Huế; trung tâm tổ chức Festival cấp quốc gia và mang tầm quốc tế; là khu vực đô thị cũ mở rộng gắn với hoạt động văn hóa, kinh tế, dịch vụ và du lịch (tỷ lệ cử tri đồng ý với tên gọi “quận Phú Xuân” đạt 99,66%).
Quận Thuận Hoá:
Do tên gọi “Thuận Hóa – Phú Xuân” từ lâu đã trở thành một danh xưng gắn liền chặt chẽ với vùng đất Huế, trong khi đó, “Phú Xuân” đã được lựa chọn để đặt tên cho quận phía Bắc sông Hương, đồng thời, tuân thủ theo các nguyên tắc và tiêu chí lựa chọn tên gọi các quận phải xuất phát từ cơ sở lịch sử, được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ghi nhận và đã được trải nghiệm qua thời gian, qua các sự kiện lịch sử nổi bật gắn với vùng đất Thừa Thiên Huế; mang tính phổ biến, gần gũi và gắn bó với Nhân dân, được Nhân dân tiếp nhận một cách tự nhiên trong cuộc sống đời thường; tỉnh quyết định lựa chọn tên gọi của quận phía Nam sông Hương là “quận Thuận Hoá” (tỷ lệ cử tri đồng ý với tên gọi “quận Phú Xuân” đạt 99,66%), vừa phù hợp các yếu tố lịch sử, văn hoá – xã hội của vùng đất, vừa đảm bảo tính hài hoà, toàn vẹn của cặp danh xưng “Thuận Hóa – Phú Xuân”. Theo đó, quận Thuận Hoá sẽ đảm nhiệm vai trò là trung tâm hành chính – chính trị của thành phố trung ương; là trung tâm văn hóa, dịch vụ du lịch, thương mại, tài chính, y tế, giáo dục cấp quốc gia và quốc tế; là khu vực mở rộng đô thị trung tâm về phía Nam theo sự tăng trưởng đô thị, với những khu công nghiệp, thương mại sầm uất phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần.
Về tên gọi mới của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khác hình thành sau sắp xếp, thành lập, tỉnh đã cân nhắc kĩ lưỡng trên cơ sở tham vấn ý kiến đóng góp của các chuyên gia và cử tri trên địa bàn, với quan điểm tên gọi đơn vị hành chính mới phải có tính kế thừa, gần gũi và được Nhân dân tiếp nhận một cách tự nhiên, không gây ra sự xáo trộn lớn về mặt tâm tư, tình cảm của Nhân dân trên địa bàn. Riêng một số đơn vị hành chính cấp xã có tên gọi mới khác với tên gọi của một trong các đơn vị hành chính trước khi thực hiện sắp xếp có số lượng rất ít và vẫn đảm bảo tính kế thừa, tính lịch sử, văn hoá của một vùng đất có nhiều điểm tương đồng với tất cả các đơn vị hành chính được thực hiện sắp xếp, sáp nhập (có thể hiện cụ thể trong các Đề án gửi kèm).
Hiện trạng tỉnh Thừa Thiên Huế, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp, thành lập
Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường và do Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cung cấp, tính đến ngày 31/12/2023, hiện trạng về diện tích, dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế và các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp, thành lập như sau:
Tỉnh Thừa Thiên Huế có 4.947,11 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 1.236.393 người (gồm dân số thường trú là 1.176.759 người và dân số tạm trú quy đổi là 59.634 người), quy mô dân số khu vực đô thị là 626.520 người; có 09 đơn vị hành chính cấp huyện gồm thành phố Huế, 02 thị xã (Hương Thủy, Hương Trà) và 06 huyện (Nam Đông, Phú Lộc, Phú Vang, A Lưới, Quảng Điền, Phong Điền); có 141 đơn vị hành chính cấp xã gồm: 95 xã, 39 phường và 07 thị trấn. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2023 đạt 50,67%.
Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có liên quan
Huyện Phong Điền có 945,66 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 105.597 người (dân số thường trú là 102.050 người, dân số tạm trú quy đổi là 3.547 người), quy mô dân số khu vực đô thị là 8.155 người; có 16 đơn vị hành chính cấp xã (01 thị trấn và 15 xã). Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2023 đạt 7,72%.
Thành phố Huế (hiện hữu) có 266,46 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 500.649 người (dân số thường trú là 460.413 người, dân số tạm trú quy đổi là 40.236 người), quy mô dân số khu vực đô thị là 440.642 người; có 36 đơn vị hành chính cấp xã (29 phường và 07 xã). Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2023 đạt 88,01%.
Huyện Nam Đông (miền núi) có 647,82 km2 diện tích tự nhiên, đạt 76,21%; quy mô dân số là 26.427 người, đạt 73,41% (dân số thường trú là 25.994 người, dân số tạm trú quy đổi là 433 người), quy mô dân số khu vực đô thị là 4.088 người, 41,91% dân số là người dân tộc thiểu số; có 10 đơn vị hành chính cấp xã (01 thị trấn và 09 xã). Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2023 đạt 15,47%.
Huyện Phú Lộc có 720,41 km2 diện tích tự nhiên, đạt 160,09%, quy mô dân số là 154.179 người, đạt 128,48% (dân số thường trú là 150.259 người, dân số tạm trú quy đổi là 3.920 người), quy mô dân số khu vực đô thị là 24.718 người; có 17 đơn vị hành chính cấp xã (02 thị trấn và 15 xã). Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2023 đạt 16,03%.
Huyện Phú Vang có 235,31 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 130.743 người (dân số thường trú là 128.472 người, dân số tạm trú quy đổi là 2.271 người), quy mô dân số khu vực đô thị là 13.666 người; có 14 đơn vị hành chính cấp xã (13 xã và 01 thị trấn). Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2023 đạt 10,45%.
Huyện A Lưới có 1.148,50 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 50.241 người (dân số thường trú là 49.304 người, dân số tạm trú quy đổi là 937 người), quy mô dân số khu vực đô thị là 7.553 người; có 18 đơn vị hành chính cấp xã (17 xã và 01 thị trấn). Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2023 đạt 15,03%.
Đơn vị hành chính cấp xã có liên quan
Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Thừa Thiên Huế có 11 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp (gồm 10 xã và 01 phường thuộc 05 đơn vị hành chính cấp huyện); đề nghị không thực hiện sắp xếp 04 đơn vị (gồm 03 xã và 01 phường thuộc 03 đơn vị hành chính cấp huyện); có 02 xã thuộc diện sắp xếp nhưng tỉnh đề nghị chưa thực hiện ngay trong năm 2024; thực hiện sắp xếp 15 đơn vị (05 thuộc diện sắp xếp; 03 khuyến khích, 07 liền kề, gồm: 01 thị trấn, 02 phường và 12 xã).
Phương án và kết quả sau khi thành lập thành phố trực thuộc trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế
Phương án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ 4.947,11 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế (sau khi thực hiện sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn, thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ bao gồm 09 đơn vị hành chính cấp huyện và 133 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 8 đơn vị hành chính cấp xã).
Phương án sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp xã để thành lập các phường thuộc thành phố Huế hiện hữu
– Thành lập phường Long Hồ trên cơ sở nhập toàn bộ 46,91 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 5.554 người của xã Hương Thọ và 33,53 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 10.670 người của phường Hương Hồ. Sau khi thành lập, phường Long Hồ có 80,44 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 16.224 người.
– Thành lập phường Thuận An trên cơ sở nhập toàn bộ 9,69 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 6.741 người của xã Hải Dương và 16,28 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 24.003 người của phường Thuận An. Sau khi thành lập, phường Thuận An có 25,97 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 30.744 người.
– Thành lập phường Dương Nỗ trên cơ sở nhập toàn bộ 5,85 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 12.266 người của xã Phú Dương; toàn bộ 7,17 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 10.953 người của xã Phú Mậu và toàn bộ 7,61 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 4.766 người của xã Phú Thanh. Sau khi thành lập, phường Dương Nỗ có 20,63 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 27.985 người.
Phương án thành lập các phường thuộc thành phố Huế hiện hữu
Thành lập phường Thủy Bằng trên cơ sở nguyên trạng 22,78 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 9.153 người của xã Thủy Bằng.
Thành lập phường Hương Phong trên cơ sở nguyên trạng 16,68 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 10.574 người của xã Hương Phong.
Phương án thành lập các quận thuộc thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Để đảm bảo phù hợp với quy định tại Điều 110, Chương IX của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về Chính quyền địa phương (“thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện, thị xã…”) và Điều 4 của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15) về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC (“… Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 09 đơn vị trở lên, trong đó có ít nhất là 02 quận”); phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; nhằm thiết lập ĐVHC có diện tích tự nhiên và quy mô dân số phù hợp với năng lực quản lý của bộ máy chính quyền địa phương cấp huyện, đáp ứng đòi hỏi của yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn, tạo điều kiện thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Huế trực thuộc Trung ương trong thời gian tới đúng theo quan điểm “giải quyết tốt mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển; giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản… bảo đảm điều kiện thuận lợi cho bảo tồn và phát triển đô thị di sản”, tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng phương án điều chỉnh địa giới hành chính của thành phố Huế hiện hữu trực thuộc tỉnh để thành lập quận Phú Xuân (phía Bắc sông Hương) và quận Thuận Hoá (phía Nam sông Hương) thuộc thành phố Huế trực thuộc Trung ương như sau:
Quận Phú Xuân có diện tích tự nhiên là 127,05 km2, quy mô dân số là 203.142 người; có 13 phường, gồm: An Hòa, Đông Ba, Gia Hội, Thuận Lộc, Tây Lộc, Thuận Hòa, Kim Long, Hương Sơ, Hương Long, Phú Hậu, Hương An, Hương Vinh, Long Hồ.
Quận Thuận Hóa có 139,41 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 297.507 người; có 19 phường, gồm: An Cựu, An Tây, Vỹ Dạ, Phước Vĩnh, Trường An, Phú Nhuận, Thủy Biều, Phú Hội, An Đông, Vĩnh Ninh, Phường Đúc, Thủy Xuân, Xuân Phú, Thủy Vân, Phú Thượng, Hương Phong, Thủy Bằng, Thuận An, Dương Nỗ.
Với phương án này cùng với việc sắp xếp hai huyện Nam Đông và Phú Lộc thành một huyện mới; thành phố Huế trực thuộc Trung ương sau khi hình thành sẽ đảm bảo không tăng số lượng đơn vị hành chính cấp huyện.
Phương án thành lập thị xã Phong Điền và sắp xếp, thành lập các xã, phường thuộc thị xã thuộc Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế
Phương án thành lập thị xã Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế
Thành lập thị xã Phong Điền trên cơ sở toàn bộ địa giới hành chính của huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, có 945,66 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 105.597 người và 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm: sắp xếp 08 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập mới 03 phường, 01 xã; thành lập 03 phường mới trên cơ sở 03 xã và 05 xã giữ nguyên).
Sau khi thành lập, thị xã Phong Điền có 945,66 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 105.597 người và 12 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 06 phường: Phong Thu, Phong Hải, Phong Phú, Phong Hòa, Phong An, Phong Hiền và 06 xã: Phong Thạnh, Phong Bình, Phong Chương, Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Xuân).
Phương án sắp xếp, thành lập các phường, xã thuộc thị xã Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế
Thành lập phường Phong Thu trên cơ sở nhập toàn bộ 18,75 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 8.155 người của thị trấn Phong Điền và toàn bộ 26,59 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 3.654 người của xã Phong Thu. Sau khi thành lập, phường Phong Thu có 45,34 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 11.809 người.
Thành lập phường Phong Hải trên cơ sở nhập toàn bộ 12,69 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 5.067 người của xã Điền Hải và toàn bộ 5,47 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 4.026 người của xã Phong Hải. Sau khi thành lập, phường Phong Hải có 18,16 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 9.093 người.
Thành lập phường Phong Phú trên cơ sở nhập toàn bộ 13,61 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 5.561 người của xã Điền Lộc và toàn bộ 13,55 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 4.571 người của xã Điền Hòa. Sau khi thành lập, phường Phong Phú có 27,16 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 10.132 người.
Thành lập phường Phong An trên cơ sở nguyên trạng 32,38 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 13.924 người của xã Phong An.
đ) Thành lập phường Phong Hiền trên cơ sở nguyên trạng 39,48 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 7.823 người của xã Phong Hiền.
Thành lập phường Phong Hòa trên cơ sở nguyên trạng 34,27 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 8.334 người của xã Phong Hòa.
Thành lập xã Phong Thạnh trên cơ sở nhập toàn bộ 17,26 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 3.114 người của xã Điền Hương và toàn bộ 16,43 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 3.124 người của xã Điền Môn. Sau khi thành lập, xã Phong Thạnh có 33,69 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 6.238 người.
Phương án sắp xếp đơn vị hành chính giữa huyện Phú Lộc và huyện Nam Đông
Mặc dù không phải là các đơn vị thuộc diện sắp xếp theo quy định, nhưng với tinh thần khuyến khích sắp xếp để giảm số lượng đơn vị hành chính, tỉnh quyết định xây dựng phương án sắp xếp, nhập toàn bộ 647,82 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 26.427 người của huyện Nam Đông và toàn bộ 720,41 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 154.179 người của huyện Phú Lộc để thành lập huyện mới, có tên gọi là huyện Phú Lộc.
Sau khi thành lập, huyện Phú Lộc có 1.368,23 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 180.606 người; có 27 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm: 23 xã và 04 thị trấn (có thành lập mới 01 thị trấn Lộc Sơn).
Phương án thành lập thị trấn Lộc Sơn thuộc huyện Phú Lộc
Thành lập thị trấn Lộc Sơn trên cơ sở nguyên trạng 18,99 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 8.593 người của xã Lộc Sơn.
Kết quả sau khi thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chínhcấp huyện, cấp xã
Thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Thành phố Huế có diện tích tự nhiên là 4.947,11 km2, quy mô dân số là 1.236.393 người; có 09 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 02 quận, 03 thị xã và 04 huyện; có 133 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 78 xã, 48 phường và 07 thị trấn (không tăng đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 08 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó: giảm 17 xã và tăng 09 phường).
Đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp, thành lập trực thuộc thành phố Huế
Quận Phú Xuân có 127,05 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 203.142 người; có 13 phường.
Quận Thuận Hóa có 139,41 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 297.507 người; có 19 phường.
Thị xã Phong Điền có 945,66 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 105.597 người; có 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 06 phường và 06 xã.
Huyện Phú Lộc có 1.368,23 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 180.606 người; có 27 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 23 xã và 04 thị trấn.
Đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp, thành lập
Đối với quận Phú Xuân:
– Phường Long Hồ có 80,44 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 16.224 người.
Đối với quận Thuận Hóa:
– Phường Hương Phong có 16,68 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 10.574 người.
– Phường Thủy Bằng có 22,78 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 9.153 người.
– Phường Thuận An có 25,98 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 30.744 người.
– Phường Dương Nỗ có 20,63 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 27.945 người.
Đối với thị xã Phong Điền:
– Phường Phong Thu có 45,34 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 11.809 người.
– Phường Phong Hải có 18,16 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 9.093 người.
– Phường Phong Phú có 27,16 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 10.132 người.
– Phường Phong An có 32,38 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 13.924 người.
– Phường Phong Hiền có 39,48 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 7.823 người.
– Phường Phong Hòa có 34,27 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 8.334 người.
– Xã Phong Thạnh có 33,69 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 6.238 người.
Đối với huyện Phú Lộc:
– Thị trấn Lộc Sơn có 18,99 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 8.593 người.
Phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và giải quyết chế độ chính sách với đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp, thành lập
Khi xây dựng Đề án, tỉnh đã chủ động tính toán phương án sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; trong đó, trước mắt được xác định trên cơ sở tổng biên chế được giao của tỉnh và các đơn vị hành chính có liên quan và thực hiện tinh giản, điều chuyển qua các đơn vị hành chính khác trên cơ sở phù hợp với trình độ năng lực mỗi cá nhân, theo đúng vị trí việc làm và theo lộ trình chung. Trong giai đoạn thực hiện sắp xếp, việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức phải đảm bảo tính ổn định, trước mắt có thể vượt quá số lượng quy định nhưng về cơ bản thực hiện đúng lộ trình.
Phương án sắp xếp, bố trí, sử dụng trụ sở làm việc, tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị hình thành sau sắp xếp, thành lập
Theo Đề án của tỉnh, việc sắp xếp, bố trí và sử dụng trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp được thực hiện nghiêm túc theo tinh thần Công văn số 9899/BTC-QLCS ngày 15/9/2023 của Bộ Tài chính về việc xử lý trụ sở, tài sản công đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo đó, UBND tỉnh thực hiện các nội dung có liên quan theo thẩm quyền và chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công của các ĐVHC thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 – 2025 bảo đảm đúng quy định. Thời hạn hoàn thành việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15.
Phương án và lộ trình thực hiện các chế độ chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp, thành lập
Sau khi Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và ban hành Nghị quyết; trên cơ sở các quy định hiện hành và hướng dẫn của Trung ương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, công nhận theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định, công nhận việc hưởng các chế độ, chính sách đặc thù, chính sách theo các chương trình mục tiêu quốc gia. Thời gian thực hiện: Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực thi hành.
Đánh giá điều kiện, tiêu chuẩn các đơn vị hành chính đề nghị sắp xếp, thành lập
Về đánh giá điều kiện, tiêu chuẩn
Việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính được nêu trong Đề án đã đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành, bao gồm việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019; Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15); Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.
Về điều kiện, tiêu chuẩn phân loại đô thị, ngày 02/8/2024, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 750/QĐ-BXD về việc công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đạt tiêu chí đô thị loại IV và Quyết định số 751/QĐ-BXD công nhận khu vực dự kiến thành lập các phường trên địa bàn đô thị Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đạt các tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với phường của đô thị loại IV. Đối với khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, đến nay Bộ Xây dựng đã hoàn thành việc thẩm định và đánh giá khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đã đạt tiêu chí đô thị loại I; đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng các khu vực dự kiến thành lập quận, phường đều đạt.
Hiện nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang phối hợp với Bộ Xây dựng hoàn thiện lại hồ sơ Đề án đánh giá cơ sở hạ tầng của khu vực dự kiến thành lập quận, phường đề nghị Bộ Xây dựng công nhận và hồ sơ Đề án đề nghị công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Về áp dụng tiêu chuẩn đặc thù
Căn cứ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 31 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15): “đối với trường hợp thành lập ĐVHC đô thị để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận thì đánh giá đạt mức tối thiểu bằng 50% quy định chung”, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các quận, phường phù hợp quy định, đủ điều kiện áp dụng trường hợp đặc thù khi đánh giá tiêu chuẩn thành lập đơn vị hành chính. Trong đó, áp dụng các tiêu chuẩn đặc thù, gồm:
– Đối với thành lập thành phố trực thuộc Trung ương: (1) Tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện (trong đó có ít nhất là 02 quận), (2) Thu nhập bình quân đầu người/tháng so với trung bình cả nước.
– Đối với thành lập các quận: (1) Cân đối thu chi ngân sách.
– Đối với sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế (hiện hữu): (1) Cân đối thu chi ngân sách; (2) Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trung bình 03 năm gần nhất; (3) Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp nội thành, nội thị, thị trấn, quận và phường.
Hoàn thiện hồ sơ và quy trình, thủ tục
Hồ sơ, Đề án đã đảm bảo về bố cục, nội dung theo quy định tại Điều 29 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Trên cơ sở chủ trương của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 26/01/2024 về việc tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt ý nghĩa tầm quan trọng và những tác động tích cực của việc thực hiện chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế; tập trung chuẩn bị các nội dung liên quan việc xây dựng Đề án và Kế hoạch, văn bản hướng dẫn kịp thời việc lấy ý kiến cử tri đối với Đề án, đảm bảo theo đúng trình tự thủ tục quy định. Theo đó, toàn tỉnh đã thành lập 1.105 tổ lấy ý kiến cử tri trên địa bàn 1.105 thôn, bản, tổ dân phố của 141 ĐVHC cấp xã thuộc 09 ĐVHC cấp huyện; từ ngày 25/01/2024 đến hết ngày 25/02/2024 đã tiến hành niêm yết danh sách cử tri (đảm bảo theo Khoản 6, Điều 4 Nghị định số 54/2018/NĐ-CP của Chính phủ) và tổ chức việc lấy ý kiến cử tri về Đề án từ ngày 26/02/2024 đến hết ngày 02/3/2024 trên địa bàn tỉnh. Việc lấy ý kiến cử tri được diễn ra dân chủ, minh bạch và an toàn, không có các vấn đề phức tạp, nổi cộm về an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Đồng thời, đã có Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri của các đơn vị hành chính có liên quan đến Đề án gửi Cổng thông tin điện tử Chính phủ để đăng tải theo quy định tại Nghị định số 54/2018/NĐ-CP và Nghị định số 66/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
Căn cứ kết quả sau khi lấy ý kiến cử tri, HĐND các cấp đã tiến hành họp để biểu quyết tán thành chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế (HĐND cấp huyện, cấp xã họp từ ngày 07/3/2024 đến hết ngày 16/3/2024; HĐND tỉnh họp ngày 14/5/2024).
Các nội dung lấy ý kiến cử tri và biểu quyết của HĐND cấp huyện, cấp xã gồm: Thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế; chia thành phố Huế hiện hữu để thành lập 02 quận; sắp xếp, thành lập các quận, thị xã, huyện và sắp xếp, thành lập các ĐVHC xã, phường, thị trấn thuộc các quận, huyện, thị xã và tên gọi các ĐVHC sau thành lập, sắp xếp được đa số cử tri trên địa bàn đồng tình, ủng hộ cao; trong đó, cử tri toàn tỉnh đồng ý đối với Đề án Thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế đạt tỷ lệ 98,67%; HĐND cấp tỉnh tán thành chủ trương đạt tỷ lệ 86,0% (đạt 100% so với tổng số đại biểu tham dự họp), HĐND cấp huyện tán thành chủ trương đạt tỷ lệ 96,21% và HĐND cấp xã tán thành chủ trương đạt tỷ lệ 94,53% (chi tiết tại Báo cáo số 253/BC-UBND ngày 25/5/2024 của UBND tỉnh kèm theo).
Tiếp thu, bổ sung đầy đủ các ý kiến của Đoàn Liên ngành Trung ương tại buổi làm việc về khảo sát hiện trạng phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.
Như vậy, sau 15 năm phấn đấu triển khai thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, tình hình kinh tế – xã hội của Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hệ thống hạ tầng đô thị được đầu tư, xây dựng và nâng cấp tương đối hoàn chỉnh, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng với nguồn lực vật chất thì các cơ chế chính sách đặc thù, các đề án, quy hoạch quan trọng đã và sẽ tiếp tục được thông qua trong thời gian tới; trong đó, Đề án “Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế” được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở những góp ý quý báu của các chuyên gia, các bộ, ban ngành Trung ương, đã làm rõ những căn cứ pháp lý, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và đề ra các phương án cụ thể sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính các cấp; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính, các định hướng quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan được cấp thẩm quyền phê duyệt; giúp thành phố Huế trực thuộc Trung ương thiết lập bộ máy quản lý hành chính phù hợp, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Đây là Đề án có ý nghĩa chính trị quan trọng, thể hiện rõ ý chí, khát vọng, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân; tạo động lực để Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân của tỉnh trong thời kỳ mới; góp phần hiện thực hoá Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về “xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; quyết tâm xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế./.
Thế Cương – Văn Mạnh – Hải Phan