Thừa Thiên Huế – mảnh đất giàu truyền thống hiếu học, truyền thống văn hoá và đấu tranh cách mạng. Từ trong lịch sử hình thành và phát triển, nơi đây từng đã có trường Quốc Tử Giám đào tạo nhân tài cho cả nước, cũng là nơi duy nhất của đất nước tổ chức thi cử để công nhận, cấp bằng và vinh danh học vị Tiến sĩ. Tài năng không những được ươm mầm, phát hiện ở Huế mà Huế trở thành nơi quy tụ và tạo thế phát triển cho nhiều tài năng nước Việt.
Kế thừa di sản của vùng đất kinh sư; kinh đô của đất nước trong gần hai thế kỷ với nhiều thiết chế kinh tế- xã hội như Quốc Tử Giám, Văn Thánh và Võ Thánh, Trường Anh Danh, Giáo Dưỡng, Thái y viện đã từng đóng vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử; và các công trường phục vụ triều đình, các làng nghề thủ công mỹ nghệ gắn liền với những nét đẹp truyền thống qua các lễ hội truyền lô, vinh quy bái tổ… Truyền thống coi trọng việc học và trọng tài đã không ngừng được bồi đắp từ những thiết chế này. Từ đó đến nay, Huế vẫn là thủ phủ của miền Trung; vẫn khẳng định là một trung tâm giáo dục – đào tạo quan trọng của khu vực, cả nước và có vị thế trong bang giao quốc tế.
Hình thành hệ thống cơ sở giáo dục, có thể thấy, các thiết chế kinh tế – xã hội theo mô hình hiện đại cũng được hình thành khá sớm trên đất Huế với việc ra đời của Đại học Huế vào năm 1957. Trước đó, Nhà thương Huế (này là Bệnh viện Trung ương Huế) được thành lập từ năm 1894; Trường Bá Công (nay là Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế) thành lập từ năm 1899; Trường Nông lâm súc (hiện nay nhập vào Trường Đại học Nông lâm chuyển từ Hà Bắc vào); Trường Quốc gia Âm nhạc Huế (sau trở thành một bộ phận của Trường Đại học Nghệ thuật và là tiền thân của Học viện Âm nhạc Huế hiện nay). Những trường phổ thông chất lượng cao như Trường Quốc Học (nay là THPT chuyên Quốc Học – Huế) ra đời từ năm 1896, Trường Đồng Khánh (nay là THPT Hai Bà Trưng) được thành lập năm 1917…đã tạo ra trên địa bàn một hệ thống giáo dục – đào tạo bài bản, khá đồng bộ, có truyền thống lâu đời, có tính liên thông; thu hút người dạy và người học từ khắp miền Trung và từ các trung tâm lớn khác. Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, hiện nay, hệ thống các trường đại học và cao đẳng đang không ngừng phát triển, lớn mạnh và ngày càng khẳng định được thương hiệu và chất lượng đào tạo hàng đầu. Trong đó, Đại học Huế nổi bật như một biểu tượng của giáo dục đại học Việt Nam, hiện có 09 trường đại học, viện thành viên, 01 trường thuộc, 03 khoa thuộc và 01 phân hiệu tại tỉnh Quảng Trị; 51 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, 80 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ; có đội ngũ GS, PGS, TS xếp vào hàng thứ 3 của toàn quốc, sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (với 18 GS, 178 PGS; 723 tiến sĩ khoa học, tiến sĩ và 14 chuyên khoa 2; 1311 thạc sĩ và chuyên khoa 1; tỷ lệ giảng viên có trình độ sau đại học đạt 87.5%).
TS.Nguyễn Tân, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và TS.Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao trao bằng khen cho học sinh xuất sắc tại Lễ tuyên dương học sinh danh dự toàn trường, 28/9/2024.
Đại học Huế hiện nằm trong nhóm 1201-1400 của bảng xếp hạng đại học thế giới và nhóm 351-400 của bảng xếp hạng đại học Châu Á theo Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) năm 2025; vị trí 1501+ của bảng xếp hạng đại học thế giới và vị trí 601+ các trường đại học Châu Á theo Tổ chức Times Higher Education (THE), lần đầu tiên xuất hiện trong Bảng xếp hạng các Đại học Thế giới với vị trí 2010 của Best Global Universities và là top 5 các đại học hàng đầu Việt Nam. Với tầm ảnh hưởng ngày càng lớn và vai trò tiên phong trong hệ thống giáo dục, Đại học Huế đã trở thành một trung tâm học thuật quan trọng, bao gồm các đơn vị thành viên uy tín như Trường Đại học Y Dược và Trường Đại học Sư phạm, những cơ sở chủ lực góp phần tạo dựng danh tiếng học thuật cho không chỉ riêng Đại học Huế mà còn cho toàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cùng với đó là các đơn vị đào tạo thuộc các bộ ngành Trung ương trên đất Huế: Học viện Âm nhạc trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phân viện Hành chính Quốc gia miền Trung và Trường Cao đẳng Công nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương hơn 125 năm xây dựng và phát triển cùng với hệ thống các trường đào tạo công nhân lành nghề trình độ trung cấp và cao đẳng.
Giáo dục phổ thông đạt nhiều chỉ số phát triển quan trọng, hàng năm các giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế duy trì trong tốp đầu các địa phương cả nước; tỉ lệ trúng tuyển và nhập học đại học thuộc tốp 5 toàn quốc; đặc biệt Trường THPT chuyên Quốc Học cũng là ngôi trường có một không hai của giáo dục phổ thông cả nước từ kiến trúc đến lịch sử truyền thống gần 130 năm hình thành phát triển và về thành tích chất lượng dạy học, 7 lần có học sinh tham dự Chung kết Đường lên đỉnh Olympia, … Những kết quả đạt được đã khẳng định nền tảng vững chắc để thực hiện và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững giáo dục – đào tạo.
Khu vực Thế Miếu trong Hoàng cung Huế- Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1993 và Nhã nhạc được UNESCO ghi danh là Kiệt tác Di sản phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại từ năm 2003.
Mặt khác, Huế còn là đất dụng võ cho những ngành khoa học xã hội và nhân văn (văn học nghệ thuật, sử học, dân tộc học, khảo cổ học, xã hội học, du lịch và dịch vụ..) vì là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam trong gần hai thế kỷ; nơi có 08 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận với đủ cả 3 loại hình Di sản văn hóa vật thể, Di sản phi vật thể và di sản tư liệu.
Về nhân tài, Huế từ xưa đã trở thành đất học, đất khoa bảng, đất thi thố tài năng, đất đã hun đúc nên nhiều nhân tài và cũng là đất góp phần tạo nên sự nghiệp cho nhiều danh nhân như Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Quang Đại… trong thời chúa Nguyễn; Trần Văn Kỷ, Nguyễn Thiếp, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu… thời Tây Sơn; Lê Quang Định, Nguyễn Tri Phương, Miên Thẩm, Miên Trinh, Hoàng Diệu, Đặng Huy Trứ… thời Nguyễn.
Trong thời Cận- Hiện đại, Quốc Học Huế – ngôi trường với bề dày lịch sử truyền thống, là bệ phóng đào tạo nhân tài cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc với những tên tuổi: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trần Phú, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Tố Hữu,… Các Thầy giáo tiêu biểu: Lê Văn Miến, Hoàng Thông, Võ Liêm Sơn, Lê Viết Lượng, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đóa, Ngô Kha,… Các nhà khoa học có Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng lao động Tôn Thất Tùng; Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn; Giáo sư, Bác sĩ Đặng Văn Ngữ; Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Cảnh Toàn và các Giáo sư Ngụy Như Kon Tum, Đặng Xuân Lâm, Nguyễn Lân… cũng từng học tập tại ngôi trường này.
Bên cạnh đó, Huế còn có đội ngũ khá đông đảo những nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, những nghệ nhân ca Huế, múa cung đình; các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Đồng thời, là địa bàn thu hút các nhà khoa học cho các ngành nghiên cứu và ứng dụng về y học (cả Đông và Tây y); sinh học vùng nhiệt đới; các hệ sinh thái sông, biển, đầm phá; khai thác và chế biến nông lâm thủy sản, dệt may, vật liệu xây dựng…
Võ Miếu triều Nguyễn được xây dựng vào năm 1835, ở vị trí bên cạnh di tích Văn Miếu và khá gần chùa Thiên Mụ. Võ sư Taekwondo, Trọng tài quốc tế, nguyên Huấn luyện viên trưởng Taekwondo Việt Nam Lê Minh Khương đến Võ miếu năm 2017.
Ngoài ra, hạ tầng kinh tế và xã hội khá đồng bộ với nòng cốt là các thiết chế của Trung tâm Giáo dục – Đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực; Trung tâm Văn hóa Du lịch và Trung tâm Y tế chuyên sâu của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Giao thông vận tải, thông tin liên lạc và hạ tầng kỹ thuật khác khá thuận lợi; có sân bay và cảng biển; hệ thống đường bộ, đường sắt liên hoàn nằm trên tuyến Bắc Nam và hành lang xuyên Á. Có chiều dày truyền thống của vùng đất học từ lâu đời; đã và đang là nơi hội tụ nhiều tài năng của cả nước và cũng là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhiều địa bàn, nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh lực giáo dục – đào tạo, y tế và nghiên cứu khoa học… Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình thành phố di sản, văn hóa cũng là thành phố của giáo dục trong mối tương quan với hệ thống thành phố cổ trên thế giới như Kyoto – Nhật Bản, …
Môi trường giáo dục Huế cùng với nếp sống, văn hóa ứng xử, đạo đức và cốt cách con người Huế – sự kết hợp bền chặt giữa giáo dục truyền thống gia đình – nhà trường và xã hội nơi đây cũng là nét đặc trưng tạo nên bản sắc riêng của giáo dục vùng đất cố đô.
Với những lẽ trên, Huế thực sự mang trong mình thế mạnh và tiềm năng về giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trong phát triển thành phố trực thuộc Trung ương./.
TS.Nguyễn Tân/Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
Ảnh trong bài: Lê Đình Hoàng, Võ Thanh Phúc và internet