Nằm giữa trung độ của đất nước, với lợi thế về địa chính trị, kinh tế đặc biệt, từ hàng trăm năm trước Thừa Thiên Huế đã nổi tiếng là một trung tâm lớn của đất nước, từng đóng vai trò là thủ phủ của Đàng Trong (1636-1775), kinh đô của Việt Nam gắn liền với hai triều đại quân chủ cuối cùng, là Tây Sơn và triều Nguyễn (1788-1945) . Bề dày lịch sử ấy đã khiến vùng đất này tích hợp được một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, cùng một truyền thống văn hóa hết sức độc đáo – Văn hóa Huế.
Đến nay, toàn tỉnh có 03 hệ thống, quần thể di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 101 di tích cấp tỉnh; 205 công trình, địa điểm nằm trong danh mục Kiểm kê của Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt, công bố. Cố đô Huế cũng là vùng đất bảo tồn, gìn giữ nhiều di sản mang tầm thế giới với 08 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO vinh danh: Quần thể di tích cố đô Huế (Di sản thế giới); Nhã nhạc Việt Nam – Âm nhạc cung đình triều Nguyễn (Kiệt tác phi vật thể truyền khẩu đại diện của nhân loại); Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế, Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế (Di sản tư liệu thế giới và Di sản tư liệu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương); đồng sở hữu 02 di sản: Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại); 09 nhóm cổ vật với 35 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia cùng hàng vạn cổ vật, tư liệu quý được gìn giữ, phát huy trong các bảo tàng công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.
Các hoạt động văn hóa được tổ chức sôi nổi, đa dạng ở địa bàn toàn tỉnh với vai trò chủ công của ngành Văn hóa – Thể thao.
Thừa Thiên Huế còn là nơi bảo lưu nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể phong phú bao gồm các loại hình nghệ thuật, âm nhạc dân gian, ca múa nhạc cung đình, trang phục, nếp sống, ẩm thực; nhiều làng nghề truyền thống hình thành từ lâu đời và nhiều lễ hội đặc sắc… Trên địa bàn tỉnh, có 3 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Ca Huế (2015), Nghề dệt Dèng của dân tộc Tà Ôi (2016) và Lễ hội truyền thống ADa Koonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô. Trong đó, di sản nghệ thuật ca Huế đang tiếp tục thực hiện các thủ tục để xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ẩm thực Huế phong phú và mang nhiều nét đặc trưng với khoảng 1.300 món bao gồm các món ăn cung đình, các món ăn dân gian và các món ăn chay. Ngoài ra, trang phục truyền thống Huế mà nổi bật là chiếc áo dài đã tạo nên phong cách riêng của vùng đất, đặc biệt, lối sống Huế, là một tài sản văn hóa quý luôn được coi trọng, giữ gìn và phát huy. Ngày nay, các đặc trưng di sản văn hóa đã và đang được bảo tồn, phát huy trở thành tài nguyên để phát triển kinh tế – xã hội của vùng đất Thừa Thiên Huế. Hình ảnh Huế được quảng bá và khẳng định bằng các thương hiệu đã được vinh danh: “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”.
Các hoạt động thể thao đa dạng ở địa bàn toàn tỉnh với vai trò chủ công của ngành Văn hóa – Thể thao.
Trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là trong các năm 2023-2024, các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi nổi, liên tục, đều khắp, cổ vũ khí thế chính trị, truyên truyền quảng bá hình ảnh văn hóa, điểm đến du lịch với bạn bè trong nước, quốc tế; góp phần làm cho đời sống văn hóa tinh thần phong phú và phục vụ tốt nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ cho các tầng lớp nhân dân và du khách trong và ngoài nước đến thăm Huế. Nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức sôi động, hấp dẫn. Hoạt động mỹ thuật, trưng bày, triển lãm diễn ra đa dạng, phong phú, có chất lượng cao, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu của du khách và quần chúng nhân dân. Công tác chiếu phim lưu động phục vụ đời sống văn hóa cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tiếp tục được đẩy mạnh. Hoạt động thư viện được tập trung triển khai, đảm bảo phục vụ tốt người đọc.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa đã được trùng tu, tôn tạo, các giá trị văn hóa phi vật thể đã được khai thác đưa vào phục vụ du khách. Nhiều lễ hội truyền thống, lễ hội cung đình có quy mô lớn đã được tái hiện chân thực, đặc sắc. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được tập trung triển khai, bước đầu đã tạo được những chuyển biến mới trong ý thức của người dân. Đời sống văn hóa tinh thần của công nhân trong các khu công nghiệp được quan tâm. Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện có hiệu quả các mô hình “Ngày Chủ nhật xanh – Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh – sạch – sáng”; Quản lý trật tự xã hội thông qua dịch vụ “Đô thị thông minh Huế S”; “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” gắn với phong trào thi đua “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phong trào “Toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng – xanh – sạch, không rác thải”; “Huế không tiếng còi xe”; “Huế – thành phố bốn mùa hoa”; “Mai vàng trước ngõ”; “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”…
Kế thừa và phát huy giá trị các di sản truyền thống luôn được coi trọng và đề cao ở Thừa Thiên Huế
Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực tập trung mọi nguồn lực, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó, phấn đấu đến năm 2025 xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; chỉ đạo triển khai thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 (Khóa XI). Bên cạnh đó, từ năm 2021, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 24/5/2021 về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; UBND tỉnh đã ban hành Chương trình số 312/CTr-UBND ngày 11/10/2021 về Chương trình hành động xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Hàng năm, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế để chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phát triển văn hóa tại địa phương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Uỷ ban Nhân dân tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội chú trọng việc bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, xây dựng con người Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện về năng lực, trí tuệ, nhân cách làm trọng tâm cốt lõi của phát triển văn hóa.
Tỉnh đã chỉ đạo ngành Văn hóa triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước về văn hóa; chỉ đạo xây dựng và triển khai nhiều nhiều đề án, chính sách quan trọng quy định các chế độ liên quan lĩnh vực văn hóa. Nổi bật là Nghị quyết và Đề án về hỗ trợ đầu tư tu bổ, tôn tạo, bảo quản các di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; Nghị quyết và Đề án về chính sách hỗ trợ phát triển Bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030; Đề án “Huế – Kinh đô Áo dài”; Đề án “Văn hóa Huế – Con người Huế: Bảo tồn và phát triển”; Đề án “Phát triển Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án phát triển mỹ thuật Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch tổng kiểm kê di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Kế hoạch sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tư liệu Hán – Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2024; Đề án “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch”; Đề án “Thiết lập và phát triển Tủ sách Huế” giai đoạn 2022-2025; Đề án phát huy giá trị và xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa du lịch đặc sắc giai đoạn 2021-2025 …
Quan tâm đến văn hóa Con người và phát huy truyền thống tốt đẹp của Văn hóa Huế, Con người Huế luôn được chú trọng
Thừa Thiên Huế cũng đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng, sản phẩm văn hoá hướng đến phát triển công nghiệp văn hoá, phát huy những tiềm năng và giá trị văn hoá Việt Nam, văn hóa Huế; đáng chú ý là hình thành hệ thống trục không gian văn hóa đường Lê Lợi phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng, tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Tỉnh luôn quan tâm, phát huy vai trò của Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh trong tham mưu, tư vấn cho tỉnh triển khai, phản biện các đề án liên quan đến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và phát triển kinh tế – xã hội. Tiếp tục duy trì Giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố Đô (5 năm/lần), tổ chức tốt các đợt xét tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú; tôn vinh văn nghệ sĩ và tặng thưởng các tác phẩm, công trình xuất sắc hằng năm.
Để chuẩn bị cho năm công tác 2025, năm có tính chất bản lề đánh dấu sự kiện Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Sở Văn hóa và Thể thao đang nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động trên cả hai lĩnh vực văn hóa và thể thao, liên tục tổ chức các hoạt động và sự kiện lớn mang tầm quốc gia và quốc tế để góp phần nâng cao vị thế, thương hiệu Thừa Thiên Huế. Đối với các hoạt động chuyên môn, Sở đang tích cực tham mưu xây dựng Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; xây dựng Quy hoạch Quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Huế – Kinh đô Áo dài”; lập hồ sơ nghệ thuật Ca Huế đề nghị UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; hoàn thiện các hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Nghề may đo Áo dài Huế, Ẩm thực Huế… Đồng thời phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Huế và Sở Du lịch để nghiên cứu xây dựng Hồ sơ tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO với lĩnh vực sáng tạo Ẩm thực… Sở cũng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục tuyên truyền, triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ nhằm phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương./.
TS. Phan Thanh Hải