Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Thực tế và kinh nghiệm cho Việt Nam trong phát triển đô thị thông minh.

ĐNA -

Phát triển Đô thị thông minh (ĐTTM) được Chính phủ định hướng triển khai từ năm 2018 với Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, một số thành phố đã triển khai xây dựng ĐTTM và thu được kết quả bước đầu. Từ công tác triển khai thực tế ĐTTM tại Việt Nam trong thời gian qua đã có những kết quả nào và thu được bài học gì?

Thành tựu khả quan khi triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam
Xây dựng thành phố thông minh đã và đang trở thành xu thế tất yếu của các đô thị trên thế giới. Tại Việt Nam, ngày 01/08/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018), trong đó xác định rõ các quan điểm, nguyên tắc và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phát triển ĐTTM bền vững. Đây là một trong ba nội dung cốt lõi trong chủ động tham gia Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), bên cạnh phát triển kinh tế số và xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số.

Thực hiện chủ trương xây dựng các đô thị thông minh của Chính phủ, đến nay, cả nước có khoảng 30 địa phương đã phê duyệt và triển khai các đề án, dự án về phát triển ĐTTM, 11 địa phương đã ban hành Kiến trúc CNTT&TT phát triển ĐTTM. Trong năm 2020, Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT đã tiến hành kiểm tra công tác triển khai ĐTTM tại một số địa phương. Kết quả từ công tác kiểm tra phần nào đã cho thấy bức tranh sơ bộ về tình hình triển khai xây dựng ĐTTM hiện nay tại Việt Nam có những kết quả khả quan.

Năm 2012, Đà Nẵng là đô thị đầu tiên được Tập đoàn công nghệ IBM chọn là 1 trong 33 thành phố trên thế giới, nhận tài trợ từ chương trình thành phố thông minh, với tổng giá trị tài trợ hơn 50 triệu USD

Năm 2012, Đà Nẵng là đô thị đầu tiên được Tập đoàn công nghệ IBM chọn là 1 trong 33 thành phố trên thế giới, nhận tài trợ từ chương trình thành phố thông minh, với tổng giá trị tài trợ hơn 50 triệu USD, sử dụng giải pháp điều hành trung tâm thông minh để đảm bảo chất lượng nguồn nước phục vụ người dân, cung cấp giao thông công cộng tốt nhất và giảm thiểu ách tắc giao thông. Đến nay, Đà Nẵng định hướng Phát triển ĐTTM gắn cùng xây dựng Chính quyền số..

Bình Dương – Phát triển ĐTTM với mô hình hợp tác Ba nhà (Nhà nước – Nhà doanh nghiệp – Nhà trường/Viện nghiên cứu), theo mô hình học tập từ thành phố Eindhoven của Hà Lan. Với những nỗ lực của mình, vùng thông minh Bình Dương đã trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới ICF vào năm 2018, được vinh danh là 1 trong 21 khu vực có chiến lược phát triển Thành phố Thông minh tiêu biểu nhất 02 năm liên tiếp (2019, 2020). Cũng trong năm 2018, Bình Dương trở thành thành viên của Hiệp hội Đô thị Khoa học Công nghệ Thế giới (WTA). Các thành quả trên đã tạo ra danh tiếng quốc tế, niềm tin cho nhà đầu tư, góp phần gia tăng vượt bậc trong thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như các viện trường nghiên cứu trên thế giới.

Bình Dương đang nỗ lực triển khai chiến lược phát triển ĐTTM. Ảnh:TTXVN

Thừa Thiên Huế – Phát triển dịch vụ ĐTTM lấy con người là trung tâm. Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai và đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM (IOC) từ đầu năm 2019. Một số dịch vụ ĐTTM cơ bản đã được triển khai hiệu quả, trong đó nổi bật là dịch vụ phản ánh hiện trường được tích hợp trong ứng dụng di động Hue-S. Chỉ sau khoảng 03 tháng đưa vào sử dụng, với sự quyết tâm của chính quyền các cấp, vấn đề vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị của thành phố Huế được cải thiện rõ rệt. Năm 2019, Thừa Thiên Huế vừa được Ban tổ chức Telecom Asia Awards trao Giải thưởng “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á” với mô hình Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh.

Thành phố Móng Cái, Quảng Ninh – Dịch vụ ĐTTM giúp nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành. Thành phố đã triển khai Hệ thống giám sát, điều hành thông minh. Hệ thống đi vào sử dụng đã làm thay đổi nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố, chuyển từ lề lối làm việc giấy tờ sang phong cách làm việc mới trên môi trường mạng; làm thay đổi căn bản ý thức, cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần hình thành nền hành chính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ. Trong năm 2020, Thành phố được vinh dự nhận Giải thưởng “Thành phố quản lý điều hành thông minh” do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) trao tặng.

thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai thực hiện 5 dự án đầu tư công đô thị thông minh

Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng đã có những bước triển khai cụ thể về những khía cạnh khác nhau của thành phố thông minh như thử nghiệm sử dụng thẻ thay vì bán vé xe bus truyền thống. Việc triển khai thành phố wifi ở một số nơi, những đề xuất về việc sử dụng mạng điện thoại di động để truyền tải thông tin tình trạng giao thông hay những ý tưởng số hoá những sinh hoạt trong đời sống hàng ngày của một số doanh nghiệp.

Ba thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng sẽ là một phần trong mạng lưới các thành phố thông minh của ASEAN do Singapore đề xuất tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32. Theo số liệu của Tập đoàn Viettel, yếu tố thuận lợi để phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam là tỉ lệ người sử dụng Internet/tổng dân số ở Việt Nam khá lớn, lọt vào top 10 trong khu vực châu Á. Việt Nam hiện có khoảng 49 triệu người sử dụng Internet, đạt mật độ thâm nhập 51,5%. Một số đô thị có điều kiện thích hợp áp dụng mô hình đô thị thông minh gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Thanh Hoá, Thái Nguyên, Hạ Long, Huế, Cần Thơ, Rạch Giá, Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn.

Cùng với sự phát triển của các thành phố lớn tại Việt Nam, các chủ đầu tư của các Tập đoàn Bất động sản cũng đang chuyển đổi sang xu hướng mới là phát triển khu đô thị thông minh. Một trong những dự án Khu đô thị đầu tiên về “Thành phố thông minh” nằm ở xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội do chủ đầu tư Liên doanh Sumimoto (Nhật Bản và Tập đoàn BRG) ra mắt năm 2018 với diện tích 272ha và được phát động khởi công vào năm 2019. “Thành phố thông minh” ở phía Bắc Hà Nội được quy hoạch theo hướng thân thiện với thiên nhiên, phát triển các hệ thống quản lý ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực năng lượng, sức khỏe, giáo dục.

Hà Nội hướng đến đô thị thông minh

Bên cạnh đó, có thể kể đến khu đô thị thông minh đón đầu xu hướng như Vinhomes Smart City nằm trên trục đại lộ Thăng Long với diện tích 280ha, học hỏi và tổ chức vận hành ứng dụng theo mô hình đô thị thông minh trên thế giới như Singapore, Songdo (Hàn Quốc), Fujisawa (Nhật Bản), dựa trên 4 trục cốt lõi gồm: An ninh thông minh, vận hành thông minh, cộng đồng thông minh và căn hộ thông minh hứa hẹn an ninh – an toàn thông minh với hệ thống camera đa lớp tích hợp trí tuệ nhân tạo tự động nhận diện khuôn mặt, biển số xe, tự động cảnh báo đối tượng lạ trong khu vực, hệ thống thang máy thông minh, PCCC thông minh, giám sát chất lượng không khí, cảnh báo ô nhiễm môi trường và ứng dụng cập nhật tình hình giao thông thành phố và khu đô thị qua phần mềm điện thoại.

Đánh giá về những cơ hội và thách thức trong phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam hiện nay, Bộ Xây dựng cho biết, Việt Nam đã chủ động tiếp cận và định hướng phát triển đô thị thông minh từ khá sớm, bắt nhịp với các quốc gia trên thế giới; đã tích cực triển khai thực hiện chuyển đổi số; hạ tầng thông tin đã cơ bản được phủ sóng 4G; khả năng tiếp cận các dịch vụ về công nghệ thông tin và tỷ lệ sử dụng các thiết bị di động ở mức khá cao so với thế giới.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam cần xác định rõ bản chất của đô thị thông minh chính là sự liên kết, chia sẻ và tích hợp thông tin, phát triển theo chiều sâu, đổi mới cơ chế và thể chế. Bộ Xây dựng, với vai trò là bộ quản lý ngành sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước liên quan để thúc đẩy mạnh quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam theo những chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước.

Nhìn ra thế giới
Trên thế giới, việc triển khai ĐTTM đã trở nên cấp thiết từ những năm cuối thế kỷ 20 tại nhiều quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết, đặc thù của đô thị. Đặc biệt, một số tiến bộ trong các lĩnh vực CNTT&TT như Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (cloud computing),… đã thúc đẩy các quốc gia đẩy mạnh hơn việc triển khai ĐTTM tại một số thành phố lớn để giải quyết các vấn đề của đô thị. Một số ĐTTM đã hình thành và đang tiếp tục hoàn thiện “tính thông minh hơn” như Amsterdam, Eindhoven (Hà Lan), Barcelona (Tây Ban Nha), Copenhagen (Đan Mạch), Espoo (Phần Lan), Nice (Pháp) hay Vienna (Áo).

Xu thế ngày càng nhiều người dân đổ về khu vực thành thị tạo ra các áp lực về giao thông, năng lượng, môi trường, y tế, thực phẩm, nước sạch,… Do vậy cần phải ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) để giải quyết các vấn đề của đô thị, trong đó ưu tiên ứng dụng các công nghệ có tính đột phá, sáng tạo.

Theo các chuyên gia của Viện Công nghệ Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology – MIT), Cisco và các nhà quy hoạch dự báo mỗi tuần có khoảng một triệu người dân chuyển đến đô thị sinh sống. Dự kiến đến 2050, dân số thành thị sẽ vào khoảng 6,3 tỷ người. Riêng Trung Quốc và Ấn Độ, trong 20 năm nữa sẽ có 800 triệu người đến thành phố sinh sống. Diện tích của các thành phố chỉ chiếm 2% diện tích trái đất nhưng chứa 50% dân số hoặc nhiều hơn và các thành phố tiêu thụ khoảng 75% năng lượng, thải ra 80% lượng CO2.

Lối đi nào cho Việt Nam?
Với tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, các đô thị nước ta vẫn đang tiếp tục gia tăng cả về số lượng và quy mô đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa ước đạt khoảng 40% vào cuối năm 2020. Đến thời điểm hiện tại, toàn quốc có 862 đô thị (năm 2015 là 787 đô thị). Khu vực đô thị đã thực sự trở thành động lực, đầu tàu phát triển kinh tế xã hội của các vùng và cả nước, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, chiếm tỷ trọng chi phối trong thu ngân sách, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp.

Sự tăng trưởng các ngành kinh tế ở khu vực đô thị như xây dựng, công nghiệp, giao thông vận tải, y tế, thương mại – dịch vụ cũng như quá trình sử dụng và tiêu thụ năng lượng đã và đang tạo ra nhiều sức ép đối với khu vực đô thị. Theo đó, việc xây mới, nâng cấp đô thị phát triển nhanh song hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu; mật độ phương tiện giao thông cá nhân quá cao gây ra tình trạng ùn tắc giao thông; chất lượng phương tiện kém, nhiều phương tiện cũ đã quá hạn sử dụng. Số lượng trung tâm thương mại, chợ dân sinh tại các đô thị ngày càng nhiều. Hoạt động du lịch vẫn duy trì tăng trưởng ổn định qua các năm, số lượng lớn du khách tập trung tại các khu vực có danh thắng, các đô thị ven biển…

Ước tính đến năm 2025, diện tích dân số đô thị chiếm khoảng 10% diện tích cả nước, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 50% dân số, tạo ra khoảng 75% GDP. Do đó, quản lý đô thị phải khác với quản lý nông thôn, cần phải quản lý nhanh, kịp thời, với cường độ cao.

Hiện nay, phần lớn các địa phương đang tập trung nhiều cho dịch vụ ĐTTM, chưa quan tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị (vấn đề quy hoạch, hạ tầng giao thông,…). Nếu chỉ tập trung cho phát triển dịch vụ ĐTTM thì mới chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề quản lý và phát triển đô thị, chưa giải được những vấn đề căn cơ, những bài toán lớn của đô thị như quy hoạch, giao thông, môi trường, năng lượng, rác thải,…

Phát triển Smart City tại Việt Nam: Tập trung đầu tư vào lĩnh vực cấp bách. Ảnh minh họa, nguồn
Internet.

Tại Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN năm 2020, Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững, là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Phát triển đô thị thông minh thực sự là một “cuộc chơi lớn” trong đó cần có “người cùng chơi” có “tầm nhìn”, “chiến lược”, “tiềm lực” hướng tới mục tiêu cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị phát triển bền vững.

Phát triển đô thị thông minh là một hướng đi tất yếu, phù hợp với xu hướng quốc tế, tận dụng được những cơ hội, thành quả của cuộc CMCN 4.0, phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Việc triển khai xây dựng ĐTTM là một quá trình, cần xuất phát từ yêu cầu, điều kiện thực tiễn của mỗi địa phương. Tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đi đầu thuộc nhóm khu vực châu Á có năng suất lao động cao, đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Lê Công Hoàng/ Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng KHCN Assean