Thứ năm, Tháng mười 3, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Thực trạng và giải pháp thực hiện bình đẳng giới của tỉnh Bình Phước trong giai đoạn hiện nay

ĐNA -

Bình Phước là tỉnh miền núi, biên giới, thuộc khu vực miền Đông Nam bộ, với 258,939km chiều dài đường biên giới tiếp giáp với ba tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia. Toàn tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện (trong đó, có 03 thị xã và 01 thành phố) với 111 xã, phường, thị trấn; diện tích tự nhiên 6.876,76km2; dân số hơn một triệu người, trong đó: phụ nữ chiếm 49,59% tổng dân số toàn tỉnh ; lao động nữ từ 15 tuổi trở lên đang làm việc chiếm 47,03%   với 41 dân tộc cùng sinh sống. Số dân cơ học tăng cao cùng với sự phát triển nhanh chóng của đô thị hoá nhưng nền kinh tế của tỉnh vẫn phát triển ổn định và ngày càng xuất hiện nhiều ngành nghề, lĩnh vực mới, tạo tiền đề cho phụ nữ có nhiều cơ hội tiếp cận với việc làm, học nghề, các chính sách vay vốn ưu đãi của nhà nước, của tỉnh để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập.

Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn tồn tại khi tệ nạn xã hội, thất nghiệp của công nhân, thời tiết thất thường, dịch bệnh, an ninh xung đột giữa các nước trên thế giới …đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân nói chung và cán bộ phụ nữ nói riêng. Sự phát triển thần tốc của khoa học công nghệ trong và ngoài nước đã đặt ra những thuận lợi và thách thức đan xen cùng những yêu cầu phát triển về trình độ, chuyên môn, năng lực của nữ giới nói chung và cán bộ nữ nói riêng. Chính vì vậy, xác định được những rào cản để đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao vị thế, vai trò và sự tham gia của phụ nữ vào hệ thống chính trị là việc làm cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Tác phẩm Chung sức Tác giả Trần Phúc Thạch, giải Nhì cuộc thi ghi lại cảnh công việc thu hoạch lúa ngoài đồng của người Mông ở Sapa.

Thực trạng thực hiện bình đẳng giới tại tỉnh Bình phước trong thời gian qua
Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quản lý của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Phước cùng với sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai, thực hiện tốt Chỉ thị số 21-CT/TW, công tác cán bộ nữ ngày càng được quan tâm. Cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội tích cực tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò, vị trí của phụ nữ và bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp, đạt hiệu quả cao. Việc tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, kịp thời thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các hội nghị, các chương trình bồi dưỡng, các lớp tập huấn nghiệp vụ, chuyên đề góp phần làm chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới; vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội ngày càng được khẳng định; bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội từng bước được bảo đảm. Các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị và toàn xã hội thường xuyên quan tâm, phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tạo điều kiện cho Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ, phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, công tác cán bộ nữ vẫn còn gặp những khó khăn, như: nhiều người dân trình độ nhận thức còn hạn chế, ít có thời gian tham gia, tiếp cận các hoạt động hướng đến sự bình đẳng; tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân, dẫn đến sự chênh lệnh giới tính; một số phụ nữ trong các gia đình bị bạo lực vẫn mang nặng tâm lý cam chịu, chưa có sự hợp tác với cán bộ nữ ở ấp, khu phố để có biện pháp khi bị bạo hành… Song, với ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho công tác cán bộ nữ ngày càng tốt hơn.

Một số thành tựu
Một là, trong lĩnh vực lao động việc làm, tính đến năm 2019, lao động nữ được giải quyết việc làm khoảng 26.154 lao động, chiếm khoảng 60% trong tổng số 43.590 lao động được giải quyết việc làm, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra giai đoạn 2016 – 2020. Từ năm 2015 – 2020, tỉnh đã đào tạo nghề cho 50.543/30.000 lao động, đạt 168% kế hoạch, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 40% đầu năm 2015 lên 56% vào cuối năm 2019. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề đạt 80% (40.436 người), trong đó, lao động nữ được đào tạo ước lượng khoảng từ 48% – 65,1% trong tổng số lao động được giải quyết việc làm giai đoạn 2016 – 2020 .

Hai là, trong đào giáo dục và đào tạo, tính đến năm 2019, tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học cho nam giới và nữ giới ở độ tuổi từ 15 đến 40 vùng sâu, vùng xa là 92,23%. Đến năm 2020, tỷ lệ này là 95%. Đầu năm 2020, toàn tỉnh có 173 trường mẫu giáo, mầm non (trong đó có 48 trường ngoài công lập), tăng 30 trường so với năm 2015; 100% các xã, phường, thị trấn đều có trường mầm non, có xã, phường, thị trấn có từ 2 đến 3 trường mầm non. Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh triển khai đầy đủ, kịp thời Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị “về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn”; Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi; Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 của Chính phủ về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, Thông tư 07/2016/TT-BGDĐT ngày 22/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về điều kiện bảo đảm và nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Ba là, trong vấn đề lệch giới tính: Tính đến năm 2019, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh của tỉnh Bình Phước: 111,2 bé trai/100 bé gái và dự kiến sẽ là 111 bé trai/100 bé gái vào cuối năm 2020, giảm 2,8 bé so với năm 2015 (114 bé trai/100 bé gái). Việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho phụ nữ và nam giới ở địa phương được đảm bảo: Các cơ sở y tế từ cấp tỉnh đến cơ sở hiện nay đều được trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế chăm sóc tốt sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ. Hiện nay, tại các Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn đều có nữ hộ sinh, trang thiết bị y tế ngày càng hiện đại, phục vụ người dân. Công tác tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình được triển khai mạnh mẽ và có sức lan tỏa, nâng cao được hiểu biết của nhân dân.  Nhìn chung tỷ lỷ lệch giới tính tại Bình Phước rất cao.

Bốn là, về vấn đề bạo lực gia đình, từ năm 2011 đến năm 2019, lực lượng Công an toàn tỉnh đã khởi tố về tội giết người 14 vụ với 14 bị can liên quan đến bạo lực gia đình. Năm 2019, tỉnh Bình Phước phát hiện có 378 vụ bạo lực gia đình, giảm 29 vụ so với năm 2015 (407 vụ); số người gây bạo lực gia đình là 367 người; số nạn nhân bị bạo lực được phát hiện, được tư vấn tại các cơ sở tư vấn là 320/402 người, đạt 79,6%, vượt 29,6% so với kế hoạch đề ra và tăng 9,6% so với năm 2015. UBND tỉnh đã có Quyết định số 1046/QĐ-UBND ngày 28/4/2017 ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước”.

Việc xây dựng gia đình văn hóa, trong đó nhấn mạnh tiêu chí bình đẳng giới trong gia đình được địa phương chú trọng: Đối với ngày hội gia đình, Ngày Quốc tế hạnh phúc, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25-11, từ tỉnh đến địa phương đều được tổ chức hằng năm. Việc triển khai xây dựng, thực hiện thí điểm và nhân rộng các mô hình tư vấn, hỗ trợ phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới: Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 74/111 xã, phường, thị trấn triển khai mô hình phòng, chống bạo lực gia đình với 460 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; thành lập 409 địa chỉ tin cậy, 378 cơ sở phòng, chống bạo lực gia đình trên 859 thôn, ấp, khu phố/111 xã, phường, thị trấn.  Đến nay, Đảng đoàn luôn xác định công tác tuyên truyền giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ về công tác phụ nữ và bình đẳng giới, vì vậy đã chỉ đạo Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh thường xuyên quán triệt, tuyên truyền đến các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú ,

Năm là, trong lĩnh vực tiếp cận thông tin: Tích cực phối hợp Đài Phát thanh – Truyền hình và Báo Bình Phước xây dựng chuyên mục “Vì sự tiến bộ phụ nữ” (phát sóng 01 lần/tháng); chỉ đạo các cấp Hội thành lập và duy trì hiệu quả trang thông tin điện tử, Fanpage của Hội để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định về công tác phụ nữ, bình đẳng giới. Các cấp Hội đã nhân bản và cấp phát hàng ngàn cuốn tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, trang bị gần 200 tủ sách pháp luật với hàng chục ngàn đầu sách khác nhau, là kênh thu thập thông tin và phổ biến kiến thức pháp luật phong phú, đa dạng, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, người lao động, hội viên, phụ nữ tham khảo, học tập nhằm nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới, cải thiện quan hệ giới trong cộng đồng.

Sáu là, sau 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 55-KL/TW, nhận thức của các cấp Hội về công tác cán bộ nữ từng bước được nâng lên, cán bộ, hội viên, phụ nữ ngày càng ý thức được vai trò, vị trí của mình trong xã hội; cùng với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi để phong trào phụ nữ ngày càng phát triển; cán bộ nữ luôn được ưu tiên, quan tâm sâu sắc trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm. Đặc biệt, trong các cấp Hội trong tỉnh thường xuyên nắm bắt thực trạng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ Hội để tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền cùng cấp về công tác quy hoạch, đào tạo, sắp xếp, đề bạt. Đảng đoàn Hội LHPN tỉnh đã chủ động trong công tác tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, kịp thời phát hiện, giới thiệu và cung cấp nguồn cán bộ nữ và cán bộ trẻ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, bầu cử giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý ; phối hợp Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Đảng đoàn ban hành 02 văn bản đề nghị các huyện, thị, thành ủy quan tâm, chỉ đạo về công tác cán bộ nữ nhằm tạo điều kiện cho cán bộ nữ tham gia cấp ủy; chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thị, thành phố chủ động rà soát, giới thiệu nguồn cán bộ nữ cho cấp ủy Đảng ;

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng luôn được các cấp Hội quan tâm, hàng năm, trên cơ sở danh sách nguồn quy hoạch đã được phê duyệt, cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng các lớp về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội. Thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp giai đoạn 2013 – 2017” và Đề án “Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và Chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019 – 2025”, các cấp Hội đã phối hợp Phân hiệu Học viện phụ nữ Việt Nam, Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm chính trị cấp huyện mở 121 lớp  đào tạo, bồi dưỡng về công tác phụ nữ và nghiệp vụ công tác Hội cho 6.655 lượt cán bộ Hội cấp cơ sở. Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN cấp huyện đã tích cực tổ chức các hoạt động hỗ trợ cán bộ nữ ứng cử viên lần đầu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân dân các cấp . Đảng đoàn luôn quan tâm, chỉ đạo các cấp Hội tập trung thực hiện công tác giới thiệu hội viên ưu tú cho cấp ủy Đảng xem xét, kết nạp. Kết quả: từ năm 2013 đến nay các cấp Hội đã giới thiệu 2.791 hội viên, phụ nữ tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, đã kết nạp 2.617 người .

Về việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền: hàng năm, Hội LHPN tỉnh đều ban hành kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền triển khai đến các cấp Hội trong toàn tỉnh, trong đó, Hội LHPN tỉnh trực tiếp giám sát việc thực hiện chính sách cấp phát thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi tại một số huyện, thị trên địa bàn, phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và sở, ban, ngành có liên quan thực hiện giám sát các nội dung về bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; giám sát trực tiếp kết quả sử dụng các nguồn kinh phí hỗ trợ đồng bào khắc phục hạn hán trên địa bàn tỉnh; giám sát các hoạt động an toàn vệ sinh thực phẩm… Kết quả: Các cấp Hội đã trực tiếp tổ chức và tham gia 1.140 đợt giám sát. Hội LHPN tỉnh và cấp huyện đều cử cán bộ tham gia Hội thẩm nhân dân xét xử các vụ án có liên quan đến hôn nhân gia đình, trẻ em gái bị xâm hại, bạo hành với phụ nữ và trẻ em… Hội LHPN cơ sở đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác hòa giải tại cơ sở, tư vấn giải quyết các đơn thư, khiếu nại tố cáo, tham gia giải quyết các vụ án liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Trong 10 năm qua, Hội LHPN các cấp đã tham gia giải quyết 6.421 vụ liên quan đến phụ nữ, trẻ em (hòa giải thành 4.719 vụ, chuyển lên cấp trên giải quyết 1.702 vụ), tư vấn trực tiếp tại Hội LHPN tỉnh cho hội viên, phụ nữ về các vấn đề giải quyết mâu thuẫn trong hôn nhân, gia đình, vấn đề bạo hành, xâm hại tình dục, ly hôn, tư vấn về chế độ chính sách đối với hộ nghèo .

Hội đã phát huy tốt vai trò tham gia quản lý nhà nước về bình đẳng giới thông qua hoạt động giám sát và phản biện những chính sách liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Thể hiện vai trò nòng cốt trong công tác triển khai thực hiện mục tiêu quốc gia bình đẳng giới thông qua các chương trình, đề án cụ thể gắn với phong trào công tác Hội

Như vậy, nhờ sự nổ lực của các cơ quan ban ngành cũng như chính bản thân chị em phụ nữ, mà trong thời gian qua, công tác cán bộ nữ được cấp ủy, các ban, ngành quan tâm, tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy, đại biểu Quốc hội, HĐND, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày càng tăng; Hội phụ nữ các cấp được tạo điều kiện thuận lợi, được chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp quan tâm hỗ trợ, phối hợp trong công tác phụ nữ. Công tác quy hoạch cán bộ nữ nói chung, cán bộ Hội nói riêng ngày càng được coi trọng. Đặc biệt trong những năm gần đây, Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội LHPN các cấp đã chủ động rà soát, khảo sát tình hình cán bộ nữ chủ chốt, nữ tham gia cấp ủy và các ban, ngành có đông nữ cán bộ, công chức nhằm phát hiện những nhân tố tiêu biểu, tích cực để giới thiệu cho cấp ủy, chính quyền các cấp; giới thiệu cán bộ, hội viên cho Đảng xem xét kết nạp đều tăng hàng năm. Các tầng lớp phụ nữ trong toàn tỉnh được quan tâm về mọi mặt, được chăm lo đời sống vật chất, tinh thần; hỗ trợ phát triển kinh tế, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, chăm sóc sức khỏe, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đã tác động tích cực đến tư tưởng, tình cảm của các tầng lớp phụ nữ và ngày càng tự tin phấn đấu vươn lên, khẳng định vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội. Phong trào phụ nữ và công tác Hội đạt được nhiều kết quả nhất định, có sự chuyển biến tích cực, tạo được niềm tin trong Nhân dân. Các cấp Hội phụ nữ vẫn đóng vai trò nòng cốt trong phong trào phụ nữ, bám sát chức năng, nhiệm vụ của Hội gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh trên địa trong những năm qua.

Gia đình anh Trần Trung Thành xã Hòa Hậu , huyện L ý Nhân, tỉnh Hà Nam, một gia đình văn hóa tiêu biểu của xã. Tác giả Lương Thế Tuân (Hà Nam).

Một số khó khăn và thách thức
Mặc dù công tác cán bộ nữ đã có những chuyển biến tích cực hơn so với giai đoạn trước, song nhìn chung vẫn còn khoảng cách giới khá lớn trong lĩnh vực chính trị, nhất là đối với những vị trí lãnh đạo, quản lý, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy. Bên cạnh những thành tích đã đạt được vẫn còn tồn những khó khăn thách thức đối với công tác cán bộ nữ:

+ Những khó khăn liên quan đến việc đảm bảo các chỉ tiêu và giải pháp thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị trong các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo ở cấp địa phương
Tỷ lệ nữ lãnh đạo còn thấp so với lực lượng lao động nữ và chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ. Đặc biệt, tỷ lệ cán bộ nữ đứng đầu ngành, địa phương còn rất khiêm tốn. Công tác cán bộ nữ chưa được quan tâm thực chất, tại nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện quy hoạch nhưng chưa thực hiện đào tạo và bố trí cán bộ nữ. Khác biệt trong độ tuổi nghỉ hưu cũng tạo ra rào cản trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ. Chưa có những quy định cụ thể về trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về công tác cán bộ nữ trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

+ Khó khăn trong việc bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ
Một bộ phận cán bộ nữ hạn chế về năng lực, thiếu tính chuyên nghiệp; khả năng vận dụng kiến thức được đào tạo vào thực tiễn công tác còn hạn chế; khả năng dự báo, thiếu kinh nghiệm xử lý một số vấn đề mới phát sinh trong thực tế; có lúc, có nơi chưa mạnh dạn đề xuất, kiến nghị các chính sách liên quan trực tiếp đến phụ nữ. Tỷ lệ phụ nữ nông thôn tham gia tổ chức tại các hiệp hội phụ nữ còn thấp.

+ Những khó khăn liên quan đến định kiến giới và vai trò truyền thống của nữ giới
Việc triển khai các nghị quyết, chính sách, đặc biệt là Chỉ thị số 21 ở một số địa phương còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu. Công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện bình đẳng giới và xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững đã được quan tâm, song chưa được đầu tư nhiều về các nguồn lực để triển khai xây dựng các mô hình hiệu quả. Hội phụ nữ các cấp đôi lúc chưa mạnh dạn đề xuất với người đứng đầu cơ quan chức năng làm công tác cán bộ về nhân sự cán bộ nữ. Mặt trái của cơ chế thị trường và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã phát sinh nhiều vấn đề xã hội có liên quan trực tiếp đến phụ nữ. Tình trạng bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, mại dâm, vi phạm pháp luật vẫn diễn ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua.

+ Khó khăn về kiểm tra, giám sát quá trình thực thi các chính sách về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị chưa quyết liệt, hiệu quả
Để đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được đưa vào đời sống thì khâu kiểm tra, giám sát quá trình thực thi là rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng đang thiếu một công cụ giám sát thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị một cách hiệu quả. Hằng năm, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội và Bộ Nội vụ đều có công văn gửi các cơ quan trong hệ thống chính trị đề nghị các cơ quan báo cáo về tình hình và số liệu thực hiện bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý nói riêng. Tuy nhiên, các báo cáo này chủ yếu nhằm mục đích tổng kết số liệu để hoàn thiện báo cáo về tình hình thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới mà Chính phủ cần báo cáo Quốc hội hàng năm. Các báo cáo của các cơ quan, bộ/ ngành và tỉnh/thành về vấn đề này chưa có tính chất giám sát mạnh mẽ. Các cơ quan nào không hoàn thành chỉ tiêu thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị cũng chưa phải giải trình và đưa ra giải pháp cụ thể để thực hiện các chỉ tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra. Chưa có một cơ quan nào bị thi hành kỷ luật khi không thực hiện đầy đủ những trách nhiệm và chỉ tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Việc thiếu kiểm tra, đôn đốc, giám sát quyết liệt đối với việc thực thi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc chưa đạt chỉ tiêu về tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý đã được các văn bản của Đảng chỉ ra: “Nhiều cấp ủy đảng, chính quyền thiếu quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương của Đảng về công tác vận động phụ nữ, chưa chủ động nghiên cứu, dự báo và giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội phát sinh liên quan tới phụ nữ”

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như vẫn còn khoảng cách giới khá lớn trong lĩnh vực chính trị, nhất là đối với những vị trí lãnh đạo, quản lý. Tỷ lệ nữ lãnh đạo còn thấp so với lực lượng lao động nữ và chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ. Đặc biệt, tỷ lệ cán bộ nữ đứng đầu ngành, địa phương còn rất khiêm tốn. Công tác cán bộ nữ chưa được quan tâm thực chất, tại nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện quy hoạch nhưng chưa thực hiện đào tạo và bố trí cán bộ nữ. Khác biệt trong độ tuổi nghỉ hưu cũng tạo ra rào cản trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ. Chưa có những quy định cụ thể về trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu về công tác cán bộ nữ trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Không những thế, một bộ phận cán bộ Hội của tỉnh Bình Phước còn hạn chế về năng lực, thiếu tính chuyên nghiệp; khả năng vận dụng kiến thức được đào tạo vào thực tiễn công tác còn hạn chế; Việc tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ có lúc, có nơi chưa kịp thời, vẫn còn xảy ra một số ít vụ việc vi phạm liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Hoạt động hỗ trợ giảm nghèo bền vững cho phụ nữ dân tộc thiểu số còn gặp một số khó khăn nhất định. Bởi vì, một số cơ sở Hội chưa sâu sát thực tiễn, cán bộ làm công tác bình đẳng giới chỉ kiêm nhiệm nên còn thiếu kinh nghiệm trong việc triễn khai thực hiện công tác này trong thực tiễn.

Tác phẩm Sự sẻ chia công việc ghi lại hình ảnh hai vợ chồng ở Quảng Bình, người chồng bị khuyết tật vận động, do tai nạn bom mìn và trên lưng mang một khối u. Anh đã từng một thời gian dài sống trong mặc cảm, sau đó đã tìm được hạnh phúc.

Một số giải pháp trong thực thi chính sách bình đẳng giới của tỉnh Bình Phước hiện nay
Một là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật thúc đẩy bình đẳng giới đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch theo tinh thần của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.  Rà soát những chính sách, pháp luật và xóa bỏ những quy định đang hạn chế sự tham gia, tiếp cận cơ hội và thụ hưởng các cơ hội thực hiện bình đẳng giới trong thực tiễn.

Hai là, phải nâng cao nhận thức về bình đẳng  giới, vì nhận thức “trọng nam, khinh nữ” vẫn đang tồn tại gây ra những hệ lụy lớn như phân biệt đối xử giới, ảnh hưởng đến quyền lợi của nữ giới, hạn chế sự phát triển của xã hội. Vì có thay đổi được nhận thức mới từng bước xoá bỏ định kiến về giới và có thể thay đổi được cách hành xử của xã hội về vấn đề này. Sự thay đổi phải đến từ hai giới mới có thể nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong thực tiễn.

Ba là, phát triển các dịch vụ hỗ trợ bình đẳng giới như tinh thần của Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cả nước, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số về việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng và triển khai rộng khắp từ Trung ương tới địa phương; nhằm từng bước thay đổi nhận thức của cả hai giới về vị trí, vai trò, năng lực bình đẳng của các giới cả trong gia đình và ngoài xã hội, giúp họ vượt qua những rào cản định kiến giới, nắm lấy cơ hội để học tập, nâng cao trình độ, nghỉ ngơi, giải trí hay tham gia các hoạt động xã hội; cũng như thay đổi vai trò của nam giới trong gia đình nhằm chia sẽ trách nhiệm với những công việc không được trả công trong gia đình.

Bốn là, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, cũng như các chương trình đào tạo, bồi dưỡng từng bước đẩy lùi định kiến giới trên mọi mặt của đời sống xã hội, tạo tiền đề để thực thi bình đẳng giới.

Năm là, tiến hành khảo sát nhằm đánh giá về thực trạng bình đẳng giới trong thực tiễn, từ đó, có những căn cứ thực tiễn nhằm đề ra những giải pháp phù hợp, tăng cường tếp cận các nguồn lực trong thực hiện bình đẳng giới thông qua việc xây dựng các chương trình hướng dẫn giúp phụ nữ có sự tự tin, chủ động tiếp cận các nguồn lực để phát triển./.

TS.Bùi Nghĩa & ThS.Lê Thị Thùy Linh/ Học viện Chính trị khu vực II

Tài liệu tham khảo

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, tập 1, tập.2  HN, 2021.

Xem Bùi Tôn Hiến, Nguyễn Thị Bích Thủy, Nguyễn Bao Cường, Nguyễn Khắc Tuấn, Hoàng Thu Hằng, Vũ Phương Ly, sách Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015-2019” qua kết quả điều tra thu thập thông tin thực trạng kinh tế – xã hội 53 dân tộc thiểu số của Ủy ban Dân tộc thiểu số ở Việt nam của UBDT

Đặng Thị Ánh Tuyết, sách chuyên khảo, 2020, “Phụ nữ Việt Nam trong lãnh đạo, quản lý, lý luận và hàm ý chính sách”.

Xem Quỳnh Vinh, nguồn:  https://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Da-co-499-dai-bieu-Quoc-hoi-trung-cu-khoa-XV-i616378/

Tổng cụ thống kê (2019), Niên giám thống kê tóm tắt năm 2019

Tổng cục Thống kê, Số liệu tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019

Báo cáo: Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 55-KL/TW ngày 18/01/2013 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bình Phước ngày ngày 22 tháng 3 năm 2023

Báo cáo số 163/BC-UBND về việc tổng kết thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 – 2020 ngày 03 tháng 6 năm 2020 của UBND tỉnh Bình Phước.