Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Thực trạng và những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị cấp huyện của tỉnh Thái Bình

ĐNA -

Đổi mới và sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công đối với tỉnh Thái Bình có mối quan hệ chặt chẽ. Đổi mới và sắp xếp tổ chức cần đi cùng nhau, đổi mới có thể đi trước, bao gồm đổi mới tư duy, cách tiếp cận, quyết tâm chính trị, v.v. làm nền tảng để “hiện thực hoá”, “thực thi hoá” các cam kết, quyết tâm đổi mới về phương diện chính trị, chính sách trong quá trình hoàn thiện tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị trong bối cảnh mới.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Thái Bình được kiện toàn, sắp xếp hợp lý, từng bước nâng cao chất lượng_Nguồn: thaibinh.gov.vn

Trong những năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành, lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết và kết luận về tiếp tục đổi mới, sắp xếp hệ thống chính trị cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tại tỉnh Thái Bình, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm lỳ 2020 – 2025 khẳng định: “Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, tạo nhiều chuyển biến tích cực; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội được nâng lên”.

Trong nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên; chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của địa phương, đơn vị, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát.

Tuy nhiên, việc kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ở một số nơi tiến độ còn chậm. Việc tinh giản biên chế ở một số cơ quan, đơn vị chưa đạt yêu cầu. Công tác thu hút cán bộ có trình độ cao, sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc về địa phương công tác còn hạn chế. Công tác luân chuyển, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ chủ yếu mới thực hiện ở các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện. Việc điều động, luân chuyển cán bộ từ cấp xã lên cấp huyện, từ xã này sang xã khác, từ huyện này sang huyện khác chưa thường xuyên, số lượng còn hạn chế.

Từ đó, dựa trên kết quả khảo sát 400 cán bộ, công chức, viên chức (có chức vụ và không có chức vụ) trong hệ thống chính trị cấp huyện, cấp xã, đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện của tỉnh Thái Bình và 30 cuộc phỏng vấn sâu đội ngũ này, bài viết đánh giá kết quả công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy bao gồm kết quả và tồn tại, khó khăn chủ yếu; đồng thời nhận diện những vấn đề đặt ra đối với quá trình này. Các phát hiện và phân tích này có giá trị khoa học, thực tiễn cho công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 18 và 19 của tỉnh Thái Bình trong giai đoạn mới.

Kỹ thuật thu thập dữ liệu. Kết quả nghiên cứu này được thực hiện theo 2 phương pháp thu thập dữ liệu là khảo sát xã hội học và phỏng vấn sâu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể:

– Khảo sát xã hội học: 400 cán bộ, công chức, viên chức (lãnh đạo, quản lý và không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý) trong hệ thống chính trị cấp huyện, cấp xã và đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện (lĩnh vực giáo dục và đào tạo, lĩnh vực y tế và lĩnh vực văn hoá, thể dục, thể thao) của tỉnh Thái Bình, gồm Thành phố Thái Bình, huyện Đông Hưng, huyện Tiền Hải, huyện Quỳnh Phụ.

– Phỏng vấn sâu: 30 cuộc đối với cán bộ, công chức, viên chức từ mẫu được chọn khảo sát ở trên tại 06 huyện, thành phố và cấp xã trực thuộc của tỉnh Thái Bình: Thành phố Thái Bình, huyện Đông Hưng, huyện Tiền Hải và huyện Quỳnh Phụ, huyện Kiến Xương và huyện Thái Thuỵ.

Ngoài ra, thông tin báo chí, báo cáo chính thức của các địa phương phục vụ Đoàn nghiên cứu, v.v. cũng được sử dụng trong bài viết này.

Cách tiếp cận lý thuyết và khung nghiên cứu
Trước hết, nội hàm đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập trong bài viết này có thể được hiểu là quá trình hành động tạo ra thay đổi tích cực, cần thiết, mạnh mẽ và toàn diện về các phương thức hoạt động, cơ cấu tổ chức của bộ máy (hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập, v.v.) nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế xã hội hiện nay. Đổi mới cần được nhìn nhận toàn diện, hệ thống hơn từ góc độ thay đổi tư duy, điều chỉnh chủ trương và thể chế cho cách tiếp cận để tổ chức thực thi chính sách, giải pháp cụ thể, hiệu quả nhằm tạo ra thay đổi đúng mục tiêu và tích cực cho quá việc vận hành hệ thống chính trị cũng như đơn vị sự nghiệp công lập.

Kế đến là sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công lập trong bài viết này có thể được hiểu là quá trình hành động, thực thi chủ trương, chính sách của Trung ương, địa phương nhằm điều chỉnh, phân bố lại cấu trúc tổ chức, chẳng hạn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn trong tổ chức nhà nước để giảm thiểu sự chồng chéo và tối ưu hóa quy trình. Quá trình này không chỉ đơn thuần là tái cấu trúc mà còn bao hàm phân tích hiện trạng tổ chức, đo lường hiệu quả hoạt động cũng như sự thiết kế lại phương thức vận hành quan hệ công vụ, phối hợp, kiểm soát lẫn nhau, phân công, phân cấp, phân quyền trong thực hiện thẩm quyền giữa các bộ phận trong tổ chức, xác định vị trí việc làm, khung năng lực, tiêu chí đánh giá, v.v. Điều này làm cơ sở thúc đẩy quá trình hành động, triển khai điều chỉnh, bố trí lại cả về “phần cứng” – bộ khung, cơ cấu bộ máy của hệ thống tổ chức mà còn cả “phần mềm” – quan hệ công vụ trong nội bộ, giữa các bộ phận với nhau, đặc biệt với người dân, doanh nghiệp cũng như cơ chế phân bổ thẩm quyền, nguồn lực và đặc biệt chính sách phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với những vị trí việc làm mới và tổ chức mới sau chia tách, sáp nhập, hoặc hợp nhất. Tất cả các hành động này dựa trên cơ sở khoa học (tổ chức), cơ sở chính trị, pháp lý; qua đó góp phần giúp tổ chức bộ máy có thể hoạt động một cách liền mạch và không bị gián đoạn, tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực hoàn thành chức năng, nhiệm vụ đặt ra.

Trong bài viết này, đổi mới và sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và đơn vị sự nghiệp công đối với tỉnh Thái Bình có mối quan hệ chặt chẽ. Đổi mới và sắp xếp tổ chức cần đi cùng nhau, đổi mới có thể đi trước, bao gồm đổi mới tư duy, cách tiếp cận, quyết tâm chính trị, v.v. làm nền tảng để “hiện thực hoá”, “thực thi hoá” các cam kết, quyết tâm đổi mới về phương diện chính trị, chính sách trong quá trình hoàn thiện tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị trong bối cảnh mới.

Do đó, có thể hiểu, việc đổi mới nhằm mục tiêu, định hướng để dẫn dắt tạo ra một bộ máy vận hành hiện đại, linh hoạt, hiệu quả trong khi sắp xếp tổ chức là hành động cụ thể hóa các chiến lược đổi mới đó. Tuy vậy, cả hai quá trình này không nên tách rời nhau bởi chúng đều hướng tới việc phục vụ tốt nhất cho người dân, giúp các cơ quan cấp dưới có thể tự chủ hơn, được trao nhiều thẩm quyền trong quyết định và quản lý các vấn đề của quốc gia, địa phương một cách kiến tạo, hành động, liêm chính và phát triển.

Từ cách dẫn luận nêu trên, đặc biệt xuất phát từ mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu, việc đề xuất khung nghiên cứu (bao gồm nhóm nội dung) để có thể xem xét, đáng giá một cách khả dĩ thực trạng đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Thái Bình từ năm 2018 đến nay, chúng tôi thiết kế 6 nhóm các nội dung chính sau đây:

– Nhóm nội dung 1: Việc học tập, quán triệt và tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW.

– Nhóm nội dung 2: Đánh giá xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách và cơ chế trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập.

– Nhóm nội dung 3: Đánh giá đổi mới, sắp xếp về cơ cấu tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập.

– Nhóm nội dung 4: Đánh giá việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập.

– Nhóm nội dung 5: Đánh giá về mối quan hệ công tác giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập.

– Nhóm nội dung 6: Một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập.

Do giới hạn thời gian, kinh phí và nguồn lực, việc khảo sát, đánh giá các nhóm nội dung trên được tiến hành tại Thành phố Thái Bình, huyện Đông Hưng, huyện Tiền Hải và huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) với 4 nhóm cơ quan cụ thể:
– Cơ quan Đảng cấp huyện, cấp xã;
– Chính quyền cấp huyện, cấp xã (Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân);
– Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội cấp huyện, cấp xã;
– Đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện thuộc 3 lĩnh vực gồm: giáo dục và đào tạo; y tế; văn hoá và thể thao.
Toàn bộ nội dung tiếp cận, nghiên cứu và đánh giá trên đây được thể hiện qua Khung nghiên cứu sau đây do nhóm nghiên cứu xây dưng, đề xuất:

Hình: Khung nghiên cứu tổng thể của bài viết

Nguồn: Nhóm tác giả nghiên cứu và đề xuất.

Một số kết quả chủ yếu
Một là, về việc học tập, quán triệt và tuyên truyền đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy
Kết quả khảo sát 400 cán bộ, công chức, viên chức tại 4 huyện, thành phố của tỉnh Thái Bình cho thấy, các cơ quan trong hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập đã đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động, thuyết phục thực hiện Nghị quyết số 18 và 19 (kết hợp giữa phương thức truyền thông truyền thống và hiện đại): chủ yếu chọn hình thức truyền thông qua bản tin nội bộ, hội nghị, toạ đàm, và kế đến là hộp thư điện tử/ trang thông tin điện tử nội bộ, v.v. vốn dĩ là cách tuyên truyền, phổ biến khá truyền thống, phổ biến đối với các chủ trương, nghị quyết nói chung và Nghị quyết số 18, 19 nói riêng. Một số hình thức truyền thông hiện đại khác như qua Website, mạng xã hội nội bộ, v.v. có tỷ lệ lựa chọn thấp hơn các hình thức truyền thống. Ngoài ra, hơn 71,2% cán bộ, công chức, viên chức đã được nghe tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 18, 19 và các chủ trương, chính sách của tỉnh. Qua đó, việc tuyên truyền đã góp phần cải thiện nhận thức, niềm tin (trên 74,0% ở cấp huyện, trên 80,0% cấp xã ủng hộ, tin tưởng hơn).

Hai là, về xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách và cơ chế trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp uỷ, chính quyền các cấp cùng các cơ quan, đơn vị đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch, Đề án để thực hiện. Nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy bám sát nội dung Nghị quyết của Trung ương; trong đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện theo lộ trình và nhiệm vụ thường xuyên. Các nội dung trong kế hoạch được giao cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp; quy định rõ lộ trình, thời gian hoàn thành để các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, đề án, phương án thực hiện. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố đã nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung công việc trong Kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

Cấp uỷ các cấp thường xuyên thành lập đoàn công tác trực tiếp nghe các huyện, thành phố và các sở, ngành báo cáo quá trình triển khai; cho ý kiến, đôn đốc các địa phương, cơ quan, đơn vị tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết với quan điểm. Tinh thần chung là thực hiện khẩn trương, kiên quyết, chắc chắn để đạt mục tiêu về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, phần đa 7 khâu thực thi chủ trương, chính sách sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan ở 2 cấp được chúng tôi khảo sát đều cho kết quả thực hiện tốt (tỷ lệ trung bình khoảng trên 70%). Điển hình nhất như nghiên cứu, thí điểm mô hình mới về tinh gọn bộ máy (70,8%); chính sách thúc đẩy hiện đại hoá bộ máy gắn với tinh giản biên chế (70,8%); cơ chế để kịp thời ổn định tâm lý cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị (62,45%); xây dựng, triển khai đề án vị trí việc làm (60,75%) gắn với khung năng lực đội ngũ nhân sự (60,65%), v.v.

Ba là, về đổi mới, sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy
– Kết quả đổi mới, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy tại các cơ quan, đơn vị được khảo sát cho thấy, điểm trung bình là 8/10 điểm.

– Hiệu lực và hiệu quả của quá trình đổi mới, sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy trong các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thái Bình thời gian qua được thể hiện cụ thể qua 15 tiêu chí. Về tổng thể, CBCCVC cấp huyện và xã đánh giá 15 tiêu chí này với mức độ “tốt”, “rất tốt” từ 60,9% đến 89,1%. Ngoài ra, chúng tôi cũng đưa ra khảo sát 18 nguyên tắc, yêu cầu căn bản khi sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy và mức độ tuân thủ. Kết quả cho thấy, các nguyên tắc sau đây được thực hiện tốt nhất như tính khoa học, tính dân chủ (100%), tính công khai, tính pháp lý, đảm bảo vai trò lãnh đạo của cấp uỷ (98,4%).

Bốn là, xây dựng và phát triển đội ngũ nhân sự trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị
Việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhân sự trong và sau quá trình sắp xếp cơ quan, đơn vị nói chung và của khối Đảng cấp huyện, xã nói riêng có ý nghĩa rất then chốt, góp phần ổn định, phát triển tổ chức bộ máy, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sắp xếp cơ bản được thuận lợi, đúng quy định giúp cho đơn vị kịp thời ổn định đi vào hoạt động.

Qua khảo sát tại 4 huyện, thành phố của tỉnh Thái Bình, cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị cấp huyện và cấp xã được hỏi ý kiến, phần đa đều đánh giá năng lực công tác đáp ứng vị trí việc làm hiện tại (tập trung thang điểm ở mức 7, 8 và 9). Số nhân sự được bố trí, sắp xếp khi sắp xếp tổ chức cho rằng, năng lực đáp ứng yêu cầu cho vị trí công tác mới với tỷ lệ đáp ứng chỉ từ 45,6% đến 97,9%.
Năm là, mối quan hệ công tác giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy
Kết quả khảo sát cho thấy có từ 44,7% đến 57,1% cán bộ, công chức, viên chức cho rằng mối quan hệ công tác sau đổi mới, sắp xếp được cải thiện, tốt hơn. Tỷ lệ này ở các cơ quan cấp xã cao hơn ở cấp huyện.

Một số tồn tại và hạn chế
Một là, về việc học tập, quán triệt và tuyên truyền đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy
Chất lượng học tập, quán triệt Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW tại một số cấp uỷ, tổ chức đảng còn hạn chế. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch hành động một số đơn vị chưa cụ thể, chưa sát thực tế . Qua khảo sát, chúng tôi phát hiện, hình thức “gặp riêng” để vận động, tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức về chủ trương, chính sách thực hiện đổi mới, sắp xếp bộ máy còn thấp (dưới 22.0%). Công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị vốn liên quan trực tiếp quyền, lợi ích và tâm tư của từng nhân sự; là vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, việc trao đổi, đối thoại trực tiếp vẫn còn khá khiêm tốn. So với cấp huyện, vấn đề này đặc biệt phổ biến ở các cơ quan, tổ chức Đảng cấp xã được khảo sát.

Hai là, về xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách và cơ chế trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy. Tỷ lệ ý kiến cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan ở 2 cấp được đánh giá “tốt” với tỷ lệ khá thấp ở một số khâu, công đoạn sau: Chính sách hỗ trợ diện “dôi dư” (47,45%); xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng sau sắp xếp, bố trí mới (47,6%); xây dựng kế hoạch tổng thể đào tạo, bồi dưỡng nhân sự diện được sắp xếp lại (57,55%); thực hiện chính sách thu hút, sử dụng người có tài năng vào bộ máy (47,5%); kiểm tra (70,7%); rà soát, điều chỉnh thể chế, chính sách, nghị quyết đã ban hành (72,2%). Đặc biệt, khâu đánh giá (sơ, tổng kết, khen thưởng hay kỷ luật) có tỷ lệ “tốt” thấp nhất. Như vậy, đây cũng là lưu ý cần được quan tâm trong quá trình tổ chức đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong thời gian tới ở tỉnh Thái Bình.

Ba là, về đổi mới, sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các cơ quan cấp xã đang gặp khó khăn, áp lực và trở ngai đáng kể so với cấp huyện khi tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy trong cơ quan, đơn vị mình, chẳng hạn giảm số đơn vị và nhân sự (số đơn vị, đầu mối; giảm cấp trung gian; giảm chức danh lãnh đạo, quản lý, nhân sự thừa hành, người hoạt động không chuyên trách); chế độ chính sách cho nhân sự diện “dôi dư” sau khi sắp xếp và cải thiện động lực làm việc v.v. Điều này khiến tỷ lệ ủng hộ, đồng thuận đối với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy ở cấp này khá thấp.

Ngoài ra, khảo sát 18 nguyên tắc, yêu cầu căn bản khi sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy và mức độ tuân thủ. Kết quả cho thấy một số nguyên tắc sau đây thực hiện với tỷ lệ “chưa tốt” cao, gồm: nguyên tắc “một cơ quan có thể thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì”; tính hợp lý, hài hoà về quyền và lợi ích, tính ổn định và coi trọng yếu tố văn hoá bản địa.

Bốn là, xây dựng và phát triển đội ngũ nhân sự trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị. Nghiên cứu này phát hiện có 44,5% – 91,7% cán bộ, công chức, viên chức được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng để đảm trách vị trí công tác mới. Tuy nhiên, một số tiêu chí, tiêu chuẩn đáp ứng, phù hợp cho vị trí công tác mới sau sắp xếp tổ chức còn thấp:
(i). Ở cấp huyện: kinh nghiệm công tác cho vị trí mới (44,4%), kỹ năng công tác ở vị trí mới (55,6%), năng lực chuyên môn (66,7%), trình độ ngoại ngữ (55,6%), trình độ công nghệ thông tin (55,6%), văn bằng chứng chỉ đào tạo cho vị trí mới (55,6%).
(ii). Ở cấp xã: trình độ ngoại ngữ (66,7%), trình độ công nghệ thông tin (33,3%), văn bằng chứng chỉ đào tạo cho vị trí mới (50,0%),…

Quan trọng hơn, một số kỹ năng cần thiết, phục vụ trực tiếp cho hiện đại hoá tổ chức, quản trị hiện đại nhưng đội ngũ nhân sự thuộc diện được bố trí vị trí mới vẫn chưa được bồi dưỡng, chú trọng như: kỹ năng ngoại ngữ (47,2%), kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin/ công nghệ số (25,0%), kỹ năng lãnh đạo, quản lý (55,5%), kỹ năng giải quyết vấn đề mang tính nghiệp vụ, chuyên môn được phụ trách (25,0%), v.v.

Ngoài ra, khảo sát cho thấy cán bộ, công chức cấp xã ít có cơ hội được tham gia đào tạo, bồi dưỡng tương ứng với vị trí công việc mới được đảm nhận so với cấp huyện. Lý giải cho thực tế này, chúng tôi thấy có 2 nhóm nguyên nhân đáng quan tâm:
– Thứ nhất, nhóm nguyên nhân thuộc về phía cơ quan, đơn vị (cũng là nguyên nhân chủ yếu nhất) với tỷ lệ trung bình: chưa được cử đi học (66,7%), không thấy có thông báo mở lớp (46,3%), áp lực công việc nhiều (46,3%) và cơ quan không tạo điều kiện (26,3%), áp lực công việc (46,3%).

– Thứ hai, nhóm nguyên nhân thuộc về nội tại chính bản thân mỗi cán bộ, công chức: chưa bố trí được thời gian (65,0%), chưa thấy có nhu cầu (36,3%), tự đánh giá, nhận thức về tính hiệu quả của các lớp học (18,8%).

Các phát hiện này là gợi ý giá trị cho công tác xây dựng chương trình, kế hoạch tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ nhân sự nhằm “chuẩn hoá” và phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ cho vị trí công tác mới của tổ chức.
Năm là, mối quan hệ công tác giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy. Nghiên cứu cho thấy còn một số khó khăn, vướng mắc về phối hợp nội bộ và giữa các cơ quan với nhau sau quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy: Vẫn còn nhiều tầng nấc, đầu mối (67,1%); hiện tượng cục bộ, cát cứ vẫn còn khá phổ biến trong quá trình phối hợp công tác ở khối Đảng (55,8%); chưa có quy chế, cơ chế phối hợp kịp thời và rõ ràng (50,7%).

Đặc biệt, UBND cấp huyện gặp khó nhiều nhất về mối quan hệ công tác như chưa có quy chế phối hợp (48,0%), cơ chế kiểm soát nội bộ (56,0%). Trong khi đó, Uỷ ban nhân dân cấp xã đang gặp nhiều khó khăn về chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo (55,2%), nhiều tầng nấc, đầu mối (85,1%), hiện tượng cát cứ (62,7%).

Một số khó khăn và vướng mắc
Qua khảo sát, nghiên cứu này đã chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc chủ yếu cản trở quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi nghiên cứu của đề tài này. Cụ thể gồm các nhóm sau:
– Trước hết, vấn đề ngân sách dành cho tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy.

– Kế đến là các khó khăn liên quan đến bố trí, sắp xếp, tinh giản người hoạt động không chuyên trách vốn còn nhiều khó khăn, phức tạp (80,8%).

– Ngoài ra là các khó khăn do cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương: Đối với trung ương là việc chưa sửa đổi kịp thời, đồng bộ các quy định (78,0%). Riêng với các địa phương chính là việc lúng túng trong hướng dẫn, tổ chức thực hiện các chính sách, thể chế và cơ chế về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy (73,0%) hay các khó khăn, vướng mắc về chế độ chính sách cụ thể, độ tuổi, v.v. khi thực hiện tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy (81,7%).

– Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, chủ trương chuyển sang mô hình công ty cổ phần hay thực hiện tự chủ là khó khăn hàng đầu, nhiều thách thức (74,6%).

– Vấn đề hiện đại hoá quản trị, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số chỉ mới bắt đầu, còn nhiều thách thức.

Xem xét các khó khăn, mức độ tác động của các khó khăn này cho từng huyện, gồm TP. Thái Bình, huyện Tiền Hài, huyện Quỳnh Phụ và huyện Đông Hưng cho thấy mặc dù mỗi huyện, thành phố đều có những khó khăn, vướng mắc riêng nhưng vẫn có những điểm giao thoa. Đó là khó khăn ngân sách; thể chế của Trung ương và bản thân của địa phương; việc bố trí, sắp xếp đội ngũ không chuyên trách. Đối với các đơn vị sự nghiệp, hiện khó khăn nhất chính là chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính hoặc qua mô hình công ty cổ phần.
Kết luận

Từ năm 2018 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình và cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị các cấp đã triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ, nghiêm túc Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương. Công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao năng lực lãnh đạo, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp sau kiện toàn, sắp xếp dần ổn định, quy cũ. Thông qua dữ liệu khảo sát và phỏng vấn sâu cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị cấp huyện, cấp xã, đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện, nhiều phát hiện có giá trị đã được phân tích. Trong bối cảnh tỉnh Thái Bình và các huyện, thành phố đang khẩn trương thực hiện Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025; đẩy mạnh thực hiện chủ trương sắp xếp bộ máy đến năm 2026 và chuẩn bị dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030, các phát hiện của bài viết này góp phần cung cấp luận cứ khoa học, xác tính và toàn diện để tỉnh Thái Bình cùng các địa bàn được chọn nghiên cứu tiếp tục triển khai hiệu quả đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy thời gian tới./.

PGS. TS. Đặng Thị Ánh Tuyết & ThS. Nguyễn Hữu Hoàng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Bài viết là một phần trong Kết quả của Đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cấp tỉnh năm 2023 với chủ đề: “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Bình”. Mã đề tài: TB-CT/XH04/23-24.

Tài liệu tham khảo:
Aristotle (2008), Chính trị luận, NXB Alphabook, HN.
ASEAN Secretariat (2021), Civil Service Modernisation in ASEAN: Towards A Future-Ready Civil Service, ASEAN Secretariat, Jakarta.
Ban Dân vận Trung ương (2016), Tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới, trong Cuốn “Tham luận tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”, Văn phòng Trung ương Đảng, HN.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2017), Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, HN.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2018), Về cán bộ và công tác cán bộ trong thời kỳ đổi mới (trích văn kiện), NXB Chính trị quốc gia sự thật, HN.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2022), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, NXB Chính trị quốc gia, HN.
Daron Acemoglu & James A. Robinson (2013), Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói: Tại sao các quốc gia thất bại (Trần Thị Kim Chi dịch), NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.
David Held (2013), Các mô hình quản lý nhà nước hiện đại (Phạm Nguyên Trường dịch), NXB Trí thức, HN.
Diane Coyle (2021), Thị trường, nhà nước và người dân: Kinh tế học về chính sách công (Dương Hải Hà và cộng sự dịch), NXB Chính trị quốc gia sự thật, HN.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2015), Giáo trình Khoa học Lãnh đạo, NXB Lý luận chính trị, HN.
Nguyen, H. H., & Tran, H. V. (2022), “Digital society and society 5.0: Urgent issues for digital social transformation in Vietnam”, Masyarakat, Kebudayaan Dan Politik, 35(1), p.78-92, https://doi.org/10.20473/mkp.V35I12022.78-92
Đào Quyên (2023). “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của tỉnh”, Báo Thái Bình điện tử, đường dẫn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/1/180053/tiep-tuc-doi-moi-sap-xep-to-chuc-bo-may-trong-he-thong-chinh-tri-cua-tinh
Tổng Bí thư Tô Lâm (2024), “Bài viết: Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”, Báo Điện tử Chính phủ, đường dẫn: https://baochinhphu.vn/bai-viet-cua-tong-bi-thu-to-lam-tinh-gon-manh-hieu-nang-hieu-luc-hieu-qua-102241105172459096.htm