Thứ Tư, Tháng Năm 8, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Thương mại điện tử đối với người tiêu dùng trẻ tại Việt Nam: Lợi ích và hạn chế

ĐNA -

Việt Nam với ưu thế dân số trẻ, số lượng người sử dụng smartphone chiếm tỷ trọng lớn đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử và được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc TOP 3 trong khu vực Đông Nam Á, điều này cho thấy vai trò của thương mại điện tử ngày càng quan trọng với người tiêu dùng của Việt Nam, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả muốn bàn về những lợi ích và hạn chế mà thương mại điện tử đem lại cho người tiêu dùng trẻ tại Việt Nam.

Năm 2023, thị trường thương mại điện tử tại TPHCM cao nhất nước. Ảnh: Internet

Thương mại điện tử đối với người tiêu dùng tại Việt Nam
Mua sắm online trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã xuất hiện từ rất lâu, được nhiều người biết đến và sử dụng. Thời đại công nghệ số 4.0, cùng với sự phát triển như vũ bão của Internet, xu hướng kinh doanh trực tuyến hay bán hàng online đã đem lại hiệu quả kinh tế cho rất nhiều ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam.

Những năm gần đây, “thương mại điện tử” (TMĐT) đã không còn là khái niệm xa lạ trong xã hội hay một lĩnh vực mới mẻ tại nước ta. Có thể coi năm 2020, đại dịch COVID‐19 đã mang đến nhiều biến động đối với nền kinh tế và sự tăng trưởng bứt phá của TMĐT đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN, thể hiện vai trò của Việt Nam trong năm khu vực ASEAN. Tuy nhiên, song hành với những cơ hội phát triển thì TMĐT ở Việt Nam cũng gặp không ít những thách thức trong việc xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, bền vững.

Về thay đổi hành vi của người tiêu dùng, có báo cáo ghi nhận 58% người tiêu dùng Việt cho rằng họ sẽ tiếp tục mua sắm hàng bách hóa trên nền tảng thương mại điện tử bởi sự tiện lợi. Thế hệ Z‐những người tiêu dùng trẻ sẽ tạo ra các xu hướng mới, tạo ảnh hưởng trong mảng tiêu dùng, là đối tượng tiếp cận với mua sắm trực tuyến rất nhanh vì sử dụng thường xuyên các công cụ truy cập mạng và dễ cập nhật xu hướng mua sắm trực tuyến. Bên cạnh đó, họ còn có khả năng chi phối tới các quyết định của gia đình trong các hoạt động mua sắm nói chung.

Tổng quan về thương mại điện tử
Ủy ban Thương mại điện tử của Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC), 1998, “Thương mại điện tử là công việc kinh doanh được tiến hành thông qua truyền thông số liệu và công nghệ tin học kỹ thuật số”. Theo Cục Thống kê Hoa Kỳ, 2000, “ Thương mại điện tử là việc hoàn thành bất kỳ một giao dịch nào thông qua một mạng máy tính làm trung gian mà bao gồm việc chuyển giao quyền sở hữu hay quyền sử dụng hàng hoá và dịch vụ”.

Theo giải thích của WHO, Thương mại điện tử (hay thương mại trực tuyến) bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng Internet, nhưng được giao nhận một cách hữu hình, cả các sản phẩm giao nhận cũng như những thông tin số hoá thông qua mạng Internet.

Khoản 1 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ‐CP quy định, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác. Như vậy, ở Việt Nam thì TMĐT bản chất vẫn là hoạt động mua bán hàng hoá nhưng thay vì diễn ra trực tiếp thông qua hành vi của các cá nhân, tổ chức thì sẽ diễn ra trên mỗi trường Internet trên các nền tảng là các website bán hàng, mạng viễn thông được đăng ký theo quy định của pháp luật.

Trang web thương mại điện tử chính là gian hàng của bạn trên Internet, tạo điều kiện cho người bán và khách hàng giao dịch với nhau. Đó là một không gian ảo nơi bạn trưng bày sản phẩm của bạn để khách hàng lựa chọn. Trang web sẽ đóng vai trò là kệ sản phẩm, nhân viên bán hàng kiêm cả quầy thu ngân của kênh bán hàng trực tuyến của bạn.

Có rất nhiều cách để mua bán trực tuyến, nên thương mại điện tử cũng có nhiều dạng khác nhau. Một số mô hình kinh doanh phổ biến trong thế giới thương mại điện tử là: (1) B2C ‐ Doanh nghiệp bán cho người tiêu dùng cá nhân (người dùng cuối). Đây là mô hình phổ biến nhất và đa dạng nhất. (2) B2B ‐ Doanh nghiệp bán cho các doanh nghiệp khác. Thông thường, bên mua sẽ bán lại sản phẩm cho người tiêu dùng; (3) C2B ‐ Người tiêu dùng tạo ra giá trị và bán cho doanh nghiệp. Mô hình C2B cho phép khách hàng bán cho các công ty khác; (4) C2C

‐ Người tiêu dùng bán cho người tiêu dùng khác. Mô hình này tạo ra thị trường trực tuyến kết nối người tiêu dùng với nhau; (5) B2G ‐ Doanh nghiệp bán cho chính phủ hoặc cơ quan chính phủ; (6) C2G ‐ Người tiêu dùng bán cho chính phủ hoặc cơ quan chính phủ; (7) G2B ‐ Chính phủ hoặc cơ quan chính phủ bán cho các doanh nghiệp; (8) G2C ‐ Chính phủ hoặc cơ quan chính phủ bán cho người tiêu dùng.

Sự phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam
Báo cáo “Vietnam: New E‐Commerce Hotspot in Southeast Asia by 2026” của Facebook và Bain & Company nhận định trong thời gian tới thương mại điện tử Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, đến năm 2026, Việt Nam sẽ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử ước đạt 56 tỷ USD, gấp 4,5 lần giá trị dự đoán vào năm 2021. Trung bình cứ 1 trong 5 USD chi tiêu cho việc mua sắm trực tuyến tại Việt Nam được khách hàng thực hiện thông qua mạng xã hội. Theo số liệu của Statista, năm 2022 tỷ lệ thâm nhập của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam ước đạt khoảng 75,57% trên tổng dân số; đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ đạt mức 85,74%.

Báo cáo Digital 2022 phân tích: Việt Nam hiện có hơn 156 triệu thuê bao di động và có 97,6% người dùng Internet ở độ tuổi 16‐ 64 đang sở hữu smart‐ phone. Cùng với sự phát triển về công nghệ được hỗ trợ bởi mạng 5G, điều này là yếu tố quan trọng thúc đẩy mạnh xu hướng thương mại di động tại Việt Nam. Thống kê còn cho thấy trong tổng trung bình 6 giờ 38 phút sử dụng Internet mỗi ngày của người dùng ở Việt Nam thì có 3 giờ 32 phút (hơn 50% thời gian) được thực hiện trên thiết bị di động. Đáng chú ý nhất là đã có 12,4 tỷ USD được thực hiện thông qua mua bán trực tuyến và 50% lượng giao dịch đến từ thiết bị di động. Những nhà phân tích cũng nhận định: livestream sẽ là một phần không thể thiếu trong chiến lược thương mại xã hội của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam và sẽ trở thành xu hướng trong thời gian tới vì nó vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng, đánh bại các danh mục nội dung phổ biến khác, bao gồm cả giải trí.

Từ năm 2005 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã có các chính sách lâu dài và nhất quán nhằm phát triển TMĐT với các kế hoạch tổng thể cho từng giai đoạn 5 năm, gần đây nhất là Quyết định số 645/QĐ‐TTg, ngày 15/5/2020 của Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021‐ 2025. Chính sách này đã đưa ra những giải pháp toàn diện và nguồn lực cụ thể làm cơ sở cho thị trường TMĐT phát triển trong giai đoạn 5 năm tới.

Theo Cục TMĐT và Kinh tế số ‐ Bộ Công Thương (2020), trong những năm qua, Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả về tỷ lệ người dân sử dụng internet cũng số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm. Ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến trong năm 2020 khoảng 49,3 triệu người với giá trị mua sắm mỗi người trung bình khoảng 240 USD. Tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến năm 2020 ở Việt Nam chiếm 88%, trong khi đó năm 2019 là 77%. Thị trường TMĐT ở Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh. Tốc độ tăng trưởng của TMĐT trong giai đoạn 2013 – 2019 luôn ở mức cao, trên 20%/năm. Nhờ vậy, từ xuất phát điểm thấp 2,2 tỷ USD vào năm 2013, quy mô thị trường TMĐT lên đến khoảng 10,08 tỷ USD vào năm 2019.

Lợi ích thương mại đem lại cho người tiêu dùng trẻ
Thương mại điện tử có tác dụng nâng cao trải nghiệm khách hàng trẻ thông qua việc đem lại sự tiện cho họ: Khách hàng trẻ thường có một cuộc sống bận rộn với việc học tập và làm việc, thời gian hạn chế khiến họ ngại phải sắp xếp lịch cho việc mua sắm hàng hoá, nhưng nếu sử dụng TMĐT thì họ có thể mua sắm và đặt hàng bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu với một thiết bị kết nối Internet. Ở Việt Nam, việc di chuyển không dễ dàng do phải sử dụng xe máy là chính, phương tiện giao thông công cộng cũng không có nhiều lựa chọn do đó việc mua bán những sản phẩm ở xa trước đây rất khó khăn.

Thứ đó, TMĐT có thể chào bán đa dạng sản phẩm: Thương mại điện tử giúp khách hàng dễ dàng truy cập và lựa chọn từ một bộ sưu tập đa dạng các sản phẩm với nhiều biến thể khác nhau. Trên cùng một trang web TMĐT, hàng nghìn sản phẩm có thể được chào bán cùng một lúc, do đó người tiêu dùng trẻ có thể thoải mái lựa chọn các sản phẩm phù hợp. Thay vì đến các cửa hàng khác nhau để mua đủ các sản phẩm mình cần, người tiêu dùng trẻ chỉ cần đi chợ 1 lần trên các trang web TMĐT và chọn tất cả các sản phẩm cần sau đó cho vào giỏ hàng của mình và thanh toán một lần thông qua web.

TMĐT cho phép nhiều nhà cung cấp hay người bán được chào hàng với giá cả công khai đo đó giá cả sản phẩm được cho là cạnh tranh: khách hàng có thể tìm kiếm và so sánh giá cả giữa các nhà bán hàng khác nhau để chọn lựa sản phẩm với giá cả hợp lý. Điều này được người tiêu dùng trẻ đánh giá khá cao vì nhiều người trong số họ chưa có thu nhập cao hay thu nhập ổn định do đó việc tìm được các sản phẩm có mức giá hợp lý là rất quan trọng.

Các sàn TMĐT có quy định rất cụ thể và rõ ràng về chất lượng dịch vụ cung cấp mà những người muốn tham gia bán hàng phải tuân thủ. Chất lượng dịch vụ này bao gồm: trả lời tin nhắn của khách hàng, marketing, chăm sóc khách hàng, xử lý các tình huống phát sinh khi hàng đến tay người tiêu dùng… Thương mại điện tử đặc biệt quan tâm đến việc cung cấp dịch vụ tốt và hỗ trợ khách hàng nhanh chóng, do đó giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng. Khi các nhà cung cấp hay người bán không làm tròn trách nhiệm thì nhà quản lý web TMĐT sẽ thay họ xử lý sự cố, đảm bảo quyền lợi của  người tiêu dùng.

Cuối cùng người tiêu dùng trẻ nhấn mạnh rằng mua bán qua TMĐT sẽ giúp họ tiết kiệm thời gian và chi phí: Khách hàng không cần phải di chuyển đến cửa hàng để mua sản phẩm và có thể tiết kiệm chi phí đi lại trong quá trình mua sắm. Nhiều bạn trẻ nói rằng vào những dịp khuyến mại của các sàn TMĐT, họ thậm chí có thể được mua các sản phẩm mà không mất phí vận chuyển. Do không phải tốn thời gian dể di chuyển mua sắm cũng như lựa chọn sản phẩm, các bạn trẻ có thể tiết kiệm thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn hay đơn giản là dùng thời gian đó để làm việc và kiếm ra nhiều tiền hơn.

Hạn chế thương mại đem lại cho người tiêu dùng trẻ
Bên cạnh những lợi ích mà các bạn trẻ nhận được tử TMĐT thì họ cũng phải đối diện với một số vấn đề  không hề nhỏ. Đầu tiên là việc mua sắm qua TMĐT có thể dễ gây nghiện. Vì sự tiện lợi và một không gian đầy sức hút của các sàn TMĐT, nhiều người tiêu dùng trẻ sẵn sàng “dâng mình” cho các sàn TMĐT, nói cách khác là tự nguyện làm “nô lệ” cho những sàn này. Mỗi tháng họ tiêu tốn hàng chục triệu vào việc mua sắm online, thậm chí nếu không mua một thứ gì đó trong một vài ngày liên tiếp họ sẽ có cảm giác trống trải. Rất nhiều người tiêu dùng trẻ nói rằng họ bị thu hút bởi cách chào hàng của các sàn TMĐT và mua nhiều thứ không dùng đến hoặc không sử dụng thường xuyên. Một số cũng nói rằng do mua sắm quá đà trên các trang TMĐT nên họ bị nghèo đi thay vì tiết kiệm chi phí như mong muốn ban đầu. âm lý thích mua sắm online, thích đặt hàng có thể giải quyết được những căng thẳng, áp lực của cuộc sống, đem lại niềm vui nhất thời.

Phụ thuộc vào mạng xã hội và các nhóm hội trên mạng: TMĐT bùng nổ, kích thích người tiêu dùng trẻ mua sắm và dẫn đến các nhóm hội được thành lập để cùng mua sắm để được khuyến mại. Từ việc tham gia để chia sẻ lợi ích của việc mua hàng qua sàn TMĐT, họ đã nói chuyện bên lề nhiều hơn và vì thế sẽ tiêu tốn một lượng thời gian vô ích. Bên cạnh đó do phải thường xuyên canh sale hoặc xem các livestream để săn hàng giá tốt, những người trẻ giành một khoảng thời gian không nhỏ ở trên mạng, điều này rõ ràng sẽ làm đảo lộn cuộc sống của họ. Cuộc sống thiếu khoa học, giành quá nhiều thời gian trên mạng khiến sức khoẻ của người tiêu dùng trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các quyết định mua cũng vì thế mà trở nên thiếu chính xác.

Một trong những hạn chế chính của thương mại điện tử là sự thiếu tin cậy và an toàn. Không phải tất cả các trang web thương mại điện tử đều đảm bảo an toàn thông tin cá nhân của khách hàng, điều này có thể dẫn đến việc mất tiền hoặc thông tin cá nhân của khách hàng bị lộ ra ngoài. Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử cũng đã dẫn đến sự gia tăng của các hoạt động lừa đảo, hack tài khoản khiến người tiêu dùng trẻ đau đầu và luôn phải cảnh giác. Điều này xảy ra nhiều lần có thể khiến họ cảm thấy mệt mỏi, chán nản và muốn quay lại với cách mua sắm truyền thống bình thường.

Mặc dù, nền kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động tiêu cực do dịch Covid‐19 nhưng trong năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam vẫn có những bước tăng trưởng đột phá. Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định rằng TMĐT sẽ là một xu hướng mới trong những năm tới tại Việt Nam và nó sẽ làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên với những người tiêu dùng trẻ thì rất cần sự tính toán, cân nhắc giữa lợi ích và hạn chế mà TMĐT đem lại để đưa ra các quyết định tiêu dùng hợp lý./.

Nguyễn Quang Huy

Tài liệu tham khảo:
Cục Thương mại điện tử và CNTT, Bộ Công Thương. (2008). APEC Những nguyên tắc cơ bản về bảo vệ dữ liệu cá nhân thương mại điện tử.

Cục Thương mại điện tử và CNTT, Bộ Công Thương. (2008). Báo cáo Tổng quan về các hoạt động của WTO liên quan đến thương mại điện tử.
Facebook và Bain & Company. (2022). Báo cáo “Vietnam: New E‐Commerce Hotspot in Southeast Asia by 2026”.
Google, Temasek và Brain&Company. (2019). Báo cáo “Thương mại điện tử các nước Đông Nam Á năm 2019”.
Cục TMĐT và Kinh tế số ‐ Bộ Công Thương (2020). Báo cáo tình hình thị trường TMĐT của Việt Nam.