Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu – Người Anh hùng, Vị Tướng của quê hương Nam Định



ĐNA -
ASEAN News – Trong những người con ưu tú của quê hương Nam Định, tôi quý trọng và ngưỡng mộ về một người Anh hùng – Vị Tướng tài. Ông được phong tặng rất nhiều danh hiệu cao quý, nhưng giữa đời thường ông rất bình dị, hiền hậu, gương mặt luôn sáng đẹp, nụ cười rạng ngời, nồng ấm, nghĩa tình đúng chất người miền Biển Hải Hậu, quê hương yêu thương của tôi, ông là Thượng Tướng – Viện sĩ, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng – Thứ trưởng Bộ quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu.
Tôi may mắn và tự hào được là người con Nam Định, địa linh nhân kiệt, truyền thống quê hương văn hiến anh hùng. Tôi trân trọng, tự hào về truyền thống anh hùng của LLVT Quân đội nhân dân Việt Nam, truyền thống 75 năm LLVT Tỉnh, Thành phố Nam Định. Suốt 75 năm ấy, có biết bao người con Nam Định đã lên đường ra trận chiến đấu anh dũng kiên cường trong thời chiến, khắc phục mọi khó khăn sau chiến tranh, nghiên cứu, học tập, sáng tạo, đổi mới, phát triển trong thời bình, góp phần cùng quân và dân cả nước xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong những người con ưu tú ấy, tôi quý trọng và ngưỡng mộ về một người Anh hùng – Vị Tướng tài của quê hương Nam Định. Ông được phong tặng rất nhiều danh hiệu cao quý, nhưng giữa đời thường ông rất bình dị, hiền hậu, gương mặt luôn sáng đẹp, nụ cười rạng ngời, nồng ấm, nghĩa tình đúng chất người miền Biển Hải Hậu, quê hương yêu thương của tôi, ông là Thượng Tướng – Viện sĩ, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng – Thứ trưởng Bộ quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu.
Năm 18 tuổi, người con miền Biển Hải Long – Hải Hậu lên đường nhập ngũ, được sống và chiến đấu qua nhiều đơn vị khác nhau, với tình đồng chí, đồng đội và bản lĩnh gan dạ, mưu trí đã giúp ông trưởng thành qua từng trận đánh.
Từ một người lính, lên đến cán bộ Trung đoàn, được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT và trở thành Vị Tướng là cả một chặng đường vô cùng gian truân, nhưng cũng rất nhiều chiến công vang dội trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Những thành tích, những danh hiệu của ông không phải là do may mắn, mà tất cả đều do sự mưu trí, gan dạ, sáng tạo và khổ luyện mà thành.
Ông đã từng tham gia nhiều trận đánh, có thể coi là ác liệt nhất tại chiến trường Quảng Trị, nơi hứng chịu bom đạn nhiều nhất, nhân dân và chiến sĩ hy sinh nhiều xương máu, đồng thời cũng làm nên nhiều chiến công oanh liệt nhất. Nhắc đến chiến trường Quảng Trị, người ta không thể không nhắc tới tên ông, chiến trường Quảng Trị gắn liền với tên tuổi của ông và những trận đánh đi vào lịch sử. Ông đã tham gia 4 Chiến dịch lớn:
1- Chiến dịch Mậu Thân năm 1968
2- Chiến dịch Đường 9 Nam Lào năm 1971
3- Chiến dịch Mùa hè đỏ lửa năm 1972
4- Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.
Trải qua 67 trận đánh, 4 Chiến dịch lớn đã làm nên một chân dung người lính, người Anh hùng, Vị Tướng trẻ nhất toàn quân với tài năng thao lược cầm quân thời binh lửa đã lập nên những chiến công oanh liệt, lẫy lừng.
Khi đất nước hoà bình, ông được về Hà Nội học tại Học viện quân sự cao cấp khoá đầu tiên, sau đó ông được Đảng, Nhà nước cử sang Nga đào tạo tại Học viện quân sự cao cấp. Hoàn thành xuất sắc chương trình học tập, ông được cử về Quân đoàn 1 và tiếp tục được bổ nhiệm các chức vụ cao hơn. Năm 1998 ông được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và được phong Hàm Thượng Tướng năm 2003.
Trên những cương vị vinh quang và trọng trách này, ông đã tham mưu cho Quân đội, Đảng, Nhà nước những quyết sách quan trọng trong việc xây dựng quân đội chính quy, từng bước hiện đại, đồng thời tạo lập nên mối quan hệ hữu nghị, hoà bình, cùng phát triển với các nước anh em, láng giềng trong khu vực và cũng là để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Hơn 10 năm làm công tác đối ngoại của Bộ Quốc phòng, ông đã tới thăm và làm việc với 67 Quốc gia trên Thế giới, ông được bạn bè Quốc tế đánh giá cao. Ông vận dụng nhuần nhuyễn những nguyên lý, quan điểm của Đảng, Nhà nước và tư tưởng của Chủ Tịch Hồ Chí Minh về đối ngoại Quốc phòng, đặc biệt trong việc giải quyết các tranh chấp và bảo vệ chủ quyền của nước ta ở Biển Đông hiện nay.
Là 1 vị Tướng tài năng về quân sự, có tư duy tầm chiến lược, ông còn là 1 nhà nghiên cứu và biên soạn 7 cuốn sách về khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong đó, đặc biệt là cuốn “ Một số vấn đề nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc” và cuốn “ Quân đội với công tác giảỉ quyết hậu quả sau chiến tranh”.
Với những cống hiến khoa học quân sự, cùng những đóng góp xây dựng, củng cố và phát triển tình đoàn kết giữa 2 Quốc gia Nga – Việt, năm 2010 ông đã được Viện Hàn lâm khoa học quân sự Liên Bang Nga trao Bằng Viện sĩ, ông là người Việt Nam đầu tiên được nhận Bằng Viện Sỹ về nghệ thuật chiến tranh.
Mỗi cuốn sách của ông  là cả 1 quá trình trải nghiệm thực tiễn trong chiến đấu, học tập, nghiên cứu, vận dụng, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn. Mỗi cuốn sách của ông đều thực sự mang tầm vóc chiến lược, có ý nghĩa quan trọng về nghệ thuật quân sự, về khoa học công nghệ nâng cao sức mạnh, sức chiến đấu của LLVT. Mỗi cuốn sách của ông không chỉ tích luỹ cho riêng ông kho báu trí tuệ, mà còn nhân lên sự sáng tạo trở thành tinh hoa cống hiến cho nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Mỗi cuốn sách của ông đều được khởi nguồn tự tâm sáng, từ tâm hồn và trái tim yêu thương Tổ quốc, từ tấm lòng luôn hướng tới con người, vì con người. Có những cuốn sách của ông viết còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc và chính bằng tấm lòng, ước mơ, khát vọng của ông đối với chiến trường Quảng Trị, nơi bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh và do quân đội Mỹ đã rải hàng loạt chất độc hoá học huỷ diệt toàn bộ màu xanh Quảng Trị. Ông tìm tòi, nghiên cứu và đề ra giải pháp giải quyết hậu quả bom mìn và tẩy rửa chất độc hoá học sau chiến tranh. Học hỏi từ “Cách mạng xanh” của Ấn Độ, ông đã nghiên cứu, vận dụng để tái tạo màu xanh Quảng Trị với “ Chiến dịch xanh đồng bằng” đã góp phần quan trọng làm cho những vùng quê Việt Nam, đặc biệt là Quảng Trị – chiến trường máu lửa khốc liệt xưa, ngày nay đã trở thành miền quê xanh tràn đầy sức sống.
Khi viết những dòng này về người Anh hùng, tôi nhớ đến câu thơ của nhà thơ Tố Hữu ngợi ca sức mạnh tiềm tàng mãnh liệt, sức sống bất khuất của dân tộc Việt Nam anh hùng mà không kẻ thù nào khuất phục được:
         “ Chúng muốn đốt ta thành tro bụi
           Ta hoá vàng nhân phẩm lương tâm
           Chúng muốn ta bán mình ô nhục
           Ta làm sen thơm ngát giữa đầm”.
 Có những cuốn sách được viết bằng những kinh nghiệm xương máu ở chiến trường, đã được ông đúc rút, tâm huyết, vận dụng sáng tạo, xây dựng thành “Phương châm 4 tại chỗ” trong công tác phòng chống thiên tai, bão lũ, đó là:
1- Chỉ huy tại chỗ
2- Lực lượng tại chỗ
3- Phương tiện tại chỗ.
4- Hậu cần tại chỗ.
Nếu thực hiện tốt “Phương châm 4 tại chỗ” này, sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi thiên tai bão lũ xảy ra. Thực tiễn đã chứng minh phương châm này có tính khoa học thực tiễn, hiệu quả và ứng dụng cao, đã trở thành phương châm mang tầm chiến lược trong công tác phòng chống thiên tai, bão lũ, cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam.
“Phương châm 4 tại chỗ” của ông đã và đang được ứng dụng thực tiễn, đạt hiệu quả cao ở nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt trong  tình hình thời tiết nước ta đang bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu phức tạp hiện nay.
Bộn bề với nhiều công việc mang tầm chiến lược của đất nước, nhưng Vị tướng vẫn tràn đầy tấm lòng tri ân, ông tìm về thăm hỏi, sẻ chia những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Ông dành thời gian hàng năm về thăm lại chiến trường Quảng Trị và thắp nén tâm nhang trên mộ những người đồng đội yêu thương của ông đã anh dũng hy sinh.
Ông dành thời gian về thăm quê hương để cung kính dâng hương chốn linh thiêng thờ 14 Vị Hoàng Đế Trần Triều, nơi thờ Phật Hoàng – Vị Hoàng Đế tài năng, tâm phật Trần Nhân Tông tại Chùa Tháp – Đền Trần Nam Định.
Tấm lòng tri ân, nghĩa tình sâu nặng của ông đối với quê hương Hải Hậu không chỉ dừng lại ở những nghĩa cử cao đẹp, sự quan tâm dành cho những công trình như Nghĩa trang liệt sỹ, Nhà Truyền thống, Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu… Mà tâm hồn, trái tim, tấm lòng ông còn cao hơn, rộng, sâu hơn, ông đang ấp ủ những ý tưởng, những dự án lớn với những công trình hướng tới môi trường thực sự vì dân, vì lợi ích của cộng đồng. Ông mơ ước trở thành nhà khoa học, môi trường để về vùng quê Biển Hải Hậu yêu thương của ông đang là điểm sáng về xây dựng nông thôn mới, nhưng cũng đang phải hứng chịu nhiều thiên tai để ông giúp quê hương ngày càng trù phú hơn, đẹp giầu hơn.
Ông là một Vị Tướng đặc biệt rất có duyên với các giới văn nghệ sĩ, đã có nhiều thơ, ca, kịch, họa, phim, truyện… rất nhiều tác phẩm nổi tiếng viết về ông, ngợi ca ông. Với những dòng cảm nhận này, không thể nói hết được những chiến công, sự cống hiến, những tài năng và phẩm chất cao đẹp của người Anh hùng, nhưng tôi vẫn viết bằng cả tấm lòng , sự kính phục và quý trọng đối với Thượng Tướng – Vị Tướng của lòng dân, người con yêu thương của đất Biển. Hải Hậu Nam Định luôn nhớ về ông, trân trọng, tự hào và dõi theo ông trên mỗi bước đường.

Theo Đặng Thị Châu Loan