Tổng thống Erdogan ra tối hậu thư với Thụy Điển và Phần Lan rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể ngăn cản đơn gia nhập NATO của hai nước nếu họ không thực hiện được thỏa thuận vừa rồi với Ankara.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan cho biết, Thụy Điển và Phần Lan buộc phải thực hiện những lời cam kết mà họ đã hứa với ông trong một thỏa thuận nhằm dỡ bỏ quyền phủ quyết đối với đơn xin gia nhập NATO của hai nước, trong đó có cả việc Stockholm cam kết dẫn độ 73 kẻ khủng bố.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Madrid khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Erdogan cho biết ông coi việc ký kết hiệp định ba bên là sự kiên quyết của Ankara về chủ nghĩa khủng bố và là một “chiến thắng ngoại giao” cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan nói, Thổ Nhĩ Kỳ coi thỏa thuận là “sự hiểu biết về tính nhạy cảm của nước này”, đồng thời coi đó là “sự khởi đầu” của một quá trình.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Thụy Điển và Phần Lan tăng cường cuộc chiến chống khủng bố, nhấn mạnh thỏa thuận mà họ đã ký với Ankara cần phải được thực hiện đầy đủ.
Tổng thống Erdogan khẳng định: “Chúng tôi đã nhấn mạnh thông điệp rằng chúng tôi mong đợi sự đoàn kết thực sự từ các đồng minh, không chỉ bằng lời nói mà còn cả hành động”.
Đơn đăng ký gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan đã bị Thổ Nhĩ Kỳ ngăn cho đến giây phút cuối cùng trong lúc Ankara tìm kiếm sự đảm bảo rằng các nước Bắc Âu sẽ tham gia cuộc chiến chống lại những kẻ khủng bố có liên hệ với PKK và nhanh chóng dẫn độ những kẻ tình nghi về Thổ Nhĩ Kỳ.
Tranh chấp đã được giải quyết bằng một bản ghi nhớ 10 điểm, được ký vào hôm thứ ba, dường như giải quyết nhiều mối lo ngại về khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ và dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Ankara vốn được áp đặt để đáp trả hoạt động quân sự năm 2019 của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria.
Tuy nhiên, ông Erdogan không quên nhắc nhở với Thụy Điển và Phần Lan rằng ông vẫn có thể ngăn cản đơn gia nhập NATO của hai nước nếu họ không thực hiện được thỏa thuận mới với Ankara.
Tổng thống Erdogan răn đe: “Điều quan trọng là để những lời hứa trở thành hiện thực. Trong giai đoạn tới, chúng tôi sẽ theo dõi việc thực thi các yếu tố trong bản ghi nhớ và sẽ thực hiện các bước của chúng tôi cho phù hợp. Trước tiên, Thụy Điển và Phần Lan nên thực hiện các nhiệm vụ của họ và những nhiệm vụ đó đã có trong văn bản”, đồng thời cảnh báo: Nếu họ không làm vậy, tất nhiên, việc phê chuẩn sẽ không được gửi tới quốc hội của chúng tôi”.
Đơn xin gia nhập của các quốc gia mới phải được tất cả các thành viên NATO chấp thuận và quốc hội các quốc gia đó phê chuẩn.
Thỏa thuận cũng nêu rõ Phần Lan và Thụy Điển sẽ hợp tác chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ trong các vấn đề liên quan đến trao đổi thông tin, dẫn độ và nói chung là cuộc chiến chống khủng bố.
Ông Erdoğan nói: “Thụy Điển đã hứa dẫn độ 73 kẻ khủng bố sang Thổ Nhĩ Kỳ”. Có vẻ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng đòi hỏi lên khá nhanh. Một ngày trước, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ cho biết họ sẽ tìm cách dẫn độ 12 nghi phạm từ Phần Lan và 21 từ Thụy Điển. 33 người này đều bị buộc tội là khủng bố có liên hệ với PKK hoặc thành viên FETO – những tổ chức ngoài vòng pháp luật Thổ Nhĩ Kỳ.
Hôm 29/6/2022,Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto phàn nàn ông Erdoğan dường như đang đề cập đến các vụ việc đã được các quan chức và tòa án xử lý.
Niinisto cho biết: “Tôi đoán rằng tất cả các trường hợp này đã được giải quyết ở Phần Lan. Có những quyết định đã được đưa ra, và những quyết định đó một phần do tòa án của chúng tôi đưa ra. Tôi thấy không có lý do gì để lôi chúng lên một lần nữa”.
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cũng cho biết bà có ý định “hợp tác chặt chẽ hơn với Thổ Nhĩ Kỳ” trong cuộc chiến chống PKK.
Nhưng bà cũng nhấn mạnh sẽ “tuân thủ luật pháp Thụy Điển và quốc tế trong vấn đề này” và không dẫn độ bất kỳ công dân nào của đất nước bà. Bà nói thêm, quá trình này sẽ phụ thuộc vào thông tin nhận được từ Thổ Nhĩ Kỳ.
PV
nguồn baonga.com