Hãng tin Swissinfo trích dẫn một tuyên bố do Ban Thư ký Nhà nước Thụy Sĩ về Kinh tế (Seco) đưa ra hôm 27/7/2024 cho biết, theo luật pháp nước nhà và các nghĩa vụ quốc tế, Thụy Sĩ không thể tạo ra “bất kỳ khoản thu nhập bất thường nào liên quan đến các quỹ của ngân hàng trung ương Nga”.
Theo đó, Chính quyền Bern tuyên bố không tuân theo cách tiếp cận của EU, sẽ không tạo ra bất kỳ khoản thu nhập nào có lợi cho Ukraine từ các tài sản mà liên minh này tịch thu của Nga tại các ngân hàng Thụy Sĩ.
Theo nguồn tin, tính đến tháng 4/2024, tổng giá trị tài sản từ ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng tại Thụy Sĩ chỉ khoảng 7,08 tỷ euro. Các khoản tiền này tách biệt với các tài sản bị đóng băng thuộc sở hữu của các cá nhân hoặc công ty có liên hệ với Nga.
Trong một thông báo hôm 26/7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, EU đã bắt đầu quy trình các khoản viện trợ quân sự đầu tiên cho Ukraine, trị giá 1,5 tỷ euro, lấy từ phần lãi sinh ra từ các tài sản bị đóng băng của Nga.
Tuy nhiên, Kiev sẽ không nhận trực tiếp số tiền thu được từ các tài sản của Nga. Thay vào đó, số tiền này được chuyển vào Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF), một quỹ để bù đắp chi phí cho các nước EU cung cấp vũ khí cho Kiev.
Nga ngay sau đó cũng đã có những bình luận trước động thái này của EU. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, “những hành động của EU sẽ nhận được những biện pháp đáp trả tương ứng”.
Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, EU và các nước G7 đã đóng băng gần một nửa dự trữ ngoại hối của Nga, lên tới khoảng 300 tỷ euro. Trong số đó, hơn 200 tỷ euro được nắm giữ tại EU, chủ yếu là nằm trong Euroclear – một trong những hệ thống thanh toán lớn nhất thế giới có trụ sở tại Bỉ.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga mô tả hành động đóng băng tài sản của nước này ở châu Âu là hành vi trộm cắp, lưu ý EU không chỉ nhắm vào các quỹ tư nhân mà còn cả tài sản nhà nước của Nga.
Chy Lê