Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Tiến độ giải ngân nguồn vốn nước ngoài còn quá chậm

ĐNA -

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài trong 6 tháng chỉ đạt 9% kế hoạch; trong đó các bộ, ngành đạt 16% và các địa phương đạt 5%, tỷ lệ hoàn trả lại đơn rút vốn là 4,7%. Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn đánh giá, kết quả giải ngân còn quá chậm so với kế hoạch đề ra cũng như so với năm trước.

Hình ảnh tại Hội nghị

Ngày 1/7/2022 tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2022.

Quyết định số 2048/QĐ-TTg ngày 6/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, kế hoạch vốn đầu tư công nguồn nước ngoài năm 2022 là 34.800 tỷ đồng; trong đó các bộ, ngành là 12.110 tỷ đồng và địa phương là 22.689 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài kế hoạch năm 2021 kéo dài sang năm 2022 là 5.321 tỷ đồng; trong đó của bộ, ngành là 1.666 tỷ đồng, địa phương là 3.655 tỷ đồng.

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện phân bổ kế hoạch vốn chi tiết và nhập dự toán trên hệ thống Tabmis của Kho bạc Nhà nước 33.289 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch vốn được giao của năm 2022.

Vốn đầu tư công thực hiện năm 2022 rất lớn, với tổng là khoảng 700 nghìn tỷ đồng, bao gồm vốn kế hoạch 2022, vốn kéo dài từ các năm trước chuyển sang, vốn giao thêm của các địa phương, nguồn vốn từ Chương trình phục hồi kinh tế và nguồn vốn giao bổ sung từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025…

Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài trong sáu tháng chỉ đạt 9% kế hoạch; trong đó các bộ, ngành đạt 16% và các địa phương đạt 5% và tỷ lệ hoàn trả lại đơn rút vốn là 4,7%.

Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài thấp chủ yếu do dự án chưa có khối lượng hoàn thành do các nguyên nhân như: Chậm triển khai các việc sẵn sàng cho đầu tư; chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; chậm thiết kế cơ sở; chậm đấu thầu, vướng mắc trong đấu thầu hoặc vướng trong thực hiện hợp hiện hợp đồng với nhà thầu; dự án thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay; dự án chậm tiến hành công tác nghiệm thu, thanh toán hoặc đang kiện toàn ban quản lý dự án; ảnh hưởng thời tiết, bão lũ, sạt lở, dự án không triển khai được….

Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân do đặc thù của dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi như: Vướng mắc liên quan đến nhà tài trợ WB áp dụng phương thức giải ngân theo kết quả; vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ  hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu. Các vướng mắc này thuộc trách nhiệm xử lý của ban quản lý dự án, cơ quan chủ quản dự án và các nhà tài trợ. Các tổ chức phi chính phủ nhận tiền làm dự án an sinh xã hội từ các nguồn tài trợ từ nước ngoài cũng bị vướng mắc, chậm do thủ tục hành chính quá lòng vòng.

Để hoạt động giải ngân đảm bảo kế hoạch đề ra, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc thực hiện kế hoạch vốn của các chủ dự án, kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân, chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án có tiềm năng và các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, đấu thầu, phê duyệt hợp đồng.

Theo ông Võ Hữu Hiển, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra, phải cắt giảm hoặc chuyển giao kế hoạch vốn, song với phần kế hoạch vốn còn lại sau khi đã được điều chỉnh giảm, người đứng đầu các bộ, ngành cần cam kết giải ngân hết 100%

Đối với chương trình/dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, theo ông Hiển, các bộ, ngành, địa phương cần sớm báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở phê duyệt/quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư, các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tài chính để điều chỉnh thời hạn giải ngân, điều chỉnh phân bổ vốn theo các hiệp định vay đã ký (nếu có).

Ngoài ra, các chủ dự án, ban quản lý dự án phải có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; chủ động điều phối, giám sát chặt chẽ việc thực hiện dự án của các bên liên quan.

Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi và trao đổi với nhà tài trợ phối hợp xử lý nhanh các hồ sơ giải ngân…

Bộ Tài chính cũng sẽ sớm trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài phù hợp với Luật số 03/2022/QH15 vừa được Quốc hội thông qua ngày 11/01/2022, theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục nhằm tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn nước ngoài, tăng cường phân cấp trong quản lý, sử dụng vốn ODA gắn với trách nhiệm của cấp, đơn vị sử dụng vốn ODA.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu bổ sung xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn định mức, đơn giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt để có căn cứ áp dụng, thực hiện.

Tiến Chí – thanh Vân – nguồn VPCP