Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Tiếp cận dịch vụ công trực tuyến đảm bảo công bằng xã hội trong kỷ nguyên số ở Việt Nam

ĐNA -

Hiện đại hoá nền hành chính gắn với cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân là mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt của Việt Nam. Bài viết đã đánh giá toàn diện những nỗ lực, thành tựu cùng khó khăn, thách thức của các địa phương trong cung cấp, cải thiện dịch vụ công trực tuyến cho người dân, đặc biệt nhóm chịu nhièu thiệt thòi theo hướng bao trùm. Kết quả này minh chứng cho quyết tâm hiện thực hoá mục thúc đẩy công bằng xã hội trong kỷ nguyên số; bác bỏ luận điệu xuyên tạc về tiến bộ, công bằng xã hội, quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận dịch vụ công trực tuyến ở Việt Nam của các thế lực thù địch. Đặc biệt, bài viết đề xuất giải pháp, kiến nghị cụ thể, quan trọng góp phần tháo gỡ khó khăn của vấn đề này.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (2021) đã nhấn mạnh: quyết liệt “cải cách thủ tục hành chính”, thúc đẩy xây dựng “chính quyền điện tử”.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (2021) đã nhấn mạnh: “Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch”, quyết liệt “cải cách thủ tục hành chính”, thúc đẩy xây dựng “chính quyền điện tử” . Những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cùng chính quyền địa phương đã nỗ lực ban hành nhiều chính sách nhằm hiện thực hoá chủ trương trên với triết lý lấy “người dân là trung tâm” và “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Việc cung cấp cũng như cải thiện khả năng tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt hướng đến cả nhóm chịu nhiều thiệt thòi, địa bàn khó khăn được xem là trung tâm của quá trình xây dựng chính phủ điện tử, hướng đến chính phủ số, xây dựng xã hội số phát triển thịnh vượng. Thành tựu của tiến trình này là tác nhân quan trọng góp phần củng cố, gia tăng niềm tin chính trị; đồng thời, đáp ứng kỳ vọng của xã hội Việt Nam và phù hợp với xu phát triển của thế giới. Đặc biệt, những nỗ lực và thành tựu bước đầu này chính là minh chứng khẳng định cam kết xuyên suốt, nhất quán của Việt Nam hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm, vì hạnh phúc của nhân dân gắn với từng bước thực hiện tốt hơn các quyền cơ bản của công dân bằng cách chú trọng giải quyết tốt các vấn đề xã hội mới mẻ của tiến trình hiện đại hoá.

Tuy nhiên, thời gian qua, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã dùng nhiều chiêu thức bôi nhọ, đánh giá thiếu khách quan, toàn diện và công tâm về thành tựu, nỗ lực của Việt Nam trong đảm bảo quyền tiếp thông tin, tiếp cận dịch vụ công trực tuyến cũng như đảm bảo công bằng xã hội ở lĩnh vực này; đặc biệt đối với các nhóm chịu nhiều thiệt thòi, đồng bào dân tộc thiểu số dân tộc thiểu số. chúng thường lợi dụng những tồn tại, bất cập, khó khăn trong triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thực hiện chuyển đổi số, nhất là tại vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để cường điệu hoá. các thế lực này ra sức tuyên truyền luận điệu vu cáo việt nam không quan tâm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt ở nhóm chịu nhiều thiệt thòi; chưa có chính sách kịp thời để giải quyết bất bình đẳng xã hội trong bối cảnh số; từ đó cho rằng tầm nhìn, quan điểm “người dân là trung tâm của chuyển đổi số” trong Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030 là viễn vong.

UBND phường An Khê tích cực nêu cao trách nhiệm công vụ khi đã có bộ nhân diện, xây dựng thành công mô hình điểm chính quyền đô thị thân thiện với nhân dân. Ảnh: VP.UBND Phường chia sẻ.

Nhận diện khách quan thành tựu cơ bản, toàn diện và khó khăn, thách thức trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng bao trùm cho người dân
Dữ liệu trong bài viết này chủ yếu được xây dựng dựa trên kết quả Chương trình phối hợp nghiên cứu và tư vấn chính sách giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2023 về chủ đề: “Triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến hướng tới không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số ở các tỉnh có đông dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số”. Bốn nhóm thủ tục hành chính được lựa chọn để khảo sát, nghiên cứu là những thủ tục thiết yếu , có ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và chịu tác động mạnh bởi việc quá trình thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (về dân cư liên quan thông tin gốc của người dân: cư trú, hộ tịch, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, v.v.) ; đồng thời cũng đảm bảo các tiêu chí được ưu tiên thực hiện trên môi trường điện tử (một phần hoặc toàn trình) .

Dự án này được triển khai trong 3 năm tại 9 tỉnh: Hoà Bình, Quảng Trị, Sóc Trăng, Gia Lai, Hà Giang, Trà Vinh, Bình Phước, Điện Biên và Ninh Thuận – nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế – xã hội, v.v còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của cả nước. Qua các cuộc khảo sát thực địa, nhóm đã có hàng chục cuộc làm việc, trao đổi chuyên sâu, hội thảo, toạ đàm với lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện, xã cùng đội ngũ chuyên gia liên ngành; phỏng vấn sâu hàng trăm người dân, đồng bào dân tộc thiểu số và các nhóm yếu thế.

Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số
Những năm qua, các tỉnh, thành phố đã có nỗ lực với nhiều giải pháp đầu tư mạnh phát triển đồng bộ hạ tầng số. Đặc biệt, đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 36/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch hạ tầng thông tin truyền thông thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 02/02/2024 phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030. Điều này tiếp tục khẳng định rõ cam kết, nỗ lực tạo ra khuôn khổ chính sách thúc đẩy đổi mới hạ tầng số, trong đó có hạ tầng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nhấn mạnh vai trò trọng tâm của dữ liệu trong việc phát triển Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số phát triển các dịch vụ số và cung cấp giá trị mới cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy vậy, hệ thống hạ tầng số của các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức không chỉ phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình mà còn hướng đến chuyển đổi số trên các lĩnh vực. Hệ thống phần mềm kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu chuyên ngành (hộ tịch, bảo hiểm, thường trú) của các cơ quan với nhau và giữa Trung ương và địa phương thường xuyên bị lỗi, mất kết nối Internet hoặc bị quá tải; chưa đảm bảo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống”, “dọc ngang thông suốt” . Nhiều xã hiện còn thiếu máy vi tính để người dân có nhu cầu sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại chỗ hoặc nếu đủ thì tuổi thọ của máy quá lâu (7 – 10 năm). Do đó chưa tương thích khi cài đặt các phần mềm cấu hình mạnh, hiện đại; hư hỏng chưa có thiết bị khác thay thế kịp thời . Một số địa phương còn khu vực “lõm sóng” Internet và sóng điện thoại di động, nhất là vùng sâu, vùng biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, dân cư ít và phân tán nhiều. Năm 2023, toàn quốc phát sinh 1.506 thôn thuộc vùng “lõm sóng”. Trong đó có 969 thôn thuộc khu vực đặc biệt khó khăn (188 thôn chưa có điện) và 537 thôn không thuộc khu vực đặc biệt khó khăn (63 thôn chưa có điện) .

Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công các tỉnh, thành thiết kế chưa thân thiện, còn khó đối với cán bộ, công chức và người dân, nhất là đối với các nhóm yếu thế, hạn chế về học vấn, kỹ năng công nghệ thông tin trong quá trình đăng nhập, thao tác sử dụng. Quá trình thao tác trên Cổng còn khó khi thực hiện trên thiết bị di động, thường xuyên bị “treo” mạng, tốc độ phản hồi còn chậm; tính năng lọc, tìm kiếm chưa thông minh, v.v. Do đó, người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chưa sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet/wifi, chưa sử dụng sim chính chủ, thư điện tử (email) càng khó khi đăng ký, xác nhận tài khoản và liên lạc giải quyết dịch vụ công trực tuyến.

Công tác truyền thông để người dân hiểu, tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Theo Báo cáo cập nhật đến Quý II/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ 01/01/2023 đến 27/3/2024, cơ quan này đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho 172.000 thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng tại 22/63 địa phương; Cung cấp 20 khóa học cập kỹ năng số cho người dân trên Nền tảng trực tuyến mở (MOOCS). Đến nay đã có hơn 24,4 triệu lượt người truy cập khóa học phổ cập kỹ năng số. Trung bình mỗi ngày tăng 2000 – 3000 lượt truy cập .

Tuy vậy, qua thực địa nhận tại một số địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số cho thấy phần đa người dân chỉ mới nghe, biết và được tuyên truyền ban đầu về chuyển đổi số, về tính hữu ích của dịch vụ công trực tuyến thông qua báo chí, truyền thanh, truyền hình, qua các tổ công nghệ số cộng đồng (và đề án 06), mạng xã hội, v.v. tuy nhiên, không nhiều người dân chủ động, tự giác tiếp cận, thao tác và sử dụng dịch vụ công trực tuyến mà phần lớn dựa vào sự giúp đỡ của cán bộ, công chức cấp xã hoặc chọn hình thức trực tiếp.

Mô hình Đội Thanh niên tình nguyện ở một số địa phương vì nhiều lý do tạm dừng hoạt động. Trong khi đó, 81.415 tổ Công nghệ số cộng đồng (và Đề án 06) cấp xã, ở thôn, xóm, khu phố với 400.000 thành viên nòng cốt đang gặp nhiều khó khăn (tài chính, thiết bị, nhân lực, kỹ năng công nghệ, v.v.) ; nhiều nơi hoạt động cầm chừng, hình thức. thực tế này cùng với đặc thù địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên, dân cư phân tán và đông đồng bào dân tộc thiểu số khiến hiệu quả truyền thông, cải thiện việc tiếp cận, sử dụng tự giác dịch vụ công trực tuyến của người dân vẫn còn nhiều thách thức.

Triển khai công nghệ thông tin tại các trường học ở các tỉnh có đông dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhận thức, tâm lý và thói quen về cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện thể hiện quyết tâm cao, có hiểu biết nhất định về dịch vụ công trực tuyến, có sự quan tâm nhất định đến công tác này. tuy nhiên, càng xuống cấp xã mức độ nhận thức, quan tâm về vấn đề này càng giảm dần.

Đối với người dân, từ lâu, họ đã quen thuộc, cảm thấy thuận tiện, an toàn, an tâm với việc giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức trực tiếp so với trực tuyến. họ cũng ngại tiếp cận hoặc do thiếu thiết bị hiện đại để tìm hiểu về dịch vụ công trực tuyến. do còn vướng về thể chế, hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, dữ liệu chưa liên thông tốt nên việc giải quyết 4 nhóm thủ tục hành chính thiết yếu đã nêu bằng hình thức trực tuyến hiện vẫn khá phức tạp, rườm rà so với hình thức trực tiếp. các nguyên nhân này cùng với việc thiếu quy định đủ mạnh để khuyến khích, hỗ trợ người dùng khiến người dân không “mặn mà” tự giác tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Nhân sự quản lý và vận hành quá trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay, 100% địa phương đã ban hành nghị quyết về chuyển đổi số, kiện toàn, thành lập ban chỉ đạo về chuyển đổi số; 100% bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch/đề án về chuyển đổi số. Đặc biệt, 100% tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai Tổ Công nghệ số cộng đồng đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, trong đó 55/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã. Mỗi Tổ có khoảng 04 đến 09 thành viên, trong đó Tổ trưởng các tổ dân phố, Công an khu vực, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên (các chi đoàn, đoàn cơ sở) và Doanh nghiệp công nghệ số là lực lượng nòng cốt . Mô hình này thời gian qua đã đóng góp đáng kể trong tuyền thông và hỗ trợ người dân hiểu biết, tiếp cận, trải nghiệm tốt hơn tiện ích số, dịch vụ công trực tuyến trong tiến trình thực hiện Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số đến năm 2030. Ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, mô hình này càng có ý nghĩa to lớn.

Tuy vậy, số lượng và chất lượng cán bộ, công chức công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu. Phần đa chưa có ý thức cải tiến, đổi mới phương thức làm việc gắn với quản trị hiện đại. Nhân sự chuyên trách công nghệ thông tin (chưa nói đến am hiểu về khoa học máy tính, khoa học dữ liệu, v.v) ở chính quyền cấp huyện, đặc biệt cấp xã, nhất là tại bộ phận một cửa đang thiếu và yếu nghiêm trọng. vừa qua, một bộ phận cán bộ, công chức nghỉ việc, chuyển công tác, do tinh giản biên chế nhưng lại khó có nguồn tuyển dụng bổ sung. chính sách thu hút nhân lực ở lĩnh vực này tuy có nhưng chưa thực hiện được, nhất là các địa phương diện khó khăn.

Việc bố trí nhân sự có chuyên môn, chuyên trách về lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số ở cấp xã chưa thể thực hiện được do cơ chế, quy định về biên chế công chức và sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. mức lương thấp, áp lực thành tích, khối lượng công việc gia tăng khi giải quyết hồ sơ trên môi trường điện tử và trực tiếp trong khi cơ chế động viên chưa thoả đáng khiến một bộ phận cán bộ, công chức chưa thể dành hết tâm sức đối với quá trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân cũng như hiện đại hoá nền hành chính.

Công tác tập huấn và bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, đặc biệt ở cấp cơ sở
Từ 01/01/2023 đến 27/3/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì tổ chức 12 khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (https://onetouch.mic.gov.vn (Nền tảng OneTouch)) cho 66.500 cán bộ, công chức phụ trách chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các cơ quan thông tấn, báo chí trong toàn quốc; triển khai chương trình bồi dưỡng 500 chuyên gia chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương trên nền tảng này . Nhìn chung, các địa phương đã quan tâm đổi mới, tổ chức đa dạng các chương trình bồi dưỡng, tập huấn về công nghệ thông tin và chuyển đổi số cả hình thức trực tiếp, trực tuyến (nền tảng trực tuyến đại trà mở – OneTouch) và qua các hội nghị, hội thảo, v.v.

Tuy nhiên, một số vấn đề đặt ra: (i) Mức độ quan tâm để tiếp thu và vận dụng kiến thức, kỹ năng qua các lớp học, khoá bồi dưỡng của cán bộ, công chức, đặc biệt nhóm lớn tuổi; (ii) Cách thiết kế nội dung khoá học, phương thức quản lý, giám sát tình hình học tập trên nền tảng OneTouch chưa phù hợp với đặc thù và yêu cầu riêng của từng địa phương; (iii) Thiếu giải pháp thu hút và duy trì thói quen học tập trực tuyến trên OneTouch đối với người dân, cộng đồng và (iv) Thiếu trang thiết bị tối thiểu để tập huấn (thực hành) như máy tính, điện thoại thông minh; số lượng học viên/ lớp quá đông, chưa phân tách các nhóm đối tượng khác nhau để có hình thức tập huấn phù hợp, v.v.

Các thế lực nước ngoài có âm mưu, hành động sử dụng không gian mạng tiến hành các hình thái chiến tranh, thực hiện tham vọng xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia – dân tộc. Ảnh minh họa.

Một số giải pháp chính sách
Cải thiện hạ tầng cung cấp dịch vụ công trực tuyến hướng đến xây dựng chính quyền số: quan trọng nhất, các địa phương cần nghiên cứu, thiết kế ứng dụng (apps) thông minh phục vụ tuyên truyền và giải quyết dịch vụ công trực tuyến phải “từ trải nghiệm của người dùng”, tôn trọng tiếng nói của “người trong cuộc” (cán bộ, công chức – người cung cấp dịch vụ công trực tuyến; người dân, nhóm yếu thế, thiểu số – “khách hàng” sử dụng dịch vụ công trực tuyến). Các apps này cần đa nhiệm, thân thiện, giảm tối đa các rào cản kỹ thuật đối với người dùng; kết nối, tích hợp tốt với với cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, thành phố cũng như với các nền tảng trực tuyến khác đang được vận hành, tránh tản mạn, phân tán; tích hợp thêm các đường dây nóng (hotline) để hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc 24/7 thông qua chức năng tự tiếp nhận và phản hồi của “tổng đài viên” trí tuệ nhân tạo (AI). Thiết kế thêm chức năng hỗ trợ truy cập, tìm kiếm, giải quyết thủ tục hành chính bằng nhận diện giọng nói (voice), bằng cả ngôn ngữ tiếng việt và tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số.

Nâng cao nhận thức và thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân
-Chính quyền các cấp cần nghiên cứu, tổ chức thí điểm mô hình “cung cấp dịch vụ công trực tuyến lưu động” có sự “hiệp đồng” của 4 lực lượng chính tại cơ sở. Lực lượng Công an có thể hướng dẫn người dân cài đặt VNeID. Doanh nghiệp viễn thông lập, cung cấp sim chính chủ/ chữ ký điện tử. Công chức cấp xã hướng dẫn tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính công trực tuyến. Tổ Công nghệ số cộng đồng hỗ trợ, phối hợp tuyên truyền về tiện ích của dịch vụ công trực tuyến trong người dân. Từ đó, vừa đáp ứng nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân, vừa tuyên truyền, hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” để cải thiện nhận thức, mức độ quan tâm và khả năng tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến ở nguời dân, nhất là nhóm thiệt thòi.

Chính quyền các cấp cần nghiên cứu, thí điểm xây dựng và tiến tới triển khai mô hình truyền thông “Học sinh, sinh viên và giáo viên chung tay với công cuộc chuyển đổi số” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “mỗi gia đình phải có ít nhất 01 người có thể sử dụng dịch vụ công trực tuyến” . Họ sẽ là tuyên truyền viên, tập huấn viên chủ lực tại gia đình, dòng tộc và người dân ở nơi cư trú. Đây cũng là bước chuẩn bị từ xa, từ sớm cho việc hình thành xã hội số, công dân số và lối sống số trong tương lai.

Chính quyền các cấp cần nghiên cứu, thí điểm xây dựng và từng bước nhân rộng mô hình “Điểm chùa/ nhà thờ chung tay hỗ trợ chuyển đổi số” tại địa phương có đông đồng bào theo đạo. Vai trò của chức sắc tôn giáo và qua các buổi sinh hoạt tôn giáo cần được phát huy bên cạnh các địa điểm hỗ trợ truyền thông về chuyển đổi số tại trụ sở uỷ ban nhân dân xã/ phường như hiện nay.

Đa dạng hoá các ấn phẩm, hình thức tuyên truyền và các kênh, phương tiện truyền thông về dịch vụ công trực tuyến. thiết kế ấn phẩm cần bắt mắt, gọn, dễ nhìn, dễ làm theo, dễ hiểu như hình ảnh, infographic, video, cẩm nang bỏ túi về dịch vụ công trực tuyến (dạng Ebook), túi thông tin các loại thủ tục hành chính cơ bản, bản tin được niêm yết dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp. Kết hợp truyền thông cá nhân, truyền thông nhóm, truyền thông đại chúng và truyền thông qua Internet, truyền thông xã hội. Tại các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, ấn phẩm nên có song ngữ (tiếng Việt và tiếng dân tộc).

Chính sách đối với nhân sự quản lý, vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố cần bố trí hợp lý nhân sự có năng lực về chuyển đổi số, công nghệ thông tin hỗ trợ cho cấp xã; có chính sách hỗ trợ, động viên thoả đáng cho đội ngũ này. Trong thời gian này, uỷ ban nhân dân cấp xã cần có cơ chế linh hoạt như thuê, ký hợp đồng tư vấn từ doanh nghiệp, chuyên gia bên ngoài.

Các tỉnh, thành phố sớm có lộ trình hoặc ưu tiên thu hút, tuyển dụng công chức hoặc đầu tư đào tạo, bồi dưỡng công chức bài bản về phân tích dữ liệu/khoa học dữ liệu (data science) bên cạnh năng lực công nghệ thông tin để thích ứng tốt hơn với chuyển đổi số trong dài hạn.

Triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến hướng tới không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số ở các tỉnh có đông dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số.

Uỷ ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội và Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ cùng Ban Chỉ đạo chung các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp Trung ương và ở địa phương tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan rà soát, nghiên cứu và lựa chọn các nội dung, hoạt động đầu tư, hỗ trợ có liên quan trực tiếp, cấp bách, cần thiết phục vụ cho tiến trình chuyển đổi số, cải thiện khả năng tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt đối với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong các chương trình này cho giai đoạn 2021 – 2025 và giai đoạn tiếp theo 2025 – 2030.

Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước xem xét nghiên cứu, xây dựng, áp dụng “Bộ tiêu chuẩn khung về Cổng Dịch vụ công quốc gia” làm cơ sở nâng cấp toàn diện, thống nhất Cổng dịch vụ công quốc gia để có thể sẵn sàng cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Từ đó hướng dẫn chuyên ngành về quy chuẩn thiết kế tối thiểu để hoàn thiện Cổng dịch vụ công của 63 tỉnh, thành phố. Theo đó, tiêu chí quốc gia này cần dựa trên 3 trụ cột chính: (1). Đáng tin cậy; (2). Chuyên nghiệp và (3). Thông minh , dứt khoát phải lấy “tiếng nói và trải nghiệm của người dùng” (gồm cán bộ, công chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến và người dân, nhóm yếu thế – người tiếp cận, sử dụng) làm thước đo quan trọng nhất khi thiết kế và vận hành.

Nghiên cứu, tiến tới thí điểm áp dụng Bộ Chỉ số thích ứng chuyển đổi số của người dân và doanh nghiệp Việt Nam. Hiện tại, Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành năm 2022 chỉ chủ yếu dành cho các bộ, ngành, uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố Trực thuộc Trung ương. Trong khi đó, năng lực thích ứng của người dân, doanh nghiệp và các nhóm xã hội khác nhau với tiến trình này cũng như các loại dịch vụ công trực tuyến cần thiết vẫn còn bỏ ngõ. Áp dụng Bộ Chỉ số này là bước đột phá để Bộ cùng các địa phương có căn cứ xây dựng, điều chỉnh chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy chuyển đổi số thực chất cho người dân và các nhóm yếu thế, hướng đến phát triển bao trùm.

Nhóm tác giả: ThS. Nguyễn Hữu Hoàng/Học viện Chính trị khu vực II.
ThS. Trần Chí Nghĩa/Trung tâm An sinh xã hội Thành phố Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh).

Lời cảm ơn: Cảm ơn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đã tạo điều kiện để chúng tôi được tiếp cận, khai thác dữ liệu, tài liệu từ Dự án nghiên cứu để hoàn thiện bài viết này.

Tài liệu tham khảo:
1.Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê & UNDP tại Việt Nam (2020), Thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững theo mọi chiều cạnh và mọi nơi ở Việt Nam: Báo cáo nghèo đa chiều Việt Nam, Hà Nội.
2.Bộ Thông tin và Truyền thông (2024), Báo cáo đánh giá tình hình công tác quản lý nhà nước Quý I/2024 và nhiệm vụ công tác trọng tâm Quý II/2024, Hà Nội.
3.CECODES, RTA & UNDP (2024), Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI): Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân, năm 2023. Báo cáo nghiên cứu chính sách chung của Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Hà Nội.
4.Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, t.1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
5.Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh & UNDP tại Việt Nam (2022), Báo cáo: Tư vấn chính sách phát triển dịch vụ công trực tuyến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tiến trình xây dựng chính quyền số, được trình bày tại Hội thảo ngày 17/11/2022 tại Hà Nội.
6.Đặng Thị Ánh Tuyết, Dương Thanh Hằng, Nguyễn Hữu Hoàng (2023), “Cung cấp và tiếp cận dịch vụ công trực tuyến của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (qua khảo sát tại tỉnh Hoà Bình, Quảng Trị, Sóc Trăng)”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 541 (3/2023), tr. 116-125.
7.Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh muc cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử, Hà Nội.
8.Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội.
9.Văn phòng Chính phủ (2023), Công văn số 2084/VPCP-KSTT ngày 30/3/2023 về việc thực hiện quy trình liên thông điện tử đối với 02 nhóm thủ tục hành chính thiết yếu tại Đề án 06, Hà Nội.
10.Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông & Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam (2023), Đánh giá mức độ thân thiện với người dùng của 63 Cổng dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh lần thứ nhất, năm 2023, Hà Nội, tr.13.