Thứ Ba, Tháng Chín 10, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

 Tiết kiệm nước- Chuyện không của riêng ai

ĐNA -

Đã sắp bước vào những ngày hè nắng nóng ở nhiều vùng miền của nước ta. Và cứ đến hè là lại xuất hiện tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở một số nơi, nhất là tại các đô thị lớn. Nhân chuyện này, người viết lại nghĩ lan man nhưng rất nghiêm túc về việc phải bàn đến chuyện tiết kiệm nước trong cuộc sống hàng ngày, không chỉ vì xuất phát từ một vài lần khan hiếm nước mang tính cục bộ đã từng trải qua tại nơi cư trú của mình.

Tiết kiệm nước sẽ trở thành thói quen khi tất cả mọi người trong gia đình, xã hội nhận thức được tầm quan trọng của nó.

Hiện nay, cùng với sự “tăng tốc” của quá trình đô thị hóa, dân số tăng cơ học cao, lượng du khách nhiều v.v..dẫn đến nhu cầu về nước sinh hoạt, sản xuất tăng là đương nhiên. Việc phải tăng công suất hoặc phải xây dựng thêm thêm nhà máy nước, chống phá rừng, trồng rừng v.v.. để giữ nước, trữ nước… Đó là là vấn đề vĩ mô, còn ở tầm vi mô là chuyện tiết kiệm nước của mỗi người hàng ngày.

Bấy lâu nay, chỉ thường nghe người ta nói đến chuyện tiết kiệm điện, còn nước thì ít nghe đề cập đến. Nhân chuyện này, nên tham khảo về chuyện tiết kiệm nước của người Úc. Một đồng nghiệp của tôi từng du học ở Úc kể về chuyện tiết kiệm nước ở nước phát triển này. Cụ thể là, có những gia đình người Úc, trong nhà tắm của họ cài chế độ nước chỉ đủ để tắm trong 3 phút rồi tự động tắt, nên ai cũng phải tắm nhanh. Có trường hợp, mấy sinh viên Việt Nam do thói quen tắm thoải mái ở trong nước đã gặp cảnh dở khóc dở cười khi nước tắt mà trên người còn đầy xà phòng.. Hoặc là chuyện rửa xe, ai rửa xe tại nhà mà dùng vòi phun xịt thì bị phạt ngay, nếu có thì chỉ được lau chùi xe bằng khăn thôi, còn muốn rửa xe đúng nghĩa thì xin mời ra các điểm dịch vụ rửa xe và tất nhiên là phải tốn tiền. Đó là chuyện ở một nước phát triển chưa đến nỗi khan hiếm nước, vậy mà họ đã tiết kiệm như vậy.

Còn ở nước ta, chuyện lãng phí nước là khá phổ biến. Có thể lấy dẫn chứng qua những chuyện thường ngày rất dễ bắt gặp. Chẳng hạn, trên các chuyến máy bay quốc nội của Vietnam Airline, giờ bay nhiều khi chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ mà hành khách ai cũng được phát cho 1 chai nước, uống hay không không cần biết. Nếu ai không uống, để lại nguyên chai trên máy bay hay mang theo khi xuống sân bay thì có thể chấp nhận được, nhưng không ít người mở ra chỉ uống vài ngụm rồi để lại. Như vậy loại “nước thừa” này khả năng rất lớn là không được sử dụng nữa. Nên chăng, khi đi máy bay, chỉ khi ai có nhu cầu tiếp viên mới đưa nước uống. Như vậy có lẽ cũng tiết kiệm được nước đấy chứ. Một câu chuyện khác, tại các cuộc hội nghị, hội thảo, diễn giả hay đại biểu lên bục phát biểu thường được người phục vụ rót cho 1 ly nước, kể cả những người chỉ đọc hoặc nói trong vòng 5 – 10 phút trở lại cũng có “nước phục vụ” nhưng hầu như là chẳng ai uống cả và người kế tiếp lên, lại thay bằng 1 ly khác và là nước mới. Như vậy cũng có thể gọi là lãng phí. Có lẽ vì “lịch sự” nên người ta không tiếc nước nhưng nên chăng chỉ “phục vụ” nước cho những ai trình bày nội dung gì đó từ 10 phút trở lên trở lên thôi.

Trong cuộc sống có những điều nhỏ nhặt nhưng nếu ý thức được chuyện phải tiếp kiệm nước để vì sự phát triển bền vững của đất nước và xa hơn là của hành tinh thì cũng nên quan tâm thực hiện. Đơn cử như trong trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể tiệt kiệm nước bằng cách tận dụng nước vo gạo, nước rửa rau, thịt cá để tưới hoa, cây cảnh….Còn nhiều lắm cách tiết kiệm nước đơn giản mà hiệu quả. Điều đó tùy thuộc vào ý thức, nhận thức của mỗi người.

Nước bao phủ 71% diện tích của quả đất nhưng trong đó có đến 97% là nước mặn, còn lại là nước ngọt. Dưới tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu, “hiệu ứng nhà kinh” và hiện tượng nước biển dâng thì việc sử dụng nước một cách hợp lý và tiết kiệm là vấn đề không thể xem nhẹ ngay từ hôm nay.Với ý thức sâu sắc trong việc tiết kiệm nước, chúng ta có thể có nhiều sáng kiến ưu việt hơn tùy theo hoàn cảnh mỗi người. Tiết kiệm nước sẽ trở thành thói quen khi tất cả mọi người trong gia đình, xã hội nhận thức được tầm quan trọng của nó. Nhờ vậy, chúng ta có thể cùng nhau tiết kiệm tiền, góp phần gìn giữ nguồn nước sạch, bảo vệ tài nguyên và môi trường không những cho hôm nay mà cho tương lai con cháu mai sau.

Dân Hùng