Hiện nay, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội ở nước ta đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; để cuộc đấu tranh hết sức cấp bách và cam go này đạt hiệu quả thì việc nghiên cứu và vận dụng sáng quan điểm của V.I. Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, lãng phí là rất thiết thực.
Quan điểm của V.I. Lênin về phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong xây dựng và bảo vệ chính quyền Xôviết
V.I. Lênin không có tác phẩm viết riêng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tuy nhiên, trong các bài nói, bài viết của mình, V.I. Lênin đã trực tiếp đưa ra quan điểm chỉ đạo về cách thức phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đó là kim chỉ nam cho Đảng và nhà nước Liên Xô lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí cho các cơ quan công quyền.
Sau khi cách mạng tháng Mười Nga thành công, chính quyền Xôviết non trẻ mới được thành lập, V.I. Lênin đã sớm nhận ra tác hại của tham nhũng đối với sự tồn vong của đảng, của chế độ. Ngày 2-5-1918, nhân việc tòa án nhân dân Mátxcơva xử nhẹ một vụ án hối lộ. V.I. Lênin không bằng lòng, và viết: “Không xử bắn lũ ăn của đút lót, mà xử một cách pha trò, mềm mỏng nhẹ nhàng như vậy, – đó là một điều xấu hổ cho những đảng viên cộng sản, cho những người cách mạng. Cần phải nêu những đồng chí đã ăn hối lộ ra để cho dư luận quở trách và cần phải đuổi họ ra khỏi Đảng”(1). Cách vài hôm sau, Lênin viết thư cho cán bộ tư pháp: “Phải lập tức đề nghị một đạo luật để trừng trị những vụ hối lộ (ăn hối lộ, tặng hối lộ, và những cách hối lộ khác). Ít nhất cũng phải phạt 10 năm giam cầm và 10 năm khổ sai”(2).
Trước những khó khăn của thời kỳ bắt đầu tạo dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga, V.I. Lênin chỉ ra sự cần thiết phải thực hiện chính sách “thắt lưng, buộc bụng”, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Báo cáo trước Đại hội lần thứ IV của Quốc tế Cộng sản, V.I. Lênin “Hiện nay, tình hình công nghệ nặng của Nga còn rất khó khăn. Nhưng chúng tôi đã tích trữ được một số vốn. Sau này chúng tôi cứ phải tích trữ như thế. Vốn liếng ấy thường thường do nhân dân mà ra, chúng tôi cần phải tiết kiệm từng li từng tí. Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu làm thế nào để giảm bớt ngân sách của Chính phủ, giảm bớt số nhân viên ở các cơ quan. Vô luận thế nào, chúng tôi cũng phải giảm bớt số nhân viên, cũng phải ra sức tiết kiệm. Tiết kiệm về mọi mặt, thậm chí chi tiêu cho các trường học cũng phải tiết kiệm. Phải làm như thế, vì nếu không cứu vãn công nghệ nặng, không khôi phục công nghệ, thì không xây dựng được công nghệ nào hết. Mà không xây dựng công nghệ, thì không giữ được địa vị độc lập của nước mình”(3).
Về thực hành tiết kiệm và chống nạn lãng phí, trong tác phẩm “Thà ít mà tốt”, V.I. Lênin viết: “Nước nhà mà chúng ta ra sức xây dựng là phải làm sao cho công nhân có thể lãnh đạo nông dân và giữ gìn lòng tin cậy của nông dân. Phải cực kỳ tiết kiệm để tẩy sạch những vết tích lãng phí… ”(4). Về cách chống bệnh quan liêu, thì Lênin nói: “Cần phải dùng nhiều hình thức và phương pháp kiểm tra từ dưới lên trên… để nhổ đi nhổ lại cho sạch hết những cỏ rác bệnh quan liêu”(5).
Như vậy, thái độ về phòng, chống tham nhũng, lãng phí của V.I. Lênin là rất kiên quyết ; những quan điểm đó chẳng những có giá trị chỉ đạo thực tiễn lúc bấy giờ, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiện nay ở Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, là người sáng lập ra nhà nước Việt Nam hiện đại – nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Là người đứng đầu một đảng cầm quyền và người đứng đầu Nhà nước, Người sớm nhận rõ được mối nguy hại của các tệ nạn gắn với nhà nước, với người có chức có quyền, nhất là trong điều kiện người có chức có quyền lại là đảng viên của một đảng cách mạng vừa lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc, xâm lược giành độc lập cho Tổ quốc.
Vì vậy, trong các bài nói và viết của mình, ngay từ những ngày đầu giành được chính quyền cho đến sau này, Người rất chú ý đến việc giáo dục cho cán bộ, đảng viên phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, và là người lãnh đạo nhà nước Việt Nam dân chủ đầu tiên đề cập đến việc chống các bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí…Những bệnh này cũng có thể được Hồ Chí Minh diễn đạt trong một thuật ngữ cổ hơn đó là “bất liêm”, mà ngày nay chúng ta gọi là tham nhũng. Nghiên cứu các tác phẩm của Hồ Chí Minh, chúng ta có thể thấy rằng Hồ Chí Minh là người Việt Nam hiện đại đầu tiên đã vạch rõ nguồn gốc, bản chất, các hình thức biểu hiện, các phương pháp phòng chống tham nhũng trong khu vực công và trong cả khu vực tư.
Định nghĩa chữ “Liêm”, Hồ Chí Minh viết: “Liêm là trong sạch, không tham lam”(6), Người chỉ ra một loạt các hành vi bất liêm dưới đây:
“Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên;
Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư;
Người buôn bán, mua 1 bán 10, hoặc mua gian bán lậu chợ đen chợ đỏ, tích trữ đầu cơ;
Người có tiền, cho vay cắt cổ, bóp hầu bóp họng đồng bào;
Người cày ruộng, không ra công đào mương mà lấy cắp nước ruộng của láng giềng;
Người làm nghề (bất cứ nghề gì) nhân lúc khó khăn mà bắt chẹt đồng bào;
Người cờ bạc, chỉ mong xoay của người làm của mình;
Dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm);
Gặp việc phải, mà sợ khó nhọc nguy hiểm không dám làm;
Gặp giặc mà rút ra, không dám đánh, tham sống sợ chết.
Hồ Chí Minh nhấn mạnh bất liêm là trộm cắp”(7).
Trong bài nói chuyện năm 1952 về “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Bác cho rằng, đứng về phía cán bộ mà nói, ăn cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân, ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình cũng là tham ô.
Về tác hại của của tệ tham ô, lãng phí và quan liêu, ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1945), Hồ Chí Minh đã coi trọng lên án những biểu hiện của sự tha hóa quyền lực nhà nước trong không ít cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Người luôn coi tham ô, lãng phí và quan liêu là ba kẻ thù hết sức nguy hiểm, Người viết: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của chính phủ”(8) nó là: “Kẻ thù khá nguy hiểm vì nó không mang gươm, mang súng mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng mọi việc của ta”(9).
Theo Hồ Chí Minh, trong ba kẻ thù trên, tham ô là kẻ thù nguy hiểm nhất, bởi đó là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội. Nó nguy hiểm đến mức mà Người từng xếp căn bệnh này ngang hàng với tội phản quốc. Năm 1946, khi trả lời các nhà báo nước ngoài, Người nói: “Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam, Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài”(10).
Bản chất của bệnh tham ô, theo Hồ Chí Minh, đó là “Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét của dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư”(11) là bất liêm, tức không trong sạch, tham lam mà ngày nay chúng ta gọi là tham nhũng.
Như vậy, theo Người, tham nhũng là hành vi gian lận, tham lam, là “dĩ công vi tư”, là không thương tiếc tiền gạo do mồ hôi nước mắt của đồng bào làm ra, do xương máu của chiến sĩ làm ra. Trong lúc các chiến sĩ, đồng bào phải hy sinh xương máu, mồ hôi nước mắt để xây dựng đất nước thì những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu lại phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ, của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi việt gian, mật thám. Do vậy, chống tham ô, lãng phí và quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như đánh giặc trên mặt trận.
Từ những hậu quả mà tham ô, lãng phí và quan liêu có thể đem lại nên Hồ Chí Minh xác định nó cũng là một thứ giặc nguy hiểm, “thứ giặc ở trong lòng”. Chưa xoá bỏ hết cái nọc nguy hiểm này thì cách mạng chưa thành công được, vì nó ngấm ngầm chống phá cách mạng, chống phá sự nghiêp dựng xây chế độ mới của ta. Vì vậy, Người nhắc nhở nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống “giặc nội xâm” này thì chưa làm tròn nhiệm vụ của mình.
Nguồn gốc của tham nhũng là do tha hóa quyền lực nhà nước, do thiếu dân chủ. Thiếu dân chủ, được Hồ Chí Minh xem xét từ hai phía. Thứ nhất, là từ phía cán bộ, công chức nhà nước mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Nguyên nhân là do: “Xa nhân dân… Khinh nhân dân… Sợ nhân dân… Không tin cậy nhân dân… Không hiểu biết nhân dân… Không yêu thương nhân dân… Thậm chí còn lừa phỉnh dân và dọa nạt dân”(12). Thứ hai, “Quan tham vì dân dại”. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm cũng phải hóa ra LIÊM. Vì vậy “dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ thực hiện chữ LIÊM” (13).
Bản chất của tham nhũng là chủ nghĩa cá nhân, là tính trục lợi, “Là người có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”(14). Vì thế, muốn chống tham nhũng, phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân với tất cả các biện pháp, trong đó “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”(15).
Trong bài viết “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn lời Xtalin về cách thức phòng, chống lãng phí và coi đây như một “nghệ thuật”, nhưng “nghệ thuật” đó không phải dễ: “Đồng chí Xtalin dạy chúng ta: “Phải tiết kiệm tiền bạc, lại phải chi tiêu tiền bạc ấy cho hợp lý. Không được phí phạm một đồng xu nào của dân. Phải dùng toàn bộ tiền bạc ấy vào công nghệ của nước ta. Không như vậy thì chúng ta sẽ vấp phải cái nguy hiểm lãng phí, cái nguy hiểm dùng tiền vào những việc không cần kíp cho sự phát triển công nghệ, cho sự bồi bổ kinh tế của nhân dân. Khéo tính toán, chi tiêu tiền bạc cho hợp lý – Đó là một nghệ thuật quan trọng. Nghệ thuật ấy không phải là dễ. Các cơ quan ta chưa thông thạo nghệ thuật ấy. Chúng ta còn rất kém về nghệ thuật ấy””(16).
Mặc dù “Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong Đảng và hệ thống chính trị từng bước được kiềm chế, ngăn chặn” (17); song, chưa được triệt tiêu hoàn toàn. Vì vậy, một trong các định hướng lớn bao quát những vấn đề phát triển quan trọng của đất nước trong giai đoạn 10 năm tới, trong đó có nhiều vấn đề mới, nổi bật, được Đảng ta xác định trong Văn kiện Đại hội XIII và kiên trì đó là: “…tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực”(18). Thực hiện định hướng này, càng đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta tiếp tục nghiên cứu, quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm của V.I. Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời, nhận thức rõ những tác động xấu của tham nhũng đối với việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và quyết tâm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hiệu quả của Đảng, Nhà nước ta, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong thời kỳ mới./.
TS. Nguyễn Duy Tiên/Học viện Chính trị BQP
Chú thích
(1) V.I. Lênin, Toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.346
(2) Sđd, V.I. Lênin, Toàn tập, tập 50, tr.91
(3) Sđd, V.I. Lênin, Toàn tập, tập 45, tr.333-334
(4) Sđd, V.I. Lênin, Toàn tập, tập 45, tr.458
(5) Sđd, tập 36, tr.220-221
(6) (7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.126; tr.126-127
(8) (9) (12) (16) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, tr.357; tr.357; tr.357; tr.176; tr.365
(10) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, tr.187-188
(11) (13) (14) (15) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, tr.126 ; tr.127; tr.127; tr.127
(17) (18) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2021, tr.22, tr.38.