Thứ ba, Tháng Một 7, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Tin tưởng triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam



ĐNA -

Theo tin từ Chính phủ, chiều 3/10/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Era Dabla-Norris, Trưởng đoàn giám sát của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về kinh tế vĩ mô và tài chính, tiền tệ của các nước hội viên đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Bà Era Dabla-Norris tin tưởng Việt Nam sẽ vượt qua được đoạn đường gập ghềnh thời gian tới để thực hiện được các mục tiêu trong trung và dài hạn – Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cảm ơn những hỗ trợ quý báu mà IMF đã dành cho Việt Nam từ những năm đầu phát triển đến nay, các hoạt động tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nhân lực thời gian gần đây, đặc biệt là các báo cáo phân tích, đánh giá và khuyến nghị cho các lĩnh vực quản lý kinh tế trong thời gian dịch bệnh COVID-19.

Thủ tướng hoan nghênh các biện pháp, phản ứng chính sách kịp thời và phù hợp mà IMF đã thực hiện trong hơn 2 năm qua giúp các nước vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch COVID-19; đánh giá cao việc IMF ban hành kịp thời Cơ chế chống sốc lương thực (khoản vay có thời hạn 1 năm dành cho các nước gặp khó khăn về cán cân thanh toán và khó khăn về tiếp cận nguồn lương thực) ngày 1/10/2022 vừa qua nhằm hỗ trợ các nước đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.

Trao đổi về tình hình kinh tế Việt Nam, Thủ tướng cho biết, cùng với việc tiếp tục kiểm soát dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam hiện duy trì ổn định và hồi phục tích cực. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, kinh tế tăng trưởng đều trên cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Lạm phát được kiểm soát ở mức 2,73%. Tỷ giá, lãi suất, thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm (thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22%; xuất nhập khẩu đạt gần 559 tỷ USD, tăng 14,2%, xuất siêu 6,52 tỷ USD; an ninh năng lượng (điện, xăng, dầu), an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu trên 5,4 triệu tấn gạo, xuất khẩu nông sản đạt 40,8 tỷ USD; thị trường lao động phục hồi nhanh, bảo đảm cung cầu lao động). Chính trị ổn định; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh phù hợp tình hình; uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng lên.

Thủ tướng ghi nhận những khuyến nghị, nhận định các khuyến nghị của Đoàn phù hợp với định hướng điều hành, Chính phủ và cơ quan liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét, áp dụng trong quá trình chỉ đạo, điều hành – Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cho biết công tác điều hành của Chính phủ Việt Nam đang được tiến hành theo hướng chủ động, chắc chắn, linh hoạt, kịp thời, quyết liệt, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với tình hình, điều kiện Việt Nam và yêu cầu thực tiễn; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, cũng không hoang mang, lo sợ trước tình hình, kiên quyết không điều hành giật cục, chuyển trạng thái đột ngột.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế, một tác động nhỏ bên ngoài có thể tác động lớn tới bên trong; trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam xác định gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn là cơ hội và thuận lợi, do cạnh tranh chiến lược gay gắt, giá nguyên vật liệu đầu vào biến động, áp lực lạm phát tăng cao, các nước điều chỉnh chính sách, ngân hàng Trung ương nhiều nước tăng lãi suất, các thị trường xuất khẩu lớn bị thu hẹp…

Việt Nam kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; triển khai chương trình phục hồi và phát triển với quy mô tương đương 4% GDP; phát triển các thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ… ổn định, lành mạnh, an toàn, bền vững…; tái cơ cấu và đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, mở rộng các thị trường xuất khẩu mới…

Thủ tướng đề nghị IMF ưu tiên hỗ trợ Việt Nam là một nước đang phát triển, trải qua nhiều năm chiến tranh, nền kinh tế đang chuyển đổi và còn nhiều khó khăn; tăng cường hoạt động tư vấn chính sách cho Chính phủ và các cơ quan hữu quan về điều hành kinh tế, đối phó với bối cảnh rủi ro gia tăng hiện nay; tiếp tục cung cấp các chương trình đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật cho các lĩnh vực quản lý kinh tế; tích cực hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo, thích ứng biến đổi khí hậu và chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, thương mại điện tử…

Tại buổi tiếp, bà Era Dabla-Norris chúc mừng Chính phủ Việt Nam về những thành quả phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2022 và các năm trước, trong đó có những thay đổi về mặt cấu trúc nền kinh tế rất đáng ngưỡng mộ. Năm 2021 và năm 2022, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục thành công so với nhiều nước khác nhờ việc tiêm chủng vaccine thành công, những giải pháp mạnh mẽ và hiệu quả của Chính phủ, cùng những nền tảng và bệ đỡ có được từ trước đại dịch.

Bà đánh giá cao các chính sách tiền tệ, tài khóa của Việt Nam; các công cụ chính sách được kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa là lý do giúp Chính phủ kiểm soát được lạm phát; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội được triển khai một cách chắc chắn; chính sách hỗ trợ hiệu quả các hộ gia đình và doanh nghiệp như miễn giảm thuế, phí…; Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp đã đưa ra nhiều quy định mới tích cực.

IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ khoảng 7-7,5%; lạm phát trung bình thấp hơn so với mục tiêu 4%, đồng thời thấp so với các nước trên thế giới và khu vực; các hoạt động sản xuất kinh doanh đang phục hồi mạnh mẽ và rộng khắp.

“Đây là điều chúng tôi không quan sát được ở các nền kinh tế khác, ví dụ, nhiều nước tăng trưởng tốt nhưng lạm phát rất cao. Chúng ta có thể thấy các tin xấu đến hằng ngày nhưng với Việt Nam thì chúng ta có căn cứ để tin tưởng rằng nhìn chung bức tranh kinh tế là tích cực bất chấp các cú sốc bên ngoài. Các yếu tố nền tảng của Việt Nam vẫn chắc chắn và các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào Việt Nam. Nếu thực hiện tốt các giải pháp thì Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua năm 2023 rất khó khăn và hướng tới năm 2024 một cách tích cực hơn nữa”, đại diện IMF phát biểu.

“Trong hai thập kỷ qua, điều khiến chúng tôi ngưỡng mộ nhất về đất nước và con người Việt Nam là sự quyết tâm và kiên định với mục tiêu của mình; chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ vượt qua được đoạn đường gập ghềnh thời gian tới để thực hiện được các mục tiêu trong trung và dài hạn”, bà nói.

Tuy nhiên, bà đồng ý với nhận định của Thủ tướng rằng tình hình đang có rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó áp lực lạm phát với Việt Nam đang gia tăng cùng với tốc độ phục hồi của kinh tế trong nước và các rủi ro từ tình hình thế giới. Đại diện IMF đưa ra nhiều khuyến nghị với Việt Nam, trong đó cần phối hợp các chính sách vĩ mô một cách cẩn trọng, đồng bộ, thống nhất, nhất quán và làm tốt công tác truyền thông chính sách để quản lý rủi ro, giảm nhẹ tác động của các lựa chọn chính sách; triển khai tốt chương trình phục hồi và phát triển…

Thủ tướng ghi nhận những khuyến nghị, nhận định các khuyến nghị của Đoàn phù hợp với định hướng điều hành, Chính phủ và cơ quan liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét, áp dụng trong quá trình chỉ đạo, điều hành.
Tiến Chí-Thanh Vân