Thứ Tư, Tháng 4 16, 2025
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Tình báo H3, một điệp viên huyền thoại, khiến kẻ thù kinh ngạc về bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần “thép”

Đại tá Nguyễn Văn Minh, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, điệp viên mang bí số H3 của Phòng Tình báo B2, với hơn 20 năm sống trong lòng địch

ĐNA -

Năm 2006, tại Mỹ diễn ra hội thảo quốc tế về “Tình báo trong chiến tranh Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu tình báo thuộc CIA tổ chức. Tại đây, một cựu nhân viên CIA đã nhận định rằng: “Đúng là phải có một điệp viên Cộng Sản từng nằm ngay trong lòng Bộ Tổng tham mưu (ngụy). Dường như người này không phải là sĩ quan cao cấp, không phải là tùy tùng thân cận của Tổng thống Thiệu, song chắc chắn nhân vật này đã gửi ra Bộ Chính trị Bắc Việt nhiều tin tình báo chiến lược”.

Điệp viên H3 hoạt động trong lòng địch suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Thông tin đó về sau đã được giải mật. Đó là Đại tá Nguyễn Văn Minh, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, điệp viên mang bí số H3 của Phòng Tình báo B2, với hơn 20 năm sống trong lòng địch.

Đại tá Nguyễn Văn Minh sinh năm 1933, tại Hưng Yên, trong một gia đình thợ thủ công. Lớn lên, ông vào Sài Gòn tìm việc làm, lòng yêu nước đã thôi thúc ông tìm đến với cách mạng. 20 tuổi, ông đã là một công nhân hoạt động bí mật cho Mặt trận Liên Việt giữa lòng Sài Gòn. Đến năm 1959, ông được Quận ủy Thủ Đức cử làm nhiệm vụ tìm cách lọt vào quân đội ngụy quyền Sài Gòn. Năm 1963, lợi dụng sự kiện chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm bị lật đổ, các phe phái ngụy quân, ngụy quyền chèn ép nhau để tranh quyền, đoạt lợi, ông đã tìm cách chui sâu vào hàng ngũ kẻ thù với chức danh nhân viên văn thư của Văn phòng Tổng tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Có. Không lâu sau đó, Nguyễn Cao Kỳ lật đổ Nguyễn Hữu Có nhưng với vỏ bọc là một nhân viên quân sự mẫn cán, tận tụy với công việc, được nhiều người trong Văn phòng quý mến nên ông được tân Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên tiếp tục tin dùng. Từ đó, H3 trở thành một trong 4 nhân viên văn thư của Văn phòng Tổng tham mưu trưởng.

Công việc hằng ngày của H3 là tiếp nhận và lưu trữ công văn đi, công văn đến giữa Văn phòng Tổng tham mưu trưởng với các cơ quan, đơn vị trong quân đội ngụy, đặc biệt là trao đổi công văn với Phủ Tổng thống, với các cơ quan Bộ Quốc phòng, các quân đoàn, quân khu.  Công việc này tạo cơ hội để H3 tiếp xúc với các tài liệu tối mật của địch. Chính vì vậy, những tài liệu, tin tức mà H3 cung cấp cho ta rất có giá trị, bảo đảm độ chính xác cao. Làm việc trong môi trường tối mật như vậy, H3 luôn bị các cơ quan mật vụ, an ninh của địch để ý, theo dõi nhưng ông đã tìm ra cách hoạt động để che mắt kẻ thù. Không thể tiến hành sao chụp tài liệu vì nếu làm như thế dễ bị lộ, H3 đã rèn luyện để ghi nhớ, chép lại toàn bộ các công văn ông tiếp xúc hằng ngày rồi chuyển về lưới tình báo do ông Hai Kim phụ trách.

Đến đầu năm 1975, ông đã báo cáo tin quan trọng có tính quyết định để ta củng cố quyết tâm giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975, đó là tin Mỹ trả lời ngụy quân, ngụy quyền: “Mỹ coi như chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc, Mỹ sẽ không chi viện cho quân ngụy bằng lực lượng chiến đấu của Mỹ”. Cùng với đó, các báo cáo của ông còn phân tích mối tương quan giữa lực lượng địch và viện trợ của Mỹ, giữa viện trợ và mức độ sử dụng bom đạn, phi vụ, cơ động của xe tăng, tàu chiến, việc bố trí binh lực tại các quân khu của quân ngụy…

Trong sự kiện 30/4/1975, khi Quân giải phóng đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy, chính H3 đã động viên các viên chức trong văn phòng của tướng Cao Văn Viên gìn giữ, niêm phong kho tàng, hồ sơ, bảo toàn tài liệu, máy móc trong văn phòng để bàn giao cho quân giải phóng.

Sau ngày đất nước thống nhất, Đại tá Nguyễn Văn Minh tiếp tục công tác trong quân đội một thời gian rồi nghỉ hưu theo chế độ. Ông sống khiêm nhường, giản dị, gần gũi với mọi người. Tháng 9/2009, điệp viên H3 từ trần trong thanh thản, để lại nỗi tiếc thương khôn nguôi trong tâm trí người thân và đồng đội. Ông là một trong những điệp viên mà khả năng giữ bí mật hoạt động đã trở thành huyền thoại, khiến kẻ thù kinh ngạc về bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần “thép” của ông.

Thế Nguyễn