Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc, Việt Nam và Lào luôn kề vai sát cánh, đoàn kết chặt chẽ với nhau, đặc biệt là tình đoàn kết chiến đấu chống lại kẻ thù chung. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có rất nhiều chiến thắng vẻ vang thể hiện Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân hai nước đã phát huy cao nhất truyền thống đó, tiêu biểu là Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào (phản công, từ ngày 30/1 đến 23/3/1971).

Bối cảnh, diễn biến chính của Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào
Thực hiện mục tiêu của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Mỹ ngụy cho rằng phải cắt đứt hoàn toàn tuyến vận tải chiến lược của ta, làm cho cách mạng miền Nam tàn lụi. Khu vực Đường 9 – Nam Lào là một trong những trọng điểm cần phải tập trung lực lượng đánh phá. Từ ngày 8/2/1971, địch mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 (kết hợp với các cuộc hành quân khác ở Kon Tum và Đông Bắc Campuchia) nhằm phân tán lực lượng của ta, đồng thời chia cắt tuyến hành lang chiến lược của ta ở ba điểm Sêpôn, Atôpư, Mỏ Vẹt – Lưỡi Câu, trọng điểm là Sêpôn.
Để thực hiện cuộc hành quân này, lực lượng địch huy động lúc cao nhất lên tới 55 nghìn quân, gồm có 15 trung đoàn bộ binh, dù, thủy quân lục chiến, 3 lữ đoàn thiết giáp (587 xe tăng, xe bọc thép), 21 tiểu đoàn pháo binh (318 khẩu), 1000 máy bay các loại…. Ngoài ra, còn có khoảng 9 tiểu đoàn bộ binh thuộc 2 binh đoàn cơ động ngụy Lào (GM 31, GM 33) tham gia phối hợp đánh ra vùng Mường Noọng, Mường Phìn ở phía Tây Đường 9.
Trước âm mưu và hành động của địch, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch phản công tiêu diệt lớn quân địch. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan triển khai xây dựng kế hoạch tác chiến, tổ chức lực lượng, chuẩn bị chiến trường chu đáo, chính xác, tạo thế trận phản công địch. Đặc biệt, về mặt lực lượng, chúng ta hình thành B70, tiếp đó là B702 – Mặt trận Đường 9 – Nam Lào gồm: 5 sư đoàn bộ binh (308, 304, 320, 324, 2); 4 tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp (177, 197, 241, 491); 4 trung đoàn pháo binh (368, 38, 45, 84); 4 trung đoàn phòng không (230, 237, 241, 491); 3 trung đoàn công binh (7, 83, 219), một số tiểu đoàn đặc công của Bộ; một số lực lượng chiến đấu tại chỗ của Đoàn 559; Mặt trận B4, B5; một số tiểu đoàn, đại đội độc lập chủ lực Bộ và địa phương Quân giải phóng nhân dân Lào. Đồng chí Lê Trọng Tấn là Tư lệnh, đồng chí Lê Quang Đạo là Chính ủy Mặt trận Đường 9 – Nam Lào.
Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào diễn ra ba đợt. Đợt 1: từ ngày 30/1 đến ngày 7/2/1971, địch điều động triển khai lực lượng, ta triển khai thế trận, chuẩn bị đánh địch. Đợt 2: từ ngày 8/2 đến ngày 11/3/1971, địch đánh chiếm Bản Đông, phát triển lên Sêpôn, ta chặn địch từng bước và quyết tâm chặn đứng quân địch ở Bản Đông. Đợt 3: từ ngày 12/3 đến ngày 23/3/1971, địch dừng lại và rút lui, ta chuyển sang tiến công địch và đánh địch rút chạy.
Sau 45 ngày chiến đấu, toàn bộ địch ở Đường 9 – Nam Lào bị ta quét sạch: diệt 02 lữ đoàn, 01 trung đoàn bộ binh, 05 tiểu đoàn, 04 thiết đoàn, 08 tiểu đoàn pháo, đánh thiệt hại nặng Sư đoàn dù, Sư đoàn 1 bộ binh, Sư đoàn thủy quân lục chiến, bắn rơi và phá hủy 556 máy bay, 43 tàu, xà lan, 1.138 xe quân sự, 112 khẩu pháo và súng cối cỡ lớn(1).
Với thắng lợi này, ta đã đánh bại một bước quan trọng, mở ra triển vọng thực hiện đánh bại hoàn toàn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và học thuyết Níchxơn ở Đông Dương của đế quốc Mỹ, có ý nghĩa to lớn với cục diện chiến tranh, không những ở miền Nam nước ta mà ở cả bán đảo Đông Dương. Đây là thành quả của đường lối lãnh đạo, nghệ thuật quân sự sáng suốt, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ, đoàn kết chiến đấu của quân và dân Việt Nam – Lào.

Biểu hiện tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam – Lào trong Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào
Thứ nhất, phát huy tình đoàn kết chiến đấu giữa hai nước trong lịch sử
Tình đoàn kết chiến đấu giữa Việt Nam – Lào trong đấu tranh chống kẻ thù chung đã được tạo dựng và vun đắp trong lịch sử, nhất là trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong đó, quân và dân ta (nòng cốt là chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam tại Lào) đã luôn sát cánh với quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào chiến đấu, từng bước đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: Các đoàn quân tình nguyện đã luôn sát cánh cùng với quân và dân Lào chiến đấu, giúp bạn từ công tác nghiên cứu nắm địch, chuẩn bị lực lượng, hậu cần, vũ khí trang bị đến vận dụng các hình thức đánh địch đạt hiệu quả chiến đấu cao.
Đầu năm 1951, Đoàn 80 Quân tình nguyện đã cùng với một số đơn vị Quân đội Lào Ít-xa-la tổ chức nhiều trận phục kích địch ở Mường Chanh, Bản Xiềng, Xốp Hào, Mường Pua… Tiếp đó, tập kích đồn Xốp Xan, bao vây tiến công các đồn Mường Loọng, Xiềng Khọ, gây cho địch nhiều thiệt hại. Ở Trung Lào, Đoàn 280 Quân tình nguyện phối hợp với Bạn tập kích đồn Nậm Pha Năng (19/2/1951), phục kích ở La Hà Nậm; đánh địch càn vào các khu vực Ba Na Phào, Đồng Hến, Nhôm Ma Lạt… gây cho chúng một số thiệt hại. Ở Hạ Lào, các đơn vị Quân tình nguyện phối hợp với bạn đẩy mạnh chiến tranh du kích chống địch càn quét, giữ vững thế trận ở khu vực Bô Lô Ven. Trên đường 13 và vùng Mường Mun, ta và Bạn tiến công diệt đồn Xu Ma Kha cùng một số vị trí khác.
Những trận đánh nhỏ lẻ bằng các hình thức tập kích, phục kích cùng những trận chống địch càn quét của Quân tình nguyện và Quân đội Lào Ít-xa-la những năm 1951-1952 và đầu năm 1953 thắng lợi đã mở ra khả năng chuyển sang đánh nhiều trận liên tiếp; đồng thời phối hợp với các đơn vị quân chủ lực Việt Nam sang mở những chiến dịch lớn. Đó là các chiến dịch Thượng Lào (13/4 đến 18/5/1953), Trung Lào (21/12/1953 đến 4/1954), Thượng Lào (29/1 đến 13/2/1954), Hạ Lào – Đông Bắc Campuchia (31/1 đến 4/1954), đã tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng và củng cố các vùng giải phóng ở Thượng Lào, Trung Lào và Hạ Lào. Những thắng lợi đó đã làm thất bại âm mưu, thủ đoạn bình định của địch, chia rẽ tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Lào – Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ: Các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với lực lượng vũ trang Lào mở các chiến dịch lớn như: Chiến dịch Nậm Thà (năm 1962), 128, 74A (năm 1964) , Nậm Bạc (năm 1968), Mường Sủi (năm 1969), Toàn Thắng (năm 1970).
Với vai trò nòng cốt, Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục chủ động phối hợp với lực lượng vũ trang Pa-thét Lào đẩy mạnh các hoạt động tác chiến ở vùng Trung và Hạ Lào, cùng thực hiện thắng lợi chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ – ngụy tại khu vực Đường 9 – Nam Lào. Những thắng lợi về quân sự của quân và dân hai nước trong các Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào (1/1971), Chiến dịch Cánh Đồng Chum – Mường Sủi (4/1972), Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng (11/1972)… làm tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giành thắng lợi từng bước về quân sự, hỗ trợ cuộc đấu tranh chung của nhân dân nước bạn Lào, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, tiến tới đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” của để quốc Mỹ ở Lào; góp phần thúc đẩy tình thế và cùng với các đòn tiến công và nổi dậy của quân và dân Nam Bộ, Tây Nguyên trên chiến trường chính Việt Nam, làm cho địch thất bại từng bước tiến tới thất bại hoàn toàn.
Thứ hai, sự thống nhất về tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo hai nước trong chiến dịch
Những năm 1970 – 1971, trước âm mưu và hoạt động của địch, nhận rõ tầm quan trọng của mặt trận Đông Dương nói chung, ở Việt Nam, Lào nói riêng, lãnh đạo hai nước đã thống nhất tư tưởng chỉ đạo phải phối hợp, đoàn kết chiến đấu giữa quân và dân hai nước cùng chống lại kẻ thù chung là đế quốc Mỹ.
Tại Hội nghị cấp cao nhân dân Đông Dương tại Trung Quốc ngày 24/4/1970, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhấn mạnh: đây là hội nghị tăng cường đoàn kết, siết chặt hàng ngũ của nhân dân Campuchia, nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam để kiên trì và đẩy mạnh cuộc chiến đấu ngoan cường và quyết liệt, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn(2). Riêng đối với mặt trận Lào, Đảng ta cũng xác định: “Giúp đỡ bạn và phối hợp với bạn mở rộng và xây dựng vùng Trung, Hạ Lào thành căn cứ địa ngày càng vững mạnh, phải có kế hoạch sẵn sàng đánh bại các cuộc tiến công lớn hoặc những hành động lấn chiếm, bảo vệ hành lang chiến lược của ta”(3).
Về phía Lào, sau chiến thắng mùa khô 1969 – 1970, ngày 25/6/1970, Ban thường vụ Trung ương Ðảng Lào họp đã có nhận định: hướng Trung, Hạ Lào trong hai năm tới sẽ càng trở lên đặc biệt quan trọng vì liên quan trực tiếp đến tuyến vận tải chiến lược 559 của Việt Nam. Tiếp đó, tháng 10/1970, Quân ủy Trung ương Lào đã ra nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ, kế hoạch quân sự mùa khô 1970 – 1971, xác định: ‘Phải chuẩn bị sẵn sàng đánh bại mọi cuộc tiến công quy mô lớn của quân ngụy Sài Gòn và một số quân Mỹ, quân Thái-lan vào Trung, Hạ Lào và Cánh Ðồng Chum Xiêng Khoảng… phải phối hợp chặt chẽ với chiến trường miền nam Việt Nam và Cam-pu-chia sẵn sàng đón thời cơ giành thắng lợi lớn hơn…”(4). Ðồng thời, Tổng Quân ủy và Bộ chỉ huy tối cao Lào quyết định thành lập năm cụm chiến đấu (tương đương trung đoàn) bố trí sẵn ở những khu vực quan trọng, trong đó hướng Nam Lào bố trí hai cụm.
Như vậy, lãnh đạo hai nước đều thống nhất tư tưởng chỉ đạo phải phối hợp, đoàn kết chiến đấu giữa quân và dân Việt Nam – Lào nhằm đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ. Đây là nhân tố hết sức quan trọng quyết định đến công tác chuẩn bị lực lượng, kế hoạch hiệp đồng tác chiến và chiến thắng của Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào.
Thứ ba, sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của quân và dân hai nước trong thực hiện nhiệm vụ
Thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 – Nam Lào, quân và dân hai nước đã đoàn kết chiến đấu, phối hợp nhịp nhàng trong cả ba đợt của chiến dịch.
Đợt 1: từ ngày 30/1 đến ngày 7/2/1971. Khi địch bắt đầu mở cuộc hành quân Lam Sơn 719, Quân giải phóng miền Nam và Quân giải phóng nhân dân Lào gấp rút cơ động lực lượng, triển khai thế trận, tổ chức các chốt ngăn chặn địch ở Cô Bốc, Cơ Rốc; các điểm cao 660, 723, 351, khu vực cầu Cha Ky án ngữ trục đường số 9. Đồng thời, bộ đội đặc công và lực lượng vũ trang Mặt trận B5 đánh địch ở Xuân Khánh, Vinh Quang Thượng, Vinh Quang Hạ, Bông Nho, Đầu Mầu, Kế Sóc, Ba Lào, gây cho địch một số thiệt hại, làm chậm bước triển khai lực lượng để tiến công của chúng. Trong khi đó, tại khu vực Nam Lào, ta giúp bạn huy động toàn bộ lực lượng của Quân khu Nam Lào và tỉnh Xavannakhẹt triển khai thế trận, bố trí lực lượng, sẵn sàng phối hợp với các đơn vị của ta đánh địch.
Đợt 2: từ ngày 8/2 đến ngày 11/3/1971. Khi địch tổ chức đánh chiếm Bản Đông, phát triển lên Sêpôn, lực lượng của ta trên các hướng đã dũng cảm chiến đấu, ngăn chặn, làm chậm bước tiến của chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội chủ lực cơ động triển khai đội hình, đánh những trận tập trung tiêu diệt lớn: Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) đánh địch ở điểm cao 543, tiêu diệt Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn pháo binh, bắt toàn bộ Ban Tham mưu Lữ đoàn 3 dù, bẻ gãy cánh quân phía Bắc; Trung đoàn bộ binh 24 (Sư đoàn 304) ngăn chặn địch ở Bản Đông tại khu vực chủ yếu trục đường 9; Sư đoàn 324 (thiếu) và lực lượng tại chỗ Đoàn 559 đánh thiệt hại nặng lực lượng địch ở phía Nam; Trung đoàn bộ binh 141 (Sư đoàn 2) và Trung đoàn bộ binh 48 (Sư đoàn 320) phối hợp với một bộ phận Quân giải phóng nhân dân Lào đánh thiệt hại nặng ba Tiểu đoàn quân ngụy Lào ở Pha Dô Tuya trên hướng Tây đường số 9; Sư đoàn 2 (thiếu) cùng Sư đoàn 324 (thiếu) và lực lượng vũ trang địa phương bao vây Sư đoàn 1, Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến của địch tại các điểm cao 723, 550, 532, diệt tám đại đội, bắn rơi 40 máy bay trực thăng…. Trước sự phối hợp tác chiến nhịp nhàng, chặt chẽ của quân và dân Việt – Lào, đến ngày 11/3/1971, ta đã chặn đứng các mũi tiến công của địch, giữ vững hệ thống kho tàng, hành lang vận chuyển chiến lược phía Tây đường Trường Sơn, tạo thế phát triển chiến dịch, từ phối hợp tác chiến phản công chuyển sang phối hợp tác chiến tiến công quy mô lớn.
Đợt 3: từ ngày 12/3 đến ngày 23/3/1971. Trên đà thắng lợi, Quân giải phóng miền Nam và Quân giải phóng nhân dân Lào liên tục tiến công địch trên toàn tuyến. Ở phía Nam đường số 9, Sư đoàn 2 (thiếu) được tăng cường một Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn bộ binh 48 (Sư đoàn 320) vây lấn tiến công địch ở điểm cao 723 (Phu Riệp). Ở phía Tây đường số 9, các tổ công tác của Đoàn 565 phối hợp với các đại đội 91, 93 Quân giải phóng nhân dân Lào và du kích chặn đánh, tiêu diệt nhiều sinh lực địch khi chúng từ Huội Mun, Tùm Lan tiến ra hỗ trợ quân đội Sài Gòn đánh vào Mường Noọng. Một tổ chuyên gia khác cùng Tiểu đoàn 14 Quân khu Trung Lào tổ chức các trận phục kích ở khu vực Đồng Một, Huội Xa La, đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn và Sở Chỉ huy GM31 của địch, buộc chúng phải rút chạy về Xê Xăng Xoi. Ở Phu Tin Tốc, hỏa lực ĐKB của Quân giải phóng nhân dân Lào đánh thiệt hại nặng GM32 khi chúng triển khai đội hình chiến đấu. Ở hướng đường số 9, ta tập trung lực lượng lớn bao vây, cô lập, đánh thiệt hại nặng địch ở Bản Đông, buộc chúng phải rút chạy. Lực lượng của ta và bạn giải phóng Bản Đông và chuyển sang truy kích địch rút chạy.
Ngày 23/3/1971, Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào kết thúc thắng lợi. Các đơn vị Quân giải phóng miền Nam được giao nhiệm vụ đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch phối hợp tác chiến với các đơn vị Quân giải phóng nhân dân Lào, góp phần to lớn vào thắng lợi của chiến dịch.
Sau Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam – Lào tiếp tục được Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân hai nước vun đắp, phát huy đã góp phần quan trọng “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Phát huy tình đoàn kết hữu nghị Việt – Lào hiện nay
Những năm gần đây, quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước tiếp tục quan tâm vun đắp, củng cố, tăng cường, coi đây là quy luật giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của mỗi nước. Hai bên tiếp tục khẳng định hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh là một trong những trụ cột hết sức quan trọng trong quan hệ đặc biệt giữa hai nước; nhất trí tăng cường phối hợp, triển khai đầy đủ và hiệu quả các nội dung hợp tác với mục tiêu củng cố và tăng cường hơn nữa sự tin cậy, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân và quân đội hai nước, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị – xã hội để xây dựng đất nước và làm thất bại âm mưu chia rẽ mối quan hệ hữu nghị vĩ đại và tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào.
Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng nước ta và nước bạn Lào bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; tìm cách can thiệp, chia rẽ tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào bằng những thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt. Trước tình hình đó, các thế hệ hôm nay và mai sau phải luôn coi trọng, làm hết sức mình để củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới, đúng như tinh thần Điện mừng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào nhân dịp kỷ niệm lần thứ 47 Quốc khánh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (02/12/1975 – 02/12/2022): “chúng tôi hết sức vui mừng nhận thấy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt, trong sáng, gắn bó thuỷ chung và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, Nhà nước và Nhân dân hai nước Việt Nam – Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane (Cay-sỏn Phôm-vi-hản) và Chủ tịch Souphanouvong (Xu-pha-nu-vông) cùng các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mỗi nước, đã và đang không ngừng được củng cố và phát triển, ngày càng hiệu quả và thực chất, đáp ứng được nguyện vọng và lợi ích của hai nước chúng ta. Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam trước sau như một nguyện cùng Đảng, Nhà nước và Nhân dân các dân tộc Lào anh em quyết tâm giữ gìn và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, coi đây là tài sản vô giá đối với sự nghiệp cách mạng của mỗi nước, đồng thời đóng góp tích cực cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.”(5).
Thượng tá, ThS Nguyễn Ngọc Hương/Học viện Chính trị BQP
Chú thích
(1, 2) – Lịch sử quân sự Việt Nam, Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975), tập 11, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 333-334, tr. 313.
(3) – Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 31, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.255.
(4) – Lịch sử Quân đội nhân dân Lào – bản tiếng Việt, lưu Viện lịch sử quân sự Việt Nam, tr. 213.
(5) – Điện mừng Quốc khánh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 01/12/2022.
https://dangcongsan.vn/thoi-su/dien-mung-quoc-khanh-nuoc-cong-hoa-dan-chu-nhan-dan-lao-626263.html