Chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy là bước đi chiến lược nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phục vụ phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, các thế lực phản động, cơ hội chính trị lợi dụng quá trình này để tung ra luận điệu sai trái như “tinh gọn bộ máy là bước lùi”, nhằm xuyên tạc, gây hoài nghi trong dư luận. Bài viết làm rõ bản chất của những luận điệu trên, khẳng định tính đúng đắn của chủ trương tinh gọn, đồng thời đề xuất giải pháp đấu tranh phản bác âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù.
Từ khóa: Tinh gọn bộ máy; luận điệu sai trái; bảo vệ nền tảng tư tưởng
Cải cách bộ máy hành chính nhà nước là yêu cầu cấp thiết trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trong đó, tinh gọn bộ máy được xác định là một trong những trọng tâm then chốt. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII xác định: “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đây là một chủ trương lớn, bước đi tất yếu, một “bước tiến chiến lược” thể hiện tư duy đổi mới sâu sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, trên hành trình thực hiện chiến lược quan trọng này, đã và đang xuất hiện không ít luận điệu sai lệch, cố tình gán ghép, xuyên tạc rằng: “Tinh gọn bộ máy là bước lùi của sự phát triển; bước lùi về lịch sử – văn hóa”. Đây là một luận điệu sai trái, không chỉ lệch lạc về nhận thức mà còn mang tính kích động, bóp méo bản chất cải cách, làm suy yếu niềm tin chính trị và cản trở bước tiến của Việt Nam trước thềm kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
1. Luận điệu xuyên tạc “Tinh gọn bộ máy là bước lùi” của các thế lực thù địch
Chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy của Đảng và Nhà nước ta là một bước đi chiến lược, mang dấu ấn tư duy cải cách quyết liệt, nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phù hợp với yêu cầu phát triển trong thời đại mới. Tuy nhiên, trên hành trình đổi mới đó, đã xuất hiện những luận điệu xuyên tạc tinh vi, núp bóng dưới vỏ bọc “lo lắng cho dân, giữ gìn truyền thống” nhằm gieo rắc hoài nghi, chống phá bằng cách đánh vào nhận thức và cảm xúc của một bộ phận quần chúng. Trong số đó, nổi bật lên là hai loại ngụy biện chính: “tinh gọn là bước lùi của sự phát triển” và “Tinh gọn là bước lùi về lịch sử – văn hóa”.
Thứ nhất, luận điệu cho rằng “tinh gọn là bước lùi của sự phát triển” thực chất là một dạng đánh tráo bản chất khái niệm. Họ dùng những hiện tượng cục bộ, tạm thời trong giai đoạn tổ chức sắp xếp để suy diễn, quy chụp, võ đoán bản chất của cải cách. Chẳng hạn, chúng chỉ ra rằng sau khi tinh gọn bộ máy, số lượng cán bộ không giảm mà có khi lại tăng, lương cao hơn, rồi quy kết rằng tinh gọn chỉ là đổi tên, đánh bóng hình thức. Cách lập luận này đang đánh đồng giữa bản chất và hiện tượng, nội dung và hình thức, chất và lượng. Họ cố tình phóng đại một vài trường hợp cục bộ để phủ định toàn bộ chiến lược tự đổi mới. Trong khi đó, tinh gọn tổ chức bộ máy là để tăng cường hiệu năng, hiệu quả và sự đồng bộ trong quá trình vận hành hệ thống chính trị.

Thứ hai, luận điệu cho rằng tinh gọn là “bước lùi lịch sử – văn hóa” lại đánh vào tâm lý hoài cổ, cảm xúc văn hóa của một bộ phận người dân. Họ cho rằng việc sáp nhập đơn vị hành chính là xóa địa danh lịch sử, là xóa truyền thống. Nhưng đó là một sự nhầm lẫn tai hại giữa vấn đề tổ chức hành chính với di sản văn hóa. Văn hóa không nằm ở tên gọi hay địa giới, mà định hình bởi lối sống, giá trị, truyền thống, ý thức cộng đồng được giữ gìn bằng nhiều cách. Cái cớ “bảo vệ bản sắc” đã bị lợi dụng như một vỏ bọc cảm xúc nhằm ngáng trở sự đổi mới.


Cả hai loại luận điệu trên đều là những thủ đoạn ngụy biện có chủ đích, nhằm phục vụ âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước ta trong việc triển khai chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy. Đó là sự ngụy biện đánh tráo giữa bản chất và hiện tượng, nội dung và hình thức, số lượng và chất lượng – một cái bẫy tư duy cổ điển nhưng đầy hiểm độc. Thực tiễn đã chứng minh, số lượng đông không đồng nghĩa với sức mạnh, càng không phản ánh hiệu quả. Trong một cỗ máy, không phải cứ nhiều bánh răng là vận hành nhanh hơn, mà quan trọng là sự đồng bộ, ăn khớp và hiệu suất tối ưu. Bộ máy hành chính cũng vậy: nếu đông nhưng chồng chéo, trùng lặp, rối rắm trong phân quyền và lỏng lẻo trong kiểm soát, thì chỉ tạo ra độ trễ trong xử lý công việc, phát sinh tình trạng quan liêu, lãng phí, vô trách nhiệm – trở thành gánh nặng cho nhân dân, lực cản cho phát triển. Tương tự, sáp nhập đơn vị hành chính không hề đồng nghĩa với việc xóa bỏ truyền thống hay làm mai một bản sắc văn hóa. Luận điệu đó là sự đánh đồng sai lệch giữa địa giới hành chính với không gian văn hóa – giữa tên gọi của một đơn vị với căn cốt của một nền nếp cộng đồng. Văn hóa không nằm trong các ranh giới hành chính, mà tồn tại trong con người, trong di sản tinh thần được bồi đắp, gìn giữ và truyền nối qua các thế hệ. Do đó, luận điệu cho rằng tinh gọn bộ máy là “xóa sổ văn hóa” thực chất chỉ là một mưu đồ chính trị được ngụy trang bằng vỏ bọc cảm xúc hoài cổ. Mục đích sau cùng của nó là phá hoại niềm tin của nhân dân vào công cuộc cải cách của Đảng, tạo ra mâu thuẫn giả tạo giữa hiện đại và truyền thống, giữa đổi mới và gìn giữ. Trong khi thực tế cho thấy: chỉ khi tổ chức bộ máy hiệu quả, quản trị tinh gọn, nguồn lực được phân bổ hợp lý thì mới có điều kiện và năng lực để bảo tồn di sản văn hóa một cách bền vững và có chiều sâu. Vì vậy, gọi “tinh gọn là bước lùi” chẳng khác nào lấy sự cồng kềnh làm chuẩn mực, lấy trì trệ làm thước đo phát triển – một sự ngụy biện không chỉ phản khoa học, phản thực tiễn, mà còn thể hiện tư duy lạc hậu, đáng báo động, cần được đấu tranh, vạch trần và bác bỏ một cách quyết liệt.
2. Luận cứ phản bác luận điệu xuyên tạc “Tinh gọn bộ máy là bước lùi” của các thế lực thù địch
Để phản bác những luận điệu xuyên tạc cho rằng “tinh gọn là bước lùi” hay “tinh gọn là xóa bỏ văn hóa”, cần xuất phát từ nền tảng lý luận vững chắc và thực tiễn cách mạng phong phú của dân tộc ta. Bởi việc tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước không phải là một sự lựa chọn mang tính nhất thời hay hành động mang động cơ chính trị nào đó như các thế lực thù địch cố tình gán ghép, mà là một tất yếu khách quan, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong từng giai đoạn.
Một là, tinh gọn bộ máy là sự vận dụng sáng tạo chân lý khoa học vào thực tiễn đất nước.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước không phụ thuộc vào số lượng đông đảo, mà chủ yếu nằm ở chất lượng tổ chức và con người. V.I. Lênin từng nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải tinh gọn bộ máy nhà nước vô sản, với đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, hành động gương mẫu và hiệu quả. Người chỉ rõ: “Phải tuân theo quy tắc này: thà ít mà tốt. Phải tuân theo quy tắc này: thà mất hai năm hay thậm chí ba năm, còn hơn là hấp tấp vội vàng mà không có chút hy vọng nào đào tạo được một nhân liệu tốt”. Trước tình trạng trì trệ, kém hiệu quả của bộ máy nhà nước, V.I. Lênin đã đưa ra yêu cầu cải cách toàn diện, không chỉ về mô hình tổ chức mà còn về con người vận hành hệ thống đó. Ông cảnh báo rằng quá trình tinh gọn sẽ vấp phải nhiều lực cản, kháng cự mạnh mẽ và không thể mang lại hiệu quả ngay lập tức: “Công tác ấy, ít nhất là trong những năm đầu, sẽ vô cùng ít hiệu quả”. Về vấn đề nhân sự, Lênin dứt khoát bác bỏ các tiêu chí mang tính hình thức, cho rằng “phải vứt bỏ ngay tất cả những tiêu chuẩn chung về số lượng nhân viên”, và nhấn mạnh phải lựa chọn đội ngũ cán bộ bằng quy trình kiểm tra nghiêm ngặt, dựa trên phẩm chất chính trị và năng lực thực tiễn: “Phải lựa chọn đặc biệt cẩn thận… phải là những người cộng sản không thể chê trách được”. Như vậy, tinh thần cốt lõi của chủ nghĩa Mác – Lênin là tinh gọn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả; là cải cách để loại bỏ những mắt xích trì trệ, tạo nên một bộ máy khoa học, vận hành thông suốt với nguồn lực tinh hoa nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng để lại nhiều chỉ dẫn quý báu về xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, phục vụ tốt nhất cho nhân dân. Theo Người, sắp xếp tổ chức bộ máy không phải là một biện pháp tình thế mà là việc làm có tính quy luật, cần thực hiện thường xuyên, liên tục, nhất quán trong quá trình xây dựng hệ thống chính trị của dân, do dân, vì dân. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Hồ Chí Minh đã nêu rõ yêu cầu tinh gọn gián tiếp qua các bài viết như: “Cách tổ chức các ủy ban nhân dân” (11/9/1945), “Thiếu óc tổ chức – một khuyết điểm lớn trong các ủy ban nhân dân” (04/10/1945), “Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” (17/10/1945), “Bỏ cách làm tiền ấy đi” (17/10/1945)… Đánh giá về bộ máy hành chính, Người từng chỉ rõ: “Từ các bộ, các ngành và các địa phương, bộ máy đều quá cồng kềnh và càng ngày phình ra. Vì vậy mà sinh ra quan liêu, lãng phí”. Tinh thần xuyên suốt của Người là phải thường xuyên rà soát, sắp xếp, chấn chỉnh tổ chức bộ máy một cách hợp lý, khoa học để “làm được nhiều việc ích lợi cho nhân dân”. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu, Người nhấn mạnh: “Chấn chỉnh bộ máy chính quyền từ dưới lên trên, bắt đầu từ xã, dưới làm lên trên, trên làm xuống dưới, tự nhiên mọi việc sẽ thành”. Tinh gọn phải tiến hành đồng bộ, hệ thống, trên dưới nhất quán, “ít tốn người tốn của mà làm được nhiều việc ích lợi cho nhân dân”. Quan điểm đổi mới của Hồ Chí Minh cũng rất rõ ràng khi nói về vấn đề giữ gìn và phát triển truyền thống: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm”. Do đó, nếu chỉ vì lo ngại ảnh hưởng đến ranh giới hành chính, truyền thống địa phương mà tiếp tục duy trì bộ máy rườm rà, thiếu hiệu quả thì chính là đi ngược lại tư tưởng đổi mới và lợi ích lâu dài của đất nước, của nhân dân.

Hai là, tinh gọn bộ máy nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều vận hội lịch sử, Việt Nam đứng trước yêu cầu cấp thiết phải nâng tầm năng lực quản trị quốc gia. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình chuyển đổi số toàn cầu, sự nổi lên của trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, cùng với sự phân hóa giàu nghèo, cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt… đang tái định hình sâu sắc mọi cấu trúc xã hội và phương thức vận hành của nhà nước hiện đại. Trong bối cảnh ấy, chỉ những quốc gia có thể thích nghi nhanh, cải cách kịp thời, quản trị hiệu quả và hành động quyết đoán mới có thể vươn lên chiếm lĩnh những vị thế chiến lược trong chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, tinh gọn tổ chức bộ máy không còn là lựa chọn, mà là mệnh lệnh của thời đại.
Thực tiễn phát triển cho thấy: mọi bước tiến vĩ đại của một quốc gia đều gắn liền với quá trình cải cách bộ máy nhà nước – nơi đảm bảo năng lực điều hành, tổ chức thực thi và bảo vệ lợi ích quốc gia. Một bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, kém hiệu quả sẽ trở thành “lực cản nội sinh” làm trì trệ quá trình ra quyết định, tạo ra chi phí hành chính lớn, cản trở sự phát triển và làm xói mòn niềm tin của nhân dân. Ngược lại, một bộ máy tinh gọn, khoa học, vận hành trơn tru sẽ là “lực kéo chiến lược” giúp hiện thực hóa khát vọng phát triển trong thời đại mới.
Với Việt Nam, yêu cầu xây dựng bộ máy “tinh – gọn – mạnh – hiệu lực – hiệu quả” là đòi hỏi bức thiết trong tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước đến năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra: đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Muốn vậy, bộ máy nhà nước phải không chỉ làm tốt vai trò quản lý mà còn phải đóng vai trò kiến tạo phát triển, dẫn dắt đổi mới và tạo lập môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển bền vững.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã xác định Đại hội XIV của Đảng là cột mốc mở đầu cho “kỷ nguyên phát triển mới” – nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện chín muồi để Việt Nam có thể bứt phá về thể chế, tư duy, năng lực quản trị và nguồn lực phát triển. Trong bảy định hướng chiến lược được nêu rõ tại phát biểu của Tổng Bí thư, việc xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả là định hướng thứ ba – mang tính trụ cột trong toàn bộ tiến trình cải cách, là then chốt để mở khóa những tiềm năng bị “ám ảnh” bởi cơ chế cũ, cách làm cũ. Đây không chỉ là yêu cầu kỹ thuật về tổ chức, mà còn là một cuộc cải cách mang tính chính trị – hành chính sâu sắc, đòi hỏi sự đồng bộ từ nhận thức đến hành động trong toàn hệ thống chính trị.
Tinh gọn tổ chức bộ máy, về bản chất, không phải là việc “cắt giảm cơ học” số lượng cơ quan, đầu mối, cán bộ… mà là quá trình đổi mới toàn diện về tư duy tổ chức, mô hình quản trị, cơ chế vận hành và chất lượng nhân sự. Đó là sự thay đổi từ mô hình bộ máy hành chính nặng tính kiểm soát sang mô hình kiến tạo và phục vụ; từ quản lý dựa trên quy trình cứng nhắc sang quản trị dựa trên dữ liệu và công nghệ số; từ bộ máy “làm thay” sang bộ máy “tạo điều kiện” để người dân, doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, tinh gọn bộ máy còn là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại đội ngũ cán bộ theo hướng tinh hoa, chuyên nghiệp, liêm chính, hành động – qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Việc này không chỉ giúp giảm gánh nặng ngân sách, mà quan trọng hơn, tạo ra một nền hành chính vận hành linh hoạt, quyết đoán, hiệu quả, phản ứng nhanh với những yêu cầu thay đổi của thực tiễn và thị trường.

Kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, như Tổng Bí thư đã khẳng định, là kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Để đạt đến đích đến đó, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ là một khâu trong quá trình cải cách mà chính là chìa khóa mở đường cho sự chuyển mình toàn diện, là hành động cụ thể để hiện thực hóa khát vọng vươn lên hùng cường của dân tộc trong thế kỷ XXI.
Ba là, tinh gọn bộ máy là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta.
Tinh gọn tổ chức bộ máy là chủ trương mang tính chiến lược, xuyên suốt, nhất quán trong tư duy lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta, bắt nguồn từ yêu cầu tất yếu của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ sau Đại hội VI – dấu mốc mở đầu thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta đã từng bước hình thành tư duy cải cách bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả xem đó là động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Trong suốt các nhiệm kỳ tiếp theo, Đảng, Nhà nước đã không ngừng cụ thể hóa chủ trương này bằng nhiều nghị quyết, kết luận, công văn chỉ đạo, thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc tổ chức lại bộ máy hệ thống chính trị. Điển hình là: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa VII (1995) về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – đặt nền móng cho tư duy đổi mới tổ chức bộ máy theo hướng dân chủ, pháp quyền, hiệu quả. Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, định hướng đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội – nhằm xây dựng tổ chức đồng bộ giữa các hệ thống, khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01/8/2007 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước – khẳng định mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính, hướng tới xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, phục vụ.
Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII – một dấu mốc quan trọng mang tính đột phá, đề ra chủ trương “đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; nhấn mạnh tinh thần “giảm đầu mối, giảm tầng nấc trung gian, kiêm nhiệm chức danh, hợp nhất tổ chức phù hợp”, khắc phục bệnh hình thức, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ. Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18 – khẳng định quyết tâm chính trị không thay đổi, tiếp tục đẩy mạnh tinh gọn bộ máy gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị. Công văn số 24/CV-BCĐTKNQ18 ngày 18/12/2024 do Ban chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ban hành – đưa ra định hướng và gợi ý cụ thể về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, tạo điều kiện thực tiễn cho việc triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống hành chính.
Có thể thấy, qua các văn kiện nêu trên, chủ trương tinh gọn bộ máy không phải là biện pháp tình thế, càng không mang tính “chiến dịch”, mà là một quá trình cải cách có tính kế thừa – phát triển – kiên định, gắn liền với từng bước trưởng thành và nâng tầm quản trị quốc gia của đất nước ta. Sự nhất quán trong tư duy và hành động của Đảng thể hiện ở chỗ: tinh gọn bộ máy không chỉ để tiết kiệm ngân sách, mà quan trọng hơn là để nâng cao năng lực điều hành, phục vụ nhân dân, làm cho bộ máy “thật việc, thật người, thật hiệu quả”. Điểm mới đáng chú ý trong giai đoạn hiện nay là sự gắn kết chặt chẽ giữa tinh gọn tổ chức bộ máy với chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính phủ số, chính quyền số, xã hội số – hướng đến một nền hành chính hiện đại, linh hoạt, chủ động thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới. Đây cũng là cơ sở để tinh gọn tổ chức bộ máy không đơn thuần là “thu hẹp” hay “tái cơ cấu”, mà là bước chuyển hóa từ mô hình hành chính truyền thống sang mô hình quản trị hiện đại, phục vụ, minh bạch và số hóa.
Bốn là, tinh gọn bộ máy phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Trong xu thế toàn cầu hóa, cùng với tác động sâu rộng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tinh gọn bộ máy nhà nước không còn là câu chuyện riêng của một quốc gia mà đã trở thành một xu hướng cải cách nền hành chính phổ biến trên thế giới.
Tại Singapore, quá trình cải cách bộ máy hành chính được tiến hành từ những năm 1980 dưới sự lãnh đạo của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Với phương châm “ít nhưng tinh nhuệ”, Singapore xây dựng mô hình chính phủ nhỏ gọn nhưng hoạt động hiệu quả, đi đầu trong ứng dụng công nghệ và đề cao đạo đức công vụ. Nhà nước giữ vai trò kiến tạo và phục vụ, với bộ máy hành chính hoạt động dựa trên tiêu chuẩn cao về hiệu suất và trách nhiệm giải trình. Đặc biệt, Chính phủ Singapore thường xuyên rà soát, loại bỏ các cơ quan không còn phù hợp chức năng, hợp nhất đơn vị trùng lặp, từ đó nâng cao tốc độ phản ứng chính sách và tiết kiệm nguồn lực.
Ở Nhật Bản, sau giai đoạn khủng hoảng tài chính những năm 1990, Chính phủ nước này đã thực hiện các đợt cải cách hành chính sâu rộng nhằm giảm chi tiêu công, tái cơ cấu các cơ quan chính phủ và thúc đẩy cơ chế làm việc theo hướng linh hoạt, hiệu quả. Nhật Bản chú trọng chuyển đổi số, đưa nhiều dịch vụ công lên môi trường trực tuyến, giảm mạnh giấy tờ thủ tục và áp dụng đánh giá hiệu quả công việc công chức theo kết quả đầu ra – một xu hướng đang trở thành chuẩn mực toàn cầu.
Tại Trung Quốc – quốc gia có quy mô dân số lớn thứ hai thế giới, kể từ khi tiến hành cải cách mở cửa năm 1978 đến nay, nước này đã thực hiện 9 đợt “cải cách cơ cấu Chính phủ”. Theo đó, mặc dù vẫn giữ 26 bộ, ban, ngành cấp trung ương, nhưng Trung Quốc đang cắt giảm 5% biên chế tại các cơ quan nhà nước, nhằm nâng cao hiệu quả quản trị và kiểm soát chi tiêu công. Những động thái này cho thấy, ngay cả trong mô hình chính trị khác biệt, yêu cầu về tinh gọn tổ chức bộ máy vẫn là nhu cầu thiết yếu để thích ứng với bối cảnh phát triển mới.
Tại Hoa Kỳ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thành lập Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) với nhiệm vụ rà soát, cắt giảm chi tiêu công, tinh giản biên chế, loại bỏ những vị trí không cần thiết, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động và tiết kiệm ngân sách. Đợt cải tổ đó đã loại bỏ gần 10.000 công chức, chủ yếu là những người đang trong thời gian thử việc, đồng thời DOGE đặt mục tiêu cắt giảm tới 75% biên chế các cơ quan liên bang.
Từ những kinh nghiệm trên, có thể khẳng định: tinh gọn bộ máy không chỉ giúp tiết kiệm nguồn lực, nâng cao hiệu quả điều hành mà còn là giải pháp để các quốc gia bắt nhịp với thời đại số, với yêu cầu phục vụ người dân nhanh chóng, minh bạch và hiệu quả hơn.
3. Giải pháp đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc “Tinh gọn bộ máy là bước lùi” của các thế lực thù địch
Để thực hiện thắng lợi chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đồng thời bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, chống phá từ các thế lực thù địch, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mang tính chiến lược cả về nhận thức và hành động. Cụ thể:
Một là, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về ý nghĩa chiến lược của việc tinh gọn tổ chức bộ máy trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Đây là giải pháp nền tảng, mang tính quyết định, bởi nhận thức đúng mới dẫn tới hành động đúng và tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Cần làm rõ rằng, tinh gọn bộ máy không phải là “cắt giảm cơ học” hay dấu hiệu suy yếu quyền lực, mà là bước chuyển hóa mang tính chiến lược, khoa học, phù hợp với xu thế hiện đại hóa quốc gia, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành và phục vụ nhân dân. Tinh gọn tổ chức phải gắn liền với nâng cao chất lượng cán bộ, đổi mới phương thức lãnh đạo và tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, qua đó xây dựng nền hành chính phục vụ, chính quyền kiến tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên số. Để hiện thực hóa giải pháp này, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng qua hệ thống báo chí, truyền thông, hội nghị, lớp bồi dưỡng từ Trung ương đến cơ sở; đồng thời, đưa nội dung tinh gọn bộ máy vào chương trình đào tạo cán bộ, nhất là ở cấp cơ sở – nơi trực tiếp triển khai sắp xếp. Việc nâng cao nhận thức cần được gắn với tiêu chí đánh giá năng lực tổ chức và cán bộ trong tiến trình xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Hai là, chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc trên không gian mạng và các phương tiện truyền thông. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, các thế lực thù địch và phần tử cơ hội triệt để lợi dụng không gian mạng, mạng xã hội để phát tán quan điểm lệch lạc, xuyên tạc chủ trương tinh gọn bộ máy thành “sự thoái lui thể chế”, “giảm năng lực quản trị”, “suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng”. Do đó, cần phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông chính thống và đội ngũ cán bộ chuyên trách, chuyên gia, trí thức trong việc chủ động thông tin định hướng dư luận, kịp thời phản bác có cơ sở lý luận, thực tiễn và thuyết phục những luận điệu sai trái. Bên cạnh đó, cần tăng cường các nền tảng truyền thông đa phương tiện của Đảng, Nhà nước để lan tỏa các mô hình hay, cách làm sáng tạo, kết quả tích cực của tinh gọn tổ chức bộ máy trong thực tiễn. Đấu tranh hiệu quả trên mặt trận tư tưởng – truyền thông chính là một trong những tuyến đầu phản bác lại mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng cải cách bộ máy để chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Ba là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách nhằm đảm bảo sự đồng bộ, minh bạch và công khai trong quá trình tinh gọn tổ chức bộ máy. Một trong những kẽ hở thường bị các thế lực thù địch lợi dụng để bóp méo sự thật là sự chồng chéo, thiếu rõ ràng hoặc chưa đồng bộ trong triển khai các chính sách về tổ chức bộ máy. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến việc sắp xếp tổ chức, bố trí cán bộ, xác định chức năng nhiệm vụ, lộ trình thực hiện và chế độ, quyền lợi người lao động trong quá trình tinh giản. Việc hoàn thiện hệ thống chính sách phải dựa trên nguyên tắc công khai, minh bạch, có lộ trình cụ thể, có giám sát chặt chẽ từ các cơ quan dân cử và sự tham gia của nhân dân. Khi mọi quá trình đều được minh bạch hóa, sự đồng thuận xã hội được nâng cao, từ đó làm vô hiệu hóa mọi luận điệu cho rằng tinh gọn bộ máy là “thiếu nhân văn” hay “gây bất ổn đội ngũ cán bộ”.
Bốn là, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, đoàn thể, nhất là người đứng đầu trong công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện và làm gương trong triển khai tinh gọn bộ máy. Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ là yêu cầu khách quan của sự phát triển mà còn là trách nhiệm chính trị, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ lãnh đạo của tổ chức Đảng các cấp. Do đó, cần khẳng định vai trò quyết định của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong nhận thức và hành động, bảo đảm tinh thần quyết liệt, thống nhất, sáng tạo, không né tránh, không trì hoãn trong tổ chức thực hiện. Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh… cần tích cực vào cuộc giám sát, phản biện và tuyên truyền sâu rộng về bản chất đúng đắn, tiến bộ của chủ trương tinh gọn bộ máy. Sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị sẽ tạo “lá chắn ý chí” trước những tác động xấu từ bên ngoài và trong nội bộ.
Như vậy, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ là một giải pháp hành chính đơn thuần, mà là một cuộc cải cách chiến lược, thể hiện tư duy đổi mới, tầm nhìn dài hạn và khát vọng phát triển bền vững của Đảng ta trong tiến trình hiện đại hóa đất nước. Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới – nơi vận hội lớn song hành cùng thách thức chưa từng có – việc xây dựng một bộ máy “tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả” chính là bước đột phá để nâng cao năng lực quản trị quốc gia, phục vụ Nhân dân tận tâm hơn, hiệu quả hơn, phát huy tối đa nội lực dân tộc trong hội nhập sâu rộng toàn cầu. Tinh gọn bộ máy không phải là bước lùi mà là bệ phóng nhằm sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Mọi thủ đoạn xuyên tạc, bôi nhọ chủ trương của Đảng đều là những hành vi xấu xa, ti tiện sẽ sớm bị dư luận lên án và lịch sử trôn vùi./.
Lương Thị Hương Giang – (Trung tâm 386 – Bộ Tư lệnh 86)
Tài liệu tham khảo:
- Tô Lâm (2024), Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tạp chí Lý luận chính trị điện tử, ngày 01/11/2024.
- I.Lênin (2005), Lênin toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà nội, tập 45.
- Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII.
- Hồ Chí Minh (2011), Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, tập 6.
- Hồ Chí Minh (2011), Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, tập 8.
- Hồ Chí Minh (2011), Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, tập 13.