Những vấn đề thực tiễn cấp bách, đang diễn ra tại các lưu vực sông trên thế giới và đặc biệt tại lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn (Quảng Nam), tình trạng ngập lụt tại Tỉnh Quảng Nam và Thành phố Đà Nẵng … trở thành chủ đề chính của Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về Quản lý lũ lụt và bùn cát trên lưu vực sông vì sự phát triển bền vững (FSMaRT) năm 2022 diễn ra trong 3 ngày (từ 18/12 và kéo dài đến hết ngày 20/12/2022), tại trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng.
Sự kiện được đồng tổ chức bởi Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng và Cơ quan nghiên cứu khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biến đổi toàn cầu; Viện Nghiên cứu Phòng chống thiên tai Nhật Bản; Cơ quan quản lý nước Nhật Bản; Cơ quan quản lý tưới tiêu Philippine; Ban quản lý tài nguyên nước quốc gia Philippine; Cục quản lý đập và vận hành hồ chứa, Philippine Trường Đại học Thủy lợi; Trường Đại học Việt Đức; Trường Đại học Kyoto, Nhật Bản; Trường Đại học Isabella, Philippine; Trường Đại học Kỹ thuật, Malaysia; Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia.
Trong phiên làm việc toàn thể, các giáo sư hàng đầu từ Việt Nam, Nhật Bản, Pháp và Philippine sẽ trình bày 5 tham luận.
Mục đích bao trùm của hội nghị là cung cấp một diễn đàn cho các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và học giả từ các cơ quan, trường Đại học và doanh nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng và nghiên cứu sáng tạo về tác động của biến đổi khí hậu và sự can thiệp của con người đến ngập lụt, hạn hán quá trình bồi lắng hồ chứa, và sạt lở đất. Các chuyên gia đầu ngành vừa tập trung phân tích các nguyên nhân gây nên tình trạng ngập lụt tàn phá nhiều công trình, chia cắt giao thông, tác động rất xấu đến dân sinh, chi phí khắc phục rất lớn và thời gian khắc phục kéo dài để đưa ra đề xuất, giải pháp.
Có đến 52 bài báo cáo, được trao đổi, thảo luận ở 7 phiên tập trung, giải quyết những vấn đề gặp phải ở cấp độ lưu vực cũng như công tác vận hành hồ chứa, giảm thiểu rủi ro do thiên tai và phát triển bền vững. Đặc biệt, trong ngày thứ 3 tới của hội thảo (20/12), các nhà khoa học, giới chuyên gia sẽ đi thực tế tại các hồ chứa thủy điện, hệ thống sông Vu Gia Thu Bồn, hiện trạng sạt lở sông Quảng Huế, biển Cửa Đại…. để có những cái nhìn trực quan, thực địa về khai thác tài nguyên nước, vận hành hồ chứa và giảm thiểu thiên tai.
“Hội thảo lần này, là một minh chứng trách nhiệm với cộng đồng và xã hội vì sự phát triển bền vững. Khẳng định thông điệp của Nhà trường là trường đại học kỹ thuật công lập định hướng nghiên cứu, hướng đến hệ sinh thái giáo dục nhân bản, đổi mới và sáng tạo; tạo cơ hội cho mọi người phát triển giá trị bản thân, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và xã hội”, PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng trường chia sẻ.
T.Ngọc