Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Tổ chức triển khai định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh tế carbon thấp của cấp ủy đảng cơ sở ở Việt Nam hiện nay

ĐNA -

Để đạt được mục tiêu về thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi mô hình kinh tế tuyến tính thiếu bền vững đặt trọng tâm vào sản xuất tiêu thụ và thải loại sang mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này phụ thuộc rất lớn vào năng lực tổ chức triển khai chính sách của các đảng ủy cơ sở bởi các cơ quan này có vai trò quan trọng trong hoạch định, thực thi chính sách đồng thời trực tiếp tham gia vào lãnh đạo hoạt động mua sắm, tiêu dùng công.

Khi tham gia thị trường carbon sẽ làm tăng thương hiệu của doanh nghiệp, qua đó sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều điểm cộng trong đàm phán, xuất khẩu sản phẩm – Ảnh: VGP

Theo cách tiếp cận này, bài viết phân tích thực trạng tổ chức triển khai định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp của đảng ủy cơ sở. Số liệu trong bài viết lấy từ kết quả điều tra, khảo sát đánh giá nhận thức và năng lực tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Luật Bảo vệ môi trường 2020 về nội dung kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp của cấp ủy đảng các cấp

Phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp là một trong những giải pháp quan trọng giúp Việt Nam thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng bền vững. Để theo đuổi mục tiêu này, các tổ chức công và tư đều cần đánh giá và thông báo về tiến trình của họ trong việc chuyển đổi từ mô hình phát triển tuyến tính thiếu bền vững đặt trọng tâm vào“sản xuất, sử dụng, thải bỏ” sang mô hình kinh tế với mục tiêu là kéo dài tuổi thọ của vật chất, loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.

Mặc dù các tổ chức công đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hoạch định, thực thi chính sách cũng như trực tiếp tham gia mua sắm, tiêu dùng công, tuy nhiên các biện pháp thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh tế carbon thấp hiện tại thường tập trung vào khu vực doanh nghiệp và các tổ chức tư. Bài viết này cung cấp bằng chứng để thấy được những rào cản trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và kinh tế carbon thấp qua việc đánh giá thực trạng tổ chức triển khai chủ trương, chính sách của đảng ủy cơ sở các cơ quan công quyền. Dữ liệu và thông tin trong bài lấy từ điều tra khảo sát với mẫu nghiên cứu là 4800 cán bộ đảng viên thuộc đảng ủy các cơ quan của Đảng, cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam.

Các tổ chức thuộc khu vực công và tư được coi là những tác nhân chính trong quá trình chuyển đổi hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh tế carbon thấp. Để thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững phần lớn các nghiên cứu đều tập trung đánh giá sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân vào quá trình chuyển đổi này. Tuy nhiên tại Việt Nam tỷ trọng chi ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2011 – 2015 là 29,5% GDP và giai đoạn 2016 – 2020 là khoảng 28% GDP. Các tổ chức công còn đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng sản xuất và tiêu dùng, đồng thời là người đặt ra “luật chơi” thông qua chính sách và pháp luật.

Nhận thức được tầm quan trọng của các tổ chức công trong tiến trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn và kinh tế carbon thấp các nghiên cứu về chủ đề này đã được triển khai rộng rãi tại nhiều quốc gia Châu Âu.  Tại Châu Á Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên đưa ra khung chỉ số cụ thể để theo dõi tiến độ thực hiện Luật thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đây là sự khởi đầu cho một loạt những nỗ lực phát triển các chỉ số thích hợp để đánh giá việc triển khai các chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn trong các tổ chức công.

Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của tiến trình phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh tế carbon thấp theo đó chưa có nhiều công trình nghiên cứu đánh giá về sự tham gia của các tổ chức trong tiến trình chuyển đổi này. Điều này cho thấy cần phản có nhiều nghiên cứu hơn để phân tích một cách nghiêm túc quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp trong các tổ chức công nhằm cung cấp hướng dẫn để thúc đẩy hành động hướng tới chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững.

Dựa trên những lỗ hổng đã được xác định trong các nghiên cứu về chủ đề này cuộc điều tra khảo sát của chúng tôi có mục đích giải quyết sự thiếu hụt chung của nghiên cứu về triển khai chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp trong các tổ chức công trong đó chúng tôi tập trung vào đánh giá thực trạng triển khai tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 về phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp của đảng ủy cơ sở. Kết quả nghiên cứu cho thấy một số điểm đáng lưu ý như sau:

Thực trạng triển khai nội dung kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại các đảng ủy cơ sở

Thực hiện chủ trương, quan điểm của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường thời gian qua, các địa phương trên địa bàn toàn quốc đã có các hoạt động thiết thực để  tuyên truyền, quán triệt, phổ biến, tập huấn, giáo dục các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong đó có nội dung về xây dựng kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp. Theo báo cáo của các địa phương: các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã xây dựng kế hoạch, tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường đến cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và Nhân dân, bảo đảm nghiêm túc, đúng tiến độ, thời gian quy định.

Để đánh giá hiệu quả của hoạt động triển khai chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, nghiên cứu đã tìm hiểu quan điểm của đội ngũ đảng viên tại các đảng bộ cơ sở về hoạt động triển khai Nghị quyết của Đảng. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 45,3% đảng viên trong mẫu nghiên cứu cho rằng đảng bộ cơ sở nơi họ đang sinh hoạt đã triển khai nội dung về xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp theo tinh thần của Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và luật bảo vệ môi trường. 25,8% đảng viên trong mẫu nghiên cứu cho rằng đảng bộ cơ sở chưa triển khai nội dung này và có 28,9% lựa chọn đáp án họ không có thông tin về hoạt động này.

Biểu đồ 1: Thực trạng triển khai nội dung về kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp theo tinh thần của Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Luật Bảo vệ Môi trường tại các đảng bộ cơ sở

Nguồn: Kết quả điều tra, khảo sát nhận thức và năng lực tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Luật Bảo vệ môi trường 2020 về nội dung kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp của cấp ủy đảng các cấp

Hiện tại việc triển khai nghị quyết chủ yếu được thực hiện thông qua các buổi học tập quán triệt nghị quyết hoặc cung cấp tài liệu để đảng viên nghiên cứu,…(Xem số liệu biểu đồ 2)

Biểu đồ 2: Các hình thức đảng bộ cơ sở sử dụng để triển khai nội dung về xây dựng kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII

Nguồn: Kết quả điều tra, khảo sát nhận thức và năng lực tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Luật Bảo vệ môi trường 2020 về nội dung kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp của cấp ủy đảng các cấp.

Số liệu tại biểu đồ 1 cho thấy còn một tỷ lệ khá lớn hơn 50%  đảng viên tham gia trả lời phiếu hỏi cho rằng đảng ủy cơ sở không tổ chức hoặc họ không biết đến các buổi học tập triển khai nội dung về xây dựng kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp do đảng ủy cơ sở tổ chức. Trong số cán bộ đảng viên cho rằng đản ủy cơ sở đã triển khai học tập quán triệt nghị quyết có 48% cho rằng các buổi học tập quán triệt nghị quyết có hiệu quả hoặc rất hiệu quả trong nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên. 27% cho rằng hiệu quả của hoạt động này ở mức bình thường và  3% cho rằng các buổi học tập quán triệt nghị quyết không có hiệu quả hoặc rất không hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên. (Xem số liệu biểu đồ 3)

Biểu đồ 3: Đánh giá của cán bộ đảng viên về hiệu quả của các buổi học tập, quán triệt  Nghị quyết  do đảng ủy cơ sở tổ chức

Nguồn: Kết quả điều tra, khảo sát nhận thức và năng lực tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Luật Bảo vệ môi trường 2020 về nội dung kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp của cấp ủy đảng các cấp

Ngoài tìm hiểu về hoạt động học tập, quán triệt nghị quyết, điều tra, khảo sát này cũng tìm hiểu xem đảng bộ cơ sở có thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về kinh tế tuần hoàn, kinh tế các bon thấp. Kết quả nghiên cứu cho thấy 50% cán bộ đảng viên trong mẫu nghiên cứu cho rằng những năm qua cơ quan đơn vị họ không có tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về kinh tế tuần hoàn và kinh tế carbon thấp.

Trong số những cơ quan đơn vị có hoạt động tuyên truyền thì có 18,9 % rất thường xuyên, thường xuyên (hàng tháng) có thực hiện tuyên truyền phổ biến thông tin về kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp. 58,2% lựa chọn đáp án cơ quan họ thi thoảng có có tổ chức các hoạt động tuyên truyền và 24,9 % lựa chọn đáp án cơ quan họ rất hiếm khi hoặc dường như không có hoạt động tuyên truyền. (Xem số liệu biểu đồ 4)

Biểu đồ 4: Việc thực hiện hoạt động tuyên truyền phổ biến thông tin về kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon tấp của các đảng ủy cơ sở

Nguồn: Kết quả điều tra, khảo sát nhận thức và năng lực tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Luật Bảo vệ môi trường 2020 về nội dung kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp của cấp ủy đảng các cấp

Số liệu biểu đồ 4 cho thấy: không có nhiều tổ chức đảng cơ sở có các hoạt động tuyên truyền phổ biến thông tin về kinh tế tuần hoàn và kinh tế carbon thấp. Bên cạnh đó kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng chỉ ra rằng đa số đội ngũ cán bộ tham gia trả lời phiếu hỏi đánh giá không cao về tính thiết thực, phù hợp của các hoạt động tuyên tuyền. (Xem số liệu biểu đồ 5)

Biểu đồ 5: Đánh giá của cán bộ đảng viên về tính thiết thực của hoạt động tuyên truyền về kinh tế tuần hoan, kinh tế carbon thấp

Nguồn: Kết quả điều tra, khảo sát nhận thức và năng lực tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Luật Bảo vệ môi trường 2020 về nội dung kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp của cấp ủy đảng các cấp

Thực trạng áp dụng nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp trong các tổ chức công
Năng lực triển khai Nghị quyết Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Luật bảo vệ môi trường về kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp không chỉ được thể hiện trong các hoạt động tuyên truyền, triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hay triển khai chính sách phát triển thị trường carbon mà quan trọng và thiết thực hơn là việc các cơ quan đơn vị áp dụng nguyên tắc và tinh thần của Nghị quyết này như thế nào trong các hoạt động mua sắm công tại cơ quan đơn vị, trong việc sử dụng các trang thiết bị vật dụng. Trong nhiều năm qua mua sắm công xanh, mua sắm công tuần hoàn đã được sử dụng như một công cụ quản trị thông minh để đạt được các mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp. Mua sắm công đề cập đến quá trình theo đó cơ quan công quyền, chẳng hạn như các cơ quan chính phủ, chính quyền khu vực và địa phương hoặc các cơ quan quản lý bởi luật công, khi thuê đối tác hoàn thành công việc hay mua hàng hóa hoặc dịch vụ từ công ty. Mua sắm công tuần hoàn có thể được định nghĩa là “Thông qua quá trình các cơ  quan công quyền thuê khoán công việc, mua sắm hàng hóa hoặc dịch vụ tìm cách đóng góp vào tạo ra chuỗi năng lượng khép kín và vòng lặp vật chất trong chuỗi cung ứng,  giảm thiểu và trong trường hợp tốt nhất là tránh những tác động tiêu cực đến môi trường và tạo ra chất thải trên toàn bộ vòng đời của chúng (Tái sử dụng lại chất thải làm nguyên liệu đầu vào cho chu trình sử dụng sản xuất khác.” Việc áp dụng nguyên tắc mua sắm công tuần hoàn là một biểu hiện cho thấy năng lực triển khai quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên thực tế.

Kế quả nghiên cứu của đề tài hé lộ rằng việc áp dụng các nguyên tắc của mua sắm công xanh, mua sắm công tuần hoàn chưa được áp dụng phổ biến tại các tổ chức công của Việt Nam. Hơn 40% cán bộ trong mẫu nghiên cứu không biết nguyên tắc mua sắm công tuần hoàn có được áp dụng tại cơ quan, đơn vị hay không. Và hơn 17% cán bộ tham gia trả lời phiếu hỏi cho biết cơ quan đơn vị họ không áp dụng nguyên tắt mua sắm này. (Xem số liệu biểu đồ 6)

Biểu đồ 6: Việc áp dụng nguyên tắc mua sắm công xanh, mua sắm công tuần hoàn tại các tổ chức công

Nguồn: Kết quả điều tra, khảo sát nhận thức và năng lực tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Luật Bảo vệ môi trường 2020 về nội dung kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp của cấp ủy đảng các cấp.

Bên cạnh việc tìm hiểu về việc áp dụng nguyên tắc mua sắm công xanh, mua sắm công tuần hoàn, đề tài cũng hướng đến đánh giá hoạt động sử dụng thiết bị tái chế, tái sử dụng thiết bị của các tổ chức công. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiện tại nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn, kinh tế các bon thấp chưa được triển khai một cách phổ biến. 38,8 % cán bộ trong mẫu nghiên cứu cho rằng cơ quan, đơn vị không sử dụng các sản phẩm tái chế hay chỉ có rất ít dưới 10% các vật dụng của cơ quan đơn vị là sản phẩm tái chế. (Xem số liệu biểu đồ 7)

Biều đồ 7: Tỷ lệ các trang thiết bị, các vật dụng của cơ quan đơn vị là các sản phẩm tái chế

Nguồn: Kết quả điều tra, khảo sát nhận thức và năng lực tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Luật Bảo vệ môi trường 2020 về nội dung kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp của cấp ủy đảng các cấp

Số liệu biểu đồ 8 cho thấy một số điểm đáng lưu ý như sau về việc áp dụng nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn trong các tổ chức công ở Việt Nam.

Thứ nhất, hiện có rất ít các trong thiết bị trong các tổ chức công là các sản phẩm tái chế. Điều này có thể lý giải do thị trường về sản phẩm tái chế ở Việt Nam dường như chưa phát triển mạnh.

Thứ hai, 39,4% cán bộ tham gia trả lời phiếu hỏi cho rằng họ không có thông tin liên quan đến các trang thiết bị, vật dụng là sản phẩm tái chế tại cơ quan đơn vị điều đó cho thấy nguyên tắc của mua sắm công tuần hoàn chưa được phổ biến rộng rãi trong các tổ chức này.

Tương tự như việc áp dụng nguyên tắc mua sắm công xanh và mua sắm công tuần hoàn, cán bộ trong các tổ chức công cũng không có nhiều thông tin về hoạt động tân trang, sửa chữa thay vì mua sắm mới cho các trang thiết bị tại cơ quan đơn vị nơi họ công tác. Trong số 48000 cán bộ đảng viên tham gia trả lời phiếu hỏi có 57,2%  cho rằng khi các vật dụng như bàn, ghế làm việc, tủ đựng đồ bị hư hỏng cơ quan đơn vị của họ cho sửa chữa tân tang lại. Nhưng vẫn còn một tỷ lệ khá lớn 24,9%  cán bộ trong mẫu nghiên cứu cho rằng đơn vị họ sẽ cho mua sắm vật dụng mới và 18% không có thông tin về các hoạt động này.

Biểu đồ 8: Việc áp dụng nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn trong các tổ chức công của Việt Nam

Nguồn: Kết quả điều tra, khảo sát nhận thức và năng lực tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Luật Bảo vệ môi trường 2020 về nội dung kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp của cấp ủy đảng các cấp.

Việc không có nhiều cơ quan đơn vị công áp dụng nguyên tắc mau sắm công xanh và nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn trong mua sắm sửa chữa trang thiết bị có thể giải thích do Chính phủ Việt Nam hiện chưa đặt ra các mục tiêu định lượng liên quan đến mua sắm công xanh, mỗi cơ quan nhà nước cũng chưa phải đặt ra mục tiêu của riêng mình về việc áp dụng các nguyên tắc này. Mặt khác việc áp dụng nguyên tắc của mua sắm công xanh, mua sắm công tuần hoàn ở nước ta cũng gặp khó khăn do các sản phẩm xanh, sản phẩm tái chế chưa phổ biến, thiếu đa dạng và có giá thành sản phẩm cao. Việc áp dụng mua sắm công xanh, mua sắm công tuần hoàn cũng chưa phải là nguyên tắc ưu tiên trong quy trình đấu thầu mua sắm trang thiết bị công.

Kết luận và khuyến nghị
Mặc dù phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp là một chủ chương lớn của Đảng, tuy nhiên nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng việc triển khai chủ trương này trong các tổ chức công của Việt Nam còn tương đối hạn chế. Báo cáo của các địa phương đều cho biết về việc triển khai tuyên truyền phổ biến tinh thần của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về phát triển bền vững nhưng vẫn còn một tỷ lệ đáng kể cán bộ đảng viên trong các đảng ủy cơ sở chưa tiếp cận được các thông tin này. Bên cạnh đó, việc áp dụng nguyên tắc mua sắm công xanh, mua sắm công tuần hoàn trong các tổ chức công cũng gặp phải nhiều rào cản liên quan đến nhận thức, năng lực triển khai chính sách pháp luật và những thách thức mang tính cấu trúc như: thiếu cam kết lãnh đạo, thiếu các quy định pháp lý rõ ràng và hạn chế trong thị trường sản phẩm xanh. Theo đó cần phải tiếp tục có các nghiên cứu sâu hơn để đánh giá về tiến trình chuyển đổi từ mô hình phát triển thiếu bền vững nhấn mạnh vào sản xuất tiêu dùng và thải loại sang mô hình phát triển mới ít có tác động tiêu cực đến môi trường trong các hoạt động của các tổ chức công. Hiểu được các rào cản và yếu tố thúc đẩy các cơ hội kinh tế tuần hoàn đã được xác định là rất quan trọng để phát triển các sáng kiến có mục tiêu rõ ràng hơn và khung chính sách mạnh mẽ hơn. Theo đó, vấn đề cấp bách đặt ra hiện này đó là:

Một là, cần phát huy tốt vai trò của các tổ chức công trong việc chuyển sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế các barbon thấp. Như phần trên đã phân tích các tổ chức công đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi hướng tới phát triển bền vững tuy nhiên vai trò của các tổ chức công ở Việt Nam chưa được phát huy đầy đủ trong hoạch định, triển khai chính sách cũng như trong vai trò định hình sản xuất, tiêu dùng hướng đến mua sắm công xanh, mua sắm công tuần hoàn. Theo đó vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là cần có các giải pháp để phát huy tốt vai trò của các tổ chức công trong tiến trình chuyển đổi này.

Hai là, cần phải có các giải pháp để các tổ chức công triển khai hiệu quả các chính sách về phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp. Mặc dù Luật bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định về các chính sách và biện pháp để triển khai phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp tuy nhiên các tổ chức công cũng gặp phải nhiều rào cản liên quan đến nhận thức, năng lực triển khai chính sách pháp luật. Những thách thức nêu trên yêu cầu các tổ chức công phải có chiến lược rõ ràng nhằm phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để đảm bảo rằng các chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp có thể được triển khai một cách hiệu quả và bền vững.

TS.Đặng Thị Minh Lý/Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bài viết liên quan: Đảng uỷ cơ sở với việc triển khai định hướng của Đảng ta về phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh tế carbon trong bối cảnh hiện nay.

Tài liệu tham khảo
1.Hinrika Droege. 2021. Circular economy assessment in public sector organisations.
Từ trang https://run.unl.pt/bitstream/10362/142367/1/Droege_2021.pdf

2.OECD. 2015. Going Green: Best Practices for Sustainable Procurement từ trang https://www.oecd.org/gov/public-procurement/Going_Green_Best_Practices_for_Sustainable_Procurement.pdf

3.Đặng Thị Ánh Tuyết. 2024. Kết quả điều tra, khảo sát nhận thức và năng lực tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Luật Bảo vệ môi trường 2020 về nội dung kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp của cấp ủy đảng các cấp

4.Vasileios Rizos, và các cộng sự . 2021` Barriers and enablers for  implementing circular economy business models Evidence from the electrical and electronic  equipment and agri-food value chains,

5.Viện Chiến lược và chính sách tài chính.Bức tranh chi tiêu công sau 5 năm thực thi khuyến nghị đánh giá từ trang https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM215666