Thứ ba, Tháng mười 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Tổ Đại Biểu Quốc Hội đơn vị 2, Tổ Đại biểu Hội Đồng Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh đơn vị 5 có buổi tiếp xúc cử tri Quận 3

ĐNA -

Chiều 02/7/2024, các đại biểu: Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp xúc cử tri tại quận 3. Cùng tiếp xúc cử tri có các đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hồ Chí Minh gồm: Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh; Dương Anh Đức, Bí thư Quận ủy Quận 1.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển báo cáo về kết quả Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
Sau 27,5 ngày làm việc (đợt 1: từ ngày 20/5 đến ngày 08/6/2024; đợt 2: từ ngày 17/6 đến sáng ngày 29/6/2024) với tinh thần đoàn kết, dân chủ, chủ động, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với kết quả cụ thể như sau:

Đại biểu Quốc Hội Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Về công tác nhân sự và xem xét các vấn đề quan trọng
Quốc hội đã xem xét, quyết định bầu Chủ tịch Quốc hội khóa XV đối với ông Trần Thanh Mẫn; bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Tô Lâm; bầu Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XV đối với bà Nguyễn Thị Thanh; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đối với bà Nguyễn Thanh Hải; phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Lê Thành Long; phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Tô Lâm; phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Lương Tam Quang; phê chuẩn Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh đối với ông Trần Thanh Mẫn và ông Lương Tam Quang; cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Đinh Tiến Dũng thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Công tác nhân sự được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, kịp thời, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự đồng thuận rất cao của các vị đại biểu Quốc hội.

Quốc hội đã thông qua: (1) Nghị quyết bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; (2) Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước); (3) Nghị quyết Phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland; (4) Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các vị đại biểu Quốc hội là thành viên của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã tham gia tích cực vào các hoạt động thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, thẩm tra các dự án luật, thảo luận các chuyên đề giám sát. Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố đã tổ chức buổi họp mặt của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (UBND), Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh với Lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí Trung ương và Thành phố tại Hà Nội nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Buổi tiếp xúc cử tri gồm các Đại biểu: Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Cùng tiếp xúc cử tri có các đại biểu HĐND Thành phố Hồ Chí Minh gồm: Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh ; Dương Anh Đức, Bí thư Quận ủy Quận 1.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực, phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng từng nội dung của Kỳ họp; nhờ vậy, mặc dù có những điều chỉnh về chương trình, nội dung Kỳ họp, trong đó có những vấn đề gấp, khó, phức tạp nhưng vẫn bảo đảm thông suốt, thận trọng, linh hoạt, hiệu quả trong điều hành và đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội. Đối với Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh và Tổ đại biểu Quốc hội số 2, trong quá trình thảo luận, đóng góp những nội dung về kinh tế – xã hội, ngân sách, chất vấn và trả lời chất vấn, xây dựng pháp luật, các vị đại biểu Quốc hội đều cố gắng chuyển tải đầy đủ những tâm tư, nguyện vọng của cử tri Thành phố đến nghị trường Quốc hội.

Cử tri Quận 3 kiến nghị đến đại biểu Quốc hội
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đề cập nhiều vấn đề như công tác phòng chống tham nhũng; tăng lương cơ sở kéo theo giá cả tăng lên; điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân. Cử tri cũng phản ánh việc tăng lương nhưng không tăng mức giảm trừ gia cảnh…

Cử tri Chu thị Nghĩa, Phường 9

Cử tri: Nguyễn Tấn Đạt (Phường 11): Việc đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại các huyện, xã tại Thành phố Hồ Chí Minh là mỗi năm 1 lần (định kỳ vào trung tuần tháng 10). Sau khi UBND cấp xã tiếp nhận hồ sơ thì mất khoảng 8 tháng mới có thông báo kết quả đến người dân là có được duyệt hay không, nếu được duyệt, người dân chuẩn bị hồ sơ để làm thủ tục đăng ký, mất thêm khoảng thời gian gần 1 năm nữa. Thời gian như vậy là quá dài trong khi nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà ở của người dân là cấp bách, với thủ tục hành chính phức tạp như hiện nay thì e rằng sẽ không kịp đáp ứng nhu cầu của người dân. Đề xuất nâng số đợt đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất mỗi năm lên khoảng 2 đến 3 đợt và rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục đăng ký để kịp thời giải quyết nhu cầu của người dân.

Cử tri: Nguyễn Nho Tình (Phường 2): Không thể chấp nhận lý do là không có tiền để thiết kế xe 2 ngăn chứa rác đã phân loại tại nguồn, bởi vì lệ phí thu gom rác thải mà mỗi hộ gia đình phải trả đã tăng từ 30.000 đồng lên 50.000 đồng/tháng như hiện nay. Cử tri yêu cầu khi lệ phí tăng lên thì chất lượng dịch vụ cũng phải tăng lên. Kiến nghị đến đầu năm 2024 mà xe chở rác nào không có 2 ngăn để đựng rác đã phân loại thì không cho tham gia vào dịch vụ thu gom rác.

Cử tri: Cử tri Trần Ngọc Minh (Phường 4): Để đảm bảo mọi hoạt động vẫn duy trì và có chiều hướng tốt hơn, đề nghị cần có các chính sách chi trả lương và các khoản hỗ trợ lâu dài đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã để họ yên tâm công tác và hoàn thành mục tiêu của thành phố đặt ra.

Ngoài việc thực hiện theo các quy định chung của Trung ương về chế độ, chính sách theo Nghị định số 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ, Thành phố Hồ Chí Minh có những chế độ, chính sách riêng hỗ trợ từ ngân sách Thành phố nhằm động viên, ghi nhận những cố gắng của đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Cụ thể, ngoài những chế độ, chính sách tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP, Thành phố có những chế độ, chính sách sau:

– Trợ cấp khuyến khích trình độ đại học là 1.000.000 đồng/người/tháng; trình độ trên đại học là 1.500.000 đồng/người/tháng.

– Chế độ thu nhập tăng thêm với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ.

– Hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn 2.000.000 đồng/người/tháng.

– Thành phố đã thực hiện chế độ trợ cấp một lần cho các trường hợp người hoạt động không chuyên trách ốm đau, thai sản, tai nạn và bệnh nghề nghiệp.

Trong những năm vừa qua Thành phố luôn tập trung xây dựng chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn được an tâm công tác, ổn định đời sống.

Cử tri Trần Quốc Hùng, Phường 5

Cử tri Trần quốc Hùng bổ sung một số ý kiến, đặc biệt về cử tri Nguyễn hữu Châu, tôi nghe cử tri Châu kiến nghị rất nhiều cần thực hiện theo Nghị Định số 33/2023/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ sắp xếp lại tổ dân phố dưới phường?

Cử tri: Nguyễn Hữu Châu: Tôi rất vui khi đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã chuyển cho tôi 2 văn bản liên quan đến bức xúc của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh mà nội dung là: Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy) có văn bản gửi Bộ Nội vụ để được hướng dẫn thi hành Nghị Định số 33/2023/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp tổ dân phố dưới phường. Trong văn bản phúc đáp của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà có ý kiến cứ thực hiện Nghị Định số 33/2023/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, nếu có vướng mắc thì đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh để Bộ Nội vụ hướng dẫn. Cần nhắc lại rằng Nghị Định số 33/2023/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp tổ dân phố dưới phường quy định cho 63 tỉnh thành không có ngoại lệ và Nghị Định này do Bộ Nội vụ tham mưu. Trên tinh thần đó, Cục An ninh chính trị nội bộ của Bộ Công An có văn bản số 3978 (27/05/24) có phiếu chuyển đơn kiến nghị của cử tri gởi Bộ Nội vụ có đoàn ghi: việc HĐND Thành phố Hồ Chí Minh ra Nghị Quyết số 11 về sắp xếp Khu phố, chấm dứt hoạt động của tổ dân phố là không thực hiện đúng theo Nghị Định số 33/2023/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu của cử tri Nguyễn Hữu Châu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3

Ngày 28/6/2024, tôi có nhận văn bản của UBND Thành phố Hồ Chí Minh số 3387 để ngày 18/6/2024. Mặc dù có đoạn chưa đúng: Khu phố có từ 450 hộ trở lên, ấp có từ 350 hộ trở lên, không tổ chức tổ dân phố, tổ nhân dân – điều này trái với Nghị Định số 33/2023/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, theo đó dù hộ có trên 500 hộ vẫn gọi là tổ dân phố; nhưng văn bản có đoạn nói: UBND Thành phố chỉ đạo Sở Nội vụ báo cáo việc thực hiện Thông tư của Bộ Nội vụ về hoạt động của thôn, tổ dân phố. Đúng vậy, về Nghị Quyết 18 của BCH Trung ương Đảng, Nghị Định số 33/2023/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ chỉ đề cập đến vai trò tổ dân phố dưới phường. Nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng (03/02/1930 – 03/02/2024), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: phải xây dựng sự tự quản ở tổ dân phố. Cố Tổng bí thư Lê Duẩn, cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh từng hoạt động ở Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định: tổ dân phố là nơi gần gũi người dân nhất, và cần có các tổ Mặt trận, các tổ Đoàn thể để càng sát gia đình nhất.

 Mới đây, khi đến dâng hương cố Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh đến vai trò của tổ dân phố vừa để chăm lo đời sống của dân, vừa bảo đảm an ninh cho người dân (hôm qua (01/7/2024) Chủ tịch nước Tô Lâm dự lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh có đề cập đến Luật (Điều 3) theo đó lực lượng này được bố trí ở tổ dân phố), còn Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh vai trò quan trọng của Mặt trận ở tổ dân phố như Điều lệ Mặt trận đã quy định.

Đại biểu Quốc Hội Đỗ Đức Hiển trao đổi với cử tri Nguyễn Hữu Châu

Do chệch hướng, quá trình chuẩn bị thiếu chặt chẽ nên việc sắp xếp Khu phố, bỏ tổ dân phố, bên cạnh một số kết quả tích cực, đã gây bất bình, buồn phiền cho hàng trăm, hàng vạn người dân, cán bộ kháng chiến, tác động đến lòng dân ở 22 quận, huyện và Thành phố Hồ Chí Minh, khiến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh phải đi nắm thực tế ở các địa phương, nhiều tờ báo đặc biệt báo Nhân dân (tiếng nói của BCH Trung ương – Đảng), báo Đại Đoàn Kết, phải lên tiếng trước những bất cập khó khăn khi chia tách, sáp nhập Khu phố, bỏ tổ dân phố như: thiếu về nhân sự, cơ sở vật chất, phụ cấp, cán bộ dôi dư, địa bàn quá rộng, về giảm biên chế mà không căn cứ dân số, diện tích, khối lượng công việc, đội ngũ cán bộ chưa kịp đào tạo, đủ tâm, đủ tầm. Một số ví dụ: một chi bộ có 20 – 30 đảng viên nay nhập thành chi bộ 150 – 200 đảng viên (trái Điều lệ Đảng) không có nơi sinh hoạt, mượn chỗ họp thì lại vào ngày thứ bảy (được nghỉ theo quy định của pháp luật); Khu phố trưởng trước quản lý chỉ vài chục tổ dân phố với hàng trăm dân; nay có đến 600 hộ với 2000 dân; họ đòi hỏi phải có Khu phố phó, trước mặt phải cầu cứu hàng trăm tổ trưởng tổ dân phố đã bị giải tán…; đến nay không ít cán bộ phường, Khu phố, tổ dân phố không hề biết về Nghị Định số 33/2023/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

Trước tình hình trên, mong các đại biểu Quốc hội đơn vị 2 đề nghị Ban Thường vụ Quốc hội cử Đoàn giám sát một cách khách quan và có biện pháp xử lý thích hợp. Trước mắt, Thành ủy nên chỉ đạo phổ biến Nghị Định số 33/2023/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ cho nhân dân toàn Thành phố biết, và phải được bàn từ Chi bộ ở cơ sở (Khu phố, tổ dân phố) theo Luật dân chủ ở cơ sở (lấy dân làm gốc), theo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai minh bạch, theo phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng. Khi có vấn đề khó lãnh đạo Đảng và Nhà nước yêu cầu phải tổ chức thí điểm 1 nơi, có ban chỉ đạo, khi có kinh nghiệm, mô hình (hình mẫu) thì mới nhân ra diện rộng theo đúng Nghị Định số 33/2023/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Nghị Định số 33/2023/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ra ngày 10/06/2023, nay đã một năm việc triển khai vẫn ì ạch. Những năm 1980, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Khải giải quyết trôi chảy chỉ mất vài tháng vì tôn trọng dân biết lắng nghe dân. Xin cám ơn các đại biểu đã chú ý lắng nghe (trích phát biểu của cử tri Nguyễn Hữu Châu 02/7/2024).

Ngọc Vương