Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
* Email: bbt.dongnama@gmail.com *Tòa soạn: 0989011688 - 0768908888
spot_img

Tòa Công lý Quốc tế tuyên bố việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ và khu định cư của Palestine là bất hợp pháp, phải rút ngay lập tức

ĐNA -

Theo Reuters, ngày 19/7/2024, chủ tọa Nawaf Salam đọc phán quyết của hội đồng thẩm phán gồm 15 thành viên của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) tuyên bố việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ và khu định cư của Palestine là bất hợp pháp, phải rút ngay lập tức. Đây là phán quyết mạnh mẽ nhất của ICJ về xung đột Israel – Palestine từ trước đến nay.

Hội đồng thẩm phán ICJ ra phán quyết tại The Hague, Hà Lan ngày 19/7. Ảnh: AFP

“Việc thiết lập, duy trì các khu định cư của Israel ở Bờ Tây và Đông Jerusalem, cùng các chính quyền liên quan, đã vi phạm luật pháp quốc tế”, phán quyết nêu rõ.

ICJ tuyên bố Israel có nghĩa vụ trả tiền bồi thường thiệt hại và “sơ tán toàn bộ người khỏi tất cả khu định cư hiện nay”. Tòa cũng yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ), Đại hội đồng LHQ và mọi quốc gia không công nhận Israel đang chiếm đóng một cách hợp pháp và không “cung cấp viện trợ hoặc hỗ trợ” để giúp Israel duy trì hiện diện ở các vùng lãnh thổ chiếm đóng.

Bộ Ngoại giao Israel bác ý kiến của ICJ, gọi đây là phán quyết “hoàn toàn sai” và mang tính một chiều, đồng thời nhắc lại quan điểm chỉ có thể đạt được giải pháp chính trị tại khu vực thông qua đàm phán. Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này “không thể tự chiếm đóng lãnh thổ của mình”.

Bộ Ngoại giao Palestine gọi đây là phán quyết “lịch sử” và kêu gọi cộng đồng quốc tế tuân thủ. “Không viện trợ hay hỗ trợ, không thông đồng, không tiền, vũ khí hoặc giao thương…, không thực hiện bất kỳ hành động nào ủng hộ sự chiếm đóng của Israel”, đặc phái viên Palestinian Riyad al-Maliki tuyên bố.

Mỹ, đồng minh số một của Israel, chưa đưa ra bình luận. Washington trước đó yêu cầu ICJ không ra phán quyết yêu cầu Tel Aviv rút quân vô điều kiện khỏi các vùng lãnh thổ Palestine, cũng như không đưa ra các quyết định có thể gây tổn hại đến giải pháp “hai nhà nước”.

Giải pháp hai nhà nước là ý tưởng thiết lập hai nhà nước có lãnh thổ tách biệt, trong đó một cho người Israel và một cho người Palestine.

ICJ, cơ quan tư pháp tối cao của Liên Hợp Quốc, là tòa án hàng đầu thế giới đứng ra giải quyết những khiếu nại pháp lý giữa các quốc gia về cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế. Phán quyết của ICJ mang tính ràng buộc, nhưng cơ quan này không có phương thức đảm bảo việc thực thi. Dù vậy, phán quyết của tòa vẫn có sức nặng và được cho là sẽ làm suy yếu ủng hộ dành cho Israel.

Trong chiến tranh Trung Đông năm 1967, Israel đã chiếm giữ Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza, những khu vực được coi là thuộc về Palestine. Israel sau đó xây dựng các khu định cư trên khắp Bờ Tây và không ngừng mở rộng chúng.

Israel cho rằng các vùng lãnh thổ này không bị chiếm đóng về mặt pháp lý do chúng là những khu vực tranh chấp, song LHQ và hầu hết cộng đồng quốc tế coi đây là các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Israel rút quân đội và khu định cư khỏi Gaza năm 2005 và Hamas kiểm soát khu vực này từ 2007.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (trái) ôm Phó đại sứ Palestine Bassam Elhussiny sau phán quyết của ICJ ngày 26/1. Ảnh: Sky

Nam Phi ăn mừng phán quyết của tòa LHQ với Israel
Tổng thống và các thành viên đảng cầm quyền Nam Phi reo hò, nhảy múa sau khi tòa LHQ yêu cầu Israel không gây ra diệt chủng tại Dải Gaza.

“Hôm nay, tội ác của Israel với người Palestines đã bị phơi bày trước cộng đồng quốc tế”, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ngày 26/1 cho hay. “Chúng tôi hy vọng Israel, quốc gia tự nhận là nền dân chủ và nhà nước thượng tôn pháp luật, sẽ tuân thủ các biện pháp trong phán quyết”.

Ông Ramaphosa và những người đứng đầu đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền đã reo hò, ca hát và nhảy múa sau khi thẩm phán đọc phán quyết. Nam Phi là quốc gia đã đệ đơn kiện Israel lên Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) của Liên Hợp Quốc với cáo buộc diệt chủng người Palestine ở Dải Gaza.
Ủy ban Điều hành Quốc gia của ANC đã tạm dừng cuộc họp để nghe phán quyết từ tòa án. Trong phán quyết ngày 26/1, ICJ yêu cầu Israel “thực hiện mọi biện pháp trong khả năng của mình để ngăn” các hành vi có thể vi phạm Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội diệt chủng của LHQ năm 1948. ICJ chưa xem xét liệu Israel có thực sự phạm tội diệt chủng tại Dải Gaza hay không, quá trình này dự kiến mất vài năm.
Nam Phi từ lâu ủng hộ mạnh mẽ người Palestine, và đảng ANC thường liên kết cuộc đấu tranh của người Palestines với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của chính họ.

“Tòa đã minh oan cho chúng tôi. Có người nói chúng tôi nên lo việc của mình, không can dự công việc nước khác. Những người khác nói chúng tôi không nên đệ đơn kiện. Thế nhưng, đó chính là việc chúng tôi nên làm. Chúng tôi hiểu rõ nỗi đau bị tước quyền, phân biệt đối xử và bạo lực”, ông Ramaphosa nói, đề cập cuộc sống dưới chế độ phân biệt chủng tộc trước đây ở Nam Phi.
Tại các thủ đô Cape Town và Pretoria, người dân tụ tập để xem phiên tòa được truyền hình trực tiếp. Khi thẩm phán công bố nội dung phán quyết, tiếng vỗ tay vang lên.

Tổng thống Ramaphosa hy vọng phán quyết không chỉ được thực thi, mà còn thúc đẩy nỗ lực ngoại giao mới nhằm chấm dứt giao tranh.

Đinh Hoàng Anh